Cũng phải vất vả lắm Dương Minh mới dẫn Cửu về nhà mình được, vùng quê hiu quạnh, đồng vừa mới xong mùa gặt, muốn tránh được ánh mắt của người dân như Cửu nói thì phải băng kênh, lội ruộng, nấp sau những bụi rơm. Quãng đường về nói chung là vất vả nhưng không có chuyện gì để kể. Vừa về đến nhà Minh, một căn nhà mái lá đơn sơ, Cửu mới vội vàng khóa hết cửa sổ, cửa sau lại, đoạn đặt cuốn bút ký lên bàn, y lật đến trang chính giữa, xem qua xem lại, sau đó Cửu lật đến trang cuối cùng, khi đã hiểu được phần nào huyền cơ trong đấy, Cửu nghiêm mặt lại, nghĩ tầm: "Tử Vỹ Hồ, lại là mi sao?"
Cửu nhìn Minh, Minh thấy Cửu cứ nghiền ngẫm một hồi lâu, cảm nhận được sự vụ ra chiều hướng xấu, Minh hỏi trong đấy có gì, Cửu gấp quyển sổ lại rồi mới nghiêm trọng nói rằng muốn biết được ngọn ngành, không thể bắt vào giữa mà đọc được, khó hiểu vô cùng. Không còn cách nào khác, phải bắt đầu từ trang một thôi.
Ái Tri đúng như lời Dương Minh kể, là người thận trọng vô cùng, dựa theo cách cô kể chuyện có thể biết rằng cô yêu nghề và cống hiến hết vì nghề, từng đoạn nói chuyện của mọi người cô đều ghi lại. Câu chuyện bắt đầu khi Ái Tri gặp một người chừng năm mươi lăm tuổi có nước da đen ngắm tên Độ, biệt danh Độ Sẹo vì chi chít trên lưng, cánh tay, khuôn mặt lão là những vết dao chém. Độ là người giang hồ thứ dữ, sau khi rửa tay gác kiếm thì nhận công việc đồng án cho một bá hộ ở Ba Thắc, hỏi về quê quán thì lão chỉ sờ sờ vết sẹo gần mắt rồi thì thầm: "Tây Nguyên."
Những trò chơi dân gian cơ bản đều có nguồn gốc giống như mọi loại hình nghệ thuật khác, tổng biên soạn, chủ của Ái Tri là người có tầm nhìn và hoài bão, ông muốn thu gom tư liệu về những trò chơi dân gian nổi tiếng rồi viết thành cuốn sách, âu cũng muốn để lại cho hậu thế. Mấy ngày trước, tòa soạn của ông nhận được một bức thư kỳ lạ, thư đề "Trò chơi cá sấu lên bờ", và gỏn gọn hai trang tóm tắt về luật chơi: bắt đầu từ một con đường mòn, đi đến khi nào gặp sông, kênh, rạch cắt ngang thì xuống lội, ngược lại, sau khi xuống lội, đến khi gặp bờ thì lại leo lên để đi bộ.
Độ Sẹo vắt cây cuốc lên cái xà gỗ rồi nói, lão có chất giọng trầm đến nổi không thể trầm được nữa, lẫn trong đó là chút hoang dại của núi rừng Tây Nguyên: "Luật chơi đơn giản đúng không các hạ, nhưng muốn tuân thủ luật chơi thì không đơn giản chút nào!" Ái Tri mới hỏi tại sao, lão tiếp: "Nhiều khi các hạ bị quên, các hạ vừa lội ruộng một hồi sẽ bị mất tập trung quên phóng lên bờ, lúc đó coi như trò chơi kết thúc." Ái Tri mới hỏi tiếp làm sao lão biết trò chơi kết thúc, lão chỉ nhìn cô cười kiểu như: "Các hạ sẽ biết thôi."
