Bạch Cốt Đại Thánh

Chương 5: Vụ án “Thiên Lôi đánh chết người”

Dịch: Thanh Hoan

"Một tiếng sét vang rền đùng đoàng, có người bị sét đánh chết!

Lý Lương Tài về nhà, lúc đi tắt qua bờ sông lại bị một tia sét đánh chết!

Lúc ấy còn có không ít người cùng thôn xong việc ngoài đồng về nhà.

Bọn họ đều thấy cảnh Lý Lương Tài bị sét đánh chết.

Một tiếng thiên lôi ầm vang, đất đá tung bay, thân liễu gãy rạp, hiện trường còn bị nổ thành một cái hố to cháy đen, Lý Lương Tài đúng lúc đi bên bờ sông rơi thẳng xuống nước sông tháng Hai lạnh buốt, không còn hài cốt.

Lúc thi thể của Lý Lương Tài được lưới đánh cá dưới hạ du kéo lên rồi chất lên xe bò kéo về thôn Thượng Phan thì tử trạng của Lý Lương Tài vô cùng thê thảm, tay chân đều bị đứt mất rồi.

Tay chân đứt lìa, máu còn đương chảy, nhuộm đỏ xe bò.

Thi thể còn chẳng được đắp cái chiếu rơm nào, cứ như vậy chất lên xe bò cho xác phơi một đường kéo về thôn Thượng Phan.

Thấy trượng phu mới đây còn khỏe mạnh, còn dặn trả xong trâu sẽ về nhà ăn cơm tối, đảo mắt đã chết không toàn thây, Lý thị vừa nghe tin dữ, đau lòng xót xa khóc lả đi. Đứa con trai trong ngực kia cũng bị dọa khóc tu tu, luôn miệng gào khóc gọi tên cha.

Ôi… cảnh tượng kia, người nghe cũng phải rơi lệ.

Bên này hài cốt Lý Lương Tài còn chưa lạnh, đầu bên kia ở trong thôn đã có lời đồn đại truyền ra, dân trong thôn đều nói Lý Lương Tài này chắc chắn đã làm chuyện gì táng tận lương tâm lắm mới gặp báo ứng bị trời sai thiên lôi đánh chết như thế. Nếu không chắc chắn sẽ không bị ông trời trừng phạt, không những người bị sét đánh chết mà còn là chết không toàn thây.

Lý thị kia đã đang khóc rống, lại nghe được người cùng thôn xì xào bàn tán xung quanh thì càng khóc đến tê tâm liệt phế, nói lão Lý nhà nàng ta hiền lành trung thực cả một đời, vì sao người chết đi rồi còn rơi vào cảnh mất hết thanh danh, bị người dùng lời ác độc hãm hại như thế.

Nhưng chẳng làm thế nào được, trăm năm bia đá cũng mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ, Lý thị thân là một người đàn bà, nói nhiều nữa thì cũng có tác dụng gì đâu? Người trong thôn lại nhao nhao bảo thôn Thượng Phan có nhiều hộ như vậy, sao người khác không bị sét đánh chết, mà chỉ có mỗi Lý Lương Tài hắn bị ông trời đánh chết đâu?

Mấy ông già bà cả trong thôn đều bảo đây là ông trời có mắt, ông trời chỉ phạt kẻ ác, sét không đánh người tốt, ông trời sẽ không oan uổng người tốt! Còn mắng Lý thị không biết kính sợ ông trời, chắc chắn sẽ bị trời khiển trách. Còn nói năm nay chắc chắn thôn Thượng Phan sẽ bị liên lụy, ruộng đồng khô hạn, không thu hoạch được hạt thóc nào. Bọn họ còn nhe răng trợn mắt chửi rủa thậm tệ, đòi đuổi cả nhà Lý thị đi, miễn cho nhà Lý Lương Tài làm ác lại gây họa cho toàn bộ người vô tội trong thôn này.

Đáng thương Lý Lương Tài kia hài cốt còn chưa lạnh, đã để lại mẹ góa con côi Lý thị và đứa con trai độc nhất phải chịu cảnh hàng xóm láng giềng bốn xung quanh bắt nạt.

