Nàng là con gái Hà Nội, sống trong nhung lụa, an nhàn từ bé, còn hắn chỉ là một thằng trai nