Án Sát Tầm Hồ

Chương 7: Cõng quỷ trên lưng

Cửu đưa mắt nhìn lên, phía trước nơi lệnh bài rớt ra là một người phụ nữ tầm ba bốn, ba lăm tuổi, tóc búi cao, khuôn mặt đầy đặn, nhan sắc rạng ngời, thoạt nhìn thì thấy trẻ như thiếu nữ mười tám đôi mươi. Thấy Cửu nhìn về phía mình, thị ta quay lưng bỏ đi, linh cảm mách bảo Cửu rằng vụ việc ở nơi này ắt hẳn có liên quan đến người đàn bà nọ. Trước mắt, thông tin Cửu có được chỉ là ở làng đang có những vụ người bị chết hàng loạt không rõ nguyên nhân, ngoài ra chẳng có tin tức gì khác, muốn điều tra thì bước đầu tiên phải biết là điều tra về chuyện gì cái đã, sẵn bụng đang đói, Cửu đến quán ăn gần đó, biết đâu lần ra tung tích.

Quán Cửu bước vào là một quán mì, chủ quán là một người phụ nữ phốp pháp hơn bốn mươi tuổi, hai mắt híp lại, loại người này tạo cho ta cảm giác là nếu muốn tìm thông tin, thì thị ta là lựa chọn chính xác. Tuy nhiên, vì mới đến sợ thị chưa quen mặt, Cửu chỉ kêu tô mì, chưa hỏi han gì cả. Còn đang suy nghĩ sẽ dùng Quyết nào của Án Sát thì bỗng thấy một đoàn phu khuân vác, vốn làm việc tại bến tàu, nay mấy tay chủ tàu đều lăn ra chết thì đành thất nghiệp, họ kéo vào đây nhậu giải khuây, thế là Cửu lắng nghe, hầu như đã tóm tắt được tình hình, chỉ cần chờ kiểm chứng.

Sáu tháng trước, có một Cai tổng mới, tên là Mã Hoạch, tính tình phóng khoáng nhưng hành xử lại cảm tính, dân làng không biết nên vui hay lo với ông quan trên như vậy. Mã Hoạch có một viên thư ký, tên là Trịnh Đán, tuổi trẻ tài cao, lại hào hoa phong nhã, phụ nữ trong vùng ai nhìn cũng thích, người này cũng chính là người mà Cửu đã va phải lúc nãy. Thiên hạ đang đồn rằng y đang qua lại với Đoàn thị, một góa phụ xinh đẹp, là người đứng gần kim lệnh khiến Cửu để ý. Đoàn thị năm nay ngoài ba mươi, xinh đẹp nhưng số lại sát phu, chỉ mới bảy năm mà đã có bốn đời chồng, đều lăn ra chết sau khi cưới về không quá ba tháng, từ đó dân làng chẳng ai dám qua lại với thị nữa, kể cả người làng khác.

Do bị xa lánh, chẳng thể sống qua ngày được, Đoàn thị đành nhận việc coi sóc miếu thờ đầu làng. Nói về cái miếu thì cũng vô cùng ly kỳ ma quái. Làng này được lập ra từ bốn mươi năm trước, khi ấy hãy còn toàn là lau sậy, lam sơn chướng khí nhiều vô kể, nửa đêm không ai dám bước chân ra khỏi cửa, cô hồn ma đói nhan nhản, sáng nào cũng thấy dấu chân đi khắp xung quanh nhà, vết chân còn dính rất nhiều dòi bọ. Năm ấy hạn hán kéo dài, dân làng lâm vào cảnh đói kém cùng cực, cứ tưởng đã tuyệt vọng thì bỗng nước sông dâng lên, tuy không đủ để chảy vào ruộng đồng nhưng ít nhiều đem lại tôm cá.

Có một điều lạ là ban đầu còn có nhiều cá, vài ngày sau thì không còn con nào cả, nhưng lại có một loại ốc, thoạt nhìn hệt như ốc móng tay, tuy nhiên vùng này làm sao lại có ốc móng tay cho được? Dân làng ban đầu cũng bán tín bán nghi, mở ra xem thì thấy thịt ốc cũng hệt như ốc móng tay bình thường bèn đem về ăn thử. Nồi ốc luộc xong bốc mùi thơm ngào ngạt, trong cảnh tranh tối tranh sáng, mọi người ăn vào thì lợm miệng, ói ra thì thấy thịt ốc y hệt ngón tay bị cắt lìa, ai nấy đều kinh hãi, đổ hết nồi ốc đi.

