Ông Cương nói chuyện rất vui tính. Ông ân cần hỏi han nó đang học lớp mấy, giỏi nhất môn gì, sau này muốn làm gì.
- Cháu có muốn gì không? Bất cứ thứ gì? Ông sẽ tặng cháu, coi như quà cảm ơn.
- Bất cứ thứ gì ấy ạ?
- Đúng thế, bất cứ thứ gì.
Nó ngẫm nghĩ một lúc.
- Cháu... chẳng biết nữa. Hiện giờ cháu chả muốn gì cả.
- Thật á? - Ông lão tỏ vẻ vô cùng kinh ngạc. - Cháu nghĩ cho kĩ nhé, ông giàu lắm đó. Bất cứ thứ gì ông cũng có thể tặng cháu được. Thậm chí, nếu cháu muốn có một cái trang trại to như thế này, ông cũng có thể cho cháu.
Nó nhìn quanh một vòng cái trang trại rộng lớn. Rồi lắc đầu.
- Thôi ông ạ. Trang trại lớn thế này, hẳn là đắt tiền lắm. Cháu cũng chưa làm gì to tát để nhận. Mẹ cháu nói, không nên nhận những thứ không phải do công sức của mình làm ra.
- Mẹ cháu có thể dạy như vậy, nhưng nếu cháu nhận quà của ông, ông đoán mẹ cháu vẫn sẽ rất vui đấy.
- Không đâu ông, mẹ cháu không phải người như vậy đâu.
Văn có thể hơi ngây thơ tin người một chút, nhưng nó không phải đứa ngu. Nó hiểu ông ấy muốn nói gì. Nói chuyện với anh Thiên Anh, nó mới biết giá trị của một toà biệt thự là lớn đến mức nào. Nếu gật đầu đồng ý, thì không chỉ một ngôi biệt thự, mà cả một vùng đất rộng mênh mông thế này, đủ sức để xây hàng nghìn căn biệt thự.
Nó mới 12 tuổi, không phải là nó không biết giá trị của đồng tiền. Nó chỉ cảm thấy, cái gật đầu này, nó không thích. Căn biệt thự, mà không phải do sức mình mà có, nó thấy không vui vẻ gì. Nó cũng không nghĩ việc cứu một con rồng lại đáng một cái giá lớn đến vậy.
Tiền bạc cũng vậy, mà tri thức cũng thế, nó không thích những thứ từ trên trời rơi xuống.
Không thích, thì từ chối. Vậy thôi.
Nhìn ánh mắt kiên quyết của thằng Văn, ông lão cảm thấy có gì đó khó tả. Nếu chỉ là trẻ con chưa hiểu chuyện, còn ngây thơ từ chối lời cảm ơn, thì cũng còn có thể chấp nhận. Nhưng ánh mắt này, không có vẻ gì là không hiểu biết. Ánh mắt này như muốn nói, cháu hiểu, nhưng cháu không muốn nhận.
Không cần biết quyết định này là khôn ngoan hay ngu xuẩn, chỉ biết rằng, nó để lại ấn tượng rất sâu sắc trong lòng lão.
- Cháu này, Văn phải không nhỉ. Cháu không muốn nhận, thì tuỳ cháu vậy, ta chỉ muốn cho cháu biết điều này, lòng biết ơn của con người, không tồn tại lâu đâu. Vì vậy, nếu sau này cháu muốn ai đó trả ơn mình, thì hãy bắt họ trả ơn thật nhanh, vì cuộc đời, rất khó biết trước được điều gì.
- Cháu không hiểu lời ông lắm, nhưng cháu nhớ rồi. Cám ơn ông.
- Thôi, ông phải về đây, hai đứa ở lại chơi nhé.
Ông ta nhìn thằng Văn cười cười, sau đó quay lưng đi vài bước. Từ trên trời, tiếng phành phạch của trực thăng vang lên. Bằng một động tác vô cùng nhanh nhẹn, ông ta nhảy lên máy bay. Chiếc trực thăng cất cánh bay đi.
Lý Thanh Long đứng đó nhìn Văn, không biết nên nói cái gì. Rốt cuộc, hắn thở dài, dẫn thằng bé vào trong nhà.
Cả gia đình Lý Thanh Long, vô cùng niềm nở đón tiếp thằng bé.
Trong nhà hắn có ông nội, bà nội, có 2 bác, 1 cô, 2 chú, và một đống đứa em họ. Hoá ra cả nhà hắn đều có tóc hoe đỏ, chứ không phải do nhuộm. Đám em họ còn bé loắt choắt, nghịch phá như quỷ.
- Nhà anh là chi trưởng. Phía trang trại đằng sau đó, là của chi thứ. Có tổng cộng 3 chi thứ. Mà sau này, có lẽ sẽ đông hơn.
