Lá Nằm Trong Lá

Chương 15

- Ta tặng ngươi nè!

Chàng rụt rè đưa tay cầm lấy món quà bất ngờ và sung sướиɠ mân mê nó bắng mắt, xúc động đến quên cả cảm ơn.

- Ngươi biết đấy là chim gì không?

- Chim hạc, thưa công chúa!

- Đấy là loài chim may mắn. – Công chúa mỉm cười. Khi nào ngươi có đủ một ngàn con chim này, ngươi có thể ước một điều ước.

Công chúa tất nhiên là một cô gái xinh đẹp (hình như mọi công chúa đều xinh đẹp). Khi cô cười mặt cô tỏa sáng như có một mặt trời vừa đậu xuống vai cô, vì vậy nếu như ánh mắt chàng chăn ngựa đọng mãi trên gương mặt yêu kiều của cô mặc dù chàng biết như thế là bất nhã thì cũng không nên trách chàng (công chúa chắc nghĩ khác: chàng sẽ thật là bất nhã nếu không chịu nhìn cô như vậy!).

- Một ngàn con? – Chàng lặp lại, thì thầm như mơ ngủ.

- Ngươi đừng lo! – Công chúa nhìn chàng trai đang ngây ra trước mắt, giọng ấm áp. Mỗi ngày ta sẽ tặng ngươi một con. Một ngàn ngày sau, ngươi có thể ước bất cứ điều gì và điều đó sẽ trở thành sự thật.

Chàng trai chớp mắt, bồi hồi hỏi:

- Công chúa tự tay xếp con hạc này?

- Tất nhiên là tự ta xếp. Nếu muốn, mỗi ngày ta có thể gấp được một trăm con.

Công chúa vừa đáp vừa nghiêng đầu một cách duyên dáng khiến chàng trai càng không thể rời mắt khỏi cô. Chàng thấy trái tim mình rơi xuống chỗ nào đó và chàng buột miệng hỏi, bần thần và ngây ngô:

- Thế sao công chúa không…

Đang mấp máy môi, thấy gương mặt công chúa thoắt xịu xuống, câu hỏi lập tức tuột khỏi miệng chàng.

- Ngươi nghe này. Nếu mỗi ngày ta tặng ngươi một trăm con hạc giấy, ta với người chỉ gặp nhau có mười ngày thôi.

Công chúa nói giọng hờn dỗi và khi cô nói tiếp thì đến lượt cô quay mặt đi.

- Ngươi không thích gặp ta suốt ngàn ngày sao?

Bây giờ thì chàng chăn ngựa đã biết mình vụng về như thế nào. Chàng đứng trơ ra, biết mình có lỗi với công chúa nhưng vì quen sống cô độc chàng loay hoay mãi vẫn không chọn được từ ngữ nào thích hợp với tâm trạng của mình trong lúc này. Suốt một lúc lâu chàng cứ im lìm chôn chân trên cỏ, ngẩn ngơ nhìn đàn bướm sặc sỡ vờn quanh mái tóc mượt mà của công chúa, đến mức có cảm tưởng chàng đã đánh rơi tiếng nói ở chỗ nào đó trên đồng cỏ bao la.”

*

*      *

Văn sĩ Mã Phú có cái lối kết thúc từng kỳ truyện ở những chỗ khiến người đọc tức điên.

Tôi hỏi nó thì nó bảo nó không cố tình chọc giận bạn bè, rằng nó viết đến khi nào buồn ngủ thì nó ngưng, chẳng để ý truyện đã kéo dài đến đâu.

Tôi khịt mũi:

- Sao mày không viết ban ngày? Viết ban ngày thì đâu có buồn ngủ?

Tôi nhìn mái tóc cháy nắng của nó, lặp lại câu hỏi hôm trước:

- Ban ngày mày mải đi bắn chim, bắn ổi, bắn xoài trộm trong vườn nhà hàng xóm chứ gì?

- Đâu có!

Lợi đáp và nhe răng cười. Lợi ít khi cười nên nó cười mặt nó trông lạ hoắc lạ huơ.

Xí Muội chạy tới đúng vào lúc tôi định hoạnh họe thằng Lợi thêm vài câu:

- Truyện mới đâu, ông?

Vừa nói vừa chìa tay trước mặt Lợi, trông bộ tịch thì có vẻ như nó sẽ không rút tay lại cho đến chừng nào Lợi đưa truyện mới ra.

- Hôm nay không có. – Lợi bối rối đáp, nụ cười trên mặt nó như bị ai thình lình đánh cắp.

- Tôi gia hạn cho ông thêm một ngày nữa. Sáng mai phải có cho tôi đó. – Xí Muội nói như ra lệnh.

- Tôi phải ôn bài nữa chi. Sắp thi rồi.

Giọng Lợi nghe như năn nỉ nhưng Xí Muội chẳng buồn động lòng: - Tôi không biết. Ai bảo ông không dám nhận mình là Mã Phú. Tôi đóng vai Lê Lai cứu chúa, mấy hôm nay bị tụi bạn níu rách cả áo đây nè.

Xí Muội thõng tay xuống nhưng không vì vậy mà nó thôi ca cẩm: - Tụi nó còn bảo không viết kịp thì kể tụi nó nghe khúc sau cũng được. Híc, tôi biết gì mà kể!