Vài tháng sau, thời cuộc binh loạn, khắp nơi thổ phỉ nổi lên, miếng ăn kiếm được vô cùng khó, nhất thời dân làng không biết chạy đi đâu, tứ bề nạn đói hoành hành nên đành chôn chân một chỗ, thứ gì ăn được trong làng đều đem ra ăn sạch. Đến một thời điểm khi cả con chuột cũng không còn, dân làng nhìn xuống mé sông, thấy bãi sông dần khô cạn, ngàn vạn con ốc móng tay lạ lùng đó nằm xếp lớp, trông vô cùng hấp dẫn, nhưng chưa ai dám ăn.

Hôm sau, một số thanh niên gan dạ trong làng, trong cơn đói đến mờ mắt đánh liều bắt lên ăn. Nằm vật vờ giữa lằn ranh sống chết, chẳng ai còn biết gớm ghê về hình dạng cái thứ đang nhai trong miệng nữa, tất cả cũng chỉ cầu con đường sống mà thôi. Những người còn lại trong làng thấy mấy thanh niên kia ăn xong cũng chẳng có gì ghê gớm, lại khỏe mạnh cường tráng lên hẳn, thế là tranh nhau xúc ốc về ăn đến no căng bụng thì thôi.

Thế là làng thoát cơn đói.

Tạm thời lúa ngô không thể trồng được, khoai sắn gieo lên thì không đủ nước tưới, dân làng thoạt đầu còn khó nghĩ, nhưng hễ cứ nhìn lại bãi sông còn đen kịt những con ốc béo múp thì cũng chẳng quan tâm đến chuyện phải lo trồng cấy thứ gì nữa, đói thì cứ xúc ốc mà ăn, ốc lại như vô tận, hôm nay xúc gần cạn thì ngày mai từ dưới đáy sông lại bò lên rất nhiều. Ăn nhiều đâm ra thành nghiện, một thời gian sau, kho thóc được mở ra cấp phát cho nhưng dân làng vẫn không quên được mùi vị hấp dẫn của thịt ốc, thế là chẳng ai ăn gạo nữa.

Một hôm, có ông lão dáng vẻ đạo mạo bất phàm từ xa đi lững thững tới, đầu đội nón lá rách bươm, tay chống gậy trúc, quần áo toàn màu trắng nhìn rất sạch sẽ, ông lão đứng nhìn bãi sông rồi thở dài, nói: "Đại họa sắp ập đến làng này rồi", nói đoạn quay lưng bước đi, đến chỗ gốc tre già đầu làng nằm ngủ, nắng mưa sấm chớp vẫn thấy lão lấy nón che mặt ngáy khò khò, ai kêu cũng không dậy.

Quả đúng như ông lão nói, chỉ ba ngày sau, dân làng bắt đầu gặp chuyện lạ, mọi người bị nổi những mẩn đỏ trên lưng, sau đó chuyển sang thẹo đen mưng mủ như đậu mùa. Sau khi chuyển bệnh hai hôm thì từ những vết mủ đó mọc ra một lớp vỏ y hệt như vỏ ốc, ai cố tình rứt ra thì đau đớn vô cùng, bên trong là một cái móng tay người tím tái y hệt ngón tay người chết. Chứng kiến từ da thịt mình mọc ra tua tủa những cái vỏ ốc móng tay xếp chồng lên nhau, ban đầu từ lưng, sau đó lan ra toàn thân, ai ai trông cũng quái dị gớm ghiếc, ngứa ngáy không chịu nổi bèn giật mạnh ra thì da thịt lở loét, ngón tay người chết với móng đen sì mọc ra lởm chỏm, toàn thân đau nhức không thể nằm ngồi được, không quá bốn ngày thì xuất máu đen mà chết, thi thể thối rữa nhanh, thoáng chốc chỉ còn đống thịt bầy nhầy.

Dân làng đến bấy giờ mới vỡ lẽ là độc tố trong thịt ốc dần phát tác, lần lượt từng người từng người chết mà không hiểu độc từ đâu. Bỗng nhiên xảy ra sự lạ, trời đang nắng đẹp bỗng kéo mây đen mù mịt, sấm đánh liên hồi, nước sông như bị thủy quái từ đâu, hút sạch biến đi mất cả, để lộ một cảnh tượng kinh hãi dưới lòng sông mà từ trước tới nay không ai dám tưởng tượng. Mấy chục dặm lòng sông phủ kín thây người, có cái trương sình lên, có cái đã bị gặm nham nhở thịt da, cái nào cái này đều xanh lét một màu, rêu bám hàu đeo trông kinh dị vô cùng.

