Bàn Có Năm Chỗ Ngồi

Chương 18

Nói sao làm vậy, trong buổi học toán tiếp theo, Bảy không cho tôi rời khỏi bàn nửa bước. Khi làm "thầy", tôi oai bao nhiêu thì khi làm "thầy" Bảy cũng oai bấy nhiêu. Nó vốn là đứa dễ tính, hay nể chiều bạn bè, vậy mà khi kèm toán, nó trở nên cứng rắn không chịu được. Bảy không có thói hò hét, quát tháo như tôi, nhưng không vì vậy mà nó dễ dàng để tôi chuồn khỏi buổi học lần thứ hai. Tất cả mọi thứ bệnh hoạn mà loài người mắc phải từ khi có mặt trên trái đất, tôi đã đều đem ra "vận dụng" nhưng Bảy không xiêu lòng một mảy may. Nó nhếch mép:

- Mày chỉ có mỗi một bệnh là bệnh làm biếng thôi!

Ngay cả ngón đòn "ruột" của tôi cũng không đánh quỵ được Bảy. Mỗi khi nghe tôi gạ:

- Để tao chạy về nhà lấy cuốn truyện vụ án ày mượn.

Nếu như hồi trước, làm gì có cái chuyện "để mai" này. Hễ nghe tôi có cuốn truyện vụ án mới nào là Bảy nằng nạc đòi mượn ngay tức khắc, dù lúc đó đang ở đâu và làm gì. Nó làm như để lâu cuốn sách sẽ lên men và hết hay đi vậy. Nhưng gần đây, kể từ hồi học nhóm tới giờ, với sự kèm cặp và chế giễu của tôi, nó đã bớt mê loại chuyện ly kỳ, hồi hộp. Nó đã chịu đọc những quyển "Người mẹ cầm súng", "Hòn Đất", "Tắt đèn", "Đất nước đứng lên" v.v... là những cuốn mà trước đây có cho kẹo nó cũng không rớ tới lấy một trang. Không những vậy, Bảy còn tự động trích văn vô sổ tay văn học chứ không thèm chép nguyên xi từ cuốn sổ của tôi như hồi mới đầu nữa.

Tôi hỏi nó:

- Cuốn "Người mẹ cầm súng" hay không mày ?

- Hay chớ.

- Thiệt không ?

- Thiệt! Năm ngoái học một đoạn, không thấy hay. Bây giờ, đọc nguyên cuốn mới thấy "đã".

Tao khoái mẹ con chị Út Tịch.

Tôi nheo mắt:

- Hay hơn cuốn "Vụ án lúc 0 giờ" không?

Nó ngần ngừ:

- À ... mỗi cuốn hay mỗi kiểu.

Tôi không mong nó trả lời "Hay hơn". Nó nhận xét như vậy cũng là tiến bộ lắm rồi. Nhưng chính sự tiến bộ đó hiện giờ làm tôi khổ. Nó nhất định không cho tôi chạy về nhà.

Tôi ngồi học cứ như chịu cực hình, thiệt chẳng bì với thằng Quang. Nhà Bảy mà tôi có cảm tưởng như nhà tù, thời gian dài dằng dặc. Chỉ thỉnh thoảng em nó khóc nhè, Bảy rời bàn học chạy lại dỗ dành, tôi mới thấy dễ thở đôi chút. Nhưng bực một cái là em nó ít khóc quá, thiệt bậy! Con nít phải khóc nhiều mới nở phổi! Tôi nhớ ai đó đã từng nói như vậy.

Bữa nay, Bảy giảng về hình tam giác. Tôi cứ lẫn lộn hoài trung tuyến với trung trực khiến

Bảy nhăn nhó:

- Dễ ợt vậy mà quên hoài!

Bảy kêu dễ mà sao tôi chẳng thấy dễ chút nào. Nhưng cái đó chưa kinh. Khi học tới trường hợp hai tam giác bằng nhau, đầu óc tôi mới thật sự rối tung. Nó giảng đã đời rồi vẽ hai tam giác, cho góc này bằng góc kia, cạnh kia bằng cạnh nọ, xong hỏi tôi:

- Hai tam giác này bằng nhau không?

- Bằng nhau.

- Bằng đâu mà bằng! Có một góc với một cạnh bằng nhau thì hai tam giác không bằng nhau

được.

Nó lại vẽ hai tam giác khác:

- Bây giờ hai tam giác này bằng nhau không?

Lần này tôi thấy có thêm một góc bằng nhau, liền hí hửng:

- Bằng chớ.

- Bằng là mày bằng đó! Ngồi không chịu nghe gì hết!

Tôi trố mắt:

- Sao lạ vậy ? Bây giờ có tới hai góc và một cạnh bằng nhau kia mà ?

Bảy lại nhăn mặt:

- Nhưng mà cạnh đó phải nằm giữa hai góc kia! Ở đây nó nằm lọt tuốt ra ngoài, đâu có bằng được!

Bảy giảng lại lần nữa. Tôi căng óc cố nhớ. Trường hợp thứ nhất, hai tam giác bằng nhau khi có một góc bằng nhau nằm giữa hai cạnh bằng nhau. Trường hợp thứ hai, một cạnh bằng nhau nằm giữa hai góc bằng nhau. Thứ ba, ba cạnh đều bằng nhau. Tôi nhẩm trong miệng một hồi, góc cạnh nằm lộn xộn hết ráo.

Nghe tôi đọc "hai góc cạnh nhau nằm giữa một cạnh bằng nhau", Bảy đưa tay bịt hai lỗ tai:

- Thôi thôi, đừng đọc nữa! Mày đọc một hồi chắc tao phát điên mất!