Tâm hồn nhà văn thường mỏng manh, dễ động lòng trắc ẩn. Nghe Xí Muội vì mình mà lâm vào hoàn cảnh khó xử, Lợi không viện lý do thi cử để từ chối nữa. Nó ngồi thừ ra, nhăn nhó, trong khi con nhỏ Xí Muội tươi như hoa, biết rằng khi thằng Lợi mặt mày trông giống như khỉ ăn gừng có nghĩa là văn sĩ Mã Phú thật đã nhận lời với văn sĩ Mã Phú dỏm.

Khi Xí Muội than vãn với tôi và Lợi về nỗi đau khổ của người nổi tiếng vào buổi sáng hôm sau đó, nó không bao giờ ngờ (cả tôi và Lợi cũng thế) sự thể còn đi xa hơn nhiều so với những gì nó đã trải qua.

Bọn học trò nhiều đứa mê truyện của Mã Phú đến mức mượn cuốn sổ các-nê của bút nhóm Mặt Trời Khuya về, rồi sắm một cuốn tập để chép truyện Chàng chăn ngựa của nhà vua vào đó.

Tụi nó chép lại chỉ để buồn buồn lôi ra đọc, vì cuốn các-nê thì tụi nó không giữ lâu được.

Tụi nó đọc thì anh chị tụi nó cũng đọc, nếu đứa nào có cả anh lẫn chị.

Thị trấn quê tôi chưa mở cấp b nên đứa nào học xong lớp chín đều phải khăn gói ra thành phố. Thành phố có bốn trường cấp ba – hai trường công lập và hai trường tư thục.

Tùy theo học lực và điều kiện kinh tế, bọn học trò thị trấn rải đều cả bốn trường và vì thành phố chỉ cách thị trấn có sáu mươi cây số nên đám “du học sinh” này cứ đến chiều thứ bảy lại đón xe đò về thăm nhà, những đứa nhà giàu thì chạy honda.

Những ông anh bà chị về nhà, tình cờ vớ phải cuốn tập chép truyện của thằng em (thường thường là của con em), thế là chúi mũi vào đọc, lúc đầu đọc vì tò mò, về sau đâm mê tít. Mê đến mức hỏi mượn cuốn tập đem ra thành phố (không ượn thì đánh cắp), bảo là cầm theo đọc cho đỡ nhớ nhà.

Dĩ nhiên câu chuyện về chàng chăn ngựa chẳng có tác dụng gì trong việc xoa dịu nỗi nhớ nhà, nhưng các ông anh bà chị láu cá cứ bịa ra thế để đánh vào lòng trắc ẩn của lũ em khờ dại.

Kết quả: Cũng y như ở trường tôi, những cuốn tập kia được chuyền tay khắp các trường cấp ba trong thành phố và chẳng mấy chốc văn sĩ Mã Phú nổi tiếng như cồn.

Đó là kết quả.

Còn sau đây là hậu quả: Ngôi nhà vắng vẻ, tĩnh mịch của con nhỏ Xí Muội ở tuốt trên miệt Vinh Huy xa xôi hẻo lánh bây giờ không một cuối tuần nào yên.

Tụi học trò cấp ba về thăm nhà sáng chủ nhật nào cũng lũ lượt kéo nhau lên Vinh Huy để xem mặt nhà văn Mã Phú (chủ yếu là bọn con trai). Tụi này ngưỡng mộ Mã Phú một phần, phần khác (quan trọng hơn) là nghe đồn văn sĩ tuổi trẻ tài cao này là một cô gái xinh đẹp nghiêng thành đổ nước.

Nhìn xe cộ ra vô nườm nượp, Xí Muội không biết mình nên cười hay nên khóc.

Em nó bàng hoàng:

- Chị tài ghê! Bây giờ em mới biết chị là tác giả truyện này!

Mẹ nó thất kinh:

- Con không lo học, viết vẽ thứ gì mà người ta kéo tới chật nhà thế con?

Tất nhiên, người bất bình với hiện tượng này nhất là thi sĩ Hận Thế Nhân.

Nó từng tuyên bố nó không có tình cảm gì đặc biệt với Xí Muội, nhưng tới nhà Xí Muội chứng kiến cảnh bọn con trai cấp ba xúm xít quanh con nhỏ này, và sau những lời lẽ lịch sự ban đầu là những trêu ghẹo hay tán tỉnh ỡm ờ (như cuộc đời xưa nay vẫn lộn xộn như thế), đầu nó nóng ran như vùi trong bếp trấu.

Dĩ nhiên tôi rất thông cảm với tâm trạng của Sơn, tôi biết rõ nó đang nghĩ gì và trải qua cảm giác như thế nào vì tôi đã từng trải qua cảnh huống y hệt nó lúc bắt gặp đám con trai cấp ba ở nhà Thỏ Con hôm nọ.

Hoàn cảnh tôi và nó giống nhau đến mức phản ứng và những gì xảy ra sau đó cũng y như đúc ra từ một khuôn.

Không thèm ngồi nghe bọn con trai vớ vẩn tán những câu vớ vẩn, thằng Sơn kéo tôi, Hòa và Thọ ra ao cá sau hè ngồi chơi cho đỗ xốn mắt.

Một lát, Xí Muội chạy ra, nó hỏi y hệt Thỏ Con từng hỏi tôi:

- Sao mấy bạn ngồi đây?