Nhìn y phục có thể đoán được khi xưa nơi đây từng có trận chiến kinh hoàng, xác tử sĩ hai bên đều đem quăng hết xuống sông cho tiện, ai ngờ gặp vùng thổ nhưỡng âm lưu, oán khí nặng nề không tiêu tán được, bèn hóa vào những con ốc, hình thù giống như ốc móng tay. Khỏi phải nói cũng đủ biết những con ốc đó mang độc tính âm khí cao như thế nào, có điều dân làng không thể tưởng tượng được đằng sau con ốc kỳ lạ ngậm ngón tay ấy lại là cả chục ngàn cái xác như thế này. Trong cơn hoảng loạn, có người sực nhớ tới ông lão nọ, bèn chạy ra lay ông ta dậy, ngộ là lúc trước dù có làm cách nào ông ta cũng không tỉnh, thì nay chỉ vừa lay vài cái thì đã ngồi bật dậy nói: "Chịu đến gặp ta rồi à!"

Lão ta sai người trong làng dựng một cái chòi chỗ bụi tre, những ai đang đổ bệnh cứ đến gặp lão. Cách chữa trị lại đơn giản vô cùng, bên cạnh lão ta có một thau nước màu đỏ, bốc khói nghi ngút, lão dùng tay nhúng vào rồi gỡ sạch các vỏ ốc mọc trên da thịt, nếu là ngón tay thì lão dùng một cây dao nhúng vào thau nước, nung đỏ lên rồi xẻo ngón tay ra, người bệnh không hề thấy đau đớn gì cả.

Quả nhiên, tất cả đều khỏi bệnh, vừa lúc chữa xong cho mọi người thì lão cũng biến mất chẳng để lại dấu vết, dân làng thấy vậy bèn nói nhau lập một cái miếu để thờ cúng vì cho đó là tiên thánh giáng phàm, chỉ gọi tên nó là Bạch Lão Miếu.

Trong những câu chuyện thế này, sự việc cỡ nào cũng đã được đồn thổi lên mấy lần, có một chuyện nói là, khi ông lão bỏ đi, một số người tò mò đi ngang căn chòi ban đêm thì nghe tiếng như có con gì đó đang gặm xương. Sáng hôm sau đến chòi lá xem thì thấy toàn là xương ngón tay, cái nào cũng đen xì, bèn cho là chúng đến từ những ngón tay được gỡ ra từ người bệnh, trong làng chẳng có chó mèo hoang, ai lại làm chuyện kinh tởm đến thế này. Một số người tọc mạch thì đoán chừng ông lão kỳ lạ đó có khi lại là yêu quái, đêm đến hiện nguyên hình nhai mấy cái ngón tay để tu luyện, quả thật những thể loại chuyện truyền miệng thế này không biết đường nào mà lần.

Miếu thờ ông lão ban đầu hương khói rất vượng, về sau khi Pháp đặt lại hệ thống hành chính, quan lại cũng phần nhiều là người Pháp, lo sợ người dân lấy cớ mê tín để tiến hành bàn thảo lật đổ chính quyền, họ bèn đề ra những yêu cầu khắt khe như không cho nhiều người vào viếng, không được ở lâu, không lại ban đêm sau giờ Dậu.

Thế là dần dần ít người đến thành ra miễu trông tiêu điều hoang lạnh vô cùng. Làng năm nào cũng gom chút tiền tu sửa và mướn người trông coi, sợ là nếu đập bỏ sẽ mạo phạm thánh thần. Đoàn thị nhờ vậy mà có được chỗ dung thân, hàng ngày làm công việc quét dọn và thắp đèn cho miếu, tuy không được bao nhiêu tiền nhưng chí ít cũng có chỗ ăn ở.

Nhiều người quả quyết đêm đếm cứ độ giờ Tý là thấy bóng người y hệt như Trịnh Đán, lén lén lút lút đi vòng cửa sau, gõ cửa ba cái tức thì Đoàn thị ra đón vào. Chuyện này có lẽ cả xóm đều biết nhưng ngại tay Trịnh Đán này mưu mô toan tính nhiều, lại là chân thân cận của Cai tổng, hớ ra là bị hắn cài tội tống giam vào ngục hết, cho nên ai cũng biết - nhưng ai cũng im.

Lại nói về những vụ kỳ án ở làng này, mọi chuyện bắt đầu từ khoảng hơn một tháng trước, chẳng là có một vụ kiện tranh giành đất giữa hai nhà kế bên. Một trong số họ định đút lót cho Cai tổng họ Mã, nhưng tính ông khảng khái trong sạch, thấy không ổn liền quay sang đút cho Trịnh Đán, Đán tiếp lời, xử nhà đó thắng kiện. Bỗng vài hôm sau nhà đó chết ba mạng, đều bị ói ra huyết đen, trúng kịch độc mà chết.

