Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt
C 138: Chu Xuân Đạo ở làng Hồng Bàng (2)
- Một... hai... ba... bốn... năm... sáu.... bảy... tám. Hai.... hai...ba...bốn... năm.... sáu.... bảy....tám. Ba.... hai- Ở giữa sân nhà họ Hoàng ở làng Hồng Bàng, Trịnh Thị Ngọc đếm nhịp để cho ba bố con Kiệt- ông Định, Kiệt và thằng Tài tập thể dục, các bài thể dục khởi động Kiệt biết ngày trước.
- Cố lên bố, Tài, hai người làm cùng con này, duy trì nhịp thở nhé!- Kiệt động viên hai người họ tập theo nhịp đang nhanh dần đều của bài tập khởi động. Với ông Định, là do bản thân ông vẫn còn mệt sau trận bị ma ám lần trước, còn với Tài là do nó khó chịu khi sáng phải dậy thật sớm để tập cái này, không còn được ngủ nướng nữa.
Bài tập thể dục khởi động xong, họ tiếp tục luyện võ. Chu Xuân Đạo đã nói rõ lý do Hoàng Anh Kiệt chống lại được âm binh là vì có sức khỏe và khí huyết mạnh mẽ, có được từ việc tập võ. Vì vậy, Kiệt liền yêu cầu bố mình, em trai phải cùng bản thân luyện võ, đích thân cậu huấn luyện họ, để giúp họ có được khả năng tự giữ gìn sức khỏe ở mức độ nào đó. Vì hai người kia đều có vấn đề: người còn quá nhỏ, người còn đang mệt, tập quá thì hại. Sau khi họ luyện được mấy bài võ cơ bản làm nóng người, Kiệt cho họ đi nghỉ ngơi, cậu thì vẫn tiếp tục tập thêm, rồi luyện đối kháng.
Kiệt rất chú trọng huấn luyện cho bản thân khả năng thực chiến, bởi bản thân Kiệt đã sớm nhận định rằng Bách Việt và Đại Hoa nhất định sẽ có lúc xung đột, trong cuộc xung đột, có chút võ lực tự vệ cũng không ngại nhiều. Dù đang chú trọng phát triển vũ khí nóng: thuốc nổ, pháo, thậm chí là súng cá nhân, thì với những kiến thức lịch sử học được, cậu ta nhớ rõ một chuyện: bất kể vũ khí lạnh hay vũ khí nóng, yếu tố con người cũng không thể bỏ qua được. Cùng phải đối đầu với vũ khí của người Mỹ, cùng dùng vũ khí do Liên Xô chế tạp, người Việt Nam chiến thắng, trong khi quân đội Ả Rập lại thua, là một ví dụ tiêu biểu.
Cuộc đấu đối kháng mà Kiệt đang đấu là một hình thức do cậu ta đặt ra, cái này bắt chước một trận chiến thực tế: ra tay bất ngờ, các đòn hiểm, lấy đông đánh ít,..., khi đấu thì có băng vải vào tay, hạn chế sát thương, còn dùng vũ khí thì dùng vũ khí gỗ thôi, vì cậu và những người đấu tập cùng không phải võ sư giỏi, không biết cách khống chế tiết tấu trận đấu, rất dễ có chuyện sơ ý làm nhau bị thương.
Lúc này, Kiệt đang đấu với một cậu dùng gậy, Kiệt dùng đao gỗ. Hai người bắt đầu dứ dứ nhau, dù vũ khí làng bằng gỗ, nhưng Kiệt chọn loại gỗ nặng, để tương đương với vũ khí thật nhất, nên sức nặng không thể xem thường, chẳng thằng nào có thể múa tít như trong phim kiếm hiệp Hồng Công đâu, làm gì có sức mà múa thế. Hai người từ từ lại gần, nhìn thẳng vào nhau, đối thủ của cậu chúc mũi giáo xuống gần đất, rồi vẩy mạnh lên, đe dọa chọc vào mặt, ngực cùng với cổ của Kiệt, Kiệt hơi lùi lại, đao giữ thẳng trong tay, không vung vẩy. Không giống trong phim, người cầm đao vung tay chặt đứt đầu ngọn giáo, ở đời thực, ít ai làm được, bởi góc va chạm của hai thứ này rất hẹp, lại không hề được cố định như cành cây để chặt, với lực vung ở tư thế bình thường căn bản không thể chặt được gẫy phần thân gỗ của cây giáo. Còn nếu định vung mạnh hơn, thì sẽ lộ sơ hở, mà giáo thì dài, đối thủ thừa sức đâm một nhát. Một nhát đâm bởi giáo tức là tử vong, vì thời này mà có lỗ to trên người như thế không khâu nổi đâu.
