Chương 2: Trở về
Thứ 2 – Tháng 5: Sau cơn mưa, thời tiết có phần se lạnh. Sau 1 năm du học trở về, Diệp Anh xin bố mẹ cho ra sống riêng. Bố mẹ cô ban đầu còn lưỡng lự nhưng sau cũng đồng ý, vì nơi cô chuyển tới chính là ngôi nhà cũ gia đình cô từng sống với ông bà nội.
Diệp Anh đi một vòng xung quanh toà nhà.
Từ ngày đường được mở, nơi này đã thay đổi khá nhiều. Lối đi trước dẫn ra phố với hàng loạt những gian hàng quần áo. Đông đúc, nóng bức, chật chội, phần nào đó vẫn giữ nguyên vẻ nhốn nháo của khu chợ trước kia. Nó thu hút những người ưa mua sắm nhưng lại làm ái ngại phần đông dân cư trong khu tập thể bởi họ đều ở lứa tuổi cần tới sự yên tĩnh. Diệp Anh quyết định đi lên bằng lối phụ. Một lối đi nhỏ nằm khuất sau sân chơi vắng bóng người, từng là đống phế liệu trong nhiều năm, trước cả khi cô ra đời. Người tới khu nhà này thường ít lên bằng lối phụ bởi nó ẩm ướt, trơn trượt và thỉnh thoảng có thể nhìn thấy con vật nào đó, nhiều hơn bốn chân, bò lổm ngổm trên nền đất hoặc bay vụt ra từ hốc tường. Nhưng Diệp Anh khác. Với cô, đó là sự thú vị.
Cô cảm nhận mùi mốc, tanh và chậm chạp bước lên những bậc cầu thang lồi lõm, không thanh vịn, giống như phần sót lại của một khu nhà hoang. Tất cả bị che đi một phần ánh sáng bởi những cành cây dài, chĩa ra từ một ban công tầng hai. Nếu may mắn, cô có thể nhìn thấy những chùm hoa bông xốp màu trắng ngà, lấm tấm. Bước từng bước lên tầng hai, cô cố ý cúi thấp người, nhìn qua cánh cửa để mở của ngôi nhà trước mặt. Con chó thường sủa mỗi khi nhìn thấy cô vẫn còn sống nhưng giờ nó không sủa mà nằm áp mặt xuống nền đất, rên khẽ.
Diệp Anh luôn thích khu nhà này, tuy nó khá cũ kĩ. Cô thích những vệt nứt dài trên tường, giống như đường rạch hờ trên gói cà phê, chỉ cần một tác động nhẹ, cũng có thể xé rách làm đôi. Cô thích những đường điện mắc loằng ngoằng, dẫn tới những bóng đèn trước cửa nhà, chẳng bao giờ thấy sáng. Cô thích những dòng chữ xanh, đỏ, những mẩu giấy quảng cáo: khoan cắt bê tông, thông cống, chuyển đồ… được dán chồng lên nhau trên ống nước hay bất cứ khoảng tường nào còn trống. Cô thích chiếc radio của một nhà nào đó tầng ba, đứng tận đầu phố, vẫn có thể nghe rõ tiếng nhạc. Và cô thích nhất việc các ông các bà, sau nhiều năm, tuy vẫn không thể gọi chính xác tên cô là Diệp Anh, thay vì tên mẹ cô, Diệp nhưng lại nhớ rõ cái dáng lũn chũn khi cô ngồi trên sạp hàng của bà nội mυ'ŧ kem và kể những câu chuyện tưởng tượng.
Khi trở thành biên kịch, Diệp Anh muốn trở lại nơi này. Cô tin một không gian tự do nhưng thân thuộc sẽ giúp cô có được cảm hứng sáng tác.
Diệp Anh mở cửa bước vào nhà. Cô nhắm mắt lại rồi từ từ mở ra để lưu giữ khoảnh khắc này, khoảnh khắc cô bắt đầu cuộc sống tự lập. Và nó bắt đầu bằng một mớ hỗn độn. Những thùng các tông đựng đầy đồ đạc im lìm xếp chồng lên nhau. Những thứ đồ lặt vặt khác ngổn ngang ở góc nhà. Cô có thể cảm nhận được mùi của bụi bặm, thứ mùi khó chịu bao lấy nơi bị bỏ bê nhiều năm. Cô chắc mẹ cô làm vậy để cố ý nhắc nhở cô về 2 tiếng tự lập cô vẫn nói.
