Chương 3
Đưa Đường Ngân Kiệt về rồi, Phạm Văn Cổ trở về một tòa nhà theo lối kiến trúc hoa viên Châu Âu. Anh vừa đến cổng chính, từ bên trong đã có một người phụ nữ vận váy đen cùng áo trắng đến mở rộng cửa cho anh, bà mỉm cười: “Cửu thiếu gia về rồi!”Phạm Văn Cổ chỉ cười, nhẹ bảo con mệt quá. Anh bước qua cửa nhà, lướt mắt nhìn phòng khách được trang trí xa hoa, nhìn người vυ' nuôi nói: “Dì Tư vẫn chưa về sao?”
Phạm Văn Cổ thấy bà lắc đầu, bèn khẽ gật đầu, bảo bà ra ngoài rồi anh đi xuống bếp, xắn tay áo lên cầm lấy chiếc nồi vo gạo một cách thành thạo. Anh nhóm lửa, rồi ngồi trong nhà bếp, không biết đang nghĩ điều gì, nhưng dường như anh chẳng bao giờ quên nồi cháo đang đặt trên bếp lò. Chờ đến khi mùi cháo thơm ngào ngạt tỏa ra, anh mới rắc đường cát trắng vào nồi, rồi cẩn thận mà khuấy.
“Con lại nấu cháo đường à…”
Phạm Văn Cổ nghe thấy giọng nói vì quay lại, thấy một cụ bà tóc trắng bạc phơ mặc một chiếc váy đen áo trắng đang đứng nơi cửa bếp. Anh mỉm cười: “Má Trương, má nếm thử cháo đường gạo nếp con nấu đi.” Và anh dẫn má Trương đến ngồi xuống cạnh một chiếc bàn nhỏ giữa bếp.
Má Trương ngồi xuống rồi thở dài bảo: “Không biết lúc nào họ mới về nhà, cháo đường con nấu lần nào cũng hại má phải ăn cho hết.”
Phạm Văn Cổ nói, “Thế nào thì họ cũng phải về nhà thôi.” Anh đẩy chén cháo nghi ngút khói đến trước mặt má Trương, “Má nể mặt con đi!”
Má Trương ngắm nhìn anh, hồi lâu sau lại thở dài: “Thằng bé này…” Bà vừa nói vừa bưng chén cháo lên nhấp vài hớp, rồi hỏi tiếp: “Cũng lâu rồi con không về nhà thăm qua mẹ ruột con nhỉ.”
“Mai con sẽ về!” Phạm Văn Cổ cười.
“Ba của con tuy không phải là người tốt, nhưng con cũng không nên làm ông ấy giận, xét cho cùng cũng là người nhà cả…”
Anh lập tức ngăn bà lại, ấn chặt chén cháo vào trong tay bà mà nói: “Lúc ăn không được nói linh tinh, không tốt cho sức khỏe, má dạy con như vậy mà.” Và anh lại nói thêm, “Con nghĩ con còn chút việc phải làm, má Trương má uống hết cháo rồi thì nghỉ sớm đi!”
Má Trương nhìn bóng lưng của anh biến mất sau cánh cửa, rồi lại nhìn chén cháo ngọt ngào ấm nóng trong bàn tay mình, cất tiếng thở dài thì thầm: “Các ngươi đừng có đợi đến khi cháo nguội lạnh hết rồi mới về nhà mới phải.”
–
Mùa thu, sương lạnh mịt mù, trên con đường dẫn về Cao công quán cồn lên tiếng động cơ ô tô chói lói, có tiếng phanh gấp rít lên. Một chiếc Ford đen tuyền đỗ lại một cách ngặt nghèo ngay sát cổng chính, sau lại có một hồi kèn đồng inh tai. Không lâu sau, người vυ' nuôi vừa dụi dụi mắt, vừa lúng ta lúng túng từ bên trong chạy ra mở cánh cổng sắt.
Từ chiếc Ford, một người phụ nữ mặc một chiếc sườn xám xa tanh dệt kim bước xuống, nàng khoác một chiếc áo bành tô màu nâu nhạt. Những cử chỉ nơi nàng rất bâng quơ, như thể nàng chẳng quan tâm đến bất cứ điều gì. Nàng đóng sầm cửa xe, đưa tay lên vuốt nhẹ những lọn tóc dợn sóng buông rơi bên má, đôi mắt nàng nhìn thoáng qua cửa sổ phòng sách hãy còn sáng đèn trên tầng hai của tòa nhà. Nàng nhìn tấm rèm cửa khẽ khàng lay động. Mắt nàng hắt lên vui vẻ, rồi thoảng như nàng vừa nhớ ra điều gì không rõ, mà lạnh đi như sương giá.
Nàng chậm chạp bước vào phòng khách. Đèn đóm trong đại sảnh đã tắt hết, nhưng dường như những bóng đèn dọc theo cầu thang vẫn biết có người nhà chưa về đến, hãy còn để sáng thật tử tế.
“Tứ Di Thái, mợ có đói không, Cửu thiếu gia có nấu cháo đường, tôi đi hâm nóng lại cho mợ nhé.”