Muốn thắng một vũ khí lợi hơn về chiều dài, thì phải thu hẹp được khoảng cách với nó. Kiệt đột nhiên hét lên một tiếng, vung cây đao gỗ vụt mạnh vào thân gậy gỗ, chiêu này là để kích đối phương đâm giáo, một khi giáo vừa đâm tới, Kiệt sẽ gạt nó hoặc né để lao tới, thu hẹp khoảng cách để đao có thể chém tới mà giáo đã mất tầm đâm. Kiệt đã làm mấy lần, những người đấu tập đều biết, nên lần này cậu đấu với Kiệt không giật mình mà đâm tới. Có điều, đây cũng là điều Kiệt đoán được, cậu lập tức dùng đao gỗ chém vào giáo, làm nó bị hất ra, trong lúc đó Kiệt lao tới. Đòn này khá mới, là đòn chủ động tiến vào, cũng làm cho người đấu tập giật mình, phản ứng không kịp, đao gỗ của Kiệt đập vào người cậu ta.
- Người tiếp theo!- Trận đấu kết thúc, Kiệt bảo người khác vào đấu tiếp.
Một người khác, tiếp tục cầm giáo tiến vào. Người này lớn hơn người đấu trước một chút, và kinh nghiệm lâm trận cũng hơn hẳn, nhất là được rút kinh nghiệm trực tiếp từ người đấu trước. Cậu ta cũng giữ giáo ở tư thế như người kia, đây là thế đánh cực kỳ có lợi, không cần đổi làm gì, nhưng thay vì chờ Kiệt xông tới, người này chủ động bước tới một bước, đồng thời đâm mũi giáo lên nhanh, uy hϊếp tới vùng bụng của Kiệt.
Kiệt phải gạt mũi giáo ra thật nhanh và mạnh, đồng thời lướt tới trước để thu hẹp khoảng cách. Người đấu tập với Kiệt không chút luống cuống, vừa lùi lại một bước ngắn, đồng thời dùng tay kéo nhẹ cán giáo ra sau, khiến mũi giáo về lại được vị trí cũ, giữ khoảng cách với Kiệt. Song y không ngờ rằng Kiệt lại tiếp tục tiến tới nhanh hơn, làm đầu cây giáo lần nữa đã qua người Kiệt, mất tầm tấn công hiệu quả. Người này vội cố lùi thêm để hòng có lại tầm đánh hiệu quả, song chỉ lùi được hai bước, thì Kiệt đã áp sát, vung đao chém vào. Sở dĩ như thế, là vì một bước lùi luôn ngắn hơn một bước tiến, nên Kiệt cùng hai nhịp bước thì Kiệt đi được tới tầm mà đao chém được rồi.
- Khá lắm!- Chu Xuân Đạo đứng bên ngoài lên tiếng khen. Ông ta giờ đang ở bên ngoài sân nhà họ Hoàng. Sau khi làm phép chữa bệnh cho Hoàng Văn Định xong, thậm chí thăm dò cơ bản về những bí ẩn phong thủy trong làng Hồng Bàng xong, Chu Xuân Đạo vẫn cứ ở lỳ nơi đây. Vì ông ta còn muốn giải nốt cái bí ẩn có tên Hoàng Anh Kiệt.
Tất cả những mạch phong thủy mà làng Hồng Bàng sở hữu hiện tại đều là bởi sự phát triển mà Hoàng Anh Kiệt đem tới. Nếu Kiệt không chế tạo ra máy móc nông nghiệp, không có những phát minh nông nghiệp mới, từ đó khuyến khích nông nghiệp và công nghiệp phát triển, thì làng Hồng Bàng sẽ không có cơ hội phát triển kinh tế, đừng nói có được văn mạch, võ mạch cần tiền tài duy trì, mà thậm chí phần sinh mạch của làng, tập trung chủ yếu ở những cánh đồng bát ngát, hệ thống thủy lợi, những công xưởng,... đều không thể xuất hiện.
