Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite

Chương 165: Phân quyền

- Con điên sao Kiệt!- Mẹ cậu nhảy dựng lên khi nghe người con trai thứ hai của mình báo việc cậu muốn theo đoàn thuyền của Ebisu ra khơi.

- Mẹ à, con đã nói rõ rồi, chuyến này không đi là không được! Mấy đứa kia chưa đi biển lần nào, nên dễ bị khớp, lắm việc không thể làm ổn thỏa. Con đi làm mẫu lần đầu tiên, rồi sau đó sẽ kệ bọn nó.- Kiệt giải thích.

- Dù sao việc này con cũng nói là phải tính toán lâu dài, sao lại cứ nhất nhất muốn làm cho sớm. Dục tốc bất đạt con ạ!- Văn Nguyệt Nga tiếp tục khuyên con trai. Người chồng trước đây của bà ấy cũng vì đi biển buôn bán gặp bão mà thiệt mạng, chính bà cũng từng suýt chết trên biển bởi trận bão đó nếu không có cha của Kiệt, nên nỗi sợ với biển của bà chưa bao giờ là nhỏ.

- Mẹ à, đoạn đường dài trăm dặm không chỉ cần đi bước chân đầu tiên, còn cần kiên trì vượt mọi chông gai trên đường nữa. Hiện tại làng Hồng Bàng đã bắt đầu đi trên con đường cường thịnh, nhưng nếu gặp khó dừng lại, thì không thể kết thúc con đường đang đi.

- Đây đâu phải dừng lại, chỉ là chờ xem thôi. Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau mà con.

Lời mẹ khuyên Kiệt rất hiểu, người Việt Nam cũng có lời khuyên này, ý là nhường phần gian khó cho kẻ khác, giành lợi cho mình. Có điều mẹ không thấy rằng, tất cả những điều Kiệt đang làm, thực ra lại là lợi ích lớn cần đạt được. Cái này không trách bà, tầm nhìn mỗi thời mỗi khác mà. Nếu không phải kiến thức bao nhiêu trăm năm được công khai chia sẻ trên mạng cho Kiệt đọc qua, cậu ta thực không dám đi biển kiếm lời đâu.

An ủi mẹ một hồi để bà yên tâm, Kiệt cũng đề nghị bà nên có thời gian thì đi thăm Minh, xem anh trai cậu trên kia ra sao, rồi cho thằng Tài được phép tự lập một chút. Bây lâu này Kiệt nghe việc bà bao bọc thằng nhỏ quá mức, rồi nó sẽ khó có cơ hội phát triển.

- Nó chỉ mới hơn 10 tuổi. Và nó không phải con hay thằng Minh, nó chỉ là một đứa trẻ bình thường!

- Mẹ à, nếu nó chỉ là một đứa trẻ bình thường, nó sẽ chỉ được hưởng những quyền lợi của một đứa trẻ bình thường!- Kiệt nhắc nhở. Cậu biết bắt em trai mình phải trưởng thành, phải làm việc từ sớm là một sự tàn nhẫn, nhưng làng Hồng Bàng hiện giờ không cho phép sự thư thái nào cả.

Dặn dò như vậy xong, Kiệt quay sang khu họp. Với việc Kiệt sắp rời khỏi làng một thời gian dài, nhanh thì nửa năm, chậm có khi hơn một năm, làng sẽ đừng trước một thách thức khá lớn. Ai cũng biết từ trước tới nay mọi quyết sách lớn làng Hồng Bàng làm ra đều bởi Kiệt cả, dù không phải một mình Kiệt lên kế hoạch, nhưng có cậu cho ý kiến cuối cùng thì tất cả đều dễ chấp nhận. Nếu như không có cậu, một khi ý kiến bất đồng, tất nhiên phải dùng phổ thông đầu phiếu để quyết định vấn đề, rất tốn thời gian. Tổ chức này đã có sẵn tại làng, ngay từ hồi làng Hồng Bàng chung tay với Kiệt phát triển, nhưng giờ không có cậu, tất cả cần chặt chẽ hơn. Nhóm thiểu số được thông báo nhanh chóng chọn người đại diện, các thế lực liên minh cũng được yêu cầu cử đại diện tới tham gia.

Biết được thông tin này, những dòng họ nhỏ trong làng Hồng Bàng, rồi các làng liên minh hay những mắt xích liên kết hệ thống kinh doanh của làng Hồng Bàng đều sôi sục. Kiệt rời đi nửa năm trở lên, tức là làng Hồng Bàng nửa năm vô chủ. Làng Hồng Bàng hàng ngày kiếm đống tiền lớn, lợi nhuận nhiều vô số kể, các bên đều nhìn đống tiền lớn chia ra, cảm thấy không công bằng cho mình. Ai cũng thấy bản thân làm nhiều hưởng ít, muốn chia lại. Đã vậy, cải cách mà Kiệt tổ chức gần đây cũng là một vấn đề, với việc vô số người bị loại khỏi những công việc ngồi mát ăn bát vàng để quay lại làm việc tay chân, làm một đống người bất mãn, song không có cách nào chống lại vì Kiệt tọa trấn, giờ Kiệt đi, chỉ cần làm sao để hội nghị xóa bỏ cải cách hoặc không bổ nhiệm lại vị trí của bản thân, thì cũng ổn. Rồi vô số việc khác, làm mọi việc cứ loạn cả lên.

