Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite

Chương 63: Huấn luyện quân sự

Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt

Chương 63: Huấn luyện quân sự

Bức thư mà Hoàng Anh Minh gửi về chính là thứ mà Kiệt đợi đã lâu. Từ ngày làng bị đốt, Kiệt đã quyết tâm xây dựng lực lượng tự vệ cho làng. Nhưng Bách Việt đang bị Đại Hoa đô hộ, và việc xây dựng lực lượng vũ trang kiểu này chính là tạo phản. Trừ phi điều này được bao che. Với những kẻ như Huyện lệnh Triều Văn Cốc, thì chỉ đơn giản là tiền, và đám đó cũng biết rằng làng Hồng Bàng cần phải được bảo vệ thì họ mới cá kiếm được gì đó. Nhưng Lý Sử A thì khác, là Hành quân Vệ úy, tay này đảm nhiệm việc chống nổi loạn, nên rất khó thông cảm với việc làng Hồng Bàng võ trang. Mà nếu đặt điều kiện để quân của Lý Sử A về làng thì cũng khó, mà đám quân lính này về thì chỉ khổ dân, vì bọn này đánh giặc chưa biết thế nào, chứ nhiễu dân thì nhất định phải giỏi: cướp bóc của cải, bắt gái nhà lành, vòi tiền,…

Nhưng khó khăn là để vượt qua, không muốn đám lính này tới, muốn được luyện binh và không bị quy tội làm phản, quy cách làm phải lòng vòng hơn. Hoàng Anh Minh là cách giải quyết. Vì Minh quen thuộc với đám Biên Man, con cháu của đám lính và cả Lý Sử A, nên nó đã nhờ đám này đánh tiếng với cha chú họ, và sau rốt thì một biện pháp đã được đặt ra: để đám Biên Man này cùng một bộ phận con cháu của lính tráng về đóng quân ở làng Hồng Bàng.

Đám này sớm muộn gì cũng phải làm lính, nay về đóng quân tập luyện thì không ai dị nghị. Mà một trong những bài luyện tập của bọn quan binh này là chỉ huy nghĩa binh, hương binh phối hợp chống giặc, và đây là vỏ bọc dùng để luyện quân. Khi đã có đám này chỉ đạo và trông coi, việc luyện tập chiến đấu không chỉ bài bản hơn mà còn khó bị vu oan giá họa. Còn việc tại sao chỉ làng Hồng Bàng phải luyện, thì ai khai ra mà trên biết được chứ.

Khi đám lính trẻ này tới, làng Hồng Bàng phải chi ra thêm một khoản vừa vừa nữa, nhưng may mà đám nay vẫn còn trẻ, tính tham lam, hạch sách, nhũng nhiễu chưa có nhiều, nên hai bên không va chạm nhiều với nhau, sống chung cũng tạm được. Tổng số lính trẻ này về là khoảng 30 người, đảm nhiệm việc huấn luyện chiến đấu cho dân Hồng Bàng. Dẫn đầu đám lính là người con của Lý Sử A, Lý Tuấn. Lý Tuấn đã 18 tuổi, học qua mấy chữ ở trường huyện, nhưng tính hắn thích võ hơn văn, nên đã tự xác định là đi lính. Nay có cơ hội cầm một nhóm lính mới đi đì đầu bọn dân đen, có gì mà không nhận.

Các bài tập của bọn này hướng dẫn là những bài tập cơ bản của lính thời kỳ này: đấu vật, luyện đánh thương ( giáo, kích, vũ khí dài có đầu nhọn), luyện đánh đao, luyện bắn cung- nỏ và sắp xếp trận hình. Nỏ và sắp xếp đội hình là hai thứ chưa thể tập, vì nỏ là hàng quốc cấm- sức sát thương cao, chế tạo khó còn việc lập đội hình quân đội thì lại là thứ đám linh trẻ chưa học, nó liên quan rất nhiều đến binh pháp, không phải ai cũng biết, nên những kỹ năng học chỉ có mấy cái đầu.