Những kiến thức đó, khi tìm hiểu thì thấy cũng chả có gì đặc biệt quá, hầu như chỉ hơn mức bình thường một chút. Nhưng từng ấy thứ đều xuất phát hầu như chỉ từ mỗi Hoàng Anh Kiệt, thì thật không tầm thường. Ai đã dạy cho Kiệt những kiến thức ấy, hay Kiệt là không thầy mà biết. Chu Xuân Đạo thực sự vô cùng tò mò. Ông ta muốn tìm hiểu, lại sợ Kiệt phòng bị, nên mới chăm quan sát Kiệt, để hòng tìm ra những thứ Kiệt ham thích, sau đó đi theo con đường này mà tiếp cận Kiệt.
- Cám ơn!- Kiệt đáp lời, sau đó lại bảo nhiều người khác lần lượt tới thử chiêu nữa. Sau một hồi, cũng có vài người có thể khắc chế được Kiệt. Nguyên nhân thực ra rất đơn giản, giáo dài hơn đao, tầm tấn công hơn xa, muốn đánh trúng Kiệt không hề khó, trái lại để đao tiếp cận được đối phương, Kiệt phải di chuyển cự ly xa hơn. Những người đấu tập đều rút kinh nghiệm, dùng ưu thế độ dài của giáo để đánh lui Kiệt.
- Này, ta thấy cậu đang lãng phí sức lực đó!- Chu Xuân Đạo đợi Kiệt đánh hết một hồi, mới tiến lại.
- Ngài có cao kiến gì sao?- Kiệt nhún vai, bâng quơ hỏi lại
- Thử không?- Chu Xuân Đạo đưa cho Kiệt ngọn giáo, ông ta cầm cây đao gỗ.
Kiệt nhíu mày, không hiểu tại sao Chu Xuân Đạo dạo này quan tâm nhiều tới chỗ cậu ta như thế, tiền cúng kiếng vụ cha cậu đã trả hậu lắm rồi. NGhĩ vậy, song thấy Chu Xuân Đạo đã thủ thế xong, Kiệt cũng lập tức chuyên tâm lại, chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc đấu. Hai tay cậu chầm chắc ngọn giáo, chân vững vàng, ngọn giáo chúc đầu xuống một chút, rồi đột ngột lao thẳng lên trên. Đòn đánh chủ động của Kiệt không làm Chu Xuân Đạo bất ngờ, ông ta cũng không hề di động nhiều, chỉ hời hợt dùng cây đao gỗ chém nhẹ vào cây giáo đang lao tới.
Cú chém nhìn nhẹ nhàng này, đối với Kiệt không khác gì một cú đập siêu mạnh, hai tay cậu dại đi, cây giáo bay khỏi tay, văng ra đất. Cùng với cảm giác tê dại nơi tay, là sự ngạc nhiên trong đầu. Kiệt nhìn rất rõ cách mà Chu Xuân Đạo đánh vào cây giáo gỗ: không di chuyển nhiều để lấy đà, đòn đánh vào cũng cực hời hợt, tại sao hiệu quả lại lớn tới như vậy chứ!
- Ngạc nhiên lắm đúng không? – Chu Xuân Đạo cười cười
- Ông làm thế nào mà được vậy?
- Cái này nó khó thì không khó, nói dễ lại không dễ. Cậu Kiệt đã thấy gió bão bao giờ chưa nhỉ?
- Ở miền này không thấy bão mới gọi là lạ.
- Thế hẳn cậu từng thấy hậu quả của gió bão với cây cổ thụ cùng loài cỏ dại chứ. Giống như cây cỏ gặp gió mạnh không bị vặn đứt, ngược lại một cây gỗ lớn lại bị vặn ngang hông, bởi cây cổ thụ nhiều cành nhiều nhánh, lực toàn thân có lớn cũng không thể tập trung mà chống lại được sức gió, cái tôi vừa làm cũng như thế, phối sức toàn thân tại một chỗ mà ra đòn.
Trong khi Chu Xuân Đạo cố tình làm ra vẻ thần bí để khiến Kiệt bị dụ dỗ phải hỏi han, thì Kiệt lại nhớ tới một nhân vật có thể làm điều tương tự: Lý Tiểu Long và môn nhất thốn quyền. Ngày trước cậu từng xem bao nhiêu phim của Lý Tiểu Long: Đường Sơn Đại Huynh, Long Tranh Hổ Đấu, Tinh Võ Môn,... lớn lên có tìm hiểu trên wiki. Một trong những điều nổi tiếng của Lý Tiểu Long, là môn “nhất thốn quyền”. Trên wiki có nói, môn quyền này đòi hỏi sự phối hợp cực tốt của các cơ dưới sự điều khiển tài tình của Lý Tiểu Long, tạo một sự cộng hưởng cực lớn, khiến đòn đánh đạt hiệu quả tối cao. Có lẽ Chu Xuân Đạo cũng làm điều tương tự.
