Hồng Bàng Lập Quốc Ký Rewrite

Chương 46: Nhất Minh Kinh Nhân

Quyển I: Nó là Hoàng Anh Kiệt

Chương 46: Nhất Minh Kinh Nhân

Hôm sau, Hoàng Anh Minh trả lời bức thư mà đám Kim Chủ gửi lần trước, nói rằng cậu ta đã sẵn sàng hồi đáp. Biết được rằng Hoàng Anh Minh đã sẵn sàng, đám Kim Chủ cũng hơi lo lo, liệu cậu ta có chước nào đối phó chúng. Nhưng tên đã lên dây không thể không phóng, bọn nó lập tức sẵn sàng phản kích lại. Hơn nữa, câu bọn nó đưa ra rõ ràng là đã nắm ưu thế hoàn toàn: câu nói của Khổng Tử rõ ràng là phản đối kẻ ở tầng lớp thấp kém ngoi lên cao. Minh thì là ở tầng lớp thấp kém rõ ràng.

Lúc này, bầu không khí trong học viện như là rượu đã được lên men thật kỹ, uống vào là bốc lên tận óc. Phe Kim Chủ tuy không tận lực tuyên truyền hay giải nghĩa, nhưng các Thổ Bảo học trên cũng sớm cắt nghĩa được bức thư, tâm tình họ càng thêm bực bội, nên loan truyền cho mọi người cùng tầng lớp, thậm chí nói cho cả bên Biên Man. Lý do là hai bên tựu chung đều là kẻ thấp kém ngoi lên, nay bọn nó muốn dìm mình xuống, mình phải đấu tranh chứ.

Biên Man thì tuy ù ù cạc cạc, nhưng không quá ngu, nói chung là biết bọn Kim Chủ là muốn dìm mình, nên cũng nhập hội. Tất nhiên, bọn nó nhập hội ủng hộ cho vui thôi, chứ không làm gì cả. Thứ nhất, bọn nó văn không giỏi, học được chữ thôi là may lắm rồi. Thứ hai, bọn nó học chữ là để làm lính cao cấp, không tiến sâu vào hoạn lộ, nên không để ý lắm tới vụ ngoi lên hạ xuống này.

Sự náo động trong trường làm cách thầy giáo thấy bất an, nhất là Lư Công Vinh- người đứng đầu trường. Ông ta là người mà Huyện lệnh Cốc cài cắm vào, một mặt dạy học cho con em các gia đình, mặt khác liên lạc với họ để họ ủng hộ Triều Văn Cốc. Vì thế, ông ta một mặt phải đảm bảo lợi ích các Thổ Bảo- con cháu những người ông ta có nhiệm vụ lấy lòng, nhưng con cháu Triều Văn Cốc lại là Kim Chủ, ông ta không thể không bênh vực chúng. Lư Công Vinh đề nghị ngăn bọn nó lại, không cho vụ đối đáp diễn ra, nhưng thầy đồ Thắng lập luận rằng nếu không làm thế, họa còn lớn hơn.

- Dùng đập mà chặn dòng nước lại thì chỉ làm nước thêm dâng cao, giá mà chặn được thì còn đỡ, không chặn được, vỡ đập ra thì khổ hơn thế nhiều.

- Nhưng không đắp đập, nước tràn vào lúa cũng chết hết.

- Ở nhiều nơi, thay vì đắp đập, họ dùng sông ngòi điều tiết, ta nên để mâu thuẫn bộc phát khi nó còn nhỏ, dùng cách điều hòa để mâu thuẫn chuyển đi, như thế mới là thượng sách.

Thầy đồ Thắng đi nhiều, biết nhiều nên nói rất có lý. Dẫu vậy, thầy Vinh không dám nghe ngay, mà đi xin ý kiến chỉ đạo từ Huyện lệnh Cốc. Chỉ khi vị Huyện lệnh gật đầu cho phương án này, ông ta mới dám đáp ứng.

Triều Văn Cốc đã nghe con nói về vụ việc, và quả thực dưới con mắt của ông ta, trận này phe Kim Chủ chắc chắn thắng. Huyện lệnh Cốc cũng không lo sau khi thắng xong làm thế nào để bọn dân đen lắm của tiếp tục ủng hộ ông ta, vì dân sao đấu lại quan. Bọn nó lại chẳng khuyên con mình nuốt cơn tức mà học tiếp, để rồi nối nghiệp bố nó làm tay sai cho con ông ta, như bố chúng nó đang là tay sai cho ông, thỉnh thoảng phải nhờ ông nhón tay làm phúc hay sao.