Tình hình lúc này vượt quá sức tưởng tượng của Kiệt, buộc cậu phải tìm tới những đại biểu trung kiên để thuyết phục họ giữ vững lập trường. Văn Nguyệt Nga nhân cơ hội này đề nghị con trai nên hoãn việc đi biển, tránh loạn. Sau một thời gian suy nghĩ, Kiệt kiên trì việc ra khơi lần này. Lần ra khơi này được bảo kê bởi Phú Tăng An, thậm chí ông ta dùng uy quyền cho một thuyền lính bám sát nữa, Ebisu có điên tới mấy cũng khó làm loạn được, chứ nếu không có cho tiền Kiệt chẳng dám đi cùng tên cướp biển này. Chẳng may tên này bắt cóc rồi ép Kiệt phải cung cấp các loại kỹ thuật thì sao, hoặc bắt trả tiền chuộc các kiểu. Bọn nó là giặc mà.

Nguồn cơn của hỗn loạn là tại vì thiếu sự có mặt của Kiệt, vậy cần đảm bảo người thay thế trung thành với Kiệt cũng như đủ tài năng, sự ủng hộ là được mà. Có 3 người có được phẩm chất đó: Đào Thùy Linh, Trần Phương Nhung cùng Hoàng Văn Tâm. Tâm thì người họ Hoàng không nói gì, nhưng Linh và Nhung thì họ phản đối ghê lắm, vì hai cô gái này là con gái họ Đào và họ Đỗ, có gì mà thiên vị hai họ này thì chết. Họ Hoàng căn cơ thấp, có Kiệt nên mới ngồi ngang hàng hai họ này, Tâm sao bằng được Kiệt.

Dùng dằng hồi lâu, bố Kiệt có đem chuyện này ra nói cho vợ hai, thì người mẹ kế của Kiệt là Trịnh Thị Ngọc có hiến kế rằng Kiệt nên lấy một trong hai cô gái đó làm vợ, như thế tiện hơn. Con gái lấy chồng như bát nước hắt đi rồi, hai họ kia chẳng thể nào mà làm gì được. Có bố chồng mẹ chồng ở trên này, dễ kiểm soát. Nghe cũng có lý, Hoàng Văn Định đem ý này ra bàn, họ Hoàng thấy được lắm, đều nhất trí. Vấn đề bây giờ là chọn ai. Linh là con gái cả, con chính dòng dõi, nhưng mà họ Đào gia thế lớn, cho dù mất cô con gái này cũng không ảnh hưởng gì, họ có thể tận dụng điều này để tạo lợi thế, khiến những đại biểu khác về phe mình. Nhung thì có cái lợi là họ Đỗ thế yếu, hai họ Hoàng và Đỗ dựa vai nhau chống họ Đào là hay, có điều cô là con không chính thức, có điều không môn đăng hộ đối.

Nghe cả họ bàn bạc việc này, Kiệt toan gạt đi. Cậu là người ở thế kỷ 21, đâu có thích hôn nhân sắp đặt kiểu này. Hơn nữa giờ đây mới có gần 16 tuổi, cưới sớm mà làm gì. Mẹ Kiệt nghe con nói xong liền tự mình đi dò hỏi ý kiến hai cô con gái, cả hai không ai chối việc thích Kiệt. Tình hình thế này, bà nghĩ ra một cách, cưới luôn cả hai cho Kiệt, Linh sẽ là bà cả, Nhung là bà hai, theo tục người Đại Hoa thì Linh là chính thê, Nhung là bình thê, đều là vợ, không phải vợ và thϊếp gì. Kiệt suy tính một hồi, tự thân gặp hai cô gái để hỏi chuyện, rồi chấp nhận việc này. Quả thực, Kiệt không ghét hai cô gái, họ đều xinh, không có tật xấu lớn, ở bên nhau cũng đã lâu, coi như hiểu biết, phong tục thời này đã vậy, lại thêm tình thế không khác được, thôi thì coi như thuận thời thế vậy.

Vậy là ở tuổi 16, Kiệt lấy một lúc hai người vợ. Hôn lễ hoành tráng lắm, cậu còn điều cả Quỳnh từ Phố Đêm về hát nhạc đám cưới, rồi không chỉ thắp hương tổ tiên, còn có ăn tiệc ngọt, bắn pháo giấy, cắt bánh cưới,...phong cách khá mới lạ. Giữa đám cưới, cậu tuyên bố rõ, cả hai người vợ này, chưa đủ 18 tuổi Kiệt chưa làm chuyện vợ chồng, chưa đủ 20 tuổi sẽ không sinh con, vì 18 tuổi cơ thể mới phát triển đầy đủ còn 20 tuổi sinh con thì hạn chế sản nạn. Lý do này thuyết phục được người làng, cả cha mẹ hai bên, hoặc là ba bên, vì cậu có 2 vợ, nên hôm đó cưới xong, ba người chỉ tổ chức ngồi chơi bài thôi.

