Hiệp Giả Hệ Thống Dị Giới Hoành Hành

Chương 39: Trung niên đạo và thiếu niên tăng

Từ Hiền như một con dã thú băng ngang qua cánh rừng, hắn chạy như thể bù đắp cho một trăm mấy mươi ngày chưa được dùng đến đôi chân của mình.

Hắn không biết rằng, ở phía cánh rừng bên kia, cách chừng năm mươi dặm cũng có hai người đang tung bay trong rừng, chỉ là chênh lệch tốc độ giữa hắn với họ cũng xa như khoảng cách giữa hai bên vậy.

Trên căn bản là chỉ có thị giác của cao thủ Tiên Thiên mới theo kịp được.

Nếu Từ Hiền có nhãn lực bậc ấy, ắt sẽ nhìn ra đó chính là vị hòa thường và tên đạo sĩ hắn gặp vào khuya hai ngày trước.

Hai người song hành cùng nhau, tên đạo sĩ trông có vẻ đã dốc toàn lực nhưng vị hòa thượng kia nom thần thái lại thư thả lắm, đoán chừng vẫn còn dư lực.

Đạo sĩ kia tuổi chừng tam tuần, diện mạo bình thường, khí chất bình thường, nhưng phục sức trên người lại chẳng hề bình thường.

Hắn mặc trên mình một bộ đạo bào hoa lệ, áo ngoài màu trắng, bên trong màu đen, vừa nhìn đã biết là tơ lụa thượng hạng.

Không những thế, đầu hắn đội một cái thất tinh quan đính bảy viên lam ngọc, hông đeo một cái ngọc bội âm dương do hai mảnh ngọc một trắng một đen ghép lại, yêu đái có họa tiết Bát Quái thêu bằng kim tuyến, trường kiếm sau lưng cũng hết sức hoa lệ, vỏ kiếm thuần ngân khảm hai viên ngọc to chảng ở hai bên, một xanh một đỏ.

So với hắn, trang phục của hòa thượng kia lại chẳng đáng kể, y khoác lên người một chiếc cà sa có vẻ đã cũ, thậm chí có thể nhìn thấy vài mảnh vá.

Từ đầu đến chân của hòa thượng chẳng có lấy một món trang sức, ngoại trừ tràng hạt trên cổ có vẻ cũng chỉ làm từ gỗ rẻ tiền, trông như được truyền lại từ vị lão tăng nào đó, cũ kĩ lắm rồi.

Nhưng đáng nói là diện mạo và khí chất của hòa thượng này, y đi chân trần nhưng không nhiễm lấy một hạt bụi, hai chân thon gọn sạch sẽ, trắng trẻo như ngọc, đến cả nữ tử nhìn thấy cũng phải ghen tị.

Nhìn lên, trên đầu y đốt mười ba chấm hương, diện mạo thanh tú xuất trần, môi hồng răng trắng, giữa mi tâm có một ấn ký liên hoa, màu đỏ như máu, thế mà không cho người ta chút cảm giác yêu dị nào, chỉ càng tô điểm cho y thêm một loại khí chất siêu phàm thoát tục.

Tay phải chấp trước ngực, hòa thượng này mặt mũi trẻ trung, chỉ nhìn diện mạo thì chẳng khác gì thiếu niên chưa đến mười tám. Không biết là tuổi y thật sự như vậy, hay là tu luyện kỳ công nào đó bảo trì dung mạo, vĩnh trú thanh xuân.

Lúc này, chỉ nghe đạo sĩ kia nói: “Vô Lượng Thiên Tôn! Hòa thượng, ban ngày quỷ hồn tránh dương, bần đạo hết phép, chỉ có thể dựa vào ngươi rồi.”

Đến cả âm thanh của hắn cũng thường thường không có gì lạ, thật sự là một kẻ trừ bỏ vật ngoài thân thì hoàn toàn phổ thông.

Trái ngược với hắn, giọng nói của hòa thượng lại cho người nghe cảm giác như gió xuân ấm áp, mưa rào lúc trời hạn, khiến người ta không hiểu thấu mà cảm thấy tĩnh tâm:

“A Di Đà Phật, tiểu tăng đã phát hiện ba nơi nghiệp khí tích tụ gần nhất. Đạo sĩ, tiểu tăng phải gia tốc, ngươi nỗ lực theo kịp.”