Sáng nay Ái Tri đã đến Vĩnh Châu sớm, tìm được địa chỉ của Độ Sẹo cũng đến trưa, trước khi đi cô còn căn cứ theo tờ giấy mà lão ta gửi đến tòa soạn, chuẩn bị đồ ăn thức uống cho ba ngày, một con dao nhỏ, đồ sơ cứu, tất nhiên là không quên mang theo một quyển sổ và vài cây viết. Ái Tri hỏi: "Lội sông, lội ruộng, đi bộ trên đường thì có gì đặc biệt? Tôi tưởng ông biết về nguồn gốc của trò chơi này?"
Độ Sẹo nói: "Thường thì nếu làm vậy vài chục lần sẽ không dẫn đến kết quả gì cả, có vài người nông dân may mắn, lập lại thứ tự chính xác trong trò chơi nhưng họ không ý thức được nên bỏ giữa chừng. Không đến được miền đất mới."
"Miền đất nào?"
"Giống như tại hạ nói, cứ tiếp tục men theo con đường, cảnh vật xung quanh sẽ nói cho các hạ biết sớm thôi. Nửa canh giờ nữa chúng ta sẽ đến điểm tập kết của nhóm."
"Nhóm?"
Độ Sẹo "Ừm" một tiếng rõ trầm rồi sắp xếp công việc gấp rẻng, vài phút sau đã thấy lão đi ra cùng với tay nải trên vai và một nụ cười rất nhẹ trên môi. Điểm tập kết mà Độ Sẹo nhắc đến chính là một con đường đất bao quanh bởi ruộng đồng mênh mông vừa sau mùa gặt, vàng một màu chói mắt, Độ Sẹo dắt Ái Tri đến chỗ gốc cây còng rồi bắt đầu móc tay nảy ra, đồ dùng trong đó chính xác như những gì lão dặn nhưng khi lão lấy một khẩu hỏa mai nhỏ rồi thận trọng kiểm tra nó thì Ái Tri bắt đầu cảm thấy trong chuyện này, lão ta hoàn toàn nghiêm túc.
Vài phút sau, từ phía cuối con đường, một bóng dáng cao to vạm vỡ xuất hiện, anh ta dáo dác nhìn xung quanh như tìm kiếm gì đó rồi dừng ánh mắt chỗ bóng cây, đoạn phóng những bước gọn gàng đến bên bọn Độ Sẹo, Ái Tri. Anh chàng này tên Mến, là người dân tộc, nước da đen như trâu nước, duy chỉ có hàm răng trắng tinh trông kỳ cục nhưng âu cũng là sự điểm tô gì đó, thêm vào đó, anh ta thích cười, nói xong câu nào đều cười như một kiểu chấm câu. Vừa gặp Ái Tri nhỏ nhắn đã nghe anh nói: "Hôm nay được nhà đài đi theo, vinh dự quá anh Độ. Aha."
"Hai người biết nhau à?"
"Tất nhiên, anh Độ như Phật của vùng này, ai cũng biết anh Độ. Aha."
Độ Sẹo gật đầu với Ái Tri, cô thoáng thấy chút hãnh diện trong đó. Lão ta nói với Mến vô hàng ngũ, Mến nghe xong lập tức đứng về phía sau lưng Độ Sẹo, đoạn móc tay nải kiểm tra mọi thứ. Ba người còn lại cũng đến không lâu sau đó, một anh chàng gầy còm với nước da nhạt nhẽo tên Hồng Ba; một cô gái tóc ngắn cứng cáp mặt đồ bà ba tên Ngọc và một...bà lão, không ai biết bà tên thật là gì, chỉ gọi là bà Chim Sẻ. "Hàng ngũ" mà Độ Sẹo nhắc đến lúc nãy bắt đầu thành hình, cả nhóm bắt đầu chia cặp, Độ Sẹo và Ái Tri đi đầu đoàn, Mến đi chung với Hồng Ba ở chính giữa, Ngọc sẽ đi với bà Chim Sẻ để chốt đoàn, mỗi cặp đi cách nhau mười mét.