Mấy ngày sau đám cưới của Kiệt, hội nghị toàn thể lần đầu tiên. Nói qua một chút thì hội nghị sẽ có ba mức hội họp: một là họp định kỳ, hai là họp bất thường, ba là họp toàn thể. Họp định kỳ thì số người ít nhất, để xem xét những việc cơ bản: chia tiền lãi, phân phối hàng hóa, kiểm tra thu chi. Họp bất thường là khi có vấn đề xảy ra ở một mảng nào đó, cần ban ngành chuyên môn giải quyết, chi ra cũng lắm hơn thì cần mời số lượng lớn hơn. Họp toàn thể là mức độ cao nhất, nhằm giải quyết vấn đề tồn vong sống chết của làng. Lần đầu họp toàn thể được tổ chức là đây, dưới sự chủ trì của Kiệt để bàn giao quyền lực trước khi tập trung cho chuyến đi biển lần này. Tại cuộc họp toàn thể lần này, Kiệt công khai vụ đi biển lần này, và hội nghị tổ chức lần này để đảm bảo sự vận hành tốt của cả hệ thống khi vắng cậu ta. Với Kiệt, mọi thứ càng công khai minh bạch, thì cho dù có mâu thuẫn cũng sớm giải quyết xong.

Sau khi công bố lý do và đọc diễn văn khai mạc, Kiệt cũng nói rõ việc sẽ giao lại quyền lực cho 3 người là Linh, Nhung và Tâm. Với thân phận con dâu nhà họ Hoàng, vợ của Hoàng Anh Kiệt, cũng như có nhà ngoại chống lưng, cả hai dễ dàng được chấp nhận khi cùng với thằng Tâm đảm nhiệm vai trò quyền chủ trì hội nghị trong thời gian Kiệt vắng nhà. Cuộc họp bắt đầu sau đó, Kiệt thực hiện vai trò chủ trì lần cuối, giải thích từng công việc một, các vấn đề khúc mắc.

Sau khi hội nghị, Kiệt để nó tự hoạt động một thời gian, cậu chỉ đọc báo cáo hội nghị. Đây chính là một lần tập dượt nho nhỏ trước khi bước vào đợt tập dượt lớn là lúc Kiệt đi biển. Làng Hồng Bàng càng lớn mạnh, việc Kiệt một tay quản hết mọi sự là không thể, Kiệt không muốn mình như là Gia Cát Lượng, làm hết việc của người khác, khiến người ta không được rèn luyện thực vụ, mất năng lực làm việc còn mình thì mệt chết, thân mất nước suy. Ngày đầu tiên, những vấp váp không hề ít, mâu thuẫn cũng có, Kiệt mặc kệ, vẫn cứ để diễn ra. Người duy nhất Kiệt tác động là đội ngũ thay thế của Kiệt. Đây là lực lượng trung kiên có thể tin tưởng được, và cũng là bọn sẽ duy trì uy tín của Kiệt tại hội nghị khi mà cậu đi vắng.

- Kiệt à, cậu còn ở lại thì mọi mâu thuẫn còn tạm thời không sao, chỉ e cậu vừa đi thì họ nhất định làm rối hết lên mất!- Linh lo lắng nói. Càng gần ngày Kiệt chuẩn bị ra khơi, mọi chuyện được bàn bạc tại các cuộc họp càng thêm gay gắt, các bên bắt đầu lao vào chỉ trích lẫn nhau, bất chấp sự can thiệp của mấy đứa này.

- Yên tâm, họ chỉ là đang bỡ ngỡ với quyền lực mới có được!- Kiệt vỗ vai an ủi Linh, rồi nhìn sang những đứa khác.- Tất cả phải hiểu rằng, về cơ bản họ cũng không mong làng Hồng Bàng sụp đâu. Đây là điểm mấu chốt. Nếu họ cãi nhau về chút quyền lợi, cứ để họ cãi, càng nói thì càng làm rõ chuyện ra. Các cậu ở đây chỉ cần đảm bảo rằng công việc thường ngày không gián đoạn là được.

Kiệt dặn dò như vậy, rồi tiếp tục hỏi về những vấn đề tranh luận gay gắt nhất, và phương hướng giải quyết của bọn nó, cậu sẵn lòng nghe, rồi cho bọn nó tranh luận, và gợi ý cách thức kiểm chứng- Kiệt không còn chuyện gợi ý cách giải quyết hay đánh giá chấm điểm từng người. Đây là chuyện bọn nó cần phải làm độc lập.