Nói đoạn, liền thấy dưới chân y có kim vân lúc hiện lúc ẩn, hai con ngươi như ẩn chứa ba ngàn thế giới, nghiêng đầu nhìn chếch về phía trái, ấn ký hồng liên giữa trán lấp lóe, khi sáng khi tối.

Sau đó chỉ thấy y mỗi bước ra một bước liền vượt qua mấy trượng, ở chỗ cũ đến tàn ảnh cũng không thấy, chỉ có một đóa kim vân mờ dần rồi biến mất.

Đạo sĩ thấy vậy, há mồm cười ha hả: “Khinh thường bần đạo chăng? Xem ta Phi Hạc Đằng Không!”

Vừa dứt lời liền thấy hắn phóng thẳng lên trời, sau lưng hiện ra hư ảnh của một con bạch hạc, hai tà áo của hắn phất phới như hai cánh hạc, dù ngoại mạo bình thường nhưng lúc này cũng có vài phần tiên phong đạo cốt.

Lúc bấy giờ, bạch hạc sau lưng hắn vỗ cánh, mỗi lần lên xuống là hắn nhảy một đường vòng cung xa đến mười trượng, theo sát phía sau, đạp lên kim vân mà tiểu hòa thượng để lại.

Hai người một tăng một đạo, nhìn tuổi có chênh lệch nhưng không thấy xưng tiền bối hậu bối, cũng chẳng gọi đạo trưởng hay hô đại sư, người này “hòa thượng” người kia “đạo sĩ”, thái độ không chút khách khí với nhau nhưng lại cho cảm giác chẳng hề thất lễ, gọi nhau có vẻ xa lạ nhưng lại có một luồng thân thiết khó tả, thật là diệu thay.



Từ Hiền không biết có hai vị diệu nhân đang ganh đua khinh công cao thấp, hắn lúc này đã cách Đan Dương Huyện chưa tới trăm bước.

Quần áo ướt đẫm mồ hôi, Từ Hiền cũng không sợ bất lịch sự, tìm một chỗ kín đáo rồi cởi bỏ tất cả, dùng khăn lau khô thân thể rồi lấy một bộ y phục mới từ trong ống tay áo ra thay vào.

Ăn mặc tươm tất, hắn đến gần quan đạo, thấy không có ai liền lấy xe lăn ra ngồi lên, thế là tạo thành hình tượng vị Từ tiên sinh hai chân có tật đi lên huyện, chứ không phải một tên vũ phu chạy như chó đuổi nãy giờ.

Có ký ức của kiếp trước, Từ Hiền hiểu sâu tầm quan trọng của việc giả heo ăn thịt hổ, kẻ địch vĩnh viễn cũng chẳng ngờ tới việc một tên què lại có thể chạy như bay.

Quả nhiên sự cẩn thận của hắn là sáng suốt, lúc tiến vào địa bàn Đan Dương Huyện liền gặp phải một vị thợ săn ở tiểu trấn, hắn mà hai chân vọt tới thì đã không tránh khỏi một phen kinh ngạc hỏi han rồi.

Xã giao vài câu với thợ săn, không có hứng thú ngắm nhìn sự phồn hoa nơi huyện lớn, Từ Hiền tìm đến chỗ trữ nhiều thư tịch nhất trong huyện: Đan Dương thư viện.

Thư viện này nghe đồn rằng đã có hơn hai trăm năm, trước đây là do một vị Công bộ thượng thư của Đại Xương xây cất lúc dưỡng già, y muốn đặt hết những sách vở mình tích trữ cả đời vào trong đó để làm chỗ đọc sách, bồi dưỡng sĩ tử quê nhà.

Nhưng mà có vẻ như chẳng tác dụng gì mấy, hai trăm năm qua không có đại thần nào trong triều có xuất thân từ Đan Dương, người nổi bật nhất cũng chỉ được điều về nơi đây làm tri huyện mà thôi, chẳng có tiến bộ thêm.

Nên Đan Dương thư viện cũng dần điêu linh, đến nay nếu không có mấy vị lão tú tài góp vốn lại duy trì, e rằng nó đã phải đóng cửa.

