Chương 4: Tát đìa
Công việc lao động chân tay rất tốn sức, nên dù làm nông, chài lưới đều cần nghỉ trưa. Có người sẽ ngủ một chút, có người không ngủ nhưng ai cũng tranh thủ ngả lưng (nằm xuống). Mai cũng cảm thấy hơi mệt, cộng với tác dụng của thuốc nên vừa nằm xuống đã ngủ luôn.Giấc ngủ sâu thật có lợi cho sức khoẻ, cô tỉnh dậy thì cảm giác đau đầu gần như biến mất. Trong nhà không còn ai, mặt trời đã nghiêng góc về hướng tây, ánh nắng chói chang. Giờ này khoảng ba giờ chiều rồi. Mai bước xuống, mang giày gai đi lại cái bàn uống nước trong bình. Vừa mang theo bình, vừa lấy cái nón lá trên vách đội lên đầu đi ra ngoài.
Mai bước chầm chậm, cảm nhận từng cảm động ở đôi chân nhỏ, hốc mắt đỏ rưng rưng nước. Sau mấy năm dài chôn mình trên giường nhìn ra cửa sổ, giờ cô lại được bước đi trong nắng, cảm thấy nguồn sinh lực chảy trong từng ngón chân. Hạnh phúc! Đơn giản là đi từng bước trên con đường đất này!
Mai không đi đến nhà Lưu bá mà đi vòng phía sau nhà ra đìa cá. Đất ruộng đã cứng sau mấy tháng mùa khô, cỏ mọc lưa thưa, vàng úa. Trên mặt đất có nhiều lỗ nhỏ là hang của những con còng hay cua gì đó. Chốc chốc trong bụi cây có tiếng sột soạt nho nhỏ. Phía xa xa, có vài người nông dân cũng đang làm đồng, cuốc đất.
Nhóm Tương huynh đã tát gần cạn nước trong đìa. Tương huynh và Bình ca đang múc từng gàu nước từ đìa đổ ra đất trũng gần đó; đất khô hút nước rất nhanh. Gàu nước làm từ lá dừa nước, có cỡ lớn, cỡ nhỏ. A Phúc cả người dính bùn, chụp bắt mấy con tôm nhảy loạn bên mép đìa.
- Muội có mang bình nước đến đó.
Mai đặt bình nước trên tảng đá cạnh bờ đìa, đi đến nhìn vào cái sọt cá. Trong sọt đã có mấy con cá trám trắng lớn, cá lóc trọng trọng.
- Thấy cá trê đang trũi bùn kia không tỷ, có gai đó. Gai chích rất đau.
A Phúc chỉ tay góc đìa đang sủi bọt, leo lên bờ chạy đến, trên hai tay đang cầm con tôm đất lớn, gương mặt hung phấn. Nhóc bỏ con tôm vào chậu rồi qua uống nước.
Kế bên sọt cá có một cái chậu, bên trong có đám bụi cỏ được quay lại, phía trên úp mấy tàu lá chuối. Trong chậu là những con tôm đất xanh nhạt, mấy con cá phi. Tôm rất dễ sặc bùn, nên lúc tát nước người ta cũng sẽ bắt tôm luôn. Ngược lại có mấy loại cá thích chui nhũi trong bùn như cá chạch, cá trê. Nhiều khi phải móc mấy lớp bùn mới bắt được bọn chúng.
- Tương huynh, cá trê.
Tiếng Bình ca la lên khiến Mai và a Phúc quay lại nhìn. Trên mép đìa là con cá trê thật lớn. Nó đang trườn trở lại đìa. Bình ca nhanh tay hất nó ngược lại bờ. Cá trê có ngạnh rất nhọn trên đầu, bị chích vào tay là chảy máu và rất nhức. A Bình sống ở làng chài đâu có rành mấy loại cá nước lợ này. Lúc nhỏ nương có dẫn về quê ngoại ra đồng, bắt cá. Nhưng lúc đó A Bình cũng cỡ tuổi a Phúc nên người lớn đâu có cho xuống bắt cá.
Tương huynh đã nhanh tay nắm hai nắm đất dẻo, chụp lên đầu con cá, kẹp chặt để nó không động được rồi bẻ hai ngạnh cá ghim xuống bờ cỏ cạnh đìa. Thế là xong. Con cá trê bị tước vũ khí, quăng vào sọt, nhảy lên xuống trông rất tức giận. Ba anh em nhìn Tương huynh làm lưu loát thật hâm mộ.
Một lúc sau thì trong sọt đã có đủ loại cá, có nhiều loại Mai không biết tên. Bình ca học rất nhanh, đã thuần thục 'xử lý' được mấy con cá trê rồi. Mai không lội xuống đìa bắt cá mà đứng trên bờ, Tương huynh và Bình ca thảy cá lên bờ để cô bắt bỏ vào sọt. Có mấy con cá rô còn sung sức giương vây trên lưng ‘rẹt rẹt’ hù dọa.