Con người ta sợ ma vì không biết về ma, Chu Xuân Đạo nói một đống đạo lý mơ mơ hồ hồ, khiến Kiệt không nắm rõ lý thuyết mới có thể khiến Kiệt nể sợ, còn Kiệt giờ đã hiểu sơ sơ, nên chỉ có tò mò muốn tìm hiểu thôi.
- Ông có thể dạy tôi không?
Thấy Kiệt vẫn như không, Chu Xuân Đạo cũng hơi ngạc nhiên. Ông ta bèn đổi cách nói một chút
- Cái này không phải ta muốn truyền hay không truyền, mà là cậu có thể học hay không học, bởi muốn luyện cái này đòi hỏi một sự cố gắng rất lớn.
- Tôi hiểu!- Kiệt gật gù
- Cậu hiểu cái gì chứ?
Kiệt nhún vai một cái, rồi bắt đầu nói thử nguyên lý của nhất thốn kình ra. Nghe Kiệt nói một hồi, Chu Xuân Đạo trợn ngược mắt lên, ông ta không tin nổi Kiệt chỉ nhìn một lần là có thể hiểu được nguyên lý như vậy. Tất nhiên, Kiệt cũng chẳng thể nói nguyên nhân là do bản thân là người trọng sinh, thành ra, chẳng mấy chốc điều Chu Xuân Đạo định làm với Kiệt nay lại phản tác dụng: tạo yếu tố thần bí khiến người ta không hiểu bản thân, tạo cảm giác khó mà nắm bắt, không dám có sự khinh nhờn, giờ thì Chu Xuân Đạo không có ý dám khinh nhờn Kiệt.
- Vậy ông có chịu dạy thứ này không. Tiền học phí tôi sẽ cố gắn lo liệu đầy đủ.
- Nhóc thực sự chịu bái ta làm thầy hả? Tại sao vậy chứ? Không phải nhóc đã hiểu nguyên lý rồi ư?
- Cái này tôi chỉ hiểu sơ sơ thôi, mà hiểu được là một chuyện, bắt tay vào lại có nhiều chuyện khác. Hơn nữa cứ hỏi thẳng ông cho nhanh, ông chịu dạy tôi xin học, nếu không tôi sẽ tự đi tìm tòi thêm, có lỗ tí nào đâu. Giống như là món kỹ thuật mà tôi đang làm ở trên kia vậy, một thợ thủ công giỏi có thể bắt chước ngay mấy món ấy, nhưng nguyên lý sâu xa thực sự họ chưa biết, họ không biết tới toán, lý, mô hình, động lực,... nên họ mãi mãi không thể cải tiến nó. Tôi đoán môn võ này cũng có những điều tối mật, phải không?
Chu Xuân Đạo nghe vậy đành nhún vai và giải thích cho Kiệt hiểu thêm về võ thuật và những lý do khiến cho nó không phổ biến ra được. Bởi bất kể ngoại công ( các môn rèn luyện cơ bắp và tăng sức sát thương bằng việc luyện lực) hay nội công ( luyện sự phối hợp của các khối cơ bắp, tạo một sự phối hợp để giải phóng sức mạnh tối đa) đều cần một khoản tiền cực lớn. Quá trình tập võ rất tốn sức, không bồi bổ tốt thì cơ thể không chịu nổi, thậm chí nếu cậy sức trẻ mà cứ luyện, đến khi về già sẽ ăn đủ: xương khớp rã rời, cơ bắp teo tóp, bệnh tật hành hạ. Vì lẽ đó, người tập võ phải mua các loại thức ăn bổ béo, thuốc và đồ bổ để đảm bảo cơ thể đủ sức chịu đựng. Người ta nói giàu học võ, nghèo học văn là vì thế. Đặc biệt, người luyện nội công thì còn cần các thầy thuốc có năng lực, giúp châm cứu, tắm thuốc, đấm bóp để mà đảm bảo các cơ bắp được thư giãn sau quá trình rèn luyện. Những người mới tập thường khó mà phối hợp được cơ bắp, rất dễ có tổn thương ngầm, không được giải quyết sớm sẽ gây hậu quả về sau: võ công suy giảm, cơ thể lắm bệnh khi về già,...
