Thiên Mệnh Khả Biến

Chương 241: Phân tích điểm số

Kết quả ngày thi đầu tiên, dù có gây lên đôi chút bất ngờ, nhưng nếu ngẫm kĩ lại, không có gì là không thể.

Người ta nói, học sinh Đại Nam giỏi Tự nhiên, học sinh Bắc Hà giỏi Nghệ thuật, cũng chỉ là nói tương đối. Dù sao cũng là hai Đế quốc lớn, mặt bằng chung đều đã rất khá.

Thứ hai, nói học sinh Đại Nam trội các môn Tự nhiên hơn học sinh Bắc Hà, là nói về độ cao cấp của chương trình học. Khi học sinh Đại Nam đã tinh thông khai căn giải tích đạo hàm, thì học sinh Bắc Hà còn đang loay hoay với giải các hệ phương trình.

Nhưng ngày thi đầu tiên, lại thi những khái niệm cơ bản. Mà vì là thi cơ bản, không cao siêu gì, nhược điểm của học sinh Bắc Hà lại thành lợi thế: học ít nên nhớ được lâu. Còn học sinh Đại Nam, đã sớm học những thứ cao siêu, đôi lúc lại quên đi những điều cơ bản đã học từ lâu. Vì vậy, ở môn Toán, chuyên Khoa học xã hội Phàm Triết, thiên thời địa lợi nhân hoà thế nào, mà vượt lên dẫn đầu. Tuy nhiên, bám sát phía sau vẫn là Hải Dương, Vô Cực, Phong Ba, sau đó là Cẩm Giang và Thuỷ Liên.

Ở môn Văn thì ngược lại, Phong Ba nổi tiếng với sự giỏi toàn diện của học sinh, trong ngày thi đầu đã chứng minh được thương hiệu của mình, dẫn đầu môn Văn. Nhưng bám sát phía sau vẫn là Văn viện Thuỷ Liên, Giáo phường Cẩm Giang, chuyên Phàm Triết, sau đó là Hải Dương và Vô Cực.

6 trường này ganh đua nhau sát nút, bỏ rất xa các trường tuyến sau.

Sau ngày thi thứ nhất, thực sự chưa kết luận được gì nhiều, chỉ nhận xét được là trình độ cơ bản của hai bên khá vững chắc, không ai trội hơn ai. Nhưng những đợt thi sau đó, khi kiến thức dần nâng cao độ khó, hai bên mới bộc lộ rõ ưu nhược của mình.

“Rực rỡ” nhất, vẫn phải kể tới Kình Ngư. Mang tiếng là học viện của Đại Nam, đứng bét ở các môn Nghệ thuật thì cũng thôi, đến các môn Tự nhiên, kiến thức cơ bản còn thua cả dân Bắc Hà! “Thành tích” này vô cùng rực rỡ, tới mức học sinh Kình Ngư chỉ biết trốn trong kí túc trùm chăn không dám ra ngoài.

Các học viện khác, thì hả hê đè Kình Ngư ra chửi.

- Chiều qua thể hiện đẹp mắt nhất vẫn là Kình Ngư, hôm nay thành tích chói lọi nhất vẫn là Kình Ngư! Sau vụ này, đảm bảo không ai không biết đến ngôi trường này!

- Đá lót đường là có thật chúng mày ạ! Trước giờ tao vẫn không tin!

- Nhờ có bọn này mà dân Bắc Hà giờ vênh mặt là giỏi Toán Lý Hoá hơn cả Đại Nam!

- Quốc nhục!

- Thôi đừng chửi bọn nó nữa, không thấy nhờ lũ cùi bắp bọn nó mà bọn mình mới thể hiện được bản thân à? Giờ ai cũng biết trường mình còn chưa phải là trường tệ nhất thành phố!

- Đúng thế! Cám ơn các anh em Kình Ngư! Há há há...

Ngoài ra, bảng xếp hạng ngày đầu tiên còn dấy lên một bất ngờ nho nhỏ.