Lăn bánh vào tòa cổ lâu ba tầng có hai trăm năm lịch sử này, đập vào mắt Từ Hiền là rất nhiều sách, nhưng người thì lác đác chẳng có mấy.

Vài vị thư sinh, tuổi trẻ hoặc trung niên, có người tóc đã hoa râm, người thì đang tìm sách, người thì đã cầm sách mà chăm chú đọc, gần cửa thì có hai vị lão nho đang quyết trận sinh tử hắc bạch, ngoài ra cũng chỉ còn một vị lão tiên sinh, trông có vẻ là thủ thư đang ngâm cứu tại quầy sách phía Đông.

Từ Hiền không định làm phiền lão nhân, bởi hắn hiện giờ cũng không biết mình muốn tìm thứ sách gì, chỉ có thể nhắm mắt đi bừa trước xem sao.

Nhìn thấy ở trung tâm thư viện có một hòm góp bạc, hắn lấy ra mười văn tiền bỏ vào.

var _avlVar=_avlVar||[];_avlVar.push(["6f8adab64618480bb109e5dcefadecf7","[yo_page_url]","[width]","[height]"]);

Dạo qua một vòng, các loại binh thư yếu lược, trị quốc an bang, đạo lý làm người, tư tưởng triết học, con đường chính trị gì đó đều bị hắn loại bỏ đầu tiên.

Nhiệm vụ nhắc nhở hắn có thể tìm thấy chân tướng trong sách, vậy cũng có khả năng chuyện bắt cóc hài đồng tương tự đã từng xảy ra trong quá khứ, rất có thể được chép lại trong sử sách.

Nhưng Từ Hiền đi khắp tầng một cũng không tìm thấy một quyển sử thư nào, hắn đoán chừng là ở tầng trên.

Bây giờ hắn đang ngồi xe lăn, muốn đi thang lầu là không thể nào. Nếu trực tiếp đứng dậy dùng hai chân đi lên cũng không ổn, người trong thư viện sẽ coi hắn là kẻ điên mất.

‘Ta có thể đổi một loại thư tịch khác.’

Các loại kỳ văn dị sự, truyện ký giang hồ hẳn là cũng thích hợp để hắn tìm tòi. Hắn vừa rồi đã nhìn sơ qua một lần, biết chỗ để sách ghi chép kỳ văn dị sự ở đâu.

Đó chỉ là một giá sách nhỏ ở góc Tây thư viện, số lượng sách cũng không nhiều lắm.

Cạnh bên đó còn có một giá sách xếp đặt các loại tiểu thuyết, đáng nhắc tới là Từ Hiền phát hiện Bạch Xà Truyện cũng nằm trong số đó.

Hắn cầm lên xem thử, thấy đề tựa là “Bạch nương tử truyền kỳ”, góc dưới cũng có đề danh tác giả, hắn chỉ thấy một dòng chữ dài: “Giả Châu Đan Dương Huyện Bạch Long Trấn Từ tiên sinh”.

Lật ra xem vài trang, cùng một nội dung nhưng văn bút hơi khác, giống như là chép lại từ lời khẩu thuật của các vị thuyết thư.

Cũng phải, người khác chỉ đọc qua sách gốc một lần đã sợ chết khϊếp mà trả về tay hắn, không có chính bản lưu hành cũng là dễ hiểu.

Từ Hiền trả quyển tiểu thuyết về lại giá sách, bắt đầu ngâm cứu kỳ văn dị sự.

Một lần cúi đầu, trời đã hoàng hôn.

Văn khách trong thư viện lục tục ra về, nhưng Từ Hiền vẫn lật sách soàn soạt, xem xong quyển này liền đổi sang quyển khác.

Chưa đầy hai mươi mà liên tục đỗ đầu thi Hương, thi Hội, hắn không chỉ dựa vào thiên phú mà còn có nỗ lực hơn người, đọc sách nhiều vô số kể, cuối cùng luyện được bản lãnh đọc lướt như gió mỗi khi muốn tìm một đoạn trích riêng nào đó.

Thái dương sắp hạ, thái âm sắp lên, nhưng Từ Hiền không hề để ý đến.

Chợt có một giọng nói già nua vang lên sau lưng hắn: “Tiểu hữu đang tìm gì mà nhập thần như vậy?”

~o0o~