Sau khi kiểm tra kỹ lưỡng mọi thứ, Độ Sẹo ra dấu, cả đoàn bắt đầu di chuyển, Ái Tri biết những người này đều đã nghe về trò chơi "Cá sấu lên bờ, người ta xuống nước" lâu rồi, và chính họ cũng đã tham gia nhiều lần, đơn giản tại vì những tín hiệu đi đường mà Độ Sẹo đưa ra, ví dụ như xòe năm ngón tay nghĩa là đi chậm lại, hai ngón tay là đi nhanh lên, nắm đấm nghĩa là dừng một lát, cả bọn ai cũng làm theo hết sức gọn gàng. Đi một hồi thì đoàn người gặp con kênh đầu tiên, vừa bước xuống đã nghe giọng của Mến lanh lảnh phía sau: "Còn nhiều lắm, mọi người cứ giữ đội hình như vậy nghe, không biết thêm mấy lần nữa đâu. Aha."
Hai mươi hai lần lên bờ xuống ruộng.
Độ Sẹo từ nãy đến giờ vẫn chỉ ra hiệu tay, không nói một lời gì với Ái Tri, bỗng nhiên nghiêm giọng bảo: "Chắc các hạ đang tự hỏi trò chơi con nít này liệu có đem tới kết quả gì không?"
"Ông buồn lòng à?"
"Nếu các hạ không tự hỏi như vậy mới khiến tại hạ buồn lòng chứ. Tới thời điểm này, đã có những thay đổi, nhưng vì nhỏ quá nên các hạ chưa phát hiện ra thôi, dù gì thì các hạ cũng nên nghe tại hạ thông báo một chuyện này..."
Ái Tri im lặng, vẻ lo lắng dần xuất hiện trên khuôn mặt cô phóng viên trẻ tuổi. Độ Sẹo nhìn ra đoàn người phía sau rồi hạ giọng: "Chúng ta sẽ tới Vòm Cây sớm thôi, trước cửa Vòm Cây có một đường mòn dẫn ra ngoài, men theo đường mòn đó mà đi, nghe tiếng gì cũng không được quay lại nhìn, hết đường thì các hạ sẽ thoát khỏi trò chơi mà không bị "bọn nó" đi theo. Từ đây tới đó còn khoảng một canh giờ, các hạ suy nghĩ cho thấu đáo, tới đường mòn không cần hỏi ý tại hạ, nếu muốn dừng cuộc chơi thì cứ việc đi ra."
"Hiểu rồi. Mà ông làm tôi hơi lo..."
"Tốt. Cứ thế mà sống thôi."
Bốn mươi lăm lần lên bờ xuống ruộng.
Cả đoàn đến một khu phố nằm trơ trọi giữa ruộng đồng mênh mông, những sạp đồ trưng bày đủ thứ nhu yếu phẩm, từ quần áo, bàn ghế, đồ ăn, thức uống và một sạp cao nhất giữa khu phố, chất đầy trên đó là những con dao sáng bóng. Người dân rảo bước trên phố, người rao, kẻ mua, chẳng ai màng đến sáu người lạ mặt vừa đến, họ chỉ tươi cười, nói chuyện inh ỏi, Ái Tri có cảm giác mái tóc ai cũng dài quá mũi, che đi cặp mắt. Phía xa xa, nấp sau sạp bán dao là một bà lão tóc bạc phơ, bà ta là người duy nhất nhìn chầm chầm vào cả đoàn, bóng dáng bà phản chiếu trên những con dao bóng loáng. Bá túm chân váy rách bươm rồi tiến về phía cả đoàn, Ái Tri móc sổ để ghi chép về khu phố, khi cô ngẩng mặt lên đã thấy bà lão tóc bạc kê sát khuôn mặt nhăn nheo, hố mắt dường như biến mất của mình sát bên Ái Tri.
Bà lão nói: "Giữa bầy vịt chạy loạng, có con gà chạy lạc đàn đi theo, con gà này nhìn ngộ à nghen."
Ái Tri lo ngại quay sang nhìn Độ Sẹo, lão chỉ lạnh lùng nói: "Kệ mẹ mụ ta."
Bà lão tóc bạc tiếp: "Con hổ, con chồn hôi, con hổ ăn thịt con chồn hôi trong bìa rừng kia kìa. Lão ta cứ nhảy lên vồ bà, nên bà chém đứt lưỡi lão. Bẩn thỉu! Bẩn thỉu quá trời!"