Được gần nửa canh giời, từ xa thấy dáng Lưu bá đang đi về hướng này.
- Được nhiều không?
Mai gật gật đầu nhìn lên, nắng ngược hướng thật chói.
- Gần xong rồi cha.
Tương huynh ngẩng đầu lên trả lời. Lưu bá nhìn vào sọt cười thật vui.
- A Phúc bắt được gì rồi? con cá lóc lớn là con bắt hả?
- Là Tương huynh bắt, con bắt được mấy con nhỏ thôi.
A Phúc cười cười trả lời, vừa thẹn vừa nhìn Lưu bá.
- A Phúc giỏi rồi, lại đây bá chỉ con, nè chỗ có bọt khí nổi lên này thế nào cũng có cá lớn đó,....
Lưu bá rất hay cười hay nói, tính tình thẳng thắn. Đặc biệt bá ấy rất thích a Phúc. Nhà bá chỉ có một mình Tương huynh là con trai, vẫn muốn có thêm con trai nhưng liên tục sinh ra ba cô gái. Lần sinh ra ngũ Mi, bá ấy còn rất thất vọng.
Có Lưu bá hỗ trợ, những sủi bọt không còn nữa, cá lớn nhỏ được hơn nửa sọt tre. Lưu bá nâng cái sọt trên vai, Tương huynh mang cái chậu tôm. Ba đứa nhỏ thì cầm các món còn lại đi về nhà. Tối nay có cá tôm tươi để ăn rồi. Dọc đường đi Lưu bá chỉ Bình ca ôm mấy nhánh rơm khô, cành cây trên ruộng. A, sẽ nướng cá sao? Tuyệt! vậy mà mình không nghĩ ra. Mai hớn hở cười.
Đúng như Mai nghĩ, bữa cơm chiều hôm đó có món cá nướng, tôm nướng. Sân trước có đống lửa lớn, mấy đứa con trai đang ghim ngược đầu cá lóc nướng rơm, tôm thì xâu thành cây nướng trên than đỏ. Sân sau cũng náo nhiệt không kém, nhóm đàn bà, trẻ em bày la liệt mấy con cá nướng, tôm nướng trên lá chuối.
Cơm và mấy món ăn cũng được dọn ra. Mặt trời lặn dần, chỉ còn vài tia nắng ửng sáng trên đám mây cao. Tiếng bìm bịp kêu nước lớn rộ lên từng chặp như hối thúc, báo hiệu mọi người nghỉ tay, đã hết một ngày làm việc vất vả.
Hai hôm nay Mai cố gắng lắng nghe, ghi nhớ cách mọi người nói chuyện, gọi tên cây cỏ xung quanh; cũng nhớ lại gương mặt, câu chuyện trong trí nhớ còn sót lại trong đầu ‘bé Mai”; cách xưng hô, điệu bộ chào hỏi khác nhiều so với hiện đại.
Hai đứa bé nhất là a Phúc và ngũ Mi ăn tôm cá nướng nhiều hơn cơm, sau đó bị bá mẫu và nương ép ăn thêm một chén cơm. Mai đang cầm một xâu tôm nướng, ăn chậm chậm. Vỏ tôm nướng đỏ, có vài chỗ bị cháy khét. Hương vị thật thơm, gạch tôm bùi bùi. Vết thương trên đầu Mai chưa lành, lẽ ra phải kiêng ăn tôm. Ở thời này chắc người ta chưa biết nên nương không ngăn. Mà đã lâu rồi cô mới cảm thấy thèm ăn như vậy, ăn hôm nay thôi, Mai tự nói với mình.
Tuy là chia hai mâm cơm, nhóm đàn ông con trai ở sân trước, nhóm đàn bà con gái ở sân sau nhưng không cách nhau xa lắm, nên tiếng nói chuyện vẫn vọng xuống. Tương huynh nướng xong mấy con lóc đặt xuống tàu lá chuối nói:
- Ông kể chuyện ở miệt trong nghe đi.
Bùi ông uống hết ly rượu, khà mội hơi sảng khoái nói:
- Chuyện gì? Chuyện trong đó nghe cả đời không hết.
Đống lửa nướng ngoài sân trước được thêm củi, ánh sáng bập bùng rọi lên gương mặt những người đàn ông da sạm nắng, vết nhăn trên khóe mắt và miệng chứng tỏ họ cũng có những lúc cười rất vui vẻ; những vết hằn sâu trên trán và ánh mắt đen thẳm, trũng sâu cũng nói rõ họ đã trải qua rất nhiều gian nan, thử thách.
– Muốn nghe chuyện ông ba mươi trong rừng rậm kia không?
Vừa nói Bùi ông vừa hất càm chỉ về hướng khoảng rừng rậm xanh ngút ngàn phía nam, là miệt trong theo cách gọi của người làng Đông Hồ.