Cuộc đối đáp diễn ra trông một ngày trời đẹp, hai phe tuy không mang băng rôn hô khẩu hiệu, nhưng không khí thì cực sôi nổi. Tuyển thủ hai bên cũng bước lên, nếu như bên Kim Chủ có hơn 10 người, thì bên này chỉ có một mình Minh. Nguyên nhân chủ yếu là vì không ai tự tin có thể nói lại được câu nói kia. Thôi thì làm đội cổ vũ vậy.

- Hoàng Anh Minh, nghe nói cậu nghiên cứu rất nhiều về Khổng Phu Tử, bọn này tự nhận mình còn kém cậu, nên mới muốn thỉnh giáo cậu, hy vọng bạn có thể giúp bọn này mở mang đầu óc thêm.

- Không dám, không dám. Chúng ta hoặc là bạn học, hoặc học cùng trường, giúp nhau là đương nhiên.- Minh đáp lại, tuy không quá mức tự cao, nhưng cũng khiến bọn kia bực lên. Nói như Minh, bọn nó thực sự phải nhờ cậu ta giúp rồi còn gì.

- Vậy câu nói đó có nghĩa là gì?- Mấy tên lớn tuổi hơn một chút ra tín hiệu không được xúc động, làm ẩu giờ chỉ có thiệt. Bọn nó lập tức tập trung vào vấn đề chính của buổi đối đáp hôm nay.

- Câu nói mà Khổng Tử nói đó tất nhiên là phải giải thích, nhưng nói về nó thì ta phải có sự nhìn nhận tổng quan về thời đại, nếu không sẽ là phiến diện.

- Thế nào là phiến diện chứ.

- Mạnh Tử có câu: Tẩu nịch bất viện, thị sài lang dã! Nam nữ thụ thụ bất thân, lễ dã. Tẩu nịch, viện chi dĩ thủ giả, quyền dã. (Chị dâu ngã sông mà không cứu là không có tính người! Nam nữ thụ thụ bất thân là lễ. Chị dâu ngã sông phải cứu là linh hoạt, tùy tình hình mà làm.). Việc nắm tay người khác giới còn phải xem tình hình mà phán xét, nói chi tới đại nghĩa mà Thành Hiền giảng dạy.

- Được!- Bọn Kim Chủ nhìn nhau, không biết phản bác thế nào, nên đành phải chịu

Câu nói của Minh tuy đã nói lại đúng câu mà thầy đồ Thắng dạy, song rõ ràng là Minh chỉ có ý dùng nó làm sự khởi đầu, trong khi thầy Thắng cho rằng đây là câu kết thúc, nên ông cũng bối rối. Song, ông thấy Minh khí định thần nhàn ( dánh trấn định, thần thái bình tĩnh) nên cũng vẫn ngồi yên.

- Toàn bộ câu của Khổng Phu Tử nói, là: “Thiên hạ hữu đạo tắc lễ nhạc chinh phạt tự thiên tử xuất. Thiên hạ vô đạo tắc lễ nhạc chinh phạt tự chư hầu xuất. Tự chư hầu xuất, cái thập thế hy bất thất hĩ; Tự đại phu xuất, cái ngũ thế hy bất thất hĩ; Bồi thần chấp quốc mệnh, tam thế hy bất thất hĩ. Thiên hạ hữu đạo, tắc chính bất tại đại phu. Thiên hạ hữu đạo, tắc thứ dân bất nghị.” Đúng không?

(Thiên hạ có đạo thì việc lễ, nhạc và chinh phạt thì quyết định bởi thiên tử. Thiên hạ không có đạo thì việc lễ, nhạc và chinh phạt thì quyết định bởi chư hầu. Đã quyết định bởi các chư hầu, thì vận nước không thể truyền quá mười đời, quyết định bởi đại phu thì nước nhà không hơn năm đời, bọn gia thần cầm quyền thì ba đời là tận. Bởi thế, thiên hạ có đạo thì chính quyền không nằm ở tay đại phu. Thiên hạ có đạo thì dân không bàn việc nước.)

- Đúng!

- Vậy thế nào là “ Thiên Tử”?