Tôi thở dài:

- Nhưng mà tao phát điên trước mày! Toán với tiếc gì mà rối rắm!

Thấy tôi thê thảm quá, Bảy động viên:

- Thôi, ráng lên! Thằng Quang đã thuộc rồi đó!

Để giúp tôi, Bảy ghi tắt các công thức bằng ký hiệu. C.g.c tức là một góc bằng nhau nằm giữa hai cạnh bằng nhau. Tương tự như vậy, hai trường hợp kia là g.c.g và c.c.c.Từ khi những câu nói rắc rối, khó nhớ kia được chuyển thành ký hiệu, tôi thấy dễ học hơn. Nhưng để cho nhớ dễ hơn nữa, tôi "chế biến" các ký hiệu cứng đơ thành một ngôn ngữ sống động, đầy hình ảnh. Tôi đọc c.g.c. thành con gà con, g.c.g. thành gà con gáy và c.c.c. là cúc cu cu. Tất nhiên là sau khi bầy gà xuất hiện, tôi thuộc nhão như cháo.

Thoạt đầu, nghe tôi trả lời, Bảy tặc lưỡi chán ngán:

- Học không lo, cứ lo giỡn!

Nhưng sau khi nghe tôi trình bày "phát minh", Bảy phục sát đất, và đồng ý cho tôi đưa gà vô toán học. Thằng Quang đã học thuộc lòng trường hợp bằng nhau của các tam giác rồi, vậy mà nó cứ đòi học thêm "công thức gà" của tôi. Điều đó khiến tôi khoái chí vô cùng. Thằng Quang xin học thêm công thức của tôi thì Bảy sẵn lòng nhưng hễ nó mở miệng "Tụi mày có biết không, ở Nam Mỹ có một giống gà..." thì Bảy cắt cụp liền.

Thế là từ đó về sau, hễ thấy cái gì có thể "chế biến" ra "ngôn ngữ văn học" là tôi chế liền và do vậy tôi đỡ "oán" môn toán hơn.

Một bữa, Đại rủ nhỏ Hiền tới thăm nhóm tôi. Gọi là thăm chứ thiệt ra tôi biết "cậu ông trời" đi kiểm tra coi tôi học toán ra sao mà ở lớp cứ ì ạch như trâu kéo cày.

Cuộc đối đáp giữa Bảy và tôi khiến Đại và Hiền sửng sốt.

- Những trường hợp bằng nhau của hai tam giác? - Bảy hỏi.

- Con gà con và gà con gáy.

- Gì nữa ?

- Cúc cu cu.

- Còn trường hợp tam giác đồng dạng?

- Gà gô gáy.

Gà gô gáy tức là có ba góc bằng nhau. Trường hợp tam giác đồng dạng là Bảy giảng thêm cho tôi với Quang khi tôi cứ khăng khăng cứ hễ hai tam giác có ba góc bằng nhau thì dứt khoát chúng phải bằng nhau.

Trong khi nhỏ Hiền che miệng cười khúc khích thì Đại nghiêm mặt, trách:

- Tụi mày học hành cà rỡn như vầy hèn gì thằng Huy cứ lẹt đẹt sau lưng thiên hạ hoài!

Tôi giả bộ im lặng, cố tình chọc cho "cậu ông trời" lên giọng góp ý, phê bình lâu lâu chút chơi nhưng Bảy không nhịn được cười trước bộ mặt thất vọng của Đại, nó cười phá lên và kể ra "công thức gà" của tôi.

Nghe xong, Đại phì cười. Còn nhỏ Hiền thì reo lên:

- Hay quá hén! Huy đọc lại một lần nữa cho Hiền nghe đi!

Hết "coi đi" tới "nghe đi", cô bạn này làm tôi mát cả ruột gan.

Nhưng dù sao đi nữa, đối với tôi toán vẫn là một môn khó nuốt. Không phải định lý nào, công thức nào cũng có thể biến thành gà vịt được. Đó là chưa kể đến môn đại số quái quỷ, vốn không dành cho những người cẩu thả như tôi. Chính vì vậy, học gần hết học kỳ một mà trình độ toán của tôi chẳng tiến bộ được bao nhiêu, dù Bảy kèm rất tận tình.

Mới đó đã gần bốn tháng. Vườn bạch đàn của chúng tôi bây giờ đã tươi tốt, xanh um, có cây cao tới hai mét. Các vườn cây láng giềng của các lớp tám, lớp chín khác cũng vậy. Mới ngày nào đây, khu vườn còn là một miếng đất hoang đầy cỏ rác vậy mà thoáng một cái, mặt đất đã phủ đầy màu xanh và bóng mát. Mỗi buổi sáng, ngồi trong lớp học nhìn ra những ngọn cây bạch đàn nhú bên ngoài cửa sổ, lòng chúng tôi thấy vui lạ lùng.

Trong giờ sinh hoạt lớp, sau khi thằng Hùng hớn hở báo về kết quả cây trồng, thầy Dân không tiếc lời khen gợi chúng tôi, đặc biệt là tổ năm, bởi vì hàng cây tổ năm lớn đều nhất và được rào chắn kỹ lưỡng nhất. Mấy đứa trong tổ tôi phấn khởi ra mặt, nhất là thằng Đại. Nó nhìn tụi tôi cười cười như để chia sẻ niềm vui trong lòng nó. Riêng tôi, tôi chỉ vui vừa phải bởi vì ngẫm nghĩ kỹ tôi thấy mình chẳng xuất sắc gì trong việc chăm sóc cây của tổ.