Tổng Hợp Truyện Cười Võ Tòng Đánh Mèo

Chương 105: TÂM SỰ THANH NIÊN ĐA CẤP

Buổi đầu tiên tôi đi làm, thật tình cờ, lại đúng vào hôm diễn ra đại hội hoa hồng của công ty. Các cụ dạy rằng: "hơn nhau tấm áo manh quần, thả rông ở trần thì của ai cũng như của ai" - quả không sai. Bộ com-lê chú rể - mua lại của thằng bạn vừa bị vợ bỏ - giúp tôi thấy tự tin hơn hẳn, đồng thời hòa nhập được dễ dàng với một rừng com-lê khác của các đồng nghiệp. Tuy nhiên, khi mà anh MC gọi những cá nhân xuất sắc của công ty lên sân khấu và công bố mức lương của họ nhận được trong tháng, thì bộ com-lê đã không thể giúp gì được tôi nữa: tôi đã sốc, và sốc rất nặng: người bét nhất là 2 tỉ, trung bình là 3, 4 tỉ, đặc biệt, có cái anh đeo cà-vạt màu cứt chó, lương của anh ấy lên tới 7 tỉ.

Lúc ấy, tôi cứ ngỡ mình đang ở Zimbabwe, nơi mà đồng tiền mất giá, và 1 tỉ chưa mua nổi bao thuốc lá; nơi mà người ta dùng tiền để chùi đít thay cho giấy vệ sinh; nơi mà các tỉ phú nhan nhản, lang thang, dặt dẹo ngoài đường, mặc quần thủng đít, bới rác, ăn xin... Nhưng không, tôi đang ở Việt Nam, nơi mà mẹ tôi dậy từ nửa đêm, còng lưng hái rau ngoài ruộng, oằn vai gánh gồng ra chợ, bán đến trưa cũng chửa kiếm nổi trăm ngàn; nơi mà những quán cơm từ thiện giá 2 ngàn đồng vẫn đông ngùn ngụt; nơi mà một chị phò hết đát, cùng đường, đói khát, sẵn sàng nhắm mắt để cho anh phụ hồ dày vò thân xác, rồi nhận về số tiền đủ để ăn bát phở... Bởi thế, tôi ngưỡng mộ những đồng nghiệp của tôi, đặc biệt là cái anh đeo cà-vạt màu cứt chó!

Đại hội kết thúc tốt đẹp trong tiếng vỗ tay rầm rầm của khán giả, à nhầm, của một rừng cán bộ nhân viên diện com-lê đứng dưới (người ta chỉ dùng từ khán giả khi xem kịch, xem tuồng thôi!). Lúc phi xe máy ra cổng, tôi thấy cái anh đeo cà-vạt màu cứt chó lương 7 tỉ ấy đang chen chúc đứng đợi xe buýt cùng một đống lố nhố những đồng nghiệp khác. Vì rất ngưỡng mộ anh, nên tôi dừng lại, hỏi nhà anh ở đâu, nếu tiện đường thì tôi xin phép chở anh về. May quá, xóm trọ của anh ấy cũng khá gần chỗ tôi, vậy là anh ấy vui vẻ vén vạt áo com-lê, nhảy tót lên xe...

Tới nơi, anh cà-vạt cứt chó bảo tôi vào phòng trọ anh ấy chơi, rồi chạy sang phòng bên cạnh xin nước mời tôi, tiện thể vay gói mì tôm. Xong, anh chổng mông, phùng mồm thổi lửa, nhóm bếp than tổ ong, đun nước, pha mì. Tôi hỏi: "Sao lương 7 tỉ mà anh vẫn đi xe buýt, vẫn ăn mì?". Anh bảo: "Bộ trưởng Thăng còn đi xe buýt được, Tổng Giám đốc Google sang Việt Nam còn ngồi vỉa hè trà đá được, thì tại sao anh lại không? Thói quen của một người đôi khi không phản ánh được đẳng cấp cũng như thu nhập của anh ta đâu em!" - Vừa nói anh vừa bê bát mì lên húp soàn soạt, rồi lại tiếp lời: "Hơn nữa, đi xe buýt và ăn mì tôm đã trở thành nét đẹp văn hóa chung của công ty ta rồi!". Tôi nghe vậy thì hốt hoảng: "Thế em mới vào làm, có cần phải đi xe buýt, ăn mì tôm để hòa chung vào nét đẹp văn hóa của công ty không anh?". Anh cứt chó bảo: "Không cần! Em hãy cứ đi xe máy, và ăn những thứ em thích. Đến một lúc nào đó, em sẽ thấy mình không còn cách nào khác là phải bán xe máy, và cũng chẳng thể ăn gì khác ngoài mì tôm. Ấy là khi em đã hòa mình vào với văn hóa của công ty ta rồi đó! Văn hóa không phải là sự cưỡng bức, ép buộc, mà văn hóa là sự tự nguyện, là sự thấm dần và thẩm thấu em ạ!" - Nói rồi, anh lại lò dò sang phòng bên cạnh mượn lọ Sunlight, hì hụi ra chỗ vòi nước đầu hồi, chổng mông rửa bát.

Tối hôm đó, nhóm tôi tập trung tại đường Quang Trung (song song và vuông góc với đường Nguyễn Huệ) để cùng nhau tuyên bố mục tiêu, rồi gào thét, hú hét “À hu! À hu!”, “Ô yes! Ô yes!” như mấy thằng điên. Tôi lần đầu được xuống đường cùng nhóm nên cực kỳ phấn khích, gào rất kinh và hét hết mình, đến nỗi vãi cả cứt ra quần. Anh trưởng nhóm ngửi thấy vậy thì động viên: “Không sao đâu! Em mới vào làm, ăn uống còn tùy tiện, lại gào hăng quá, nên vãi cứt là điều hiển nhiên. Sau này, khi em ăn mì tôm triền miên, em táo bón, thì có bôi Castrol vào, cứt cũng không vãi được!”.

