Cô Gái Đến Từ Hôm Qua

Chương 14

Hải gầy đặt tay lên vai tôi:

- Đừng nản chí, mày chỉ cần ráng thêm chừng mười ngày nữa thôi. Lúc đó, chắc chắn Việt An sẽ tìm gặp mày. Tao đã tính toán đâu vào đó rồi!

Nhưng lúc này, tôi không thèm quan tâm đến sự tính toán của nó. Tôi nhớ Việt An quá chừng và tôi không tin mười ngày nữa Việt An sẽ đến tìm tôi, "người có bộ mặt không biết cười". Dường như từ ngày tôi lờ nó, nó cũng lờ luôn tôi. Hồng Hoa sau lần trò chuyện nọ cũng chẳng thấy hỏi thăm tôi thêm một lần nào nữa.

Tôi đã bắt đầu nghi ngờ cái phương châm "trốn tình, tình theo" đầy hứa hẹn kia. Tôi có cảm giác nếu như tôi tiếp tục "trốn tình" đến già, tình cũng chẳng thèm theo tôi lấy một bước.

Nghĩ lợi nghĩ hại một hồi, tôi quyết định thà "theo tình, tình trốn" còn hơn "trốn tình mà tình không theo". Mình theo nó tò tò, nó có trốn, mình cũng còn biết đường mà... theo tiếp, chứ mình trốn nó, nó chơi ác nó trốn lại mình, lúc đó mình hối hận quay lại thì đã muộn.

Định bụng như vậy, hôm sau vô lớp, tôi chẳng màng đóng vai người hùng mặt lạnh nữa. Chốc chốc tôi lại nghiêng đầu liếc sang chỗ Việt An. Lâu nay bắt chước Tam Tạng đóng vai chân tu khổ hạnh, thấy con gái không thèm liếc ngang liếc dọc, bây giờ nhìn trộm Việt An mấy cái, tim tôi đập thình thịch. Ác một nỗi, Việt An chẳng hề nhìn lại tôi lấy một lần. Mặt nó lạnh như tiền, còn lạnh gấp mấy tôi.

Để "cứu một bàn thua trông thấy", trưa đó tôi đạp xe chạy lòng vòng ghé mấy hiệu sách. Tôi biết Việt An rất thích đọc sách, nhất là sách của Aimatov. Tôi rảo tới rảo lui một hồi và cuối cùng khi thấy cuốn "Một ngày dài hơn thế kỷ", tôi chộp liền.

Ra khỏi hiệu sách, tôi chạy như bay tới nhà Việt An.

- Anh đi đâu đó? - Thấy tôi đột ngột xuất hiện, Việt An tỏ vẻ ngạc nhiên.

Tôi đáp, vọng không được tự nhiên lắm:

- Có cuốn sách hay, tôi đem đến cho Việt An đọc.

Nhìn cuốn sách dày cộm trên tay tôi, Việt An hỏi:

- Anh đọc chưa mà biết hay?

Tôi đỏ mặt:

- Chưa.

- Chưa mà biết hay!

Tôi đứng chết trân như bị Tôn Hành Giả làm phép định thân. Thấy vậy, Việt An mỉm cười độ lượng:

- Cuốn gì vậy?

Như được giải phép, tôi vội vã chìa cuốn sách ra:

- "Một ngày dài hơn thế kỷ". Cũng của Avimatov.

Tôi nhấn mạnh chữ Avimatov bằng một giọng hí hửng.

Không để ý đến vẻ "nịnh thần" của tôi, Việt An nheo mắt:

- Như vậy anh không thèm nói chuyện với tôi mấy thế kỷ rồi?

Tôi thóp bụng lại như tránh một mũi kiếm vô hình, miệng lắp bắp:

- Đâu phải là... không thèm! Tại tôi bận.

Việt An nhìn tôi với vẻ thiếu tin tưởng. Nó nói thẳng:

- Tôi biết anh nói dối.

Ánh mắt của nó khiến tôi đâm mất bình tĩnh. Tôi ấp úng:

- Tại tôi bắt chước người Pháp.

Việt An trố mắt:

- Bắt chước người Pháp là sao?

Suýt một chút nữa là tôi buột miệng khai huỵch toẹt cái "chiến dịch băng giá" của quân sư Hải gầy, cả cái phương châm "suit lamour, lamour fuit, fuit lamour, lamour suit" phản chủ kia. May sao, đến phút chót tôi định thần lại kịp và nói trớ đi:

- Người Pháp họ hay bận lắm!

Việt An phì cười:

- Tưởng sao! Bận mà cũng bắt chước! Anh thật là lãng xẹt!

Chẳng thà để nó chê tôi "lãng xẹt" còn hơn để nó biết kế hoạch "ám muội" của tôi. Nghĩ vậy, tôi nhe răng cười theo.

Sáng hôm sau, thấy Việt An đứng nói chuyện với tôi trong giờ chơi, Hải gầy lên giọng hách dịch:

- Mày thấy chưa?

- Thấy gì?

- Còn hỏi nữa! Thấy kết quả của phương pháp "lạnh lùng" chứ thấy gì!

Tôi chưa kịp đáp, nó đã cười hà hà:

- Tao đã nói ngay từ đầu mà! Theo tình thì tình trốn, trốn tình thì tình theo, thế giới đã tổng kết rồi!

