Tôi là một ca sĩ nổi tiếng. Ai cũng biết điều đó. Nếu người nào không biết thì đó là lỗi tại họ. Tất nhiên là vậy rồi.
Vì là một ca sĩ nên giọng hát của tôi đích thị là số một. Và vì là nổi tiếng, nên thời trang ăn mặc của tôi cũng không thể là hạng nhì.
Nhưng nếu tôi có thể quả quyết với các bạn về điều thứ nhất thì ngược lại, tôi không dám đoan chắc lắm về điều thứ hai. Bởi, về cái mà người ta gọi là “à la mode”, tôi có một địch thủ đáng sợ: vợ tôi.
Tôi xin thành thực mà thú nhận rằng vợ tôi không đẹp lắm. Chính vì vậy mà vợ tôi rất coi trọng chuyện ăn mặc. Nếu có những người trời sinh ra đã đẹp sẵn vẫn muốn trang điểm cho đẹp hơn (như tôi chẳng hạn) thì tất nhiên những người nhan sắc trung bình cũng muốn bằng mọi cách nâng mình lên ngang tầm cái đẹp. Vốn là người giỏi tâm lý như vậy nên tôi không hề phản đối việc sắm sửa ăn vận của vợ tôi. Phải để cho cô ta tự nâng mình lên ngang tầm với chồng cô ta chứ!
Các cô gái thường hay nói: “Nhất mốt, nhì da, thứ ba là dáng”. Vợ tôi hình như tiêm nhiễm cái câu này khá nặng nên nhìn cô ta, tôi không thấy da và dáng đâu mà chỉ thấy toàn những dụng cụ lỉnh kỉnh treo quanh người.
Một bữa, vợ tôi xuất hiện trong nhà với cặp mắt kiếng to tổ bố trên mặt. Mặt cô ta thì nhỏ, ốm mà cái cặp kiếng khốn kiếp kia cứ như đôi găng quyền Anh nằm choán đến hai phần ba khuôn mặt và đè cái mũi muốn bẹp dí luôn.
Tất nhiên, chồng cô ta (tức là tôi) lên tiếng liền tại chỗ:
- Cặp kiếng lớn quá, không hợp với khuôn mặt em.
Vợ tôi “xì” một tiếng:
- Anh không biết gì hết! Kiếng này là kiểu mới nhất đó! Người ta đeo đầy đường, ra mà coi!
Tôi liền ra mà coi và thấy thiên hạ đều mang kiếng giống hệt vợ tôi, nam cũng như nữ.
(adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});
Hừ, một ca sĩ nổi tiếng như tôi chẳng lẽ lại lạc hậu so với mọi người sao! Một tuần sau, tôi tha về nhà một cặp kiếng y hệt như vậy, thậm chí đôi găng quyền Anh của tôi có phần còn lớn hơn đôi của vợ tôi nữa. Chồng mà, phải to ra hơn vợ chứ! Tôi đeo kiếng vào và đứng săm soi trước gương, vừa sửa tướng vừa chiêm ngưỡng dung nhan mình. Ðúng lúc đó thì vợ tôi vào. Tôi hí hửng tính khoe cặp kiếng mới của mình thì đột nhiên tôi lạnh cả xương sống khi phát hiện ra vợ tôi không còn mang đôi găng quyền Anh nữa mà thay vào đó là một đôi kiếng nhỏ gọng sắt, mặt kiếng tròn như hai đồng xu. Tôi chưa kịp lên tiếng thì vợ tôi đã nheo mắt, hừ giọng:
- Thiệt tôi chưa thấy ai quê như anh! Bây giờ người ta đã đổi mốt rồi mà anh lại đi mua cặp mắt kiếng đó về đeo!
Tôi bàng hoàng, ú ớ: - Chẳng lẽ bây giờ thiên hạ lại mang kiếng kiểu Sêkhốp của cái thời cố hỷ lai hy...
Vợ tôi nhún vai khi dể:
- Bộ anh không biết câu “Cái mới chính là cái cũ tốt đẹp bị lãng quên” sao? Không tin thì ra đường mà coi! Tôi lại ra đường mà coi và lại tha về nhà một cặp kiếng Sêkhốp, mặc dù khi đeo lên trông tôi cũng chẳng ra vẻ nhà văn một chút nào mà trái lại, trông nó kỳ kỳ làm sao ấy. Nhưng mặc, thiên hạ đeo thiếu gì. Tôi xuất hiện thường xuyên trên sân khấu mà không có nổi một cái món thời trang như thế thì trông chả ra làm sao.
Thế là tôi cứ lấy vợ tôi mà làm chuẩn mực để điều chỉnh các thứ đeo móc trên người. Vợ tôi thì lấy thiên hạ làm thước đo còn thiên hạ dựa theo sách vở nào thì quả thực tôi không tài nào đoán ra. Nhưng mặc thiên hạ, tôi chỉ cần vợ tôi là được rồi. Cô ta là cái “thời trang biểu” đáng tin cậy vào loại bậc nhất.
Hết kiếng tới áo. Hết áo tới quần. Rồi giày dép, mũ nón, túi xách, cà vạt... Theo tín hiệu phát ra từ vợ tôi, tôi nhắm mắt nhắm mũi thay đổi xoành xoạch cách phục sức của mình. Còn những tờ giấy bạc khi đếm trả cho các chủ hiệu thì nó không kêu “xoành xoạch” mà kêu “soàn soạt”, nghe bắt nhói tim!
