Nhà Họ Có Ma

Chương 4: Nhà họ Lê có ma

Ngày học đầu tiên kết thúc lúc chín giờ. Hà Anh thu xếp sách vở lại.

– Em học rất tốt, bài vở nắm rất vững. Những bài tập này em nhớ làm, đến buổi học hôm sau cô sẽ kiểm tra lại nhé!

Hà Anh cất tiếng nói với Chí Kiên.

Chí Kiên dù mới mười ba, nhưng lại có bộ dạng lớn trước tuổi, rất trầm ổn. Cậu xếp tập lại, nói với Hà Anh:

– Dạ, em sẽ làm đầy đủ ạ!

Chí Kiên ngừng một lúc lại nói tiếp:

– Cô dạy vừa dễ hiểu lại đúng trọng tâm, không lan man như những người khác.

Chí Kiên là một cậu bé thông minh, Hà Anh nghĩ dù cậu không cần gia sư cũng có thể học tốt như thường. Được một học trò thần đồng như vậy thừa nhận xem như là lời khen tốt nhất đối với một gia sư như Hà Anh.

– Cám ơn em.

– Để em đưa cô ra cổng.

Chí Kiên khách sáo nói và đi trước mở cửa cho Hà Anh.

Hà Anh đeo túi xách, vừa đi được mấy bước thì chợt sau lưng cô vang lên một tiếng cạch khiến cô quay đầu lại nhìn. Chí Kiên hỏi:

– Sao vậy cô?

Hà Anh lắc đầu, nói:

– Hình như cô nghe thấy tiếng đồ rơi.

Chí Kiên à một tiếng, nói:

– Dạ, chắc là cây bút bị rớt, để tí nữa em nhặt lại.

Hà Anh không để ý nữa, bước ra khỏi cửa.

Hai cô trò vừa tới cầu thang xuống lầu thì đã nghe văng vẳng tiếng cào nhào từ phòng khách phát ra:

– Không biết cô làm cái gì nữa? Có pha ly nước cũng làm không xong, hay cô muốn để bà già này phỏng chết…

– Dạ, xin lỗi mẹ, con sơ ý quá…

– Sơ ý gì, tôi thấy cô cố ý thì có! Không phải nước quá lạnh thì nước quá nóng, bà già này khó hầu hạ vậy hả?

Đừng nói là từ lúc đó tới giờ cuộc chiến giữa mẹ chồng nàng dâu kia chưa kết thúc nha.

Phòng khách có vách ngăn với hành lang bên ngoài nên Hà Anh không thể thấy rõ ràng tình huống bên trong, nhưng nghe đối thoại thôi cũng biết rõ một, hai. Chí Kiên vẫn như ông cụ non, không hề để lộ cảm xúc dư thừa nào, cứ một đường tiễn Hà Anh ra khỏi cửa. Sau khi ra khỏi nhà, ngăn cách bởi lớp cửa dầy, Hà Anh không còn nghe những lời mắng mỏ bên trong nữa. Lúc này, Chí Kiên mới nhìn Hà Anh, rất lấy làm tiếc nói:

– Xin lỗi cô, bà nội em hơi khó tính một chút! Dù bà có nặng lời cũng không có ý xấu, cô đừng để bụng.

Đúng là một đứa bé rất ngoan ngoãn và chu đáo. Nói ra, cả ba đứa cháu nhà họ Lê đều là những đứa bé tốt, gia giáo, hiểu chuyện. Thật chẳng hiểu nổi vì sao trên mảnh đất đầy thị phi này lại ươm được những mầm móng lương thiện như vậy.

Hà Anh cười cười:

– Người già lúc trái gió trở trời thường khó chịu trong người, hay nổi giận cũng khó tránh. Em đừng lo, cô hiểu mà!