Độ Sẹo giơ hai ngón tay lên không trung, cả đoàn bước đi như chạy, duy chỉ có Ái Tri vẫn ngoáy đầu lại nhìn. Bà lão tóc bạc nhìn đoàn người lướt qua rồi khóc thét lên nghe thê lương hết thể, bà liên tục bức tóc rồi chửi đông đổng, đoạn tiến về sạp hàng bán dao, chụp cây dao to tướng nhất, một tay tự móc lưỡi mình, một tay vung dao, rồi bằng một nhát chém dứt khoát, cái lưỡi đã nằm gọn dưới đất, nó dãy dụa như loài cá mắc cạn còn bà lão tóc bạc thì tuông những tràng cười điên dại, những người xung quanh vẫn sinh hoạt bình thường, giống như chẳng ai thấy bà lão cả. Ái Tri không giấu nổi sự kinh hãi, quay sang nhìn Độ Sẹo giờ vẫn trơ ra như không, cô như muốn khóc: "Cái chó gì vậy?"
Độ Sẹo nói bằng chất giọng không chút cảm xúc: "Nó thường xuất hiện ở chỗ này."
"Cánh đồng này à?"
"Không, con phố, nó thường xuất hiện sau lần thứ bốn mươi lăm, kiểu như một nơi tiếp tế?"
"Còn bà già?"
"À, mụ ta thì lâu lâu mới thấy. Chắc chuyến đi này đặc biệt hơn chút, các hạ đừng nên lo lắng quá, lại hại tới thân thể." Đoạn, Độ quay về phía sau nhìn khu phố khuất dần rồi nói với cả đoàn: "Sắp tới điểm dừng đầu tiên, mọi người chuẩn bị."
Ái Tri thắc mắc bao lâu nữa thì đoàn dừng, Độ Sẹo chỉ bảo với cả đoàn thì nửa canh giờ, còn với Ái Tri thì cô phải tự quyết định lúc đến Vòm Cây.
Năm mươi sáu lần lên bờ xuống ruộng.
Trước mặt Ái Tri, một hình thù kỳ dị màu xanh lá cây xuất hiện, màu vàng của nắng miền tây và của gốc rạ trên những cánh đồng như làm nền cho sự ma mị của vật thể này, chính là Vòm Cây mà Độ Sẹo nhắc đến lúc nãy. Lúc này, cả đoàn đang cuốc bộ, đến gần Vòm Cây mới biết thực chất nó được hình thành từ loài cây bần bình thường, nhưng vì mật độ quá lớn, cộng với độ tuổi ước chừng vài chục năm, các tán cây đã đan xen vào nhau, con kênh cắt ngang đường đi của cả đoàn chảy phía dưới hai hàng cây. Đúng theo lời Độ Sẹo, trước khi vào Vòm Cây, có một con đường mòn nhỏ chừng một người đi, men theo mà đi sẽ thoát ra khỏi trò chơi. Độ Sẹo nhìn sang Ái Tri, Mến, Hồng Ba, Ngọc và bà Chim Sẻ một lượt, ánh mắt lão dừng lại soi sét Ái Tri lâu nhất, chính cô cũng biết Độ Sẹo đang tìm kiếm một câu trả lời.
Trong bút ký, Ái Tri ghi lại cảm xúc của mình lúc đó xen lẫn giữa bối rối và tò mò, cảm xúc này đến từ khu phố và bà lão tóc bạc tự cắt đi cái lưỡi của mình, và trên hết, trò chơi này đã chiếm hữu được Ái Tri, cô muốn đi đến cùng, xem coi rốt cuộc cuối đường có thứ gì. Cô quan sát đoàn người này một lượt, họ đang tìm đến bóng mát của hàng cây bần, Hồng Ba chìa khuôn mặt nhợt nhạt của anh nhìn vào đoạn kênh chính giữa rồi hỏi Độ Sẹo: "Đại ca, mụ già chỗ tiếp tế hành động hơi ngộ, con mẹ nó, xíu nữa em đái ra quần."
