Chương 21: Ngày dài
Chủ nhật – Tháng 1: Ngày Giáp Tết, tiết trời se lạnh. Vì những tập cuối của serie phim Tết, Diệp Anh đã nhiều ngày không ngủ. Cô mở cửa bước ra ngoài với chiếc chăm trùm kín đầu, chỉ để lộ đôi mắt mệt mỏi. Một nụ hôn lướt nhẹ trên môi. Diệp Anh trừng mắt nhìn Khải Hưng. Anh nhăn mặt, cười trừ.
- Buổi sáng vui vẻ!
- Em nhớ tối qua chúng ta còn cãi nhau, mới vài tiếng đồng hồ, anh nói xem em có vui vẻ không?
- Nhìn này! Anh có cái này cho em!
Khải Hưng quay lại phía sau, kéo ra trước mặt Diệp Anh hai bọc lớn. Một đựng đầy những chai rượu còn mới. Bọc còn lại là khoảng hơn chục bao thuốc lá chưa bóc.
- Anh định bảo em dùng đỡ hay đem bán hộ anh?
- Chúng ta không gây nhau nữa, được không?
Diệp Anh khoanh tay lại trước ngực, nhướn mày nhìn Khải Hưng.
- Được. Nếu anh không muốn vài năm nữa ở dưới mấy tầng đất và nhìn em vui vẻ bên người đàn ông khác.
Khải Hưng tiến lại gần, Diệp Anh liền lùi ra sau, đưa tay chỉ lên một vệt bầm tím phía góc trán.
- Lúc anh vào thì bấm chuông từ tốn. Lúc bỏ đi thì anh không nói không rằng, đóng sầm cửa.
- Nếu anh còn ở lại, nói không chừng em sẽ ném hết đồ đạc trong nhà vào anh.
Diệp Anh nhìn Khải Hưng, khẽ cười.
- Coi như anh hiểu em.
Khải Hưng đưa tay sờ nhẹ lên trán Diệp Anh.
- Em thay quần áo đi, anh đưa em đến chỗ này.
- Được. Nhưng vết bầm này không phải nói hết là hết đâu.
Khi đứng chờ Khải Hưng dắt xe vào chỗ gửi, trong một con ngõ vắng người, Diệp Anh nhìn thấy một người đàn ông đang vòng tay, ôm siết một phụ nữ trẻ. Nụ hôn sâu vội vã. Họ quay đầu, nhớn nhác nhìn quay rồi nhanh chóng rời đi. Diệp Anh đột nhiên thấy tim mình đập liên hồi.
Diệp Anh và Khải Hưng cùng nhau đi bộ qua 2 con phố. Diệp Anh bị câu hỏi của Khải Hưng chặn lại dòng suy nghĩ.
- Em có thấy đôi nào không nắm tay mà đi song song với nhau thế này không?
- Tay họ không có mồ hôi.
- Em đói à?
- Không. Vẫn chưa. Sao tự dưng anh hỏi thế?
- Thì lần trước em nói mỗi khi đói tay em lại đổ mồ hôi.
- À…khi em mệt cũng thế. Bao giờ mới tới nơi? Phố này dài quá!
- Tới rồi!
Khải Hưng dừng lại trước một nhà hàng phía trên treo biển hiệu “Việt”. Một nhà hàng truyền thống được thiết kế như một khu vườn thu nhỏ. Dọc lối vào, những thân cây lớn đỡ lấy chiếc mái vòm được làm từ các thanh tre uốn cong. Con đường phủ gạch và sỏi rẽ ngang vào những khoảng đất riêng biệt. Ở giữa, một bộ bàn ghế chạm khắc cầu kì được che phủ bởi một chiếc ô lớn màu trắng. Tiếng nước róc rách chảy qua những bụi cây nhỏ nở từng chùm hoa đỏ tươi, đổ vào một hồ lớn, trong vắt, bơi lội hàng ngàn con cá vàng nhỏ xíu.
Nhân viên đưa Khải Hưng và Diệp Anh tới một bàn phía bên trái quán. Sau khi gọi món, đồ ăn nhanh chóng được bày lên. Những món ăn quen thuộc như bánh xèo, nem lụi được khéo léo trang trí lạ mắt.
- Không ngờ anh cũng có khiếu thưởng thức như vậy.
