Bảo Bối À!

Quyển 1 - Chương 1

Những cơn mưa cuối tháng bảy không ngừng trút xuống, phủ trắng xoá cả một vùng đất rộng lớn. Nơi đây hiện tại ngày cũng như đêm, không lúc nào bên tai vắng tiếng mưa và cảnh vật luôn chìm trong bầu không khí ảm đạm. Mưa đã kéo dài gần một tháng, hoa màu, cây cối đang chết dần chết mòn, mà trong màn mưa dày đặc này nguy hiểm lại luôn rình rập con người. Theo lời đồn đại, thủy thần đã đến lúc cần thêm trinh nữ hiến tế, bằng không ngài sẽ nổi giận, lúc đó nhân gian sẽ gặp đại họa.

Cách xa nơi phồn hoa đô hội, ngôi làng Mikada nằm biệt lập nơi núi rừng hoang sơ, lại ở gần con sông lớn Mikada. Con sông là nguồn nước duy nhất nơi đây, mang lại sự sống cho dân làng. Nhưng không chỉ có vậy, cũng vì con sông này mà bao chuyện oan sai xảy ra. Hằng năm cứ đến khoảng thời gian này, con sông lại nhanh chóng dâng cao do mùa lũ tràn về. Điều đáng nói nhất là, khi lũ dâng quá cao sẽ gây ra hậu quả khôn lường cho tất cả người dân sinh sống nơi đây. Từ trong quá khứ không biết có bao nhiêu lần dân làng khốn đốn mỗi khi lũ về. Rồi không biết từ lúc nào, họ rỉ tai nhau cách hiến tế trinh nữ để làm nguôi cơn giận của thủy thần. Có lẽ cách làm này đã dừng lại nếu như năm đầu tiên sau khi hiến tế, mưa bão không tan và con sông tiếp tục dâng nước. Nhưng mọi chuyện đã xảy ra theo hướng ngược lại, và phong tục hiến tế ra đời, cứ như vậy duy trì hằng năm và kéo theo cái chết của không biết bao nhiêu thiếu nữ vô tội.

Tiếng cầm vang vọng trong không khí, hòa cùng tiếng mưa rào rạt. Thanh âm êm dịu không biết từ đâu bay tới thấm vào trong từng tiếng mưa vang dội, trở nên nhạt nhòa nhưng lại như là âm đệm, làm cho tiếng mưa bỗng chốc trở nên mềm mại êm ái.

Trong ngôi đền cổ thờ thủy thần, một thiếu nữ vận đồ truyền thống của các Miko, kimono trắng cùng hakama đỏ tươi đang ngồi bên cửa sổ, ngón tay nàng lả lướt linh hoạt chuyển động trên cầm cổ. Tiếng đàn tiêu sái phóng khoáng mang chút u uẩn cất lên hòa lẫn tiếng mưa ngoài trời, cùng khuôn mặt vô cảm của nàng có chút khác biệt.

(*) Miko: các vu nữ ở các đền thờ Thần đạo ở Nhật Bản, thường là một trinh nữ, con gái của pháp sư và phụ giúp các pháp sư hoàn tất công việc của mình.

(*) Hakama, kimono: đồng phục truyền thống của các Miko. Các Miko phải mang Kimono trắng cùng Hakama đỏ, chân đeo tabi và để tóc dài, cột lên bằng sợi vải đỏ hoặc trắng.

Tiếng đàn của thiếu nữ vừa dứt, bên cạnh nàng vang lên tiếng trầm trồ: “Hashi, cầm kỹ cao thêm một bậc rồi. Quả là chuyện đáng mừng!”

Thiếu nữ tên Hashi quay đầu, mỉm cười với người vừa nói chuyện. Khuôn mặt vô cảm vừa rồi biến mất trong chốc lát.

” Bà, lễ cầu nguyện đã xong rồi sao?” Nàng hỏi. Người này là bà của nàng, cũng là pháp sư ở ngôi đền này.

” Ừ, của con đây” Pháp sư Kakage gật đầu, chống chiếc gậy gỗ khó nhọc đến gần Hashi. Bà rút ra một cái bọc, bên trong là cây chuông trừ tà mà bà vừa ếm vào đó sức mạnh, đặt lên cầm cổ của nàng. ” Đây là chiếc chuông ta đã truyền gần như hết sức mạnh của mình, ta giao nó cho con. Có lẽ đã đến lúc rồi, thánh nữ Hashi!”

Hashi nhíu mày ngạc nhiên, thực sự đã đến lúc rồi?

Dường như đọc được suy nghĩ của nàng, bà Kakage gật đầu nhìn nàng tin tưởng: “Thân ta bây giờ tàn phế, chẳng còn chút hữu ích gì. Tất cả ta giao lại nó cho con. Cố gắng lên, Hashi-miko của nơi này!” Bà vươn tay đặt lên trán Hashi, nơi có đoá bạch mai màu bạc nở rộ ” Con sẽ làm được, đây là minh chứng”

Hashi chưa kịp trả lời, cô giúp việc trong đền hớt hải chạy vào, trên người cô vương lại vài giọt nước mưa, xem ra mới ở cổng đền chạy vào đây.

Cuộc trò chuyện bị cắt ngang, bà Kakage cùng Hashi cũng không nói nữa. Hashi điềm tĩnh hỏi cô gái giúp việc ” Có chuyện gì sao?”

Cô giúp việc trấn định lại, trả lời: “Hashi-miko, trinh nữ được chọn để dâng cho thủy thần năm nay đã đưa tới rồi”

Hashi nghe vậy sắc mặt thoáng chốc trùng xuống. Nàng lại sắp phải tự tay tiễn đưa một cô gái vô tội xuống cho yêu quái trong nước sao? Còn pháp sư Kakage nghe xong lại nở nụ cười nhàn nhạt bí hiểm. Quả thực đã đến thời khắc đó rồi.