Dân làng lấy làm lạ, nhưng chẳng ai có được manh mối gì, trong khi còn đang hoang mang, thì lại có thêm một nhà khác chết một lúc bốn mạng, cũng là do thổ huyết đen, loại độc y hệt lần trước. Liền tiếp theo đó là một loạt vụ án, lần nào cũng là đang đêm trúng độc, máu đen cứ tuôn từ thất khiếu ra không ngừng, mặt mũi tím tái xanh xao, chưa đầy nén nhang thì gục ra chết, khuôn mặt biến dạng đến kinh dị.

Ban đầu dân làng chỉ biết rối loạn, chẳng hiểu có chuyện gì, cứ tưởng quỷ thần khi xưa quay lại báo oán, bỗng có người sực nhớ lại, tất cả những người chết đều là những người liên quan đến những vụ kiện tụng gần đây, gia đình cả thảy bọn họ luôn mang tai tiếng, cậy quyền thế hoặc hống hách, ức hϊếp dân nghèo. Nghĩ đến đó thì mọi người lại quay sang không còn sợ hãi nữa, ai cũng cho rằng đúng là phép màu đã ứng nghiệm, thần linh đã đáp lời, có thể do cái miếu đầu làng chăng?

Dân làng từ lâu vốn thân cô thế cô, bị cường hào ác bá quấy nhiễu đã lâu, nay thấy bọn gian manh đều lần lượt chết thảm thì ra chiều đắc ý, cứ rủa cho chết hết những kẻ còn lại. Cửu nghe đến đây trong lòng nổi cơn thịnh nộ, dù là gian hay tà, gϊếŧ người như vậy thì làm gì có chuyện thần linh báo ứng, chắc chắn có bàn tay con người nhúng vào. Thiên quy là thứ không phải ai muốn cải là cải, những kẻ thủ ác, vốn dĩ số phận đã an bày quả báo tương ứng với tội lỗi họ tạo ra, kẻ nào cứ tự nghĩ mình gϊếŧ người thế thiên hành đạo, thực chẳng hiểu cái gì là thiên địa huyền cơ.

Cái gì là tạo hoá an bài, số mệnh sắp đặt, thử tưởng tượng ai cũng có cái suy nghĩ ấy trong đầu thì xã hội này loạn đến thế nào? Gia đình họ Dương vốn dĩ cũng chẳng ham hố gì cái danh vọng Án Sát Tiên Sinh để phải lẩn trốn khắp nơi, giúp ông trời tận thấu nhân sinh, có đôi lúc Cửu định bụng vứt lệnh bài đi cho rồi, nhưng càng nghĩ càng thấy đã là số mệnh thì không thể cải, nếu vậy Cửu có khác gì đám người mê muội cho rằng họ là ông trời kia chứ?

Cửu cố kiềm cơn giận ngồi nghe tiếp, đám phu khuân vác kia đã nói sang chuyện khác. Dân làng cứ định bụng, những kẻ chết đều là những tay ác ôn, không ngờ có hai vụ gần nhất lại đi trái với thứ "phép màu, thánh thần" ban đầu. Vụ đầu tiên là một cậu thư sinh họ Thái, nhà ở gần bến tàu, và mới đây là mấy ông chủ thuyền. Một người trong số đó nói, về thư sinh họ Thái thì có phần nghi hoặc, nhưng trước khi mấy ông chủ tàu chết được vài ngày, người này có thấy đoàn chủ tàu có cự cãi với Trịnh Đán, nguyên do là phí đậu đỗ tàu thuyền vừa nâng giá lần thứ sáu trong hai tháng.

Những tay chủ thuyền vốn dĩ đều xuất thân là giang hồ tứ chiếng, trộm cắp đều kinh qua, về già gom được số vốn mới đóng mấy con tàu để lấy kế sinh nhai, rửa tay gác kiếm. Bọn họ tính tình nóng nảy nhưng biết điều, quan Pháp nâng giá thuê quá cao, hai bên xảy ra cự cãi, loại thư sinh như Trịnh Đán có sá gì, suýt chút bị họ đánh cho sấp mặt, may sao quân lính tới giải vây kịp mới thoát về.

Nói đến đây, ai cũng thấy biết đâu sau lưng Đán có quỷ thần phò trợ, đυ.ng tới y là liền có kết cục thổ huyết, chết đau đớn vô cùng. Đã không nói thì thôi, nhắc đến là tự dưng trăm người như một, đều tán đồng ý kiến này, họ nói không chừng những người dính tới Đán là chết không kịp ngáp. Nỗi sợ trong tầng lớp dân thường là thứ gì đó vô định và rất dễ lây lan, họ nhanh chóng liên kết tất cả những sự việc này lại rồi thêu dệt nên một câu chuyện ma quái về Đoàn thị là ác quỷ, cùng với Trịnh Đán luyện thiên linh trong Bạch Lão Miếu mưu hại trả thù dân làng.

