"Đúng thật," tôi nói, nhấm nháp cà-phê.
Cảnh tượng nhà ăn vẫn hệt như hôm trước: cũng không khí ấy, những giọng nói ấy, những bộ mặt ấy. Chỉ có mỗi thực đơn là khác. Ông hói mặc quần áo trắng hôm trước đã nói về dịch vị trong trạng thái mất trọng lượng sang ngồi với chúng tôi và nói rất lâu về mối liên hệ giữa kích thước não bộ và trí thông minh. Trong khi ăn món bánh đậu tương, chúng tôi nghe đủ hết về khối lượng óc của Bismarck và Napoleon. Ông ta đẩy đĩa thức ăn sang một bên rồi dùng bút bi và giấy vở phác hoạ các bộ não. Cứ bắt đầu vẽ ông ta lại tuyên bố "Không, vẫn không phải thế này!" rồi lại bỏ đi vẽ lại cái khác. Cứ thế rất nhiều lần. Khi đã vẽ xong, ông cẩn thận cho chỗ giấy vở còn lại vào túi dưới của chiếc áo khoác, đút cái bút vào túi ngực, nơi ông để tất cả là ba cái bút mực, một mớ bút chì và một cái thước kẻ. Xong bữa, ông nhắc lại điều đã nói với tôi hôm trước, "Mùa đông ở đây mới thật là hay. Nhất định cậu phải quay lại đây vào mùa đông đấy?" rồi ra khỏi nhà ăn.
"Ông ấy là bác sĩ hay bệnh nhân?" Tôi hỏi Reiko.
"Cậu thử đoán xem?"
"Tôi không thể biết được. Nhưng gì thì gì, ông ta có vẻ chẳng bình thường tí nào."
"Ông ấy là bác sĩ," Naoko nói. "Bác sĩ Miyata."
"Đúng thế," Reiko nói, "nhưng tôi dám cuộc ông ta là người điên nhất ở đây. Ông Omura, người thường trực ấy cũng điên chẳng kém," Naoko nói.
"Đúng thế," Reiko nói, vừa gạt đầu vừa chọc chọc dĩa vào mấy miếng súp-lơ xanh của mình. "Ông ta tập những bài thể dục buổi sáng rất hoang dại, gào thét nhưng thứ vô nghĩa đến rách phổi. Và Naoko này, trước khi em đến đây, đã có cô Kinoshita làm trong văn phòng định tự tử. Còn năm ngoái thì họ phải thải một anh hộ lý tên là Tokushima vì mắc tật nghiện rượu khủng khϊếp."
"Nghe như bệnh nhân và cán bộ nên đổi chỗ cho nhau," tôi nói.
"Đúng thế," Reiko nói, hua hua cái dĩa lên không khí. "Cuối cùng thì cậu cũng bắt đầu thấy mọi thứ ở đây vận hành như thế nào."
"Có lẽ vậy."
"Cái làm cho chúng tôi bình thường nhất," Reiko nói, "Là biết rằng mình không bình thường."
Trở lại phòng, Naoko với tôi chơi bài còn Reiko tập chơi Bach bằng ghi-ta.
"Mai cậu đi lúc mấy giờ?" Reiko hỏi tôi lúc chị ngừng tập và châm thuốc hút.
"Ngay sau khi ăn sáng," tôi nói. "Xe buýt đến lúc chín giờ. Đi chuyến ấy mới kịp về đi làm tối mai."
"Chán nhỉ. Cậu ở lại thêm được thì hay quá."
"Nếu ở lâu thì có lẽ tôi sẽ sống luôn ở đây mất," tôi cười.
"Có thể lắm," Reiko nói. Rồi quay sang Naoko, chị bảo "Mà này, tôi phải đi lấy ít nho ở chỗ Oka. Quên bẵng mất chuyện ấy!"
"Chị muốn em đi cùng không? Naoko hỏi.
"Thế chị muốn mượn em chàng trai trẻ Watanabe này thì sao nào?"
"Tốt thôi," Naoko nói.
"Tốt. Hai chúng mình lại làm một chuyến đi đêm nữa nào," Reiko nói, cầm lấy tay tôi. "Hôm qua mình đã gần đến đích rồi. Đêm nay mình sẽ đến tận nơi."
"Tốt thôi," Naoko khúc khích. "Hai người muốn làm gì thì làm."
Không khí ban đêm mát lạnh. Reiko mặc một áo len cài khuy màu xanh nhạt ra ngoài sơ-mi, hai tay đút túi quần bò. Ngẩng nhìn trời, chị hít hít ngửi ngửi như chó đánh hơi. "Có mùi sắp mưa," chị nói. Tôi cũng cố ngửi nhưng chẳng thấy gì hết. Nhưng đúng là trời đang rất nhiều mây, che lấp cả trăng.
"Ở đây lâu cậu cũng có thể ngửi không khí để đoán thời tiết được," Reiko nói.
Chúng tôi vào khu nhà cán bộ ở trong rừng. Reiko bảo tôi chờ một phút, rồi bước đến cửa trước một căn nhà và bấm chuông. Một người đàn bà ra mở cửa - rõ ràng là bà chủ nhà - rồi đứng đó nắc nẻ chuyện trò với Reiko. Sau đó bà ta quay vào nhà rồi mang ra một túi nilông bự. Reiko cám ơn, chúc bà chủ ngủ ngon rồi quay lại chỗ tôi đang đợi.
"Xem này," chị nói, mở cái túi.
Bên trong là một chùm nho khổng lồ.
"Cậu thích ăn nho không?"
"Rất thích."
Chị ngắt hẳn một túm đưa cho tôi. Ăn luôn đi không sao đâu. Rửa sạch cả rồi."