Ngay khi tất cả mọi người đưa ra kết luận như ván đã đóng thuyền trong vụ này rằng Lý Lương Tài chết là vì bị sét đánh, thậm chỉ cả thông gia lẫn tộc trưởng trưởng thôn đều không có dị nghị gì thì trong đám đông có một vị công tử bước ra.

Chậc chậc, vị công tử kia vậy mà khó lường lắm đấy! Thân cao tám thước, bề ngang cũng tám thước, thân thể cường tráng, oai phong lẫm liệt, da mịn thịt mềm, tóc đầu đinh như hòa thượng, tự báo tên mình, họ Tấn tên An, bên cạnh còn có một phu xe và một thư sinh đồng hành, chính là ba người ngoài vừa đến thôn Thượng Phan tá túc qua đêm tối hôm ấy…

Cái vị tự xưng là Tấn An này nói nếu sét đánh trúng người thì sẽ chỉ để lại dấu vết cháy đen tại chỗ đó, tuyệt đối sẽ không xảy ra chuyện đất đá tung bay, cây liễu gãy rạp, tại chỗ còn biến thành một cái hố to như mọi người nhìn thấy.

Đấy rõ ràng là có người chôn sẵn thuốc nổ bên bờ sông rồi cố ý dụ Lý Lương Tài đi đến chỗ hẹn trước, sau đó giả vờ rằng Lý Lương Tài là bị sét đánh chết. Kẻ đó cũng mượn nước sông cọ rửa hết dấu vết ở bờ sông, cọ rửa thi thể của Lý Lương Tài, ý đồ hủy thi diệt tích, cuốn đi hạt tròn của thuốc nổ và mùi thuốc nổ để lại.

Bởi vì trên đời này chỉ có thuốc nổ mới có hiệu quả kinh khủng và bá đạo đến vậy.

Trưởng thôn chỉ cần báo án mạng này lên quan, để huyện nha điều tra gần đây có ai mua thuốc nổ, lưu huỳnh, diêm tiêu với số lượng lớn. Ngoài trừ việc Lý Lương Tài tự mình đi đến bờ sông ra, còn có ai có khả nắng lớn nhất sẽ hẹn Lý Lương Tài ra bờ sông, hoặc lúc ấy là ai đi cùng với Lý Lương Tài, Lý Lương Tài mà chết thì ai là người có lợi nhất… Như vậy, người đó chắc chắn sẽ là hung thủ hại chết Lý Lương Tài!

Thuốc nổ ư?

Các thôn dân nghe vậy thì kinh hãi, triều đình nước Khang Định quản lý cực kì nghiêm khắc và chặt chẽ về việc lưu hành thuốc nổ trong dân gian, thuốc nổ là hạng mục quân giới thuộc sự quản lý của quân đội. Ở Khang Định này, thuốc nổ bị cấm trong dân gian, thậm chí ngay cả cách phối chế thuốc nổ cũng bị cấm lưu hành trong dân gian nữa.

Người trong thôn đều không tin Lý Lương Tài chết vì thuốc nổ.

Bởi vì trong dân chúng căn bản không có ai có thể tiếp xúc đến thuốc nổ cả.

Tất cả mọi người đều kích động mắng chửi những người ngoại lai này bất kính với ông trời, muốn đuổi cả bọn họ lẫn mẹ con Lý thị ra ngoài thôn Thượng Phan.

Nhưng cũng may, trưởng thôn từng học mấy năm tư thục, kiến thức còn rộng hơn đám điêu dân chốn khỉ ho cò gáy dốt đặc cán mai này một chút. Trưởng thôn biết rõ chuyện này một khi đã dính dáng đến thuốc nổ thì tuyệt đối sẽ không phải việc mà một mình tên trưởng thôn nho nhỏ như hắn có thể ôm đồm được. Thà tin rằng là có, còn hơn nghĩ là không, tuyệt đối không thể giấu nhẹm hoặc báo cáo láo chuyện này. Vì vậy, trưởng thôn phái mấy người thanh niên chạy nhanh nhất trong thôn ra đi huyện nha huyện Xương báo cáo chuyện này ngay trong đêm.