Chí Kiên muốn nói gì lại thôi. Bà nội cậu một năm ba trăm sáu mươi lăm ngày thì trái gió tới ba trăm sáu mươi sáu ngày. Nhiều khi khiến người trong nhà không chịu nổi mà phải lên tiếng, nhưng tính khí bà nóng nảy, nghe con cháu góp ý liền gán tội bất hiếu, không tôn trọng người lớn tuổi. Mỗi lần như vậy, bà càng làm to chuyện hơn, cuối cùng, người chịu tội vẫn là bà Ngọc, con dâu duy nhất trong nhà. Dù có thương vợ, thương mẹ, nhưng chẳng có cách giải quyết. Cho nên, mọi người đã thống nhất ý kiến, không cãi lời bà nữa, cứ mặc bà muốn làm gì thì làm.

Mỗi nhà mỗi cảnh, làm dâu trong gia đình giàu có chưa hẳn đã là sung sướиɠ.



Nhà họ Lê rất rộng, ngoại trừ nhà chính ra thì xung quanh còn có mấy gian nhà phụ. Trong đó, có một gian để thờ phụng tổ tiên, bà Yến cũng ở trong gian nhà này, thường ngày, bà chỉ sang nhà chính ăn uống, chơi đùa với cháu nội, hành hạ con dâu, đến tối thể nào bà cũng về lại nhà thờ tổ. Con trai bà, Lê Minh Hưng, đã nhiều lần đề nghị bà ở lại nhà chính luôn, chứ một mình bà ở nhà thờ tổ lỡ có chuyện gì thì không ai hay. Nhưng bà Yến nhất quyết không đồng ý, kiểu gì cũng không chịu chuyển qua.

Thật chẳng biết nhà thờ tổ kia có gì khiến bà Yến lưu luyến tới như vậy.



Mặt khác, Hà Anh đã làm gia sư ở nhà họ Lê gần một tháng rồi. Và lần nào cô đến, ít nhiều đều nghe thấy tiếng cằn nhằn của bà Yến đập vào tai. Chỉ là, sau lần lần đầu tiên được bà Ngọc mời vào phòng khách uống trà, thì những lần sau, Hà Anh đều trực tiếp lên phòng đọc sách trên lầu nên tới giờ vẫn chưa từng chạm mặt bà Yến. Bà Yến thì không cần phải nói, bà ta càng không quan tâm đến một gia sư nhỏ bé dạy thuê nhà mình. Nào có chuyện gặp một lần cho biết mặt nhau.

Cứ nghĩ mọi chuyện đều bình thường, nhưng thật chất, Hà Anh dần nhận ra rất nhiều điểm bất thường trong ngôi nhà này.

– Sao vậy? Lại mất bút rồi à?

Hà Anh nhìn Chí Kiên lục lọi sách vở và hộp bút mãi nên lên tiếng hỏi.

Chí Kiên thở dài:

– Chắc Bảo Trân lại giấu của em rồi! Con bé cứ nghịch vậy suốt!

Chí Kiên là cậu bé ngăn nấp, mọi thứ đều để đúng nơi quy định, nhưng đồ đạc của cậu không vì vậy mà ở yên một chỗ, hết bị mất thứ lại, lại bị phá cái khác. Mà lúc nào Chí Kiên cũng nghĩ là do Bảo Trân nghịch. Mà thật có mấy lần là do con bé bày trò thật, Bảo Trân đang tuổi phá phách, không chịu ngồi yên, lại không có bạn chơi cùng nên hay bám theo anh ba, người nhỏ tuổi nhất trong nhà, dù Chí Kiên không phải người thích chơi đùa, cũng không thú vị.

Hà Anh đưa một cây bút cho Chí Kiên, nói:

– Tới giờ học rồi, em lấy của cô dùng đỡ đi!

– Dạ, cám ơn cô!

Đã nhiều như vậy nên Chí Kiên không còn ngần ngại như mới đầu. Cậu đang nghĩ phải mách với mẹ thôi, không thể để Bảo Trân tự ý quậy như vậy được nữa.

Cũng vào lúc đó, một cái bóng vụt qua sau lưng Chí Kiên, nhanh tới mức Hà Anh chỉ lờ mờ thấy cái bóng đen mơ hồ và tiếng cười hi hi vọng lại.

Hà Anh cụp mắt xuống, thầm nhủ:

“Quả nhiên nhà này… có ma!”