Bữa ăn trưa rất ngon. Toàn những loại thịt mà nó không biết tên. Chỉ có điều, nó bị ép ăn hơi nhiều. Mẹ của Lý Thanh Long, ngồi dúi cho nó hết miếng này đến miếng khác, làm nó không nỡ từ chối.
Ăn no phè phỡn rồi, lại được uống một loại trà thơm vô cùng.
Văn không thích uống trà. Lưỡi trẻ con thường nhạy cảm với vị chát. Nhưng trà này rất thơm, và ngọt.
- Hình như, em từng uống một loại như vậy rồi.
Nó nhớ lại lần đi săn Bạch Ngưu, bác Itou cũng từng hái lá trà về nấu.
- Trà trên núi Bách, đắt lắm đó. Cũng vài trăm hào một cân. Nhưng ở đây bọn anh uống thoải mái. Chú thích thì cầm vài cân về làm quà.
Lần này nó gật đầu, làm Lý Thanh Long cũng thấy hơi lạ. Thằng nhóc này, cả cái trang trại thì lắc đầu từ chối, vài cân chè thì lại gật đầu nhận. Thật kì lạ. Lấy một cái trang trại, thì trồng chè đến ngập đầu luôn cũng được ấy chứ.
Còn đối với Văn, nó gật đầu nhận, không phải vì giá trị món quà, mà người tặng quà, khiến nó cảm thấy được sự chân thành. Nó thích sự chân thành.
Thích, thì gật đầu. Có vậy thôi.
Uống xong trà, cũng đã 12 giờ trưa. Nó nói muốn về trường cho kịp giờ học Vật Lý.
- Vội gì, còn sớm. Từ đây bay về trường, có nửa tiếng mà thôi. Ra đây, anh dẫn chú đi thăm thú một vòng trang trại nhà anh.
Nói rồi, Lý Thanh Long kéo tay nó đi ra ngoài. - Ngài? Là Bắc Hoàng đó à?
Hữu Thành như không tin vào tai mình, hắn khe khẽ hỏi Hoàng, vừa đi mắt len lén nhìn người đàn ông đang ngồi ung dung trên bàn uống trà kia.
Một người trung niên, gần 50 tuổi, da mặt nhẵn nhụi, gương mặt hiền từ, tai dài miệng rộng. Ông ta vô cùng nhã nhặn đáp lại trước sự hưng phấn của những người xung quanh.
Bắc Hoàng, nghe đồn vô cùng sợ chết, rất thích trốn tránh, vì sao lại có thể ung dung ngồi đây cùng bàn dân thiên hạ được? Hữu Thành tự hỏi.
- Là Ngài, mà cũng không phải là Ngài. Người Bắc Hà ai cũng biết, đó chỉ là một phân thân của Ngài mà thôi. Nhưng dù sao, cũng không khác gì Ngài.
Phân thân? Khái niệm này, ở Đại Nam hình như không gặp bao giờ. Nhưng hắn cũng có biết qua. Là dùng thuật Thôi Miên, thôi miên một thế thân, gửi vào đó một phần nhân cách của mình sao? Hình như, Phân Thân Thuật cao cấp, còn có thể gửi vào đó một phần chiến lực của mình.
Bắc Hà là xứ sở của Tâm Linh và Văn học, những chuyện thế này, hẳn là không có gì hiếm. Chỉ là không biết, phân thân của Bắc Hoàng, mạnh mẽ tới mức nào.
- Dù là phân thân, nhưng cũng cực kì hiếm gặp. Không ngờ lần đầu anh tới Thuỷ Hành Kinh, lại có thể gặp được Ngài. Không biết số anh tốt đến mức nào nữa!
Hoàng vô cùng hưng phấn nói. Nhìn hắn có vẻ muốn chồm tới bắt chuyện vì Hoàng đế này. Mà Bắc Hoàng, nghe đồn uy nghi đạo mạo, hoá ra cũng gần gũi dân chúng tới vậy.
- Anh bạn kia, hình như là người Đại Nam?
Bất chợt, Bắc Hoàng quay sang nhìn hắn, nói. Câu nói này, bằng tiếng Đại Nam.
Hữu Thành không có chút hưng phấn gì với Bắc Hoàng như người Bắc Hà, nhưng hắn chợt nhớ ra, mình là một nhà báo. Hắn vội vàng đáp trả.
“Dạo chơi thắng cảnh Thuỷ Hành Kinh, uống trà đàm đạo với Bắc Hoàng”, một bài báo có cái tít như vậy, phát hành ở Đại Nam, không phải là siêu kinh khủng khϊếp? Mà hình như vị Bắc Hoàng này cũng vô cùng dễ gần, tuỳ tiện tới bắt chuyện vài câu, đâu phải khó khăn gì?
Người ta nói, báo chí ra đời là vì sự kiện. Không có sự kiện thì không có báo chí.
Kẻ được Đại Phúc tinh Báo chí chiếu mệnh, ngươi không cần phải đi tìm sự kiện, mà đại sự kiện tự tìm tới ngươi.