Chương 19: Cuộc sống mới bắt đầu
Mai liếc nhìn Bình ca, hắn đằng hắng hai ba tiếng mới nói:- Cha nương, con muốn lấy nước thốt nốt làm đường bán kiếm ít tiền.
- Hả?
Hai vợ chồng đều giật mình. Đường giá cao, nếu dễ dàng lấy được thì ai không muốn chứ.
- Tụi con có cách lấy nước, không sợ té.
Bình ca nói tiếp như hiểu câu hỏi của hai người. Mai chen miệng nói:
- Cách này không sợ té, nhưng nhà mình không được nói người khác biết. Mình mới có thể kiếm được tiền.
Cha nương nhìn nhau rồi hỏi:
- Cách gì?
- Cách này không khó, cha nhìn là biết. A Phúc, đệ không được nói ai biết cách nhà mình lấy nước thốt nốt, biết không?
Mai nhấn mạnh lại lần nữa, hỏi a Phúc cũng là nhắc mọi người việc này thực quan trọng.
- Đệ biết, đệ sẽ không nói.
- Ta sẽ không nói.
Cúc tỷ cũng đáp.
- Được rồi, ta và nương con sẽ không nói. Cách gì?
Bốn đứa nhỏ nhìn nhau gật đầu.
- Ăn cơm xong con dẫn cha nương đi xem.
Thấy mấy đứa nhỏ thần thần bí bí, hai vợ chồng cũng hiếu kỳ. A Phúc thì khỏi nói, hắn và cơm, nuốt nhanh, còn hối thúc cả nhà. Ăn cơm xong, không nghỉ trưa mà cả nhà đi ra chỗ mấy cây thốt nốt. Xung quanh không một bóng người, ruộng Lưu bá gần họ nhất cũng không có ai, chắc về nghỉ trưa.
Hôm trước bốn đứa nhỏ làm thử trên cây dừa thấp, sau đó là cây thốt nốt thấp nhất. Thang bằng cây tre, vòng dây an toàn, dây buộc đã có, thậm chí mấy ống tre đựng nước thốt nốt cũng đã làm xong.
Nhìn thấy Bình ca bước lên mấy chạc tre đi lên, cha Mai ngẩn người, đúng là không khó. Đến hơn nửa cây, Bình ca còn lấy một sợi dây thừng tròng vào người rồi mới leo tiếp. Đầu kia dây thừng buộc quanh ngọn cây thốt nốt.
Nhìn thấy vẻ mặt cha nương, Cúc tỷ, a Phúc ngạc nhiên, bốn đứa đều cười tủm tỉm. Cha kêu Bình ca xuống rồi tự mình leo lên, chạc tre cũng đủ chắc cho người lớn, nhưng phải thường để ý thay đổi tre khô mục mới được.
- Con leo được không?
A Phúc hỏi. Đương nhiên là không ai cho hắn leo. Cha xuống hỏi cách làm, nhìn mấy cây thốt nốt còn lại nói:
- Cha thấy được, mấy đứa theo cha làm tiếp mấy cho mấy cây kia. Nhưng để cha lên lần đầu buộc dây thừng.
- Dạ cha.
- Nương biết nấu đường thốt nốt không? Làm khuôn sao?
Mai hỏi nương, cô vẫn chưa nghĩ được làm sao có khuôn đổ.
- Khuôn là gì? Nương có nghe nói cách nấu, không khó.
À, ở đây chưa có khái niệm khuôn.
- Vậy làm sao mang đường đi bán, mang cả nồi sao?
- Không, người ta nấu xong đổ vào lá thốt nốt được gói như bánh tét.
A, thì ra là vậy, mình chặt lá về chuẩn bị mới được.
Cả nhà chia hai nhóm, một nhóm theo cha đi chặt tre, bện dây; còn lại nương, a Cúc và Mai kéo lá thốt nốt về phơi nắng cho dốt, lau sạch để làm khuôn gói. Cúc tỷ còn chùi rửa một cái nồi lớn thật sạch đem phơi ráo nước dành riêng nấu đường. A Cúc rất ít nói nhưng luôn làm việc ổn thoả, không đợi người khác nhắc đã biết ý mà làm.
