Quyển IV: Chiêm- Giao đại chiến
C 53: Đại chiến Chiêm- Giao: Bùng nổ (9)
Trương Văn So được lệnh qua cầu viện trấn Nam Bàn gấp, còn may đường thủy chưa bị phong tỏa, rồi đường từ Tân Bình lên Nam Bàn được sửa gần đây, nên chưa tới nửa tháng đã có thể lên Nam Bàn nói chuyện. Chưa kể trước khi đi, lão cũng viết thư trước, khẩn cấp gửi lên, lần này lên, còn mang tiền bạc hậu hĩnh để cậy nhờ. Có lời trước, lại có tiền bạc trao tay, Đan Quốc Hùng không chối từ được. Chưa kể, không phải đánh quân Chiêm, mà là đánh Pơtao Angin đang mất chủ lực.
Đan Quốc Hùng cũng tính rồi, giờ đánh Pơtao Angin, lấy đó làm chiến trường, chứ để quân Chiêm đánh xong Hoài Nhân, lại theo ngả Pơtao Angin đánh vào Nam Bàn thì mình cũng khổ. Hiện tại, Hùng đang bận bù đầu với việc quản lý Nam Bàn, phân phối lợi ích các bên và lôi kéo thêm nhiều kẻ ủng hộ mình, xây dựng quân đội mới trung thành với hắn, nên ủy quyền cho Dương Quốc Lộ xuất binh.
Dương Quốc Lộ được giao nhiệm vụ, ỡm ờ một phen rồi lập tức tuyên bố sẽ lên đường ngay. Trương Văn So khác ngạc nhiên trước sự năng nổ của lão ta, nhưng Dương Quốc Lộ lại nói, lão cũng muốn kiếm công tích một phen, rồi rời nơi khỉ ho cò gáy này, ở đây lâu rồi mà vẫn không quen được. Nghe vậy, Trương Văn So cũng không lấy làm ngạc nhiên nửa, dù sao phải lên đây làm quan cũng là để vơ vét một phen thôi, giờ sau loạn Nam Bàn, việc vơ vét bị hạn chế, vậy chỉ có đi đánh nơi khác, vừa kiếm chác vừa lập chiến công rồi về hưu.
- Lão tướng quân vì việc nghĩa, cứu viện Trấn Hoài Nhân, tuổi già ra trận, khác gì Liêm Pha chứ.- Trương Văn So không tiếc lời tâng bốc Dương Quốc Lộ một phen, dù sao cũng cần lão làm việc.
Dương Quốc Lộ ngoài mặt ha ha cười, trong lòng thì có chút kinh sợ lẫn thán phục. Từ lâu Minh đã nói với ông việc chuẩn bị cho xuất quân tấn công Pơtao Angin, và để tên Bất Thắng giúp ông chuẩn bị, vì thế giờ đây Dương Quốc Lộ có thể trạng cực tốt. Nếu không, chắc chắn ông chỉ còn cách nhờ người khác. Băng rừng vượt suối đâu phải điều dễ chịu. Không chỉ ông ta, mà còn đạo quân dưới trướng ông ta nữa, họ cũng đã sẵn sàng. À không, hiện tại nên gọi nó là đội quân của Hoàng Anh Minh.
Trong hơn một năm qua, Minh đề xuất thay thế dần binh sĩ dưới trướng Dương Quốc Lộ bằng những người từng xin làm tá điền của Minh. Sau chiến loạn, họ được Minh trả tự do, thời chiến loạn không ai nói, nhưng giờ yên bình rồi, một đại địa chủ nắm trong tay cả vạn nhân khẩu, lại có ảnh hưởng quá lớn tới Nam Bàn, uy vọng, quyền thế như thế mà làm phản thì ai mà đỡ cho nổi. Đan Quốc Hùng liền dùng cách khéo léo, nói với Minh rằng nếu muốn giữ lại số tá điền này, cần phải nộp thuế cực nhiều, tỏ ý Minh nên giữ ít thôi. Minh cũng biết người ta không muốn mình quá mạnh, liền nói bản thân nhận họ trong thời loạn để bảo vệ họ, giờ sự kiến loạn lạc kia đã kết thúc, cũng không có giữ người. Minh liền công khai việc trả tự do.
Tất nhiên, Minh cũng có điều kiện. Những người này từng tham chiến, chiến đấu anh dũng, có công giúp dẹp loạn, họ phải được trả công xứng đáng, người còn khỏe có đất đai trồng trọt, người tàn tật có việc thích hợp để nuôi sống bản thân và gia đình,.... Bằng việc đứng ra đòi quyền lợi cho cấp dưới, lại tổ chức công ăn việc làm cho họ, uy tín của Minh với những người từng xin làm tá điền không mất mà càng bền vừng.