Cửu nghe đến đây thì cảm giác khó chịu dâng trào rõ rệt, nhận ra chứng cứ thu được nhiêu đó cũng có cơ sở điều tra rồi, bèn đứng dậy tính tiền rồi đi thẳng. Cửu cho rằng phàm thứ gì cũng đừng nên thái quá hoặc bất cập, cứ như đám thường dân ấy thì trách sao xã hội không nhiễu nhương, lòng người không đa đoan cho được.

Cửu ra đường, định bụng sẽ đến Bạch Lão Miếu trước, nhưng nghĩ tới nghĩ lui vẫn thấy nên ghé xem Cai tổng họ Mã là người thế nào. Đến nơi, chỉ thấy đó là một dinh thự cỡ trung, một toán lính Pháp đang đẩy một bà lão từ cửa ra, mặc bà ta kêu khóc thảm thiết, tưởng như sắp mù mắt đến nơi. Đám lính để mặc bà lão ở đấy rồi quay trở vào trong, Cửu thấy vậy liền đến gần hỏi rõ sự tình, thì ra bà lão ấy là nội của thư sinh họ Thái, bị chết cách đây mấy ngày. Cửu cho rằng gặp bà lão nên không vội tìm đến Mã Cai tổng nữa, bèn dìu bà đến bên gốc cây bàng, lựa lời an ủi, thấy bà lão trấn tĩnh lại, Cửu hỏi: "Chuyện anh Thái nhà ta, cớ sự gì khiến lão phải lên đây kêu oan?"

Cụ bà lau nước mắt, nói: "Rõ ràng cháu tôi bị người ta đánh trọng thương mà chết, nhưng quan thầy chẳng ai chịu tin, cứ nói là do cùng hung thủ hạ độc mấy vụ trước, năm lần bảy lượt từ chối lời thỉnh cầu của lão, trời ơi, nhà lão giờ chỉ còn nó với thân già này, nó chết không minh bạch như vậy, thân già này đau chịu sao nổi hả cậu?"

Cửu ngạc nhiên, theo những lời Cửu nghe được tại quán ăn, Thái thư sinh đó cũng bị dính độc, thổ huyết đen rồi chết như những vụ khác, vậy lời kể của bà cụ này là sao? Thấy lạ, Cửu bèn hỏi: "Sao lão lại tin là cháu mình bị đánh chết?"

Bà lão lại nhăn mặt, khoé mắt tuôn dài hai dòng, tay cứ đập thùm thụp xuống đất, nói: "Mấy bữa trước, nó về nói với già, biết là ai gây nên mấy vụ gϊếŧ người đó, trời ơi lúc đó già cũng cản nó lại, chứ nào có xúi giục gì nó dính tới mấy cái chuyện quỷ thần như vầy, thân già này lo cho nó không được. Đêm hôm kia, nó quay trở về, choáng váng nhức đầu, mồm miệng méo lệch, tay cứ ôm đầu kêu đau rồi không nói năng gì nữa, thổ huyết chết, bỗng đâu quan binh kéo tới nhà, khám nghiệm qua loa rồi nói nó bị trúng độc như mấy người trước. Từ đó tới nay già kêu oan, mong là mấy ổng coi xét lại, chứ già này nào mong gì hơn, cháu nó chết cũng phải cho rõ ràng chứ, trời ơi..."

Sau đó bà lão khóc tức tưởi, Cửu không còn nghe được bà nói gì nữa. Nhất thời tâm trí cũng bị dao động, Cửu nói dìu bà cụ về, mong thắp cho cháu bà một nén nhang, thực ra chỉ muốn kiểm chứng những gì bà lão nói mà thôi. Đến nơi, nhà của bà lão cũng không đến nỗi tồi tàn, con trai và con dâu chết sớm, để lại đứa cháu cho bà nuôi nấng, hằng ngày bà lão làm công việc thêu thùa may vá, sửa quần áo, cũng tạm gọi là đủ trang trải cuộc sống cho hai bà cháu.