Diệp Anh thở dài, xắn tay áo và bắt tay vào dọn dẹp.
Khi công việc đã hòm hòm, cô tiến lại gần chiếc tủ màu đỏ hun trong phòng ngủ. Cô vui vẻ sờ lên lớp gỗ nhẵn mịn thích thú nghĩ, cuối cùng chiếc tủ quần áo thân thuộc cũng theo cô tới tận nơi này. Cô xoay tay nắm cửa thì hết thảy mọi thứ trong đó đổ ập vào người cô. Những bộ quần áo nhàu nhĩ cô nhét vội vào trong trước khi rời khỏi nhà, cách đây 1 năm, vẫn không xê xích. Cô nhớ tới lời mẹ cô vẫn nói mỗi lần thấy bố cô giúp cô dọn dẹp. Để dạy cho một kẻ lười biếng biết thế nào là gọn gàng thì nên vứt họ vào một đống lộn xộn.
Gấp xong quần áo cũng tới xế chiều, Diệp Anh thở phào, buông tay nằm xuống sàn nhà. Nền gạch mát lạnh khiến cô lơ mơ chìm vào giấc ngủ. Tức thì tiếng chuông điện thoại làm cô giật mình tỉnh giấc.
- Cô đang làm cái quái gì ở đâu thế hả?
Đạo diễn gần như gào lên với cô. Chất giọng khàn khàn quen thuộc của ông ta được nâng lên quãng tám. Diệp Anh dùng tay mở to hai mắt chỉ trực cụp xuống.
- Sếp ơi, em bị sốt, đang truyền nước trong bệnh viện. Lát truyền xong em sẽ sửa ngay kịch bản rồi gửi cho sếp.
Đầu dây bên kia có tiếng thở dài. Diệp Anh vì thế mà rùng mình ớn lạnh như thể gió vừa thổi qua căn phòng trống. Mỗi khi ông ta im lặng thay vì la hét thì chắc chắn một kẻ khác sẽ phải la hét vì bị đuổi việc.
- Không! Không cần truyền xong! Giờ em ngay lập tức xuất viện và sửa kịch bản để gửi cho sếp.
Cô vừa nói vừa bê chiếc máy tính xách tay chạy một vòng quay nhà để tìm xấp giấy cô nhớ chỉ vừa nhìn thấy vài phút trước.
4 năm đại học, được đào tạo chuyên ngành makerting, Diệp Anh từ bỏ cuộc sống ổn định và nhiều năm phấn đấu để liều lĩnh lựa chọn thứ gọi là “ước mơ”. Cô đã chạm được vào nó, thậm chí đang nắm nó trong tay nhưng để giữ được nó hoặc không vì nó mà trở thành kẻ nhẵn túi còn khó khăn hơn gấp nhiều lần khi cô cố gắng đạt được nó. Biên kịch ngày càng nhiều, số lượng kịch bản vì thế mà tăng theo cấp số nhân. Đằng trước, cô phải đuổi theo thế hệ tiền bối nhiều trải nghiệm, đằng sau cô phải gắng sức để không bị vượt qua bởi thế hệ trẻ nhiều ý tưởng táo bạo. Cuộc đua ấy càng trở nên khó khăn khi đạo diễn đôi khi muốn sửa chỗ này chỗ kia, thậm chí đảo ngược hoàn toàn nội dung cô muốn truyền tải.
Khi mới vào công ty, cô cảm thấy mình có trách nhiệm thổi luồng gió mới vào êkíp làm phim. Cô nêu những ý tượng mà cô cho đó mới là nghệ thuật đích thực và từng được đánh giá khá cao khi theo học ở nước ngoài. Cô hùng hồn diễn thuyết trước đạo diễn nhưng ông chỉ im lặng nhìn cô, giơ tay ra và nói: “Đưa tiền đây. Tôi sẽ làm giúp cô làm nghệ thuật.”
Vậy là cuộc sống hiện thực mở ra trước mắt cô. Giờ cô ngồi vào bàn cặm cụi hoàn thành tập bản thảo để kịp gửi đi. Trong nhà chỉ còn lại tiếng bàn phím, lạch cạch, lướt vội. Cô lẩm bẩm đọc theo những gì đang viết.