“Không cần!” Nàng lạnh lùng nói, “Tôi không thích ăn cháo đường.” Nói rồi, nàng chậm rãi bước từng bước lên những bậc thang mà lên lầu, trong khoảnh khắc nàng đã dừng lại ngay dưới bóng đèn trước cánh cửa phòng sách, nhưng rồi nàng vội vã đi qua.
Phạm Văn Cổ dường như đang cần mẫn chăm chút luyện chữ trong phòng sách, từng nét anh viết ra đều có vẻ trầm trầm tĩnh lặng. Một bóng người thoắt qua ngoài song cửa. Khi anh ngẩng đầu lên, đã thấy Cao Tiến đang bước đến cạnh bàn, đặt hai trăm đồng đại dương trước mặt anh.
“Thủ hạ Lữ Hoán Viêm canh phòng nghiêm ngặt, bọn sĩ quan dưới trướng hắn không chịu nhận hai trăm đồng này, tôi đành phải chờ hắn ta trở về. Nhưng chính Lữ Hoán Viêm cũng không nhận tiền, hắn ta nói…”
“Hắn nói đã ngưỡng mộ Cửu ca từ lâu, nếu Cửu ca không chê, hắn chỉ nguyện được làm bằng hữu của Cửu ca.”
Phạm Văn Cổ khẽ nhíu mày, “Anh nghĩ sao?”
“Hai tên quân phiệt Quảng Tây này đến Thượng Hải, vốn là định bán hết một vạn khẩu súng được cất giấu sau trận hỗn chiến của quân phiệt. Dù số súng ống này rơi vào tay ai, kẻ đó liền có thể xưng bá trên toàn bộ Bến Thượng Hải. Nếu Lữ Hoán Viêm đồng ý giao thiệp với chúng ta, thì không việc gì chúng ta không nhận. Dù không tóm hết một vạn, nhưng ít nhất cũng được chia một miếng bánh.”
Phạm Văn Cổ chỉ cười rồi nhấc bút lên, “Bọ ngựa rình ve, phía sau còn sẻ[2], việc này cũng vậy thôi. Ngày mai anh lấy năm trăm đồng đại dương sang đó, nói là lễ diện kiến từ tôi, Lữ sư trưởng ngài không nhận năm trăm đồng này, tôi còn mặt mũi nào mà kết giao bằng hữu?”
–
Trần Hướng Đông cùng Cao Kính đến Đỗ công quán, lên xe xong, Trần Hướng Đông lấy roi ngựa vỗ vỗ lên lưng ghế. Gã cười: “Muốn lên hương nhanh chóng ở Bến Thượng Hải này, nhất thiết phải thâu tóm được hai loại ống, cậu biết là hai loại gì không?”
Cao Kính cười, “Tất nhiên là súng ống và ống tẩu hút cần sa[3], tôi từ nhỏ đã sống trong xã hội đen, anh còn dám hỏi tôi?”
Trần Hướng Đông cũng cười, “Được, vậy cậu nghĩ hai tên Lữ Hoán Viêm và Dương Đằng Huy đến Thượng Hải này để làm gì?”
Cao Kính chau mày rồi rực mắt lên, “Chẳng lẽ là để bán ra số súng biển thủ?”
Trần Hướng Đông chỉ chỉ vào cậu, nói: “Thông minh, Đỗ Nguyệt Sanh đã khống chế toàn bộ các phòng hút khắp Bến Thượng Hải, nếu để lão ta thâu tóm luôn số súng này, tức là đã để lão trèo lên cái ngai vua một cõi có một không hai ở đất này. Cũng như vậy, nếu cậu có được số súng kia, Phạm Cửu có không gục ngã trước cậu cũng khó!”
“Chẳng nhanh được vậy đâu. Bang chúng Thanh Bang có nhiều người kinh doanh nhà chứa với phòng hút, nhưng người của Hồng Bang xưa nay chuyên ngành vận tải bốc dỡ, một vạn khẩu súng đó chắc chắn phải cần người vận chuyển.” Cao Kính cười nhạt, “Tôi dám cam đoan Phạm Cửu tuyệt đối không bàng quan đứng ngoài, chúng ta cứ thủng thẳng tọa sơn quan hổ đấu.” Rồi cậu ta lại thở dài, “Vậy là anh chưa biết, Cửu nhi giỏi nhất là làm ngư ông đắc lợi, trên đời này tìm ai đó dám so nhẫn nại với hắn ta, chỉ sợ rằng phải đếm trên đầu ngón tay.”
Trần Hướng Đông bật cười: “Vậy bây giờ chúng ta cứ chờ xem Cửu nhi này có thể kiên trì đến bao lâu!”
________________________________________
Chú thích
[1] Tứ Di Thái: Bà Tư, Mợ Tư, ý nói người vợ thứ tư của Cao Phủ Cẩm. Nàng là một người đàn bà có nhiều mối quan hệ với giới chính khách, và nằm giữ một quyền lực ngầm quan trọng của Hồng Bang.
[2] Nguyên văn “Đường lang bộ thiền, hoàng tước tại hậu” (螳螂捕蝉, 黄雀在后), ý cũng tương tự như câu “Ngư ông đắc lợi”
[3] Nguyên văn là “lưỡng chủng thương” (hai loại ống). Bao gồm “thủ thương” (手枪) và “yên thương” (烟枪). Tức là súng lục và tẩu hút thuốc phiện.