Ngọc thêm vào: "Tui có gặp mụ ở chỗ trăm lẻ hai, mụ thích chơi dao, ngồi cắt mất thớ thịt bị ghẻ dưới chân, đi thêm vài lần nữa chắc mụ chỉ còn nguyên bộ xương."
Mến nhếch cặp môi to quá cỡ, lộ hàm răng trắng hói: "Bộ xương biết đi, chà, cảnh này phải thấy mới được. Biết đâu lấy được vài khúc về cho con chó nhà tui. Aha."
Bà Chim Sẻ hình như không thích mấy cuộc trò chuyện, bà ta lựa cho mình cái bóng cây to đùng rồi lấy trầu ra nhai, không quên ném ánh nhìn dò xét về phía Độ Sẹo và Ái Tri. Ái Tri lấy sổ ra ghi chép kỹ lưỡng rồi nói với lão Độ: "Tôi sẽ đi tiếp."
Độ Sẹo chỉ chờ có nhiều đó, lão vỗ tay ba bốn cái, ý muốn cả đoàn vào vị trí, đoạn dõng dạc nói: "Vòm Cây có thứ gì các hạ đều biết, có người mới nên tại hạ nhắc lại, chúng ta sẽ băng qua theo từng cặp, đến cuối đường thì gọi vọng lại ra hiệu cho cặp tiếp theo. Đâu đó giữa Vòm Cây, chúng ta sẽ gặp một ông cụ cụt chân, ông ta sẽ nhờ từng cặp đi qua cõng ông ta đến cuối đường. Tuyệt đối KHÔNG ĐƯỢC nói chuyện với ông ta dù có chuyện gì xảy ra." Độ Sẹo gằn giọng ở chữ "không được" nghe chẳng khác gì tiếng gầm máy cày.
Hồng Ba rụt rè nói: "Lần nào cũng vậy đại ca, chán chết mẹ, lần này khác, hơi đặc biệt, sao mình không thử bắt chuyện, lỡ đâu..."
Không để Hồng Ba nói hết, Độ Sẹo đã nghiến răng bảo anh ta im lặng, nhất nhất phải làm theo lời lão, nếu không thì đừng có trách. Khí thế kiêu hùng của lão thật là hiếm thấy, như một người lãnh đạo chân chính, từng lời thốt ra mang đầy nội lực khiến Hồng Ba phải khép nép đi về đứng cạnh Mến, trong khi tay Mến thì buông những câu bông đùa kèm theo tiếng cười "Aha" nghe riết thành ra khó chịu. Độ Sẹo thúc nhẹ vào vai Ái Tri, bảo cô chuẩn bị, họ sẽ là cặp đầu tiên băng qua Vòm Cây.
Bên trong Vòm Cây mát lạnh đến lạ, ánh sáng không chiếu được vì mật độ cây dày đặc, lâu lâu âm phong từ phía cuối đường thổi đến làm mặt nước bên dưới khẽ chuyển động, nước ở kênh này nông chứ không sâu, bên dưới bùn cứng làm việc bước đi hết sức đơn giản. Độ Sẹo vẫn như vậy, không nói tiếng nào, chỉ phóng ánh mắt về phía cuối Vòm Cây mà bước đi, không lâu sau đó, cả hai đã thấy bóng dáng của ông lão cụt giò. Ông ta đang ngồi mân mê cái tẩu thuốc, trán ông hói không còn cọng tóc, chỗ nào còn tóc thì đều đã bạc phơ, kể cả bộ râu đồ sộ dài huốt ngực, điểm kỳ lạ nhất là cách ăn mặc, ở chốn ruộng đồng này ông lại vận bộ đồ thầy bói với những cúc áo màu vàng mới cáu, ống quần chỗ cái chân bị cụt buộc lại, treo lẳиɠ ɭơ khi ông ta ngồi nhịp chân trên bờ nước. Vừa thấy đám Độ Sẹo, Ái Tri ông ta liền ném cánh tay lên không trung ra vẻ mừng lắm, ông nhờ Độ Sẹo cõng mình đến cuối Vòm Cây, lý do là vì đi đến đây thì cái chân còn khỏe lại dở chứng.