3 giờ sáng, bản thảo hoàn thành. Diệp Anh từ từ nâng bàn tay mình lên ngang tầm mắt để cảm nhận độ run rẩy của nó. Các khớp xương như thể sắp long ra. Nhưng điều đó không làm cô bận tâm, cô cảm thấy mọi vật xung quanh hình như đang lắc lư. Cuối cùng, cô phát hiện mình đang đói.
Cả ngày dọn dẹp và làm việc, cô kết thúc trên giường với tô mì gói, thay cho cả bữa trưa và bữa tối. Màn hình tivi đang chiếu tới một bàn đầy thức ăn nóng sốt. Cô vô thức nhìn theo, chăm chú, như thể bị thôi miên, trong đầu phảng phất câu hỏi, không biết hôm nay mẹ cô đã nấu món gì.
Thứ 3 – Tháng 6: Trời lúc nắng, lúc mưa. Thật khó lường.
Sau một năm khó khăn đi tìm việc, cuối cùng, Đan Nguyên cũng được nhận vào làm ở một trường tiểu học gần nhà. Vài người quen có con cháu theo học ở trường đều rất ưng vẻ dịu dàng, ân cần của cô, thường khen cô trước mặt mẹ cô. Bà vì thế mà vui mừng ra mặt.
Nhưng Đan Nguyên thì khác. Mỗi lần ra chơi, cô đều đứng ở ban công tầng 2 nhìn xuống. Bọn trẻ thật đáng yêu nhưng cô luôn cảm thấy, hình như mình không thuộc về nơi này.
Một hôm, trở về từ buổi dạy, Đan Nguyên cúi xuống nhìn đồng hồ. Chỉ còn cách nhà vài chục mét mà cô không có cách nào di chuyển. Trên vỉa hè, chật kín xe. Ban công các tầng nhà, mọi người đều hiếu kì ghé xuống xem cảnh người ta chen lấn, đôi khi cãi cọ, chửi mắng nhau ngay giữa đám đông.
Đường về nhà Đan Nguyên hôm nào cũng tắc. Hôm nay, đột nhiện, nó làm cô tức giận. Cô khóc. Nước mắt trào ra mà không thể ngăn lại. Mặc cho tiếng còi, tiếng la ó phía sau, xe của cô vẫn không hề xê xích. Chỉ khi những giọt mưa nặng hạt bắt đầu rơi xuống, cô mới nín khóc. Cô phóng vụt vào một con ngõ nhỏ. Cứ thế, cô lao đi. Mưa càng lúc càng to, táp mạnh vào cô như những viên sỏi nhỏ. Chúng mặn. Chúng khiến mắt cô cay xè. Toàn thân ướt sũng, cô khẽ run lên. Nhưng cô cảm thấy thoải mái. Rát, cay, ướt, lạnh, cô cần tất cả, giống như hàng cây ven đường, cằn cỗi sau những ngày nắng gắt, cần gió, mưa, cần gập mình trong sự biến đổi dữ dội của thiên nhiên.
Mưa mỗi lúc một lớn. Xe của Đan Nguyên vẫn không hề giảm tốc độ, cho tới khi dừng lại, lúc nào không hay, bên dưới khu nhà của Diệp Anh. Ngước nhìn lên trên, cô nhận ra cô bạn thân đang vội vã bê những chậu hoa thủy tiên vào nhà. Tấm rèm ngoài ban công đã hạ xuống, chỉ còn lại những đường sọc xanh chạy ngang qua song sắt. Cô nhớ lại câu chuyện Diệp Anh từng kể về cánh đồng hoa thuỷ tiên vàng, bài học về lòng kiên trì.
Một người phụ nữ đã tạo nên cả cánh đồng hoa thuỷ tiên vàng trên một vùng núi xa xôi hẻo lánh bằng việc năm này qua năm khác, mỗi lần một củ, để trồng được tất cả 50.000 củ. Nghe xong câu chuyện, ai cũng thở dài, nuối tiếc khoảng thời gian đã qua. Họ nghĩ phải chi mình bắt đầu thứ gì đó sớm hơn, thì biết đâu lúc này đây, họ sẽ nhận được nhiều hơn. Câu trả lời luôn là “ngay lúc này”.
Đan Nguyên rời xe khỏi lề đường, rẽ sang con đường mới. Mưa đã ngớt. Dòng xe cộ thưa bớt. Cô nhẫn nại qua từng lượt đèn đỏ.