Hết giờ học, như thường lệ, Chí Kiên lại tiễn Hà Anh ra cửa. Bên tai vẫn còn nghe văng vẳng tiếng tranh cãi từ trong phòng khách phát ra:

– Tôi nói tôi không ăn cá! Cô cứ một hai kêu tôi ăn là sao? Muốn chọc chết bà già này hả?

– Mẹ… con không dám. Chỉ là mấy hôm nay thấy mẹ bị đau hàm, không nhai nổi thịt nên con mới hỏi ý kiến của mẹ thôi…

– Hừ, chứ không phải muốn tôi tức chết hay sao? Tôi nói rồi, tôi không ăn cá! Chết cũng không ăn! Không nhai thịt được thì ăn mỡ! Kiểu nào mà sống không được…

– Mẹ à…

Vốn chỉ là một cuộc tranh cãi bình thường, nhưng Hà Anh lại cảm thấy có điểm lạ thường trong lời nói của bà Yến.

“Không thích cá cũng bình thường, nhưng tại sao lại ghét tới như vậy?”

Thiếu điều muốn ăn tươi nuốt sống người ta. Đáng tiếc Hà Anh không có cơ hội nán lại nghe nhiều hơn, vẫn phải bước đều chân ra khỏi nhà.

Chí Kiên dừng chân ở cửa lớn, ngoài cổng thì có bảo vệ đang mở cửa chờ Hà Anh.

– Em chào cô ạ!

– Ừ, chào em! Cô về đây!

Hà Anh tiếp tục bước đi đến cổng, mà thực ra không chỉ có mình Hà Anh! Sau lưng cô, không biết từ lúc nào đã có một bóng trắng đang bám theo!

Hà Anh cũng đã nhận ra sự xuất hiện của cái bóng trắng đó, nhưng cô vẫn đi thẳng không quay đầu lại. Bóng trắng kia thờ thẩn theo sau lưng Hà Anh, nó không thể bước ra khỏi cổng, cánh cổng đóng lại ngăn cách nó với thế giới bên ngoài.

Hà Anh rẽ phải, đi mem theo lề đường, qua lớp hàng rào sắt cao chót vót của nhà họ Lê, Hà Anh biết cái bóng trắng kia vẫn đang đi song song với cô.

Được một đoạn khá xa, đến chỗ bảo vệ nhà họ Lê không thể trông thấy, Hà Anh chợt dừng chân, quay đầu nhìn sang cái bóng kia qua lớp hàng rào.

– Tại sao lại đi theo tôi?

Cái bóng trắng dần hiện rõ hình dạng, là một cô gái khá trẻ, tóc dài và dầy để xõa tự nhiên, trên tóc còn có một chiếc kẹp hình con bươm bướm bằng vàng, kiểu dáng cũ kỹ, cô ta còn mặc bộ bà ba vàng nhạt bằng vải phi bóng. Có lẽ “cô ta” phải chết khá lâu rồi.

Hồn ma kia nhìn Hà Anh, ấp úng:

– Tôi… tôi không biết!

Cô ta lúng túng thật, cứ liên tục quơ quào hai tay, điệu bộ thật ngốc nghếch, nhưng bởi vì cô đẹp nên bộ dáng như con nít lên năm kia cũng không khó coi cho lắm.

– Cô tên là gì?

Hà Anh lại hỏi. Hồn ma ngẩn người trước câu hỏi đó, như chính cô ta cũng không biết câu trả lời.

“Gặp phải một con ma ngốc rồi!”

Hà Anh tự nhủ trong bụng. Suốt bao năm qua, không phải đây là lần đầu Hà Anh gặp phải tình trạng này. Có những người lúc sống bị ảnh hưởng đầu óc, khi làm ma cũng không tỉnh táo. Cũng có những linh hồn bị thiếu mất hồn phách mà trở nên ngu dại. Không biết hồn ma trước mặt là thuộc trường hợp nào.

– Sao cô không ra ngoài này cho dễ nói chuyện?

Hà Anh lên tiếng dẫn dụ, nhưng hồn ma kia lắc đầu không chịu, lắp bắp:

– Tôi… không ra được…

Xong, lại ngẩng đầu lên, giương hai con mắt ngập nước nhìn Hà Anh mà nài nỉ:

– Tôi… đói! Cho tôi ăn đi…