Đấu vật thời này, thực ra là tổng hợp của mọi phương pháp chiến đấu tay không, có đấm, có đá, nhưng chủ yếu là kỹ thuật đấu vật. Nguyên nhân là bởi vì nếu đấm và đá nhau thì rất dễ gây thương tích nặng, thời này làm gì có găng đấm boxing hay là đồ bảo hộ chỗ hiểm tốt, nên môn vật được ưu tiên tập luyện. Hơn nữa vật cũng có nhiều ích lợi, tăng cường thể lực, luyện hạ bàn cho vững, tập dùng lực sao cho hợp lý, tăng cường kỹ năng đấu tay không và thúc đẩy khả năng phản xạ. Bất chấp việc chỉ mới được tập trong thời gian gần đây, sự chuẩn bị tinh thần, thể lực, kỷ luật đã cho phép những người tham gia tập luyện bắt kịp tiến độ nhanh hơn đám lính trẻ nghĩ.

Bài tập chiến đấu tay dần hạ tần suất, nhường chỗ cho tập chiến đấu với vũ khí. Tất nhiên, chiến đấu tay không vẫn được tập lại, thi đấu đối kháng vẫn diễn ra để tránh việc quên đi kỹ năng này, nhưng việc tập nó không thường xuyên như trước, mà thay vào đó là tập kỹ thuật đánh thương, đao. Các kỹ thuật này chỉ là các kỹ thuật cơ bản, luyện cho thật quen tay, chứ không múa may quay cuồng gì cả. Chiến trường là một nơi rộng lớn, nhưng không gian chiến đấu thì cực kỳ hẹp với những người lính. Họ không có không gian để múa những mũi thương cây đao như trong những gánh xiếc, không gian họ có được là một khoảng nhỏ giữa bản thân mình và đồng đội, hoặc khoảng cách giữa họ và vũ khí của quân thù sắp đâm tới, chừng vài gang tay thôi. Và họ chỉ có thời gian đủ để đâm thương, chém đao và đỡ đòn, một khoảng khắc ngắn ngủi. Nên tất cả những gì phải học đều đơn giản, tập cho thật quen, là đủ.

Thương thì chỉ cần tập có 3 ngón đòn chính là đâm, gạt, đập. Cây thương dễ chế tạo, lấy mũi thương gắn ở đầu một thân cán dài. Cấp thôn, làng cũng có thể tự trang bị cho dân binh để chiến đấu. Ra đòn yêu cầu ít không gian để phát huy hiệu quả. Đường đi của mũi thương ngắn và gọn, cực kì phù hợp dùng phối hợp trong đội hình. Một người không biết võ nghệ có thể nắm được cách đánh thương cơ bản trong vài ngày. Thương Dài giữ kẻ địch ở xa, tạo lợi thế tâm lý cho lính mới, phần nào bù cho khiếm khuyết kĩ thuật và kinh nghiệm chiến trường. Người thành thạo đánh thương dài có thể chuyển sang các binh khí tương đồng về kĩ thuật. Binh khí dài thì có Mâu, Kích,... Binh khí ngắn thì có Kiếm, Đoản Thương,...

Với Đao, kỹ thuật chiến đấu chủ yếu là chém và đâm, tuy nhiên phần đâm ít được chú trọng do trọng tâm của đao không cân bằng, nên đâm thường không chính xác. Phần chém nói thì đơn giản, nhưng cũng phải có cả chục kiểu chém khác: chém ngang, chém chéo lưỡi đao hướng ra ngoài, chém chéo lưỡi đao hướng vào trong, chém cao, chém thấp,… tùy vào điều kiện hoàn cảnh. Đao cũng có nhiều biến thể, tầm và phương thức tấn công của nó cũng đa dạng: đoản đao đánh gần, mã tấu đánh tầm trung, song đao đánh cự ly gần,các loại trường đao đánh tầm xa hơn một tí,… Ở đây, để cho dễ, thì vũ khí dùng là đơn đao, có tầm đánh vừa phải, đi kèm với khiên để che, nên còn phải học thế đỡ khiên rồi chém lên…. Kỹ năng thi triển chủ yếu là các thế chém và đỡ khiên đế đấu với những tên cướp biển khi hai bên gặp nhau ở trong làng, nơi mà thương quá dài để dùng và xoay xở.

Do đang luyện tập, nên đao vào thương dùng loại chưa được mài, đầu thương và lưỡi đao vẫn bị tù, loại này dùng thì nặng hơn bình thường một tí. Bằng cách này, những người lính được quen sức nặng hơn lúc đánh thật, đảm bảo khi chiến đấu sẽ dễ hơn. Số đao và thương này là hàng đặt, chỉ có một số vừa đủ cho khoảng 20 người tập mỗi lần, cho mỗi món vũ khí, vì thế phải chia ra. Trong thời tập luyện chiến đấu bằng vũ khí, cứ mỗi giờ lại có 40 người tập vũ khí, trong đó 20 luyện đánh thương, 20 luyện dùng đao, 60 người kia thì luyện vũ khí bằng gỗ. Tức là luyện thực chiến với vũ khí gỗ cho quen đội hình chiến đấu thực tế và phong cách chiến đấu thực tế.

