“Thứ…, ngày 7/12/6008.
Hôm qua có nói về vòng lặp, nhưng lại nói chưa rõ ràng, vì chính ta cũng nghĩ đó là ảo giác. Có thể chỉ là một sự trùng hợp.
Vậy nên, hôm nay, mình đã tới cơ quan thật sớm. Bật chiếc máy tính quen thuộc, và mở lại bảng đồ thị hôm qua.
Nói đơn giản thế này cho dễ hình dung, mình coi những dữ liệu chứng khoán này như những dòng chảy. Thông thường, khi mình thả xuống dòng chảy ấy một miếng gỗ, miếng gỗ ấy sẽ trôi theo dòng chảy từ thượng nguồn tới hạ nguồn. Đó là cách mà các chuyên viên phân tích lần theo dòng chảy dữ liệu. Tất nhiên, trong thế giới lượng tử, khúc gỗ này sẽ không trôi mượt mà, mà sẽ thoắt ẩn thoắt hiện, có khi có 2 khúc gỗ tồn tại 1 lúc, có khi khúc gỗ này lại biến đi đâu rất xa, nhưng chung quy khúc gỗ ấy sẽ luôn tồn tại.
Nhưng, thực sự rất hiếm khi nào một khúc gỗ sẽ xuất hiện chính xác ở chỗ cũ sau một thời gian nhất định. Và khi chu kì thời gian ấy trở nên cố định, nó sẽ là một vòng lặp.
Xác suất xảy ra điều này thấp tới mức gần như bằng 0, khiến mình nghĩ rằng hiện tượng ngày hôm qua chỉ là sự trùng hợp hi hữu. Nhưng cho tới hôm nay, mình đã thử lại tổng cộng 3 lần, với 3 loại bit: bit trắng, bit xanh, và bit tím. Tất cả đều cho ra 1 kết quả y hệt: tất cả các bit ấy sẽ lặp lại trạng thái ban đầu sau đúng 1 khoảng thời gian!
Đây có lẽ là một phát kiến vĩ đại chăng? Một vòng lặp. Hoặc đây chính là bí ẩn của vùng đất Sa Li Khan này, bí ẩn của cả 3 tòa Hắc Tháp?
Ngày mai mình sẽ thử nghiệm để xác thực một số ý tưởng vừa nảy ra trong đầu.”
“Thứ…, ngày 8/12/6008.
Thật kì lạ. Khi chúng ta tập trung hoàn toàn trong công việc, ta dường như chẳng còn tâm sức để nhớ tới những chuyện phiền não. Mình không còn bị bóng dáng của N ám ảnh. Mình chỉ còn nghĩ tới những thí nghiệm lén lút mà đầy hứng thú này.
Hôm nay mình đã thử gia tốc vòng lặp. Ví dụ trong biểu thức đại số, đạo hàm của một biểu thức bậc 3 sẽ là một biểu thức bậc 2, và đạo hàm của biểu thức bậc 2 đó sẽ là biểu thức bậc 1, và biểu thức bậc 1 này được gọi là đạo hàm cấp độ 2 của biểu thức bậc 3 ban đầu. Trong sự di chuyển, đạo hàm của quãng đường sẽ là vận tốc, đạo hàm của vận tốc là gia tốc, còn đạo hàm của gia tốc là gia tốc của gia tốc… Nếu vật ấy chuyển động đều, gia tốc sẽ bằng 0. Nếu vật chuyển động nhanh dần đều, gia tốc của gia tốc sẽ bằng 0… Đại khái có nghĩa là, đạo hàm bậc càng cao thì đồ thị của đạo hàm ấy càng đơn giản (mình không phải Giáo sư trong Học viện, nên không giỏi giải thích mấy thứ này. N vẫn nói mình không giỏi thuyết trình cho người khác hiểu).
Vậy nên, mình đã nghĩ, với một vòng lặp như vậy, gia tốc 1 lần, hẳn sẽ cho ra 1 loại đồ thị đơn giản hơn? Không còn là vòng lặp nữa, mà sẽ là 1 đồ thị tuyến tính? Mình đã nghĩ vậy, và bằng 1 số thủ thuật trong ngành, mình đã thành công thử nghiệm cấp độ 2 của vòng lặp.
Và thật kì lạ, thứ mà mình nhận được, lại là 1 vòng lặp!
Chỉ cần từ đó suy ra, cấp độ 3, cấp độ 4, cấp độ 5… cấp độ dương vô cùng, vẫn sẽ ra 1 vòng lặp!
Một kết cấu dòng chảy vô tận tuần hoàn!
Mình vội lắc đầu. Thứ suy nghĩ này quá điên rồ, và Khoa học hiện tại chắc chắn chẳng thể nào giải thích nổi. Vùng đất Sa Li Khan này tại sao lại tồn tại một thứ cấu trúc vô hình mà lại vượt xa hiểu biết của thời hiện đại, mà lại còn tồn tại qua hàng ngàn năm như vậy?!
Cấu trúc hoàn hảo này, nếu thực sự có thể tồn tại, chỉ có thể là một từ một thực thể cao hơn cả nhân loại, một thứ gì đó khủng khϊếp cỡ… Đại Thư viện!
