Chương 20: Cuốn dây từ ấy về sau cũng chừa
Phím đàn dìu dặt trong tay Kiều. Trong khi khói trầm tỏa bay cao thấp thì âm thanh huyền diệu của bản đàn cũng vang vọng gần xa. Khúc đàn nào mà đầm ấm như thế? Đó là Hồ Điệp, hay là Trang Sinh? Khúc đàn nào mà êm ái như tình xuân như thế? Đó là tiếng gọi của hồn vua Thục hay của chim Đỗ Quyên? Những âm thanh trong sáng như hạt châu nhỏ vào biển trăng, những âm thanh ấm áp như những hạt ngọc Lam Điền mới đông cứng lại. Nghe suốt một bản nhạc có đủ năm cung bậc, Kim thấy không có âm nào là không xinh đẹp, chẳng có âm nào mang tính não nùng. Chàng hỏi:– Bản nhạc này ai sáng tác? Đây là bản nhạc ngày xưa hay là một bản nhạc mới? Nếu cũng là một bản nhạc thì tại sao ngày xưa nó buồn bã như thế mà ngày nay nó lại vui tươi như thế này? Có phải là khổ hay vui đều do lòng của ta, hay là vì khi cái vận rủi đã hết thì cái vận may lại tới?
Kiều đáp:
– Ngày xưa cũng chỉ vì mê đắm cái loại nhạc đứt ruột ấy mà em đã khổ đau từ ấy đến giờ. Loại văn nghệ đoạn trường này thật là tai hại. Hôm nay vì anh mà em đã đàn lại khúc ấy. Từ đây trở đi, em quyết tạ từ thứ âm nhạc buồn khổ này.
Hai người chuyện trò tâm sự với nhau chưa xong thì gà đã gáy sáng và trời vừa rạng đông. Chuyện gì xảy ra giữa hai người Kim đem kể lại rõ ràng cho tất cả mọi người trong gia đình đều biết. Ai cũng lấy làm lạ lùng. Ai cũng khen Kiều là người có chí khí thanh cao, không giống với bất cứ một kẻ tầm thường nào khác, sớm thì mận tối thì đào. Tình yêu và tình bạn đi đôi với nhau một cách tuyệt hảo. Tuy không chung chăn chung gối nhưng hai người vẫn xướng họa và hòa tấu cùng nhau. Khi thì chén rượu, lúc thì cuộc cờ, khi thì cùng xem hoa nở, lúc thì cùng chờ trăng lên. Lời nguyền ba sinh đã được thực hiện hoàn toàn, vì tình yêu đôi lứa đã biến thành tình yêu bè bạn.
Mây bay hạc lánh
Họ vẫn nhớ lời tâm nguyện là xây một ngôi chùa để đi rước ni sư Giác Duyên về trụ trì và hướng dẫn tu học cho cả nhà, nên gia đình Kiều đã cho người thân tín đi rước ni sư. Nhưng khi đến chốn thảo am, họ thấy cửa am đã đóng, then cửa đã cài, rêu rong đã trùm lên kẽ ngạch và cỏ đã mọc lên cả trên mái nhà. Giác Duyên đã đi hái thuốc ở một phương trời xa nào đó, như đám mây bay, như con hạc lánh, làm sao để tìm ra tung tích ni sư bây giờ? Nhưng vì tình nghĩa sâu đậm với ni sư cho nên gia đình Kiều sớm tối nào cũng lên trên am để đốt đèn và thắp hương.
Gia đình hưởng đầy đủ phúc và lộc. Kim và Vương cứ từ từ được thăng quan tiến chức và hạnh phúc kéo dài lâu bền. Thúy Vân đảm đang hết trách nhiệm thừa kế. Nàng sinh ra một đàn con cháu khá đông đảo, từ một gốc cù mộc nở ra bao nhiêu hoa quế hoa hòe. Nếp phong lưu và phú quý của gia đình họ ai mà sánh kịp, và họ như một thửa vườn đầy xuân sắc để lại tiếng thơm cho muôn đời.
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Mới hay muôn sự đều tại ông trời. Trời đã bắt ta làm người, cho ta thân thể này thì khi bắt ta phải chịu cảnh gió bụi ta cũng phải chấp nhận cảnh gió bụi. Chỉ khi nào trời cho ta hưởng cảnh thảnh thơi thì ta mới được hưởng cảnh thảnh thơi. Trời đâu có thiên vị ai đâu. Tài và mệnh trong hai cái mình chỉ chọn được một, làm sao mà có một lần đầy đủ cả hai? Có tài thì đừng hợm hĩnh, cậy thế cái tài của mình, vì chữ tài cùng một vần với chữ tai. Đã mang lấy nghiệp dữ vào thân thì đừng có trách là ông trời không có mắt. Thiện căn nằm trong lòng ta: tâm ta hiền thiện thì còn bằng mười lần hơn là ta có tài. Tôi đã chắp nhặt những lời thơ quê mùa này viết thành ra một câu chuyện khá dông dài, mong rằng tác phẩm này sẽ đem lại niềm vui cho quý vị độc giả trong một vài giờ đồng hồ, trong thời gian thưởng thức.