Cuối năm nay, theo dự định là cháu bà sẽ xin vào làm việc cho sở, cuộc sống thân già tưởng đâu đến hồi an nhàn, ai ngờ người cháu ra đi quá đột ngột. Cửu đứng trước bài vị hương án lạnh lẽo, thoáng chốc trong lòng không tránh khỏi cảm giác thương tiếc cho một kiếp người, như vậy lại càng hận cái xã hội tối tăm u ám mà từ trước tới nay, Cửu không biết bao nhiêu lần đã phải thay trời can thiệp vào, đem lại công bằng cho cuộc sống, cho bá tánh.

Bụng nghĩ như vậy, nắm tay siết chặt lại lúc nào cũng không hay.

Cửu vốn là người biết trước biết sau, hành động ít khi cảm tính, không dễ bị lòng thương cảm làm lung lay, có thể nói là con người chí công vô tư tựa như thiết diện Bao Công khi xưa, quả thực lời bà lão nói là đúng vì các chứng cứ còn sót lại trong nhà, đặc biệt là từ đồ dùng của người cháu cho thấy cậu ta thường hay lui tới một chỗ vào buổi đêm, vết máu khi nôn ra là máu đỏ, còn ố nơi góc tường chứ không phải máu đen do trúng độc.

Đáng lý theo tục lệ khi chôn cất, bà lão nên đốt hết đồ dùng quần áo, tuy nhiên bà ấy kể, khi cháu bà vừa mất trong đêm, quan binh vừa rút đi xong, bà đang khóc tức tưởi bên cạnh di hài cháu mình, bỗng thấy một luồng âm phong thổi đến lạnh ngắt, tấm vải liệm đang trùm trên mặt cháu bà bỗng dưng bị thổi bay lên, để lộ ra khuôn mặt nhăn nhúm khó coi.

Biết chừng cháu mình về kêu khóc, nên bà lão cũng vững dạ kêu tên cậu ta, trên vách tường, nơi ánh đèn cầy hắt lên, ngoài bóng của bà ra thì còn một cái bóng đang ngồi trên phản, chỗ đặt thi thể, lúc này âm vang trong phòng bà là tiếng cháu bà vang lên rõ mồn một: "Bà ơi, cháu chết oan lắm, nhưng người ta có thế lực, bịt miệng nên cháu không nói tên họ được, bà đừng đốt hết đồ dùng của cháu, nay mai sẽ có một vị Án Sát đi ngang qua, bà hãy đem chuyện của cháu kể lại, ắt con sẽ được minh oan!"

Vừa nghe đến đó thì bà choàng tỉnh dậy, thì ra chỉ là giấc mộng, nhưng nó lại quá thực làm cho bà lão càng tin cháu mình là bị người ta đánh chết. Bà lão năm nay cũng đã qua tuổi lục tuần, trước kia chức danh Án Sát bà có nghe tới, nhưng đó là của triều đình xưa, nay Nam Kỳ thuộc Pháp, làm gì còn có ai là Án Sát mà kêu oan, nên bà tưởng cháu bà đang nói đến chính quyền Cai tổng Mã, thế là lên kêu oan đến mấy ngày.

Cửu nghe đến đó bèn lấy lệnh bài ra đưa cho bà lão xem, nói: "Nếu quả thực Thái thư sinh báo mộng cho lão bà như vậy, Cửu tôi có thể lo liệu chuyện này cho nhà ta!"

Bà lão vừa thấy kim lệnh, mặc dù chưa hiểu gì cả, nhưng theo cảm xúc cứ khóc lóc, than rằng: "Ông trời quả thực có mắt, cháu tôi sắp được minh oan rồi, cậu ơi, cậu làm ơn làm phước giúp dùm, cậu muốn tiền bao nhiêu cứ nói, già này phải vuốt mắt cho thằng cháu mới yên lòng cậu ơi!"

Cửu nhìn bà lão, vẻ mặt nghiêm nghị nói: "Thù lao cao lắm, bà cứ đợi đi, nội trong ngày mai tôi sẽ đến lấy tiền công!", nói xong rồi quay bước trở ra, đi mất dạng, bà lão có đuổi theo cũng không kịp.

Có thể nói đến giai đoạn hiện tại, Cửu đã lần mò ra được nhiều chi tiết, Án Sát Tiên Sinh mấy đời tung hoành giang hồ, phá ngàn kỳ án, không phải chỉ dựa vào kim lệnh và án thư, dĩ nhiên đầu óc cũng thuộc dạng thiên bẩm thông tuệ, nghe một biết mười, bản lĩnh bản thân đã có thừa, tuyệt nhiên không phải loại dựa dẫm vào bảo vật.