Vì sao Giáo phường Cẩm Giang, vốn là hạt giống số 1 về Hội hoạ, lại chỉ xếp thứ 6? Còn cách khá xa 5 trường phía trên?

Các giáo viên của Cẩm Giang kiến nghị thắc mắc, hơn nữa áp lực từ Giáo phường đối với ban tổ chức, còn đặc thù hơn nhiều áp lực từ các học viện khác, khiến ban tổ chức đành công bố ra kết quả thi của từng cá nhân, để tìm hiểu xem nguyên do vì sao.

Đội tuyển Hội hoạ của Giáo phường Cẩm Giang, 9 nữ 1 nam, nhưng vì nam sinh kia nộp bài trắng, nên bị chấm 0 điểm.

Thi Hội hoạ rất khác với thi các môn khác, vì tuy cũng chia làm 5 đợt thi, nhưng lại xoay quanh 1 tác phẩm duy nhất. 5 đợt thi là 5 bước để các thí sinh tạo nên một hoạ phẩm: bố cục, phác hình, tạo sắc độ, lên màu, và hoàn thiện. Vì vậy, đợt thi đầu tiên chỉ là phác ra bố cục cho bức tranh mà thôi, không quá khó khăn gì, điểm cũng không chênh lệch bao nhiêu.

Nhưng ai dè, lại có 1 thí sinh nộp giấy trắng, mà thí sinh đó, lại là nam sinh hiếm hoi của Giáo phường Cẩm Giang.

Nguyễn Thanh Phong!

Các giáo viên của Cẩm Giang tức tối đòi cho xem bài thi bằng được, sau đó khi nhìn thấy một tờ giấy trắng phau phau, mới điên tiết cho gọi Nguyễn Thanh Phong tới.

Khi được hỏi “Vì sao em lại nộp giấy trắng”, thì hắn ta chỉ trả lời “Vì bức tranh của em không có bố cục”.

Câu trả lời thật mà cứ như đùa. Ngay lập tức, chuyện này lan ra khắp các học viện. Vẽ tranh mà không có bố cục, là thể loại tranh gì??? Giáo phường Cẩm Giang sao lại đào tạo ra được một “thiên tài” tới vậy? Muốn tạo nên một cuộc cách mạng hội hoạ chăng? Tất cả mọi người đều cười khành khạch.

Tuy nhiên, việc chưa dừng lại ở đó, vì các học viện khác bắt đầu khiếu nại, vì sao chỉ riêng Giáo phường Cẩm Giang được phép soi điểm cá nhân? Vì các học viện lớn như Hải Dương, Vô Cực, Phong Ba còn đang tranh giành nhau cuộc đua đứng đầu, mà đứng đầu là tính thành tích cá nhân, đếch ai cần quan tâm đến thành tích tập thể. Mà quan trọng nhất, vẫn là cần phải biết át chủ bài của mình bao nhiêu điểm.

Vì vậy, dưới áp lực của các học viện, ban tổ chức đành lòng đưa ra báo cáo chi tiết về điểm thi của từng cá nhân.

Hồ Việt Khoa, 10 điểm Toán.

Vũ Hải Phong, 10 điểm Lý.

Vương Thế Kiệt, 9.5 điểm Toán.

Hoàng Bích Như, 10 điểm Nhạc.

Triệu Thiên Trúc, 10 điểm Văn.

Sau đó, ngạc nhiên hơn, là Phong Ba có đến 2 điểm 10 môn Văn.

Phan Văn Linh, 10 điểm Văn.

Vũ Việt, 10 điểm Văn.

Ai nấy xôn xao, không biết liệu học sinh bí ẩn đại diện cho Phong Ba lần trước, có phải là 1 trong 2 người này không. Nhưng có rất nhiều ý kiến phản bác, cho rằng Phong Ba sẽ không đặt kì vọng vào khối ngành Xã hội đâu, nam sinh kia chắc chắn phải ở trong đội Tự nhiên.