Sa Li Khan có phải là một Đại Thư viện không? Không. Trước giờ chưa từng nghe ai nói vậy. Nó vẫn lù lù tồn tại ở đây, đã từng song song tồn tại cùng 7 Đại Thư viện kia, vẫn không ngừng bị các thế lực lớn nghiên cứu khai thác. Ngay cả các Chí Tôn Cường giả cũng đã từng tới đây. Đến cả Kumo Sasaki còn xây dựng deepweb của mình nhờ lấy cảm hứng từ hệ thống lượng tử ở Sa Li Khan này.
Không thể nào có chuyện Sa Li Khan bấy lâu nay là một Đại Thư viện mà người ta lại không phát hiện ra. Nhưng, biết đâu nó có chút liên hệ tới Đại Thư viện?
Tất cả đều chỉ là suy đoán và quy chụp. Mình còn chưa thể thí nghiệm cấp độ 3, 4, 5 của Vòng lặp này. Mình còn chưa hiểu gì về nó.
À mà, ngày hôm nay còn một chuyện thực sự kì lạ đã xảy ra. Trong lúc gia tốc vòng lặp từ cấp độ 1 lên cấp độ 2, một đoạn mã đã được xuất ra màn hình, mà hoàn toàn chẳng có chút ảnh hưởng tới thuật toán. Mình đã cố gắng giải đoạn mã này bằng đủ mọi cách mà không thể.
Vậy nên, mình đã up đoạn mã này lên deepweb của Sasaki. Dù sao thì dân Công nghệ thông tin đều có tài khoản ở trên đó mà. Mình đã up lên kèm một lời thách đố nhỏ, xem thử liệu có ai giải được nó hay không.
Có hơn 1 trăm tài khoản click nhận lời, nhưng sau đó hầu như tất cả đều đã tuyên bố bỏ cuộc chỉ sau 30 phút thử sức. Chỉ có 1 tài khoản nói rằng anh ta cần thêm chút thời gian, và hẹn tới 6h sáng ngày mai sẽ cho mình câu trả lời. Ha ha, đúng là lòng tự tôn quá cao ha? Mình cũng chẳng mong chờ nhiều, nhưng anh chàng này có điểm uy tín cao lắm.”
“Thứ…, ngày 9/12/6008,
Ồ! Và anh chàng đó đã đưa mình câu trả lời thật! Kèm theo 60 trang lý giải mà mình đọc cũng chẳng hiểu mấy! Có liên quan tới ngôn ngữ học, thuật toán, cách đặt mật mã gì đó.
Câu trả lời của anh ta là thế này: M-A-N-’-N-O-E-R-R. Mà chính anh ta cũng không biết nên phát âm ra sao.
Anh ta nói rằng đây là một thứ ngôn ngữ cực kì cổ xưa, cổ xưa hơn cả lịch sử của Hà Quốc cổ đại nữa, nó có thể truy cứu niên đại tới thời điểm 6000 năm trước. Và cụm từ này đã xuất hiện đôi lần ở trong các nền văn minh khác nhau trong lịch sử, trong đó có một phiên bản nó bị biến âm thành M’Noarr.
Mình không đủ kiên nhẫn để đọc hết đống tư liệu mà anh ta phân tích. Mình cũng chả biết lời giải này là đúng hay sai, nhưng mình vẫn sẽ đặt tên cho Vòng lặp này là Vòng lặp Man’Noerr, một tiềm năng vô hạn mà nhân loại có thể sẽ sớm được chiêm ngưỡng.
À mà, anh chàng ấy cũng thật kì lạ. Lại đặt tên nickname là Lonely_Boy. Cậu bé đơn độc sao? Đừng nói đám thiên tài đều tự kỉ cả nhé.”
Quyển nhật kí cũng còn phân nửa. Văn cũng tò mò muốn biết điều gì đã xảy ra với con người tên Liễu Thanh Chân này, và điều gì đã xảy ra với Vòng lặp Man’Noerr kia.
Nhưng hắn không muốn sa đà quá vào một việc này. Thời gian tuy không phải là quá dư dả, nhưng cũng không quá gấp gáp.
Hắn đứng dậy vươn vai. Xung quanh trời đã tối. Cánh tay hắn không còn truyền lại chút đau đớn gì. Văn cúi xuống gỡ băng. Có cảm giác cánh tay hắn đã hoàn toàn lành lặn.
Lần hồi phục này có vẻ nhanh hơn hồi năm lớp 6 rất nhiều? Hắn nghi hoặc tự hỏi. Hắc lắc cổ tay đấm vu vơ một đấm vào không khí, tiếng không khí vặn xoắn vào nhau nổ uỳnh uỳnh nghe rất quen tai. Có vẻ như đã thực sự lành lặn.
- Cũng nên luyện tập một chút.
Văn vặn vặn các khớp kêu răng rắc. Hắn giãn chân, giãn tay, chạy tại chỗ một hồi, rồi bắt đầu thu quyền xuống tấn. Võ Thuật, chính là không quan trọng ngươi bắt đầu ở điểm nào, mà là ngươi đi được bao xa.
Mà muốn đi được xa hơn, ngươi cần nỗ lực hơn. Đơn giản vậy thôi. Đơn giản tới mức ai cũng hiểu, mà chẳng mấy ai làm nổi.
Chẳng biết từ bao giờ, đám thiếu niên đã vây xung quanh hắn, chăm chú nhìn hắn luyện quyền.