Nghe nói một cái thôn nhỏ của huyện Xương vậy mà lại xuất hiện vụ án thuốc nổ hư hư thực thực, Trương tri huyện của huyện Xương nào có gan dám làm chậm trễ đâu, ngay trong đêm đã đốt đuốc gọi tất cả bộ đầu trong huyện lại, dẫn cả nha dịch và khoái mã, chia ra mấy đường, dựa theo manh mối mà công tử Tấn An đưa ra, tiến hành điều tra xác minh loại bỏ suốt đêm, quả nhiên đã bắt được hung phạm cực kì nhanh chóng.

Thật là đúng với một câu tục ngữ dân gian, rằng “nếu muốn người không biết, trừ phi mình đừng làm”!

Không làm việc trái với lương tâm, sẽ không sợ nha dịch bổ đầu nửa đêm gõ cửa.

Hung thủ gϊếŧ chết Lý Lương Tài lại chính là một thân thích cùng thôn với Lý Lương Tài. Tên kia là một con ma cờ bạc, mấy năm trước từng tìm vợ chồng Lý Lương Tài vay tiền giúp hắn qua cửa ải khó khăn, còn thề sau này sẽ không bao giờ đánh bạc nữa. Hai vợ chồng Lý Lương Tài thấy hắn đáng thương, nhẹ dạ cả tin lời hắn nói, lấy ra tiền bạc tích cóp bây lâu cho hắn vay, giúp hắn trả hết tất cả món nợ đánh bạc.

Kết quả tên kia không những không biết hối cải, sau khi có thân thích trả tiền giúp thì tiếp tục lao vào cờ bạc không coi ai ra gì, không những khất nợ tiền bạc của vợ chồng Lý Lương Tài, mà còn mấy lần bí mật tìm Lý Lương Tài vay tiền. Nhưng Lý Lương Tài đã hiểu rõ bản tính của bọn ham cờ bạc là khó sửa đổi, cho bọn nghiện cờ bạc vay tiền cũng như dùng giỏ trúc múc nước, vì vậy kiên quyết không cho vay tiếp nữa.

Tên thân thích là ma cờ bạc này thấy Lý Lương Tài rõ ràng có tích cóp lại không chịu giúp đỡ thân thích, lại cảm thấy mình mê cờ bạc thì cả đời này cũng không trả hết nợ. Thế là hắn sinh lòng xấu xa, bày kế sát hại Lý Lương Tài, chỉ còn lại mỗi mẹ góa con côi Lý thị tính cách yếu đuối kia thì hắn sẽ không phải trả nợ nữa. Thậm chí còn nghĩ ra kế sách ác độc hơn, kích động đám dân cùng thôn vô tri không biết gì cả, ý đồ đuổi cổ mẹ góa con côi Lý thị ra ngoài, sau đó thừa cơ chiếm nhà, chiếm đất, chiếm ruộng…

Bởi vì cái gọi là cứu lúc cấp bách, không cứu lúc nghèo.

Một nắm gạo là ân, một đấu gạo là thù.

Người biết sự kinh khủng của quỷ, quỷ lại hiểu sự độc ác của lòng người.

Đáng nhẽ là bản án “Thiên lôi đánh chết người”, cuối cùng lại là án “Rửa oan”, cuối cùng lại dính dáng đến một vụ án ly kì là “Dân gian tàng trữ thuốc nổ trái phép”, biến đổi bất ngờ, ly kì khúc chiết!

Mà vị công tử họ Tấn tên An kia, bởi vì có công phá được vụ án thuốc nổ nên được huyện nha và tri huyện đánh giá rất cao còn bày tiệc chiêu đãi. Trương tri huyện hiểu rõ đại nghĩa, thưởng phạt phân minh, trên yến tiệc còn kêu gọi các thương thân, thân hào nông thôn quyên ra ba trăm lương bạc trắng, trao tận tay cho công tử Tấn An ngay trước mặt mọi người để cảm tạ ân đức công tử Tấn An đã cứu được mạng của mấy chục vạn bách tính trong huyện Xương. Mà giờ, danh sách các thương nhân thân hào nông thôn quyên góp tiền bạc đã được khắc thành biển, đang treo trong đền thờ của huyện Xương kia kìa.

Truyện này kết thúc tại đây."