Độ Sẹo không nói không rằng, khom người xuống, cánh tay lực lưỡng vòng ra sau đỡ ông lão lên lưng mình, ông ta ngồi trên lưng mà còn thúc thúc cái chân vào hông Độ Sẹo như thúc con ngựa. Cuối vòm cây bần, Ái Tri đã thấy ánh sáng mờ mờ, ông già đi nhờ trên lưng Độ Sẹo luôn miệng nói chuyện, đoạn quay sang Ái Tri thắc mắc: "Cô nhà báo ơi, cô có định viết về lão không thế?" Không ai nói chuyện với ông ta, làm sao ông ta biết được thân phận của Ái Tri, tuy vậy, Ái Tri vẫn giữ thái độ bình tĩnh, nhớ tới lời dặn của Độ Sẹo, cô vẫn cứ nhìn thẳng, lấy điểm sáng cuối mái vòm làm thứ đánh lạc hướng khỏi những lời nói tiếp theo của ông già đi nhờ.
Mười phút trôi qua, ông già vẫn cứ thúc chân vào hông của Độ Sẹo, ra sức mở lời tán gẫu, nào là thời tiết vùng quê dạo này, sở thích của ông ta, công việc của ông ta, nơi ông ta đến. Ái Tri dần quen với tiếng nói của ông già, giờ nó chẳng khác gì tiếng rẽ nước dưới chân cô. Vì lý do đó, câu nói tiếp theo của ông già mới khiến Ái Tri bất ngờ.
"Mày sống cuộc đời con rơi mà không thấy lao lực sao, con đĩ phóng viên?"
Ái Tri trợn mắt, câu nói đó đến quá đột ngột làm cô phải lườm thật nhẹ về phía ông già, ông ta dường như hiểu được nên cũng đón ánh mắt của cô một cách hết sức...nhẹ nhàng. Độ Sẹo vẫn im lặng, không thấy phản ứng gì xuất hiện trên khuôn mặt của lão. Ông già trên lưng Độ Sẹo thì khác, ông ta nhảy cẫng lên khi thấy phản ứng của Ái Tri, còn không quên thêm vào: "Sao nào con cɧó ©áϊ, tao có thể cho mày biết hết. Mọi bí ẩn mà mày từng thắc mắc, gì nhỉ, nguồn gốc của những "trò chơi", mấy "sinh vật". Mày có thể đem bài báo cáo về, thăng quan tiến chức, cuộc sống phất lên như diều gặp gió. Tao chỉ cần một thứ từ mày thôi, sao nào con đĩ?"
Ái Tri nhìn chầm chầm vào ông già trên lưng Độ Sẹo khoảng mấy phút, cô chỉ nhìn thôi chứ không nói lời nào, đoạn đảo mắt về phía ánh sáng cuối đường. Im lặng. Mười phút sau, ông già có cố cách mấy cũng không tài nào cạy miệng được ai hết nên la toáng lên, bảo Độ Sẹo cho ông xuống, Độ Sẹo làm theo lời ông ta, vẫn giữ ánh nhìn sắc lẻm, bước đi như chưa có chuyện gì xảy ra. Ái Tri thấy vậy mới lên tiếng: "Tôi xin lỗi..."
"Không, các hạ làm tốt lắm, chúng ta sẽ im lặng cho đến hết đường."
"Tôi không làm gì sai à?"
Độ Sẹo lắc đầu: "Lần đầu tiên mà các hạ đã làm được như vậy khiến Độ tôi hơi khâm phục rồi."
Ái Tri chỉ khẽ lí nhí "Vậy à..." rồi không gian lại bị âm thanh lội nước và âm phong xào xác chiếm lấy. Gần cuối đường hầm, những chuyển động kỳ lạ trên một cây bần làm Ái Tri phải ngước đầu lên nhìn, sợ mình căng thẳng quá dẫn đến nhìn lầm, Ái Tri phải dụi dụi cặp mắt mấy lần, cô biết mình không sai, cô biết thứ treo lủng lẳng trên đó chính xác là thứ làm cô lo sợ.