Hôm nay là hạn cuối nộp hồ sơ vào vị trí thiết kế trong một công ty tổ chức hôn lễ. Mẹ cô từng nói ước mơ chỉ là điều viển vông. Nó sẽ thực sự sẽ mờ nhạt khi cô có được một công việc ổn định và lấy được một người chồng xứng đáng. Nhưng càng từ bỏ, cô càng phân vân. Cô day dứt về con đường mình chưa từng lựa chọn.
Hồ sơ của Đan Nguyên được đặt lên bàn 5 phút trước khi hết hạn. Cô mỉm cười, tiến nhanh về phía cửa. Lần đầu cô cảm thấy có thể mong chờ thứ gì đó, ở ngày mai.
Nhưng một nỗi lo lắng lại bất ngờ choán lấy tâm trí cô. Nếu cô bị từ chối, nếu cô thực sự không có tài năng thì có lẽ mọi chuyện đều đúng như mẹ cô nói, ước mơ chỉ là thứ viển vông.
Thứ 2 – Tháng 6: Nắng nóng kéo dài. Mọi thứ trở nên cằn cỗi.
Một năm trôi qua. Vết thương do sự cố đó gây ra cho Linh An giờ cũng đã liền sẹo. Nhưng vết sẹo đó bao giờ mới biến mất, không ai có thể dám chắc.
Linh An từ một cô gái tự tin, lạc quan, đầy sức hút trở nên khép kín và dè chừng. Mỗi lần đi dạo phố với Đan Nguyên và Diệp Anh, cô luôn né tránh những nơi đông người. Khi nghe thấy tiếng thì thầm bàn tán, cô đều chột dã, níu lấy tay hai cô bạn thân. Cô cảm thấy những người đó như đang nói về mình.
Mẹ cô vì chuyện này rất khổ tâm, bèn dùng đủ mọi lí lẽ từ từ thuyết phục cô rời khỏi bốn bức tường để trở lại cuộc sống bên ngoài. Bà chỉ thực sự thành công khi cho cô xem những đoạn băng ghi lại tất cả các buổi biểu diễn hồi nhỏ của cô. Cô quyết định không từ bỏ piano, thứ cô đã đam mê và dành nhiều công sức. Nhưng cô và nó sẽ từ bỏ ánh đền sân khấu và những bộ quần áo lộng lẫy để bắt đầu một cuộc sống bình lặng hơn.
Ngày đầu đến nhận việc ở một trung tâm dành cho thiếu nhi, cô cảm thấy rất căng thẳng. Cô gần như muốn bỏ chạy khỏi phòng nghỉ của giáo viên khi nhìn thấy ánh mắt của mọi người đổ dồn về phía mình. Cô cúi chào. Họ dừng công việc đang làm trong giây lát rồi lại tiếp tục. Chỉ có chị quản lí tiến tới, bắt tay và dẫn cô tới lớp học. Khi kéo cánh cửa phòng học, cô cảm thấy nó như một tấm thép, nặng trịch. Đáp lại cô là những tiếng la hét, tiếng tay đập lên phím đàn và tiếng chân của hơn 20 đứa nhỏ đang biến lớp học thành một mớ hỗn độn. Cô thở phào. Giờ cô hiểu vì sao mẹ cô lại khuyên cô nên tới xin việc ở đây. Vì những người cô tiếp xúc hàng ngày chính là bọn trẻ, những người không quan tâm cô là ai, cô đã làm gì. Chúng sẽ vẫn như vậy, đập phá và ồn ào, nhưng không làm tổn thương tới cô.
Cảm giác nhẹ nhõm của Linh An nhanh chóng biến mất khi bước vào giờ học. Cô còn nhớ lúc nhỏ khi thầy giáo dạy cô học đàn, cô chỉ ngồi yên lặng và làm theo những gì thầy nói. Nhưng những đứa trẻ trước mặt cô lúc này lại không đơn giản như vậy. Chúng không nghe cô nói, chúng chỉ nghe những gì chúng muốn nghe. Nhưng khi cô lờ đi, không nghe chúng nói thì chúng bắt đầu khóc, la hét hoặc chạy ra khỏi lớp và trốn vào đâu đó.
Mỗi tối, khi tới nhà hàng để đàn, Linh An lại cảm thấy sự căng thẳng khi ở bên bọn trẻ được giải tỏa. Cuộc sống dường như trôi chậm hơn khi cô ngồi yên lặng một góc và chìm vào âm nhạc.