Hơn một canh giờ sau, cha đã về nhà, trên tay còn xách một quài thốt nốt.
- Ta đặt thử sáu ống tre rồi, chiều nay lên xem.
- Tối nay ta cũng nấu thử xem sao. Nấu ít thôi.
Bình ca theo nương, Cúc tỷ mài lưỡi liềm và mấy con dao. Bốn đứa nhỏ thức dậy từ sáng sớm, không ngủ trưa, lại chạy ngoài nắng nên giờ đều mệt mỏi nằm ở sạp tre, líu ríu nói chuyện một hồi sau liền ngủ.
Mặt trời đi dần về phía biển, Lê tứ vác cuốc mới làm trên tay ra ruộng thử cuốc đất, cũng vừa tay, không nhẹ không nặng. Nhà chỉ có cái cuốc này, việc cuốc đất nặng nhọc này là ông làm. Nhưng trời sắp mưa, một mình ông cuốc ba mẫu ruộng sợ không kịp, hay là trồng khoai đậu nhiều hơn? Ban đầu ông tính trồng ba mẫu lúa, khai hoang thêm nửa mẫu trồng khoai đậu.
Tối qua sấm sét đùng đùng, sợ mùa mưa đến sớm, một mình ông sẽ không làm kịp. Người bên cha đã bỏ nửa tháng đi biển làm nhà, không thể nhờ thêm được. Lương thực năm nay trong nhà cha nương chưa tích trữ đủ cho đến thu hoạch, tiền cũng đã cho ông dựng nhà.
Nhìn mấy cây thốt nốt gần đó, gần bìa rừng còn mấy hàng cây thốt nốt nữa ông chợt thấy có hy vọng. Nếu làm được, kiếm tiền mua lương thực qua năm nay. Vác cuốc về nhà, nhìn từ xa ngôi nhà mới nằm lẫn trong mảng xanh cây cối. Một niềm vui hiện lên trong mắt.
Lúc nhỏ, cha nương không hề thiên vị, đôi khi còn muốn ông nhường nhị ca, tam ca. Ông không hiểu tại sao, nhà người khác thì anh trai lớn nhường em, nhà ông lại không giống. Lớn lên một chút ông mới hiểu nương là kế mẫu, là nương ruột của ông, không phải nương ruột thịt của nhị ca, tam ca. Người ta cứ nghĩ nương sẽ thiên vị ông mà chèn ép hai anh trai. Để nương không khó xử, ông luôn nhịn xuống, lui một bước.
Dần thành quen, trong nhà ông ít khi ý kiến, không tranh không giành, cha kêu gì làm nấy. Thật ra ông tình nguyện làm vậy, mình may mắn hơn tam ca, mình có nương săn sóc đến lớn. Nương muốn chăm sóc tam ca cũng không được. Tam ca luôn bài xích, tránh né sự quan tâm của nương. Cưới vợ sinh con cũng vậy, ông luôn nhắc mấy đứa nhỏ nhường nhịn.
Cho đến khi ông bị gãy chân trong một lần đi biển. Sức lao động giảm, không thể ra biển một mình, vợ con tám người sau này đều khó sống tốt ở làng chài. Nhà Lưu ca chỉ có a Tương là con trai, ở làng chài cũng không thuận lợi. Theo lời Lưu tẩu chuyển nghề làm nông, đàn bà con gái còn giúp được, trồng lúa, khoai, bắt cá sông cũng sống được. Năm ngoái đến thăm thấy sinh hoạt nhà Lưu ca ông đã muốn chuyển, còn dùng dằng chưa đi là sợ nương buồn, cha không đồng ý.
Cũng may, mọi việc thuận lợi, giờ ông cố gắng làm lụng nuôi vợ con, gửi lương thực cho cha nương. Ở đây có lương thực, rau củ mà làng chài không có, mang ra thăm nương cũng không khó khăn. Ông ra riêng nương sẽ không khó xử, tiết kiệm tiền cho a Hạnh, a Tấn lập gia đình nữa để nương an lòng.
Cuộc sống mới bắt đầu, vất vả nhưng ông không ngại, có vợ và mấy đứa nhỏ cùng làm với ông, một nhà sẽ đủ ăn đủ mặc.