Tiểu Mai có một sức tập trung đáng kinh ngạc, khi đã chú tâm nhập thần là dồn toàn bộ tâm trí vào công việc, không mảy may để ý gì đến xung quanh. Điều này cũng có nghĩa như nàng từng nói:
- Mỗi người mỗi việc, em không thích làm phiền người khác, nên người khác cũng đừng làm phiền em!
Đặc biệt là lúc nàng chơi Piano, hễ nghe tiếng dương cầm cất lên là tôi biết thân biết phận ngồi im xếp re một xó hoặc lảng đi chỗ khác cho rảnh nợ.
Tuy nhiên hôm nay, ba mẹ tôi nổi hứng vào Sài Gòn thăm ông Phúc coi dạo này thằng lớn nhà mình học hành sống sót ra sao ở kí túc xá Đại học Y Dược. Thế nên tôi phải l*иg thêm vô chùm chìa khóa xe đạp của mình nào là khóa cửa ngoài, khóa cửa trong, khóa cửa sổ,… duy chỉ có khóa két sắt tủ tiền là ba mẹ kiên quyết không đưa cho tôi. Thế cũng phải, chắc hai người họ sợ tôi ở nhà nạo két lấy tiền đi tung tăng trác táng chăng.
Cho nên lúc trưa, sau bữa cơm ở nhà Tiểu Mai thì nàng như mọi khi lại tập Piano đến chiều. Tôi biết ý, đi thật nhẹ nhàng khẽ khàng như gái ngoan mười tám mới về nhà chồng, cầm chùm chìa khóa nặng hơn thường ngày đi ra ngoài cổng tính phi tới quán net làm vài ván Đột Kích. Mà chùm chìa khóa do số lượng nhiều thêm nên va vào nhau cứ kêu leng ka leng keng theo mỗi bước tôi đi.
Nhưng tôi quên bẵng đi mất, cứ tưởng mình đi nhẹ nhàng như ăn trộm thì ngon cơm rồi, đường tôi tôi đi chứ bệnh gì cữ.
Ấy thế mà Tiểu Mai dập tay xuống mấy phím đàn một cái “oành” nghe như âm thanh kết thúc trong phim kinh dị, quay ngoắt sang rít lên:
- Anh có thôi đi không, cầm chìa gì mà kêu lắm thế. Anh tưởng anh là ai, CAI NGỤC hả?
Tôi đứng chết trân ngay thềm nhà, thở không ra nổi hơi.
Tiểu Mai, em học đâu ra lời lẽ cay nghiệt dữ vậy…!
Đại học năm nhất, Khang mập được tôn lên thành “chủ nợ lớn nhất” của hội bàn tròn A1. Dạo đó, anh em vừa vào Sài Gòn nên mỗi thằng tứ tán một phương, đứa quận 3 quận 10, thằng Tân Phú, thằng Thủ Đức, tôi thì Gò Vấp, thế nên cũng rất ít có dịp gặp nhau.
Ấy vậy mà cái dịp anh em tập trung đông đủ lại là ngày không thằng nào ngờ tới được.
Sáng hôm đó, tôi viêm màng túi vì trót đổ một đống tiền vô mớ đồ chơi Gimmick ảo thuật đường phố nên đành muối mặt chạy sang nhà trọ thằng Khang ở Tân Phú, lòng chắc mẩm phen này chỉ có tôi mới là khổ cực phải đi vay mượn bạn bè.
Thế mà tới nơi thì từ xa đã thấy Dũng xoắn, Tuấn rách, thằng Quý, thằng Xung đang đứng túm tụm trước cổng nhà Khang mập.
- Ối cha… thánh tới đây làm gì thế?
- Tao… tao tới mượn tiền, còn tụi mày? - Tôi lúng búng dừng xe lại đáp.
- Cũng mượn tiền! - Cả đám mấy thằng nó đồng thanh.
- …!
- …!
Rồi không thằng nào nói với nhau câu nào, chỉ tảng lờ nhìn ngắm gió mây, quan sát nhân tình thế thái, trách phận đời đen bạc làm sao mà đưa đẩy những học sinh ưu tú A1 phải gặp nhau trong một tình huống không thể oái ăm hơn được.
Này gọi là, vì tiền mà đến chứ còn gì nữa. Bình thường anh em có gặp nhau quái đâu.
Ít phút sau, Khang mập quần đùi áo thun đi dép lào loạt soạt, mặt còn ngái ngủ ghèn ghiếc nhớp nháp bước ra húng hắng:
- Ồ… tụi bây tới sớm thế. Chờ tao chút!
Rồi nó bước sang đường mà không thèm nhìn xe cộ lại qua, hùng dũng hiên ngang như một vị thần. Vị thần của sự giàu có đang tiến từng bước một đến trụ ATM bên kia đường.
Mỗi bước nó đi, là mỗi đồng tiền chảy vào túi anh em.
Như một nhà đầu tư thứ thiệt, cho vay không hẹn ngày đòi lại, cũng không thèm vào một đồng lãi.
Oai vệ lắm thay!