Diệp Anh nhướn mày nhìn Khải Hưng, mỉm cười. Lúc này, nhân viên phục vụ đã bưng tô canh tới. Thay vì đặt ngay xuống bàn, cô ta sững lại, nhìn Khải Hưng chằm chằm.
- Anh!
Khải Hưng bối rối nhìn qua bên.
- Anh tưởng em làm việc trong bếp.
- Nhà hàng hơi đông nên em ra phụ một tay. Em còn tưởng hôm qua anh ở đó về ngủ một giấc. Không ngờ anh tỉnh táo nhanh vậy.
Khải Hưng cười trừ.
- Em cũng không tồi.
Cô ta ngay từ đầu đã nhìn thấy Diệp Anh nhưng cố ý lờ đi. Tô canh trên tay cũng chưa chịu đặt xuống. Diệp Anh đưa tay đón lấy tô canh. Cô ta đột nhiên trợn mắt nhìn Diệp Anh.
- Chị…
Gương mặt Diệp Anh bình thản. Cử động rất khẽ nhưng không ai biết cô đã dùng bao nhiêu lực để ghì chặt tay cô ta áp sát tô canh nóng.
- Xin lỗi. Tay chị hơi trơn. Phải nắm chặt một chút.
Tô canh đặt xuống. Cô ta hậm hực bỏ đi. Diệp Anh lặng lẽ múc một ít vào chiếc bát nhỏ trước mặt, nếm thử.
- Hồi nhỏ, Đan Nguyên và Linh An hè nào cũng cùng tới một trung tâm thiếu nhi. Đứa học đàn. Đứa học vẽ. Em ghen tị nên cũng đòi đến. Nhưng sau khi đến rồi mới phát hiện bản thân chẳng có năng khiếu gì, đành tham gia lớp học võ. 2 năm trước đi du học, em mới ngừng tập. Nếu vừa rồi cô ta không gọi em một tiếng chị, em nhất định khiến cô ta không nhấc được tay ra khỏi tô canh này.
Khải Hưng ngập ngừng.
- Anh và cô ấy quen biết từ lâu. Tối qua bực bội lại tình cờ gặp cô ấy ở quán bia của bạn anh nên nán lại nói chuyện.
- Anh làm gì lúc đó em không biết, cũng không muốn biết. Chỉ có điều đừng để người phụ nữ khác nhìn em một cách đáng thương là được.
- Chúng ta năm ngày bảy trận. Vậy làm sao có thể lâu dài được.
- Anh nói xem em có nên tính chuyện lâu dài với người chỉ vừa cãi nhau đã bỏ ra ngoài say xỉn bên cạnh cô gái khác không?
- Em có tận mắt nhìn thấy không?
- Vậy lần này cãi nhau, anh làm cho em thấy tận mắt là được.
Diệp Anh vừa dứt lời, Khải Hưng liền đứng dậy, bỏ ra ngoài. Diệp Anh còn ngồi lại, yên lặng ăn hết bát cơm đã chan canh nóng. Khi cô chuẩn bị đứng dậy ra về, đột nhiên một người đàn ông lạ mặt tiến lại gần, tự nhiên kéo ghế, ngồi đối diện với cô. Ông ta cẩn trọng đặt xuống trước mặt cô một tách trà nóng.
- Trà gọi ra rồi. Uống rồi hẵng đi.
- Tôi đâu có gọi.
- Tôi gọi.
- Xin lỗi, nhưng ông là ai?
- Cô đoán xem.
- Nhìn bộ quần áo ông mặc, tôi đoán ông là đầu bếp. Hơn nữa, phong thái như vậy, chắc chắn là bếp trưởng.
- Đúng nhưng thiếu.
- Tôi còn là chủ nhà hàng này và là bố của người đàn ông vừa rời khỏi đây.
Diệp Anh sửng sốt, đứng bật dậy, khẽ cúi đầu chào.
- Cháu chào bác.
- Tốt. Chào hỏi rồi thì ngồi xuống nói chuyện đi.
Diệp Anh từ từ ngồi xuống.
- Đồ ăn ngon chứ?
- Vâng rất ngon. Mùi vị rất giống các món cháu từng ăn trước đây.
- Nó từng nấu cho cô ăn sao?
- Dạ?
- Mùi vị này chỉ mình tôi và nó có thể làm được. Tôi nhớ đây là lần đầu cô tới quán.