- Nhưng...

Hải gầy phẩy tay:

- Còn nhưng nhị gì nữa! Bữa nay Việt An đã phải tới tìm mày trò chuyện chứng tỏ là...

Tôi nhăn nhó:

- Chứng tỏ cái khỉ mốc! Sở dĩ bữa nay nó chịu nói chuyện với tao bởi vì hôm qua tao đến nhà nó.

Hải gầy vò đầu:

- Trời ơi, thế này thì hỏng bét!

Sau khi la trời, nó nhìn tôi bằng ánh mắt như muốn ăn tươi nuốt sống kẻ đối diện:

- Mày mò tới nhà nó chi vậy?

- Tao đầu hàng! - Tôi đành thú thật.

Hải gầy lắc đầu và thở một hơi dài thườn thượt hệt như Dindenault đang tuyệt vọng nhìn đàn cừu của mình lao đầu vào chỗ chết.

Còn Việt An chính là thủ phạm Panurge lừng danh.

Sáng hôm sau, tôi vừa ló mặt vô lớp, Lợi sứt đã hỏi:

- Hai viên mực đâu?

Tôi xòe tay:

- Không có.

- Sao vậy?

Tôi giải thích:

- Tao không chấm mực của mày nữa.

Lợi sứt lừ mắt:

- Không chấm nữa mày cũng phải trả hai viên mực cho tao. Hôm qua mày đã chấm rồi.

Tôi "xì" một tiếng:

- Chấm có chút xíu mà cũng đòi.

Lợi sứt nhất định không chịu nhượng bộ:

- Chấm chút xíu cũng hao mực vậy!

Tiểu Li đứng cạnh chen vô:

- Đồ "trùm sò"!

Lợi sứt đỏ mặt:

- Tao "trùm" kệ tao! Đồ... đồ lẻo mép!

Mặc dù nổi nóng nhưng thấy Tiểu Li bênh tôi, Lợi sứt cũng chịu "xuống nước". Nó quay sang tôi:

- Thôi, mày trả tao một viên cũng được!

Tôi mím môi:

- Tao không trả.

Lập tức Lợi sứt xông vào túm áo tôi:

- Mày định quỵt tao phải không?

- Ồ... à... muốn chơi nhau hả?

Vừa nói, tôi vừa ném cặp xách lên bàn và xắn tay áo lên.

Thấy tôi và Lợi sứt chuẩn bị đánh nhau, Tiểu Li hoảng hồn. Nó xô tôi ra, miệng năn nỉ:

- Đừng, đừng, anh đừng đánh nhau! Em sợ lắm! Để ngày mai em đem viên mực trả cho nó.

Tôi xẳng giọng:

- Không có trả gì hết! Để coi nó làm gì được tao! Mày dang ra đi!

Nhưng mặc cho tôi hét, Tiểu Li không chịu buông. Nó nắm chặt hai cánh tay tôi.

Đang hăng máu, tôi gạt mạnh Tiểu Li ra.

Cái hất tay thô bạo của tôi khiến Tiểu Li té chổng gọng. Trước khi nằm thẳng cẳng dưới đất, trán nó đã kịp đập vô cạnh bàn, máu chảy tèm lem.

Trước "án mạng" bất ngờ đó, tôi và Lợi sứt xanh mét mặt mày. Hai đứa quên cả đánh nhau, cùng nhảy bổ lại đỡ Tiểu Li dậy.

Tôi lấy tay chùi máu trên trán Tiểu Li, miệng lắp bắp:

- Mày... mày có thấy đau không?

Mặt Tiểu Li còn lộ vẻ bàng hoàng. Dường như nó chưa kịp hiểu chuyện gì đã xảy ra. Nó đáp:

- Đau sơ sơ.

Tôi lại hỏi, giọng lo âu:

- Mày thấy trong người... có sao không?

Tôi cứ sợ nó chết bất tử. Tiểu Li lắc đâu:

- Em chẳng thấy sao hết!

Bất thần nó đưa tay lên sờ trán. Thấy máu dính trên các ngón tay, Tiểu Li hốt hoảng:

- Chết rồi! Bể đầu em rồi!

Và nó sợ hãi òa khóc.

Tôi vội vàng nói:

- Không phải bể đầu đâu! Chỉ trầy da chút xíu!

Tiểu Li mếu máo:

- Trầy da mà máu chảy nhiều chừng này?

Lúc này tụi bạn trong lớp, kể cả mấy đứa lớp khác, đã xúm đen xúm đỏ chung quanh.

Một đứa nói:

- Chết thằng Thư rồi! Nó đánh con Tiểu Li bể "gáo dừa" rồi!

Tôi khịt mũi ngồi im. Gặp lúc khác, tôi đã ngoác mồm ra cãi. Tôi có đánh Tiểu Li hồi nào đâu.

Tụi bạn tiếp tục bàn tán. Một giọng độc địa vang lên:

- Nó sẽ bị đuổi học.

Có tiếng cãi:

- Không có đuổi học đâu! Nó chỉ bị gọi lên phòng Ban giám hiệu thôi!

Bỏ ngoài tai những tiếng xì xào, tôi và Lợi sứt nâng Tiểu Li đứng dậy.