Nói là thế nhưng vẫn còn một điểm Cửu không thể chắp nối được, phen này phải đến Bạch Lão Miếu một chuyến mới xong. Miếu đó nằm ở phía đầu bên kia của làng, Cửu phải đi ngang chợ mới đến được. Xung quanh Bạch Lão Miếu khá vắng vẻ, cách chừng trăm thước mới có cụm nhà tranh, khung cảnh yên tĩnh, mùi khói hương tạo nên vẻ trang nghiêm đến lạ, vừa định bước vào thì Cửu thấy có bốn đứa trẻ chừng mười tuổi đang ngồi xin ăn trước cửa miếu. Nhìn chúng chỉ còn da bọc xương, mặt đứa nào cũng hốc hác, xanh xao, nhưng ánh mắt không hề có vẻ mệt mỏi, thấy Cửu đi ngang chúng không chạy theo xin tiền như những đệ tử Cái Bang khác mà chỉ nhẹ nhàng đưa cái chén bể lên, ngỏ ý tùy hỷ mà bố thí.

Cửu nhìn cánh tay bốn đứa thì giật mình, chúng khô đét, da bọc xương, gân máu nổi đen sì, móng tay dính đầy đất bẩn, bàn tay trầy nhiều, tựa như hay đi đào bới gì đó. Cửu lấy ra ít tiền để lại cho bọn nó, đến gần mới thấy một mùi vô cùng khó chịu, tự như dãi nhớt lâu ngày tích tụ, bọn chúng nhận tiền cũng im lặng, không nói lời nào, ánh mắt đang minh mẫn bình thường nhưng bỗng chốc Cửu thấy sát khí quá nặng. Cửu nhìn vào mắt đứa trẻ có vẻ lớn nhất đám, xong rồi cũng bỏ vào Bạch Lão Miếu thắp nhang.

Bạch Lão Miếu xây đơn giản, phía trước có một cây bồ đề cổ thụ, gian chính cũng như căn nhà nhỏ, chính giữa để tượng Bạch Lão, trên có bức hoành phi, bày trí đậm chất huyền bí với những bức tranh vẽ tùng hạc, bát tiên, vườn đào, ngụ ý nơi cầu tiên dược trường sinh bất lão. Dọc hai bên vách tường là những bình gốm cao đến thắt lưng, ngụ ý cho bình đựng tiên dược, trần nhà trang trí bằng hoa văn mây lượn, rồng bay phượng múa khá kỳ lạ.

Cửu thấy đến đây rồi, tiện tay đốt một nén nhang cho Bạch Lão, bức tượng tạ đã lâu, được lau chùi thường xuyên, lên màu đá rất đẹp, tuy nhiên nghệ nhân nào tạc bức tượng này không biết do tay nghề hay do có ý định riêng mà khuôn mặt Bạch Lão trông hết sức tà ác, mắt híp, miệng dài, mũi không phải là cao mà nhọn ra, nhìn xa không khác gì một con chồn cả. Điều này khiến Cửu mang bụng nghi vấn về truyền thuyết Bạch Lão cứu dân làng năm xưa, vì nếu quả thực có công ơn ấy, chẳng ai lại đi tạc tượng ân nhân mình mang vẻ hung ác gian tà như yêu tinh quỷ dữ như vậy cả.

Cửu thắp nhang xong, đưa mắt đảo thêm một vòng xung quanh, phía sau điện thờ có một gian phòng nhỏ của Đoàn thị ở, cửa sau thông ra khu vườn trồng mấy cây thuốc nam. Ban đầu Cửu cũng định bụng sẽ ra đó xem thử, nhưng Đoàn thị bất ngờ từ trong phòng bước ra, khiến Cửu đành quay bước, chỉ thấy Đoàn thị nhìn Cửu ghê lắm.

Lúc ra ngoài, Cửu thấy đám trẻ con ăn xin không còn ngồi ở đó nữa, linh cảm bọn chúng cũng có thể là một mắt xích nào đó trong vụ kỳ án này, Cửu đành phải ra chợ nghe ngóng tình hình thêm mà thôi, ai ngờ vừa quay lại chợ thì thấy mụ chủ tiệm mì đang đuổi bọn chúng, không cho chúng xin tiền trong quán. Đám trẻ con bị đuổi cũng không ra vẻ thất vọng hay oán trách gì lắm, cứ lầm lũi, trơ mặt ra mà đi chỗ khác. Cửu đi đến định hỏi chuyện mụ chủ quán, mụ ta thấy Cửu tiến lại thì tưởng đâu y cũng hóng chuyện, liền rôm rả hướng đám con nít mà nói.