Lúc cả nhóm quay về, thấy con Camry mới coóng đang đỗ bên đường, anh trưởng nhóm liền sán lại gần, tựa vào cửa xe, móc điện thoại ra tự sướиɠ. Tôi còn chưa hiểu tại sao anh làm vậy thì đã thấy anh hồ hởi post cái ảnh vừa chụp đó lên Phây, caption rất hay: “Trong tất cả những em xe của mình thì em này là mình ưng nhất, vì phần thân trên của em ấy nhẹ, bốc đầu rất dễ!”. Rồi tiện thể, anh quay sang bảo tôi: “Em về xóa ngay mấy cái ảnh cũ trên Phây của em đi! Thay vào bằng ảnh chụp với con Camry này, rồi sáng mai anh đưa em lên mấy trung tâm mua sắm, chụp thêm ít ảnh nữa để dành post dần. Ai lại com-lê oai như giám đốc, lương tháng vài ba tỉ mà Phây toàn thấy ảnh cho lợn ăn, với cả ra đồng chăn bò, ra vườn tưới phân bao giờ”. Anh còn bảo anh có ảnh của tất cả những thắng cảnh du lịch đẹp nhất của 27 nước thuộc liên minh EU, tôi thích đi du lịch nước nào thì cứ đưa ảnh chân dung của tôi cho anh, anh sẽ ghép giúp...

Hôm trước về quê, tôi có qua chơi nhà chú Điền - là ông chú bên nội nhà tôi. Tôi cho chú Điền xem ảnh tôi đang trèo lên ngọn tháp Ép-Phen ở Pa-ri, chống đẩy trên nóc nhà hát Con sò ở Sít-ni, chú cứ trầm trồ, xuýt xoa, khen ảnh đẹp quá! Rồi khi tôi bảo lương của tôi hiện giờ là hai tỉ ba thì chú tròn mắt, há hốc mồm ra. Biết cá đã cắn câu, tôi tỉ tê rủ chú Điền về công ty tôi làm cho vui. Chú Điền cười tươi đầy hứng thú, nhưng rồi giọng lại chùng xuống: “Chú bị thoái hóa đốt sống đít, đi đứng rất khó khăn, lại thêm bệnh trĩ kinh niên, nên lúc ngồi cũng vô cùng bất tiện. Không biết, liệu công ty cháu có chịu nhận?”. Tôi cười bảo: “Nhận hết chú ơi! Công ty cháu vừa tuyển vào một anh bị liệt toàn thân, sống thực vật, chỉ nằm bất động trên giường, há mồm chờ người đút sữa. Ấy vậy mà lương của anh ấy cũng hơn hai tỉ đấy!”.

Hứng thú là vậy, nhưng khi nhắc đến khoản tiền phải nộp để được vào làm ở công ty tôi thì chú Điền lại nhíu mày. Tôi hiểu điều này, bởi nhà chú Điền là một trong những hộ nghèo nhất xã tôi. Lúc tiễn tôi ra cổng, giọng chú Điền có vẻ rất quyết tâm: “Cháu cứ về đi, chú sẽ cố xoay tiền, khi nào đủ chú sẽ báo!” - Vừa nói, chú Điền vừa lấy dây xích con chó nhà chú vào gốc cây. Tôi hỏi sao lại phải xích như vậy, thì chú bảo vì bọn trộm chó bây giờ manh động lắm, thả ra phát là chúng nó siết cổ kéo đi ngay.

Về tới nhà, tôi lập tức cởi bộ com-lê ra, rồi lấy dẻ ướt gột qua cho đỡ bẩn (đúng ra là phải giặt, vì tôi đã mặc được hơn tuần rồi, nhưng chiều tôi lại phải diện nó sang nhà mấy bác mấy cô bên họ ngoại, giặt sẽ không khô kịp). Vừa gột được vài phát thì thằng con chú Điền chạy qua nói là bố nó xoay được tiền rồi, bảo tôi sang lấy. Tôi sướиɠ quá, lại diện bộ com-lê vào, lao đi ngay. Tới nơi, tôi thấy chú Điền cùng với một gã nào đó đang trói quặt con chó nhà chú ấy lại. Con chó rên ư ử, mồm nhỏ dãi, nằm tuyệt vọng giữa sân. Chú Điền nhìn tôi, giọng bùi ngùi: “Chú vay mấy nhà quanh đây mà vẫn chưa đủ, nên đành gọi thợ vào bán luôn con chó. Cũng hơi tiếc, vì con chó này sống rất có tình...”.

Con chó bị trói vẫn nằm đó và nhìn tôi bằng ánh mắt rất lạ, cứ như thể tôi là thằng trộm chó vậy! Rồi mồm nó cố há ra, rít lên những tràng âm thanh vô nghĩa, như đang muốn nhắn nhủ với tôi điều gì đó. Nó tưởng tôi là đồng loại, và hiểu lời nó hay sao?

Lúc đưa tiền cho tôi, chú Điền cứ chùi chùi tay vào vạt áo, bảo: “Tay chú vừa bắt chó, dính cứt chó, nên dính cả cứt vào tiền, hơi bẩn, cháu thông cảm!”. Tôi nghĩ thầm trong dạ: "Đúng là người nhà quê, chu đáo một cách quá thể: Giờ, người đời chả coi chúng cháu như cứt, thế thì việc gì mà chúng cháu phải sợ cứt!