Chúng tôi vừa đi vừa ăn nho, nhỏ hạt và vỏ xuống đất. Nho rất tươi ngon.
"Thỉnh thoảng tôi dạy đàn cho con trai họ, và họ cứ biếu xén thế. Rượu vang bọn mình uống cũng là của họ cho đấy. Đôi khi tôi cũng nhờ họ mua hộ thứ này thứ kia ở trong phố."
"Tôi muốn được nghe nốt câu chuyện chị đang kể hôm qua," tôi nói.
"Được thôi," Reiko nói. "Nhưng nếu mình cứ về muộn thế này thì Naoko sẽ nghi ngờ mất."
"Tôi sẵn sàng chịu cái rủi ro ấy."
"Thế thì ôkê. Nhưng tôi muốn vào chỗ nào có mái che. Đêm nay hơi lạnh."
Khi đến gần sân bóng quần thì chị rẽ sang trái.
Chúng tôi xuống một đường cầu thang hẹp và ra tới một chỗ có một dãy nhà kho trông như một dãy phố. Reiko mở cửa cái nhà kho gần nhất, bước vào và bật đèn. "Vào đi" chị bảo. "Cũng chẳng có gì mà xem đâu."
Nhà kho dựng đầy nhưng ván trượt tuyết, giày ủng và gậy theo hàng lối rất trật tự, dưới sàn thấy xếp đống những dụng cụ cào tuyết và những bao muối mỏ.
"Tôi vẫn thường ra đây tập ghi-ta mỗi khi muốn được một mình. Ấm cũng ra trò, phải không nào?"
Reiko ngồi lên mấy bao muối và mời tôi ngồi cạnh.
Tôi làm theo lời chị.
"Chỗ này không thoáng lắm đâu, nhưng tôi hút thuốc được chứ."
"Chị cứ hút đi," tôi nói.
"Đây là một thói quen có vẻ không bỏ được," chị nhăn mặt nói, nhưng lại châm thuốc với một vẻ sung sướиɠ rõ rệt. Không có mấy ai thưởng thức thuốc lá đến mức ấy. Tôi ăn nho, cẩn thận bóc từng quả một và ném cả vỏ lẫn hột vào một cái thùng tôn dùng để đựng rác.
"Nào, đêm qua tôi kể được đến đâu rồi ấy nhỉ?" Reiko hỏi.
"Một đêm tối trời và giông bão, chị đang trèo lên một vách núi dựng đứng để lấy tổ chim."
"Cậu hay thật, cái lối cậu đùa bỡn như thế mà mặt cứ tỉnh khô," Reiko nói. "Xem nào, hình như tôi đã kể đến đoạn dạy đàn cho con bé kia vào mỗi sáng thứ Bảy."
"Đúng rồi."
"Giả dụ cậu có thể chia thiên hạ ra làm hai loại - những người có khả năng giảng dạy và những người không có khả năng ấy - thì tôi thuộc lại có khả năng giảng dạy," Reiko nói. "Hồi trẻ tôi không hề nghĩ như vậy, và có lẽ cũng không muốn nghĩ về mình như thế, nhưng đến một tuổi nhất định và đã hiểu được mình đôi chút, tôi nhận ra rằng quả đúng là như thế: tôi giỏi dạy người khác. Rất giỏi."
"Chắc chắn là như vậy rồi."
"Tôi nhiều kiên nhẫn với người hơn là với mình, và có thể phát huy cái hay của người giỏi hơn là phát huy cái hay của mình. Tôi là loại người như vậy đấy. Tôi là cái chất nham nhám bôi ở cạnh bao diêm ấy. Nhưng chuyện ấy không sao đối với tôi. Tôi không phiền gì hết. Một bao diêm hạng nhất còn hơn một que diêm hạng nhì. Có thể nói là tôi đã hiểu rõ điều này sau khi bắt đầu dạy con bé kia. Tôi đã từng dạy một vài người hồi còn trẻ, chỉ là tay trái thôi, và không hề nhận thấy điều đó ở mình. Chỉ đến khi đã bắt đầu dạy nó thì tôi mới bắt đầu nghĩ về mình như vậy. Này - tôi giỏi dạy người đấy nhé. Những giờ học của nó qua đi hay như vậy đấy.
"Như hôm qua tôi đã nói, con bé không có gì đặc biệt trong kỹ thuật, và nó cũng không thể trở thành nhạc công chuyên nghiệp, nên tôi rất thoải mái. Hơn nữa, nó học ở một trường nữ sinh mà chỉ cần được điểm trung bình thôi cũng sẽ tự động được lên đại học, có nghĩa là nó không cần gì phải học hành vất vả, mà mẹ nó cũng coi việc nó học đàn chỉ là nhẹ nhàng thôi. Cho nên tôi không ép nó làm gì hết. Lần đầu gặp nó tôi đã biết rằng nó là đứa không ai có thể ép làm một việc gì, rằng nó là loại trẻ sẽ vâng dạ ngoan ngoãn nhưng sẽ không bao giờ chịu làm cái gì nó không thích. Việc đầu tiên tôi làm là bảo nó chơi một bài hoàn toàn theo ý nó - một trăm phần trăm theo cách chơi của nó. Sau đó tôi sẽ đánh lại bài đàn ấy theo nhiều kiểu, và hai thầy trò sẽ bàn thảo xem cách chơi nào là hay nhất hoặc là nó thích nhất. Sau đó tôi bảo nó chơi lại, và nó sẽ chơi cái bài đó hay gấp mười lần so với lần đầu. Nó sẽ tự thấy cái gì là hiệu quả nhất và áp dụng vào lối chơi của mình."