- Thiên tử là con của trời, nhận mệnh trời mà trị thiên hạ.

- Chu Thiên Tử là “Thiên tử” chứ?

- Phải?

- Tề Hoàn Công, Tống Tương Công, Tần Mục Công, Tấn Văn Công, Sở Trang Vương có phải “ Thiên tử” không?

- Không! Tuy họ có tài, có lực, có thế, nhưng không phải “ Thiên tử”. Tại sao vậy? Ngôi trời ban, bần tiện phú quý đã sẵn định, đâu phải cứ dùng tài là có!

- Vậy Nghiêu, Thuấn, Vũ thì sao? ( Đường Nghiêu, Ngu Thuấn, Đại Vũ)

- Họ cũng là “ Thiên …

Tất cả đám người Kim Chủ vội lao tới chặn họng thắng đang phát biểu, vì bọn nó biết câu này mà nói xong, đòn phản công của Minh sẽ bắt đầu. Bọn Kim Chủ đã ngừng lại, nhưng câu nói của Minh thì ai cũng nghe rồi, chỉ mất một lúc để họ liên tưởng ra ý của Minh. Nghiêu, Thuấn, Vũ vốn chỉ là bậc dưới, nhờ tài đức mà lên ngôi “ Thiên tử”, vậy chẳng phải người có tài đức là đáng ngôi Thiên tử, đồng thời việc tiến lên cao cũng là đúng ý sao?

- Đúng, họ là các bậc Thiên tử?- Đám Thổ Bảo đồng thanh hô to.

- Các vị ấy dù gì cũng có đại công đại đức. Công đức ấy lớn nên được chọn làm thôi.

- Đúng vậy, tuy nhiên, Hạ Hậu Khải ( con Đại Vũ) lại là thế nào, Thành Thang ( vua khởi đầu nhà Thương) là thế nào, Chu Vũ Vương ( Cở Phát, diệt Thương lập Chu) lại là ra sao? Đại đức của họ là ở điểm gì mà lên làm Thiên tử?

- Ở điểm… Ở điểm!- Lần này, bọn Kim Chủ càng tắc tị. Chẳng lẽ nói ở chỗ họ đánh bại kẻ ở cao hơn để làm thế.

- Thế họ làm thế nào?- Sau cùng, bí quá, bọn nó vặn ngược lại Minh.

Lúc này, Minh hơi lắc đầu, như thể hiện sự thất vọng với đối thủ, khiến đám Kim Chủ đỏ lựng mặt

- Ở chỗ họ đã học tập?

- Học tập?- Bất chấp sự xấu hổ vừa rồi, câu trả lời của Minh khiến đám Kim Chủ chú ý.

- Hạ Hậu Khải công tích không cao, nhưng đã siêng năng học tập việc kế vị cha mình, Thành Thang học cách làm bộ tộc lớn mạnh, Vũ Vương học cách để nước mình giàu mạnh, cho nên họ tuy công tích không lớn, nhưng vẫn giữ được ngôi Thiên tử. Tới thời Khổng Phu Tử sống, ngôi Thiên tử nhà Chu hữu danh vô thực, Thiên tử không còn học được cách giữ nước mạnh dân an, cho nên không khống chế được lễ nhạc. Ấy là một điều vô đạo. Các chư hầu, đại phu, bồi thần tuy mạnh lên, song chỉ biết tăng sức mạnh mà không tích kiến thức, không đủ năng lực để thay thế Thiên tử, bởi vậy, lễ nhạc họ định ra đều mười phần sai sót, đó là điều vô đạo thứ hai. Cuối cùng, họ muốn nằm quyền hành, không còn là vì lo cho người dưới, cho dân chúng, mà để thỏa mãn bản thân, đó là điều vô đạo thứ ba. Có ba điều vô đạo này, thiên hạ có thể yên sao, nước có thể truyền đời nổi sao?

- Vậy thì nó giải thích gì cho câu nói của Khổng Phu Tử?- Lúc này, đám Kim Chủ khϊếp đảm lắm rồi, không dám nói gì nữa, nhưng bọn Thổ Bảo thì nào chịu để yên, bọn nó thấy đang có lợi, nên muốn Minh chốt sổ luôn, để tăng tính hợp pháp việc tiến thân. Từ nay, bọn Kim Chủ mà muốn nói tới thân phận thì bọn nó có chuyện của Minh để mà đe ngược lại.