Đan Quốc Hùng tự nhiên biết mình không thể công khai bác bỏ việc trả công xứng đáng cho những người tá điền kia, nếu không sẽ gánh ác danh, và người khác có thể đánh giá hắn không đáng tin cậy, nên phải đáp ứng, nhưng hắn cũng tìm cách đối phó. Đo là cố tình an bài những người đó ra các khu vực xa xôi, tuy đất đai màu mỡ, nhưng khoảng cách giữa họ và đồng bọn xa cách, và với Minh thì lại càng khó gặp gỡ. Thời gian và khoảng cách sẽ khiến mọi mối quan hệ trở nên mờ nhạt.
Đặc biệt là khi Minh đề xuất thiết lập một thể chế mới giúp quản lý Nam Bàn tốt hơn, Đan Quốc Hùng càng có thời cơ để loại bỏ ảnh hưởng của Minh. Hắn ngoài mặt thì lệnh chọn các tráng đinh từ các nơi, lập thành một đội quân mới, bảo với các tù trưởng của Nam Bàn rằng, lấy người từ các bên, ai cũng có người trong quân, không ai lo bị nhắm tới. Tuy vậy, Hùng đặc biệt ưu tiên gọi người từng theo Minh gia nhập tân quân, khiến họ quen với chỉ huy mới. Quân đội quan trọng là kỷ luật và phục tùng, sống với chỉ huy mới mãi, rồi sẽ quen việc nghe lệnh người đó hơn là Minh.
Hoàng Anh Minh thấy nhân lực xói mòn, tự nhiên phải đối chọi. Cậu ta nhờ cha vợ Dương Quốc Lộ để ông ta đưa người của cậu về dưới trướng, từ đó Minh có cơ hội gặp gỡ, gây ảnh hưởng lên bọn họ, Minh dùng tiền và lợi ích, khiến quân của Dương Quốc Lộ cáo bệnh xin xuất ngũ, rồi Dương Quốc Lộ chiêu mộ lính mới, đa phần là các cựu binh, cựu tá điền dưới trướng Minh ngày xưa. Dương Quốc Lộ lấy lý lẽ rằng các tá điền này từng tham chiến, kinh nghiệm cao hơn, vì thế rút ngắn thời gian huấnl uyện, chưa kể họ cũng biết chiến đấu, so với dùng tân binh thì dùng họ chỉ cần ít người hơn chút.
- Đại quân có thể xuất phát ngay rồi!- Dương Quốc Lộ thông báo cho Minh khi con rể đi tới. Minh vừa đi chia tay đám môn đồ và các phu tử khác trong trường học, chuẩn bị cùng ông ta đánh Pơtao Angin. Trên giấy tờ, Minh là văn thư và phụ trách kêu giặc hàng, còn ông là chủ tướng. Nhưng thực tế mà nói, ông chỉ là tấm bình phong cho Minh hoạt động thôi. Toàn là người của Minh, cậu bảo gì họ nghe nấy.
- Cha vợ, cảm ơn ngài.
- Có gì phải cảm ơn, mi lập công, ta nhận công, cũng coi như công bằng, hả? Chưa kể cháu ngoại ta dù gì cũng cần món quà mừng ngày sinh nhật thứ hai. Làm ông ngoại, kiếm cho cháu ngoại món sừng tê cũng là chuẩn mà.
Minh và Dương Ánh Hồng vừa có một bé trai, tên là Hoàng Thành Nhân, là đứa con trai thứ hai và là con thứ 3 của Minh. Vi Thúy Liên đã sinh 2 đứa, đầu tiên là sinh con gái Hoàng Thị Ngọc Anh, nghỉ hai năm thì sinh đứa thứ 2, là con trai, tên Hoàng Thành Công.
- Dạ, con thì nghe nói tên Siu Kleen có cả bộ móng hổ rất quý, đem cho cháu đeo càng hợp hơn, chứ sừng tê thì làm được gì?
- Cũng hợp lý.
Cha vợ cùng con rể vừa đi vừa nói chuyện vui vẻ, việc xuất quân đã có phương thức quy định sẵn, không cần họ phải đi kiểm tra đôn đốc, Minh đã tốn công huấn luyện đám binh sĩ này, tuy chỉ có 3000 người, nhưng là quân chủ lực thực sự của Nam Bàn. Kỷ luật, khỏe mạnh, dũng mãnh, dám liều khi được lệnh.