Mới đây, tôi vừa cãi nhau với vợ tôi một trận. Số là cô ta đem những cáo áo đẹp nhất của mình tới hiệu may kêu khoét một đường dài ngay sống lưng rồi vá vào đó một miếng vải trắng. Cái áo nào cũng vậy, tự nhiên có một vệt trắng dài chạy dọc giữa lưng, ngó bắt ngứa con mắt.
Trước tình trạng đó, tôi không thể nào hùa theo được:
- Em có điên không? Em làm cái trò gì kỳ cục vậy? Em có biết bao nhiêu tiền một cái áo không mà em đem ra phá tanh banh hết như vậy? Trời ơi là trời!
- Trời ơi là trời! - Vợ tôi kêu lên, cô ta la trời còn lớn hơn tôi - Anh có điên không? Vậy mà cũng là ca sĩ! Anh ra đường coi, bây giờ ai cũng mặc áo kiểu này hết mà anh thì ở đó la lối như một tên nhà quê!
Tôi giận tím mặt. Không phải giận vợ mà giận cái lạc hậu của mình. Thằng này mà là nhà quê! Tôi lầm bầm trong miệng và sau khi đi nghiên cứu sống lưng thiên hạ, tôi vội vã khoét tất cả những cái áo đẹp nhất của mình, và đắp vào đó mảnh vải lạc lõng nhưng vinh quang của mốt.
Ðời sống của vợ chồng tôi có lẽ sẽ xoay quanh hoài hai chữ “xoành xoạch” và “soàn soạt” như vậy nếu không có một hôm bạn tôi tới chơi.
Anh ta là phóng viên của một tuần báo phụ nữ. Hiện nay anh đang viết một thiên phóng sự điều tra xã hội về thời trang, do đó, anh ta đến gặp tôi như là gặp một đại biểu trẻ tuổi trong giới nghệ sĩ để trao đổi về đề tài này.
Tất nhiên trước nhà báo tôi phát biểu rất đúng mực và dè dặt, đồng thời giấu biến mọi chuyện trong nhà. Do đó, chúng tôi dễ dàng đi đến thống nhất với nhau là phải lành mạnh trong ăn mặc, mốt không có nghĩa là thái quá, là kệch cỡm lố lăng mà phải phù hợp với điều kiện xã hội, kinh tế và phải phù hợp với vóc dáng của mỗi người.
Tôi vừa nói chuyện vừa hi vọng là vợ tôi chiều nay về muộn. May quá, bạn tôi đã đứng lên. Anh ta đang nói những lời cuối cùng:
- Pi-e Các-đanh, nhà tạo mốt số một của thế giới, từng nói: “Mốt không phải bỗng nhiên xuất hiện mà nó dựa vào những nhu cầu của xã hội. Những người tạo mốt chỉ là những người thể hiện những nhu cầu ấy và biến chúng thành các kiểu mẫu của mình”.
Tôi gật gù:
- Trời, câu nói chí lý!
- Vậy mà, anh có biết không, có những người chạy theo mốt một cách mù quáng. Họ chuộng những cái lạ mà không cần biết nó xuất xứ từ đâu và chả nhằm đáp ứng một nhu cầu nào cả. Mới đây, có cái mốt xẻ áo đằng sau lưng, anh có biết không?
- Biết chứ.
- Anh có biết tại sao có cái mốt đó không? Sau khi điều tra kỹ thì tôi mới biết là nguồn gốc là như thế này. Có một tay ca sĩ không biết vì sao mà để rách áo trước khi ra diễn ngoài sân khấu. Áo rách phía sau lưng, không ai phát hiện, kể cả tay ca sĩ kia. Khi anh ta diễn, khán giả thấy mảnh áo may ô trắng lòi ra chỗ rách của áo xanh bên ngoài. Vì anh ca sĩ kia rất nổi tiếng, một số thanh niên trông gà hoá cuốc, tưởng anh ca sĩ này lăng-xê mốt mới. Thế là, tự nhiên có một kiểu mốt kỳ quặc xuất hiện, lan ra. Và cũng không thiếu gì người nhắm mắt chạy theo. Anh nghĩ có tức cười không?
- Ðúng là điên hết cả lũ! - Tôi hùng hổ - Anh là nhà báo, anh phải làm thế nào đả phá những cái vụ ngu ngốc này đi!
Thấy tôi phẫn nộ và lo lắng cho nếp sống mới một cách nhiệt tình, anh bạn sung sướиɠ bắt tay tôi thật chặt trước khi ra về. Còn tôi thì hú vía, vì hôm nay tôi mặc một cái áo cũ trong khi những áo mới, cái nào cũng bị xẻ lưng.
Nhưng may nhất là anh bạn nhà báo không biết tôi chính là tay ca sĩ bị rách áo bất ngờ do kẽm gai nơi cổng vào của một tụ điểm ca nhạc móc phải và rồi cũng chính tôi là người, cùng với vợ, khoét một cách điên rồ những cái lưng áo của mình để được tiếng văn minh. Nhưng cũng có thể anh ta đã rõ cả mọi chuyện mà giả vờ giả vịt. Biết đâu đó chẳng là mốt của mấy cha nhà báo!
-1983-