- Vậy bất kì ai muốn luyện nội công cũng cần những điều này hả? Nhưng mà nếu như những thầy thuốc kia có lòng muốn hại người thì sao, hoặc tay nghề không đủ tốt...
- Đó là lý do ra đời của thứ gọi là nội công tâm pháp cùng với các môn dưỡng sinh!- Chu Xuân Đạo nói tiếp- Nhóc có thấy việc cơ thể bị thương có thể tự chữa lành đúng không?
- Cái đó ai chả biết.
- Vậy tại sao vết thương khi luyện nội công không thể để tự bản thân chúng ta chữa khỏi chứ? Có điều, tự cơ thể chữa lành là cần thời gian lâu dài, trong khi kẻ luyện võ thường muốn tinh tiến liên tục, vì lẽ đó phải có biện pháp khiến thời gian trị bệnh này được rút ngắn mà vẫn có hiệu quả. Thiếu Lâm Tự bên Đại Hoa, các võ tăng của họ mỗi ngày đều phải ngồi thiền, tập yoga là bởi vậy. Còn các đạo sĩ có võ học cũng đều có những môn võ dưỡng sinh là vì điều tương tự.
Sau bài giới thiệu tận tâm của Chu Xuân Đạo, Kiệt chính thức bái ông ta làm thầy và học võ thuật từ ông thầy mới. Nhưng Kiệt không học một mình, cậu gọi thêm mấy người nữa vào học chung cho vui, thậm chí còn biên soạn lại những thứ này thành sách để gửi cho Anh Minh.
- Kiến thức bị mai một thì lãng phí lắm!- Kiệt bảo thế khi Chu Xuân Đạo phản đối những gì cậu ta làm.
- Đạo không truyền lung tung được đâu. Đã thế đây còn là võ học. Cậu quên ta đã nói gì về việc học võ hả, cần tiền nhiều lắm đó. Còn không, về sau sẽ mang họa đấy. Bao nhiêu người cùng luyện võ, luyện nội kình bây giờ, là bấy nhiêu người về già có bạo bệnh.
- Cho nên tôi mới bảo thầy dạy môn thổ nạp, dưỡng sinh trước đó thôi. Khi nào tạm được, mới luyện nội kình.
- Ta thật không hiểu, cậu đã học võ rồi, lại còn đào tạo cả những người khác nữa, rốt cục là kẻ thù nào khiến cậu lo sợ vậy chứ!
- Đại Hoa!- Kiệt nhìn Chu Xuân Đạo rồi bâng quơ nói vậy.
- Cái gì?- Chu Xuân Đạo giật mình hỏi ngược lại, nhưng Kiệt không nói gì, mà cứ tiếp tục tập võ.
Câu trả lời của Kiệt khiến cho Chu Xuân Đạo ngày đêm lo nghĩ. Đành rằng Kiệt cũng có chút tài năng, nhưng muốn chống lại Đại Hoa, thực sự là trứng chọi đá. Đáng quan ngại hơn, là Kiệt thực sự có chút tài năng lẫn trí tuệ, dễ tự phụ, không nhìn được bản thân có bao nhiêu cân lượng. Một kẻ như thế, liệu có nên dính líu không đây.
Sự lo nghĩ của Chu Xuân Đạo không qua nổi ánh mắt của Kiệt, và đây cũng là ý định của Kiệt khi nói ra việc coi Đại Hoa là địch. Bản thân cậu không hề tin tường Chu Xuân Đạo 100%, thấy việc lão Chu Xuân Đạo tò mò tìm hiểu về làng thì càng nghi hơn, nhưng tên này vừa mới cứu cha mình, khó mở lời tống lão đi khỏi đây. Nghĩ mãi rồi mới tìm cách đuổi khéo hắn đi.
Không lâu sau, Hoàng Anh Kiệt moi gần hết được võ công của Chu Xuân Đạo, và hé ra cho lão vụ thử thuốc nổ. Tới đây thì Chu Xuân Đạo hồn vía lên mây và lủi ngay khỏi làng Hồng Bàng, quay lại với Lã Xưởng.