Nhưng khi soi điểm các môn Tự nhiên, Phong Ba có quá nhiều điểm cao, khiến khó có thể tìm ra một người nổi bật.

Cũng có một cá nhân khiến người ta vô cùng chú ý.

Trần Phương Linh, 7 điểm Văn.

Số điểm này còn gây chấn động hơn cả những điểm số cao chót vót phía trên. Vì Trần Phương Linh mới chỉ học lớp 6 mà thôi, trong khi phần lớn thí sinh Sơ trung đều đã lớp 9!Đề thi thì khó tới mức lớp 9 cũng cắn răng. Cô bé lại còn đến từ cái trường số 1 từ dưới lên, là trường Kình Ngư nữa!

“Bông hoa nhài cắm bãi cứt trâu rồi!”

“Ở lại Kình Ngư, sớm muộn gì thiên tài cũng vẫn lạc!”

“Trần Phương Linh lớp 6, điểm còn cao hơn cả đám anh chị lớp 9! Tao thấy nhục nhã thay cho tụi bây...”

“Bà chúa tương lai của Hải Thành, không chỉ tâm địa thâm độc, trí tuệ còn cao tới vậy. Ước gì ta được làm nô bộc cho ngài”

“Quên đi cha nội, nô bộc cho Trần tiểu thư, chẳng phải có Vương Thành Văn đó sao?”

“Ừ nhỉ, tao quên béng mất thằng Vương Thành Văn. Nghe đồn nó học dốt đến mức cả trường cùi bắp như Kình Ngư cũng phải chê bai? Rồi sau đó mua điểm, vào đội tuyển, còn được đi thi lần này nữa???”

“Đâu, xem thằng Vương Thành Văn được bao nhiêu điểm?”

Người ta nhanh chóng tra ra.

Vương Thành Văn, 2 điểm Văn!

Tới lúc này, toàn bộ đội tuyển Văn trường Kình Ngư gầm lên.

- Đó, chúng mày thấy chưa?! Không phải bọn tao kém, mà là thằng Văn níu chân tụi tao xuống!

- Đúng vậy, tao cùng lắm chỉ bị 4 điểm mà thôi, thằng đó còn bằng 1 nửa của tao!

- Thôi đi ông, ông học lớp 9 rồi, bị 4 điểm mà không thấy nhục hay sao? Còn đem ra khoe nữa? Nhưng mà công nhận thằng Văn đó tạ thật.

- Quá tạ chứ đâu phải tạ? Đã nói thằng này sinh ra là để dìm Kình Ngư xuống đáy bùn mà!

Cả đám đội tuyển đang nhục nhã vì thành tích thảm hại của mình, chợt tìm ra được một đối tượng để đổ lỗi. Mọi lời sỉ nhục chửi rủa, đều nhằm vào Vương Thành Văn.

- Thằng Vũ Hải Hùng đâu rồi? Gọi nó tới đây, nhất quyết phải tìm ra cách tống khứ thằng ôn dịch Vương Thành Văn đi! Ngồi im một góc không nói gì, chính là Thu Mai. Con bé vốn tự tin vào năng lực của bản thân, ấy vậy mà bài thi này, nó cũng chỉ được 2 điểm.

Ngang với thằng phế vật Vương Thành Văn!

Thu Mai cảm thấy nhục nhã không kể xiết. Dù không ai trách cứ con bé, mà chỉ chửi thằng Văn, nhưng những lời chửi rủa này, như gián tiếp tát vào mặt nó.

Nhục nhã, tủi hổ, con bé một mình lầm lũi bước về phòng, đóng chặt cửa, và thút thít khóc.

.=================.

Ông hắc long thù hằn gì thằng Văn mà neft nó thế. t cũng hay bị gọi là Văn nên mong chờ sự thể hiện của nó mà ông nỡ lòng nào.:(