Đoàn quân tiến quân gấp về phía Pơtao Angin. Quân canh phòng biên giới Pơtao Angin thấy quân Nhọ, một mặt cấp báo về hậu phương, một mặt cử người ra ngăn chặn, dò xét. Quân Nam Bàn thấy ai là thông báo luôn, họ qua đây đánh dẹp quân Pơtao Angin vì quân Pơtao Angin hợp tác với quân Chiêm đánh một trấn của Nam Giao. Vàh ọ không cần nghe biện bạch, cứ bao giờ thấy được Siu Kleen thì họ sẽ dừng lại. Tuyên bố xong, quân Nam Bàn cứ thế đánh qua, gặp kẻ chống cự là diệt, còn ai ngoan ngoãn, chỉ cần nộp lương thực, vũ khí, đồng thời tuyên bố không ủng hộ Siu Kleen thì được bỏ qua, còn không chịu phản Siu Kleen cũng được, nộp nhiều lương thảo, tiền tài và vũ khí hơn một tí, rồi họ cho qua.
Lương thảo và vũ khí được dùng luôn, còn tiền tài cho áp tải về cho Đan Quốc Hùng giữ hộ, đợi chiến dịch kết thúc sẽ phân chia. Tất nhiên có sổ sách cụ thể, và lời hứa phân chia công bằng cho binh sĩ, để không ai phải lo mất phần. Đan Quốc Hùng cũng có phần trăm sẵn, chỉ cần giữ tốt tiền thôi.
Quân Nam Bàn ào ạt tấn công, Vương Vĩnh xuất quân tới cản, y được lệnh cầm quân để phòng ngừa việc này. Chưa kể Hoàng Anh Minh còn là chồng mới của vợ Vương Vĩnh, như thế hai bên về công về tư đều có lý do để chiến. Hoàng Anh Minh chỉ huy quân của mình tấn công tổng lực, đem quân của Vương Vĩnh đánh lùi cả dặm. Sau khi cho đối phương biết được thực lực của mình, Minh liền để cha vợ Dương Quốc Lộ dẫn 1000 quân ở lại kìm chân Vương Vĩnh, bản thân tiếp tục tiến sâu vào đất Pơtao Angin. Hai người Vĩnh và Dương Quốc Lộ vốn là cha vợ cũ- con rể cũ, tình cảm không phải mất sạch, lại không có lý do liều sống chết, chưa kể, hai bên còn có chúng một mục tiêu, diệt Siu Kleen.
Từ nửa năm trước, Minh đã cho cha vợ qua đánh tiếng với Vương Vĩnh, họ Hoàng muốn khống chế Nam Bàn, Tân Bình và phía tây Hoài Nhân, hiện tại cần Vương Vĩnh phối hợp. Nếu hợp tác, họ Hoàng chấp nhận cho Vương Vĩnh khống chế đất Pơtao Angin như một thuộc quốc riêng. Vương Vĩnh không chút do dự, lập tức đồng ý thỏa thuận. Họ Hoàng không như Chiêm Thành, có thực lực quá mạnh, họ còn cần y phối hợp, thậm chí còn phải liên minh nhiều kẻ khác, giữ chữ tín với Vĩnh là cách tốt nhất với họ. Vĩnh dùng thế lực của mình, dò xét, vẽ bản đồ đường đi lối lại, hệ thống phòng thủ,... của người Pơtao Angin, chuyển cho Minh.
Minh tiến quân đánh phá Pơtao Angin, các tù trưởng trung thành với Siu Kleen một mặt cho người cấp báo để Siu Kleen kéo quân về, một mặt xuất quân đánh nhau với Hoàng Anh Minh. Minh có bản đồ Vĩnh gửi, nhằm chuẩn những kẻ trung thành nhất với Siu Kleen mà giã, đánh tan các bộ tộc này, rồi dùng uy hϊếp và lợi ích dụ dỗ kẻ khác, chẳng mấy mà Pơtao Angin bị kiềm chế. Phần những kẻ được cử đi báo tin, Hoàng Anh Tài làm thịt gần hết, mãi tới khi Minh đánh quá hăng, quá nhiều kẻ cử người đi, Tài mới để sót. Có điều đợi tới khi Siu Kleen biết tin, thì cũng đã muộn. Và thực tế là vậy, khi tin tức quân Nam Bàn đánh vào Pơtao Angin tới tai Siu Kleen, thì Minh cũng đã khống chế phần nào đất Pơtao Angin, đồng thời đến bắt liên lạc với quân của tài. Ở bên ngược lại, liên quân Chiêm- Pơtao Anui- Pơtao Angin thì rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, giờ nhận thêm hung tin này, càng loạn.