Cửu cắt ngang, hỏi sơ qua về thân thế bọn này, sao hành tung có vẻ không giống bọn trẻ ăn xin lắm. Mụ chủ quán mì nhìn Cửu, biết không phải là người trong làng này, liền kể lại chuyện chỉ mới xảy ra từ ba tháng trước. Bốn đứa ấy là anh em một nhà, lúc Mã Cai tổng vừa về nhậm chức, nhà chúng có dính đến một vụ, kiện nhà hàng xóm cướp đất. Mã Cai tổng có hậu thuẫn xử vụ này, rốt cuộc nhà bọn chúng bị tịch thu gia sản trả cho nhà kia, ba mẹ chúng vì uất ức nên sinh bệnh, mười mấy hôm sau thì chết, bọn chúng cũng không có bà con thân thuộc, từ đó thường ở gần Bạch Lão Miếu.

Dạo gần đây, Đoàn thị bảo chúng hôi quá, nên không cho tá túc nữa mà đuổi ra ngoài, nên chúng chỉ có thể ăn xin trước cửa miếu, không thì lê lết khắp hang cùng ngõ hẻm xin ăn, ai có mắng chửi thế nào cũng trơ mặt ra, cả ngày không nói năng gì, cũng chẳng van nài ai. Nhiều người mủi lòng cũng có cho đồ, nhưng bọn chúng càng ngày càng hôi thối, chẳng ai dám lại gần.

Cửu sực nhớ lại chuyện gì đó, quay qua chào mụ chủ quán rồi đi theo bọn nhỏ xem thử, tuy nhiên thằng anh lớn trong đám quay lại nhìn Cửu trừng trừng, ánh mắt quả thật oán khí dâng đầy, không hề bình thường chút nào, Cửu nghĩ chẳng lẽ chúng lại là hiện thân của Bạch Lão? Tuy nhiên suy nghĩ ấy bị gạt bỏ, vì Cửu đã nhìn thấy một thứ trên người bọn chúng. Đêm ấy, khi màn trăng vừa sụp xuống, Mạch Cai tổng mới từ trên tỉnh trở về, vừa mở cửa phòng thì đã ú ớ khi thấy có bóng đen đang ngồi chễm chệ trên ghế bành, bất giác toàn thân run rẩy, không mở miệng nói được.

Canh ba vừa điểm, cả làng đều yên giấc, trăng trên cao bị mây che hờ, tỏa ra thứ ánh sáng mờ ảo ma quái bao trùm lên những mái nhà tranh, xa xa vọng về tiếng chó sủa ma như điệu nhạc đưa đám, đường phố vắng không một bóng người, ai cũng sợ ra đường sinh chuyện sẽ bị Bạch Lão hạ độc chết.

Con đường dẫn lại Bạch Lão Miếu còn thê lương hơn gấp bội, hai hàng cây bên đường đìu hiu, chỉ có mấy con quạ đậu im lặng như dò xét. Từ phía làng, một bóng đen rảo bước men theo hàng cỏ, vòng ra phía sau miếu, nhòm ngó gì đó rồi gõ lên cửa ba cái. Chừng ba bốn giây sau đã nghe tiếng bước chân, cánh cửa nhẹ nhàng mở ra, trong đêm tối nhất thời không nhìn được là ai, chỉ thấy hai người một trước một sau nhanh chóng đóng cửa lại, đi thẳng một mạch vào miếu, chẳng nói với nhau câu gì.

Hai bóng người đó vào buồng của Đoàn thị, đèn dầu được thắp lên, thì ra là Trịnh Đán và Đoàn thị lén lút qua lại với nhau, y như những gì thiên hạ đồn đoán. Những chuyện ân ái mây mưa diễn ra cũng chẳng cần phải kể. Mọi việc xong xuôi chỉ thấy Đoàn thị vuốt ve Đán, nói: "Hôm nay anh sẽ nhờ Bạch Lão Quái gϊếŧ ai đây?"

Trịnh Đán cười đắc ý: "Thằng cha Cai tổng, con mẹ nó, năm lần bảy lượt nói trên đầu anh, đêm nay anh cho nó chết!"

Nói đến đây, bỗng nhiên Trịnh Đán ngồi bật dậy, đi xăm xăm ra điện thờ phía trước, lấy một mảnh giấy ghi họ tên của Mã Cai tổng, để dưới chân tượng Bạch Lão. Ánh đèn cầy leo lét hắt lên khuôn mặt gian tà của bức tượng, nhìn tựa như Bạch Lão quái đang nhe nanh cười man dại, không gian như đặc nghẹt lại bởi âm khí, phía sau bức tượng, một bàn tay xương xẩu, móng đen, dài nhọn hoắt từ từ thò ra chộp lấy tờ giấy, ánh mắt sáng như cú vọ hiện lên rõ mồn một trong đêm đen, kèm theo hơi thở và tiến rên khò khè.