Khi tập đánh trận giả, hai bên dùng gậy gỗ bọc vải dày hai đầu để làm thương, gỗ vót thành đao giả để đập nhau. Những động tác tập với vũ khí tập khi trước, nay dùng vào việc đối kháng với nhau, và khá là ngượng ngùng. Đối trận với họ, là đám lính trẻ kia. Với những kỹ năng được mài dũa từ ngày nhỏ khi quan sát cha chú tập luyện, rồi thì được huấn luyện dần dần, nên đây là những kẻ biết chiến đấu thực sự. Và trong những trận đấu tập, dù đông hơn gấp đôi, các tráng đinh Hồng Bàng hầu như không đỡ nổi các đợt tấn công, và bị đám lính trẻ đánh cho tơi tả. Chúng thậm chí còn chế giễu họ về cái cách mà họ chiến đấu, đội hình đội ngũ, những thứ mà theo chúng là vô bổ. Phương thức tấn công của đám lính trẻ rất đơn giản là xung phong vào đội hình của dân Hồng Bàng. Xung lực va chạm luôn khiến đội hình mà dân quân Hồng Bàng lập ra bị đánh tan trong chớp mắt, và sau đó với những câu kiếm gỗ đao gỗ, đám lính trẻ tung hoành trong trận địa, vụt cho mọi người thâm mày tím mắt. Và cứ mỗi một trận thắng, bọn lính trẻ lại gáy to và rõ ràng, nói những lời khiến dân làng tức không chịu nổi. Thế nhưng họ không dám làm quá, vì đánh trận giả thì khỏi nói, thua chắc, còn đánh lén thì chả ai dám.

Con gà tức nhau tiếng gáy, những người thanh niên của làng Hồng Bàng không muốn cứ mãi chịu thua thế này. Họ nhờ Kiệt giúp họ cách đánh thắng, một công cụ, vũ khí lợi hại nào đó chả hạn. Kiệt lắc đầu ngay, vì đi từng bước còn chả ăn ai nữa là đi tắt.

- Khi ta đối mặt đám cướp biển, sẽ không chỉ là nhục nhã đâu, mà là mất mạng. Các chú đừng hòng thắng bằng mưu mẹo, chỉ có gϊếŧ chết chúng, đánh chúng quỵ xuống, ta mới thắng. Giờ ta chỉ mới gặp những trận thua, vết thương lớn nhất chỉ có bầm tím mà thôi. Nếu không vượt được, làm sao ta thắng được lũ cướp biển đây.

- Các chú ấy với bọn mình nhà quê ăn chửi cũng quen, nhưng mà nó dám nói kháy cậu kìa.- Đột nhiên, mấy thằng nhóc chưa đủ 18 tuổi nói xen vào. Bọn nó cũng là nam giới, nên cũng tham gia huấn luyện quân sự, nhưng không tập sử dụng vũ khí như người đủ 18 tuổi, chỉ tập đến đánh vật. Vì thế, bọn nó hay bị đám lính trẻ trêu chọc, mà càng đứa nào lớn, gần đủ 18 tuổi thì càng bị đám kia thách đấu, và thua liên tục. Vì thế, bọn nó muốn dân làng thắng bọn lính một trận cho hả hê.

Nghe đám chưa đủ 18 tuổi nói, Kiệt cười cười. Cậu biết bọn nó bấy lâu cũng đã bị nhục nhã nhiều rồi, nên muốn thắng là bình thường, thậm chí cả những người đã trưởng thành cũng thế, ai lại muốn bị sỉ nhục chứ. Đây chính là thứ tâm lý mà Kiệt mong chờ đã lâu, và cũng là lý do Kiệt nhờ Minh mang đám lính trẻ này tới. Chúng không mạnh và kinh nghiệm trận mạc tới mức không thể thắng được, nên mọi người sẽ có thể cố gắng, vì họ biết họ sẽ thắng được. Nhưng đồng thời, bọn này vẫn còn rất nhiều không gian tiến bộ, và sự tiến bộ này nhất định kéo dân Hồng Bàng lên theo.