Xác người treo cổ.
Gió khẽ lay những cặp giò làm chuyển động của chúng dường như đồng điệu với những nhánh cây, xương chân khẽ chạm vào nhau phát lên những tiếng "Cộc! Cộc!" Những cái xác này đều đã khô đét, da mặt hóp lại làm xương sọ lòi ra, vẽ những vòng trắng hói khi một chút ánh nắng từ phía ngoài rọi lên, hàm răng ố vàng, quần áo rách rưới, tất cả dường như bình thường cho tới khi Ái Tri bắt gặp ánh mắt chúng. Chính xác phải gọi là ánh mắt như kiểu gọi người còn sống vì tròng đen và tròng trắng vẫn còn quá sống động, như thể tất cả bộ phận cơ thể đều mục rửa để truyền sức sống cho những ánh mắt này vậy, Ái Tri có thể thề rằng cô thấy vài ánh mắt đang chớp chớp, ngấn lệ nhìn về phía cô và Độ Sẹo. Bỗng nhiên, từ phía sau lưng, Ái tri lại nghe hàng trăm âm thanh "Cộc! Cộc!" khác nữa, như người ta dùng gáo dừa đập vào nhau, hàng trăm cái gáo dừa!
Cô định quay lại nhìn thì Độ Sẹo đã kịp chụp vai cô lại, lão lắc đầu, ánh mắt hết sức nghiêm trọng: "Đừng có quay lại nhìn!"
Cặp đầu tiên của Ái Tri và Độ Sẹo ra khỏi Vòm Cây vài phút sau đó, lúc này Độ Sẹo mới bảo cô đến tán cây ngồi nghỉ ngơi còn lão thì cất tiếng gọi vọng về phía bên kia Vòm Cây, Ái Tri băn khoăn, liệu khi nhìn Vòm Cây để gọi cặp tiếp theo, Độ có thấy cảnh tượng mà cô đang tưởng tượng trong đầu không, rằng có hàng trăm xác người treo cô đang đung đưa theo gió; liệu những người băng qua Vòm Cây sau cô có thấy cảnh tượng đó không, họ có lỡ miệng nói chuyện với ông già đi nhờ? Cô đợi từng cặp người, Hồng Ba và Mến, Ngọc và bà Chim Sẻ tiến ra khỏi Vòm Cây nhưng vì quá sợ câu trả lời nên cô chẳng dám hỏi.
Trời đã chiều muộn, Độ Sẹo nói mọi người sẽ nghỉ đêm, đoạn đào đất, bắt bếp hết sức điệu nghệ. Lão nấu bữa tối cho cả đoàn, dường như ai cũng biết tài nấu ăn của lão hay sao nên tỏ vẻ hết sức mong chờ. Ái Tri cũng phải công nhận, lão nấu ăn ngon thật. Sau bữa ăn, Ái Tri thắp một ánh nến rồi bắt đầu ghi chép tỷ mỷ lại mọi thứ. Về ngày đầu tiên trên đoạn đường "lên bờ, xuống ruộng của cá sấu và con người", về khu phố tiếp tế, về bà lão tóc bạc, ông già đi nhờ và những xác người treo trên cây bần. Lúc cô gấp sổ lại, đã thấy Hồng Ba ngồi đợi cô nãy giờ, anh nhìn cô bằng ánh mắt lo ngại rồi anh thở dài. Ái Tri mới hỏi chuyện gì, Hồng Ba nhìn về phía Độ Sẹo, thấy lão đang ngồi trò chuyện quyết liệt với Mến về cây súng hỏa mai, lúc này, Hồng Ba mới thì thầm bên tai Ái Tri: "Tui và Mến đã nói chuyện với ông lão, ngày mai chúng ta, tôi, chị và Mến.... Chúng ta sẽ... sẽ... đánh chết lão Độ Sẹo để rẽ vào Bến Nước Ròng."
Câu nói khiến cô lạnh cả sống lưng, không phải vì nội dung của nó mà vì ánh mắt điên dại của Hồng Ba khi anh nhắc đến cái nơi gọi là Bến Nước Ròng.