- Phu Tử dạy như thế là muốn nói chỉ khi người nào có học hành, có tu dưỡng đến mức cần thiết để làm công việc, thì công việc đó mới hanh thông, kẻ chưa đạt được tới mức đó mà cố làm, lại làm chỉ vì lòng tham, tất khiến cho hỏng việc. Vì thế làm việc gì phải tìm đúng người có năng lực làm việc đó. Đó là nửa vế đầu.

- Còn nửa vế sau nào nữa?

- Đây mới là giải thích cho đoạn: “Thiên hạ hữu đạo tắc lễ nhạc chinh phạt tự thiên tử xuất. Thiên hạ vô đạo tắc lễ nhạc chinh phạt tự chư hầu xuất. Tự chư hầu xuất, cái thập thế hy bất thất hĩ; Tự đại phu xuất, cái ngũ thế hy bất thất hĩ; Bồi thần chấp quốc mệnh, tam thế hy bất thất hĩ. Thiên hạ hữu đạo, tắc chính bất tại đại phu” thôi.

- Ừ ha? Nhưng còn đoạn sau thì chỉ có mỗi câu: “Thiên hạ hữu đạo, tắc thứ dân bất nghị ” ư? Thế mà cũng là một vế!

- Đúng thế! Đường Nghiêu truyền ngôi cho Thuấn là vì đâu, vì được dân chúng nói cho biết sự hiền đức của Thuấn, Thuấn truyền ngôi cho Đại Vũ vì thấy Đại Vũ làm việc hăng say, người dân tin tưởng. Đến khi Vũ định truyền ngôi cho Bá Ích, nhưng Hạ Khải được dân tinh hơn, lên nên ngôi. Hai người vua trước không truyền ngôi cho con, vì con họ không tài hơn, không được dân tin, Hạ Khải được nối ngôi, vì dân tin cậy. Thuấn, Vũ, Khải đều là bậc Thiên tử nắm thiên mệnh là do họ khiến dân tin vậy, nếu dân không tin, họ sẽ như Đan Chu ( con Nghiêu), Thương Quân ( con Thuấn) và Bá Ích ( người được Vũ chọn), có muốn cũng chả làm được. Bởi thế, câu “Thiên hạ hữu đạo, tắc thứ dân bất nghị ” phải hiểu là bởi làm đúng nên dân không thấy chướng tai gai mắt mà phải bàn luận công việc người trên làm, chứ không phải cấm dân bàn.

- Đúng lắm!

- Vì sao vậy? Vì dân là người chịu ảnh hưởng từ chính sách mà các bậc bồi thần, đại phu, chư hầu và Thiên tử gây ra. Nhìn vào họ để thấy việc mình làm là đúng hay sai đó.

Những lời của Minh làm bọn Thổ Bảo hò hét cổ vũ liền, còn đám Kim Chủ nghe xong thì cụp đuôi toan biến đi. Một vài đứa Biên Man cũng cổ vũ hộ, trong khi bọn khác có đầu óc hơn thì nhìn nhau.

- Từ nay chỉ sợ bọn Thổ Bảo lại có nhân tài mới rồi!

- Sợ quái gì, thư sinh học nhiều, nhưng cũng đắc tội lắm người rồi ấy chứ!

Đúng như lời nhận xét của những tên Biên Man có đầu óc, lời nói của Minh bên dưới làm tất cả các thầy đồ bên trên tái mặt, nhất là thầy Thắng và Lư Công Vinh. Điều Minh nói khó phản bác lại, nhưng chỉ e sẽ làm nổi lên bao sóng gió thôi.

- Khoan đã mọi người. Vẫn còn phần kết luận mà!- Minh giơ tay lên, hiệu cho mọi người im lặng.

- Minh nói đi! Bọn này ủng hộ!

- Câu nói của Khổng Phu Tử đã chỉ ra cho ta vấn đề: không học mà ngồi ngôi cao thì chỉ là làm loạn. Và muốn biết ta làm có tốt không, phải nhìn vào những gì mình đem tới cho người chịu ảnh hưởng bởi việc làm của mình. Vậy muốn hạn chế cái xấu, thì chỉ có cách làm theo Phu Tử, học tập kiến thức và tu dưỡng đạo đức thôi.

- Học tập là đúng đắn!

- Nghe theo Khổng Phu Tử.

- Có tài có đức thì lên, không tài không đức chỉ gây họa.