- Vâng, anh ấy đã nấu cho cháu ăn.
- Vậy sao?
Ông ta nhìn Diệp Anh. Ánh nhìn có chút gì đó tò mò.
- Trà thế nào?
- Cũng rất ngon ạ.
- Vậy cô cầm một ít về đi.
Ông ta đưa cho Diệp Anh một bọc giấy màu vàng nhạt, tỏa ra một mùi hương nhẹ.
- Cháu…, Diệp Anh ngập ngừng.
Ông ta nhìn Diệp Anh, ánh mắt nghiêm nghị thoáng qua nét trầm tư.
- Vợ tôi khi còn sống rất thích uống trà do tự tay tôi xao tẩm. Mỗi năm nó chỉ tới đây gặp tôi một lần vào ngày giỗ của bà ấy để lấy trà.
Ông ấy đứng lên, trước khi đi không quên dặn Diệp Anh:
- Cô tới đó chỉ cần thả một viên nhỏ vào nước sôi, nó sẽ tự bung ra.
Diệp Anh chạy ra tới cửa đã thấy Khải Hưng đứng đó, từ từ gập ví lại.
- Sao anh quay lại?
- Ví của em còn để trong cốp xe.
- Không phải vì cái này sao?
Diệp Anh giơ về phía Khải Hưng bọc giấy màu vàng nhạt, nhướn mày. Khải Hưng khẽ thở dài. Diệp Anh níu tay Khải Hưng, hôn nhẹ lên má anh. Cô không biết anh đang cảm thấy thế nào nhưng cô tin, chút ấm áp có thể khiến anh nhẹ nhõm hơn. Khải Hưng bất ngờ nhích đầu sang bên để nụ hôn đó chạm tới môi mình.
- Á!, Khải Hưng đưa tay sờ lên vành môi rớm máu.
- Em là biên kịch. Mấy hành động đó em đều viết ra được. Đừng cố thể hiện với em.
Họ đi qua những con phố cũ, trở về chỗ gửi xe. Hai bàn tay vẫn không hề nắm lấy, Nhưng giữa hàng ngàn người trong thành phố đông đúc này, họ có thể bước sát cạnh nhau, cùng tới một nơi, đó cũng là duyên phận.
Thứ 5 – Tháng 1: Không khí ấm áp nhanh chóng rời đi khi hai tuần nghỉ Tết kết thúc.
Tết vừa hết, bàn làm việc của Đan Nguyên đã dán kín những mẩu giấy nhớ ghi các cuộc hẹn với khách hàng. Cô vội vã chạy đi chạy lại khắp nơi để lo những thứ nhỏ nhặt nhất như một tấm hình còn thiếu hay khăn trải bàn quá sẫm màu so với váy cô dâu.
Hôm nay, trong lúc đang chạy về công ty cho kịp buổi họp thì giầy của cô đột nhiên bật gót. Cô ngã sóng soài trên nền đất. Cô nhăn mặt, từ từ đứng dậy, nhặt lại những tờ giấy vừa rơi ra từ tập tài liệu mang theo. Bất giác nhìn lên, cô nhận ra phía trên ai đó đang nhìn mình. Cô nheo mắt, lẩm bẩm đếm số tầng. Bóng người biến mất sau ô kính.
Cuộc họp diễn ra như một phiên chất vấn. Mọi người uể oải trước các tin nhắn khiếu nại và thắc mắc dàn trải trên trang web của công ty. Một đám cưới, không phải chỉ có cô dâu, chú rể mà 2 bên gia đình cũng nhiệt tình góp sức. Nhưng nếu cố gắng làm vừa ý tất cả mọi người, sẽ khiến buổi lễ trở nên diêm dúa, hỗn tạp. Những người không được lưu tâm đến ý kiến đều để lại vài dòng nhắc nhở, nhưng họ không biết vì thế mà hơn chục người 3 ngày một lần lại phải tập trung, ngồi đối diện nhau trong một gian phòng hẹp, tự kiểm điểm.
Màn hình máy tính hiện lên vài dòng chữ. Đan Nguyên liếc nhìn Quốc Dũng. Quả thật anh đang nhìn cô, chăm chú. Nhưng ngay khi đèn vừa bật sáng, ánh mắt anh liền trở nên nghiêm nghị.
Đan Nguyên vì biểu hiện lạ lùng này của anh mà bối rối suốt buổi họp. Trong đầu cô liên tục xuất hiện những tưởng tượng không đâu rồi tự tay đập tan hết tất cả bằng cái lắc đầu thật mạnh. Cô cứ thơ thẩn như vậy cho tới khi theo dòng người ra khỏi thang máy, bước tới cổng công ty, kết thúc giờ làm việc.
Mỗi khi trong lòng bức bách, Đan Nguyên lại phóng xe thật nhanh. Đi đâu và đi tới bao giờ, cô không hề nghĩ tới. Khi bình tĩnh lại, Đan Nguyên sửng sốt nhận ra mình đã đi được bao xa. Cô thậm chí đã ra khỏi thành phố. Biệt thự bằng gỗ đang ở ngay trước cô, chỉ cách vài bước chân. Cô thở dài, chăm chú nhìn thẳng vào nó như thế thứ vô tri đó sẽ trả lời bất cứ câu hỏi nào của cô.
Khi Đan Nguyên định quay đầu xe rời khỏi thì bị một chiếc ôtô màu ghi sáng chắn đường. Nó rẽ sang bên, tiến về phía trước rồi dừng lại. Quốc Dũng mở cửa bước xuống, nói với Đan Nguyên khi cô còn chưa kịp định thần.
- Ở công ty, tôi thấy cô phóng bạt mạng như vậy còn tưởng cô có chuyện gì rất gấp.
- À…vâng…chuyện gấp…Có một người…
- Cô xong việc rồi chứ?
- Vâng…
- Đến tận đây rồi, tôi mời cô một tách phê, được chứ?
Cánh cổng từ từ mở ra. Đan Nguyên dắt xe vào trong. Khác xa với cảm giác mới lạ khi lần đầu tới đây, cô giờ không còn tâm trí để thích ngú ngắm nhìn những họa tiết tinh tế được khắc lên những thớ gỗ nhẵn mịn. Cô cẩn trọng bước theo sau Quốc Dũng.
Cà phê được bưng ra. Hai người yên lặng đứng trong vườn, thưởng thức. Bọt kem vương lại trên đầu lưỡi Đan Nguyên, mềm mịn, bông xốp. Những cánh hoa màu trắng lả tả rơi. Một thứ hoa có mùi thơm rất nhẹ, gần như tan loãng trong không khí, theo gió chạm tới cánh tay Đan Nguyên. Quốc Dũng vẫn ở đó, quay lưng lại phía cô, không nói một lời. Khoảng cách giữa họ là gần hay xa, Đan Nguyên không thể đoán biết.
Đột nhiên anh cất tiếng hỏi cô:
- Cà phê được chứ?
- Vâng.
Quốc Dũng ôn tồn:
- Năm nay cô bao nhiêu tuổi?
- Tôi 27.
- 10 năm trước. Khi tôi bằng tuổi cô bây giờ, tôi mới vào làm trong công ty. Công việc đầu tiên của tôi là pha trà và cà phê cho tất cả mọi người. Ngày nào cũng chạy đi chạy lại giữa các tầng, tôi mệt mỏi tới độ sợ phải ngửi thấy mùi của 2 thức uống đó. Vì thế tôi nghĩ sau này khi trở thành sếp, tôi sẽ dành thời gian tán dóc để đứng lên tự pha theo đúng khẩu vị của mình thay vì hạch sách người khác. Nhưng khi tôi thực sự ngồi vào vị trí đó, tôi thậm chí không biết cà phê để ở đâu. Tất cả đều do thư kí của tôi chuẩn bị.
Quốc Dũng khẽ thở dài.
- Khi còn trẻ, người ta có thể hậm hực với khó khăn, thử thách nhưng rồi sẽ cố gắng vượt qua vì tràn trề sức lực và hi vọng. Nhưng khi về già, ai cũng cho mình quyền được lười biếng.
Đan Nguyên tiến lên trước, đứng ngang bằng với Quốc Dũng.
- Có thể chỉ là…những việc trong quá khứ khiến họ ngần ngại và thận trọng hơn.
Hai người nâng tách cà phê của mình lên. Những giọt cuối cùng rơi qua khóe miệng.
Trời từ sáng chuyển qua tối, gió thổi mạnh hơn. Những cánh hoa mong manh cố níu cành nhưng cuối cùng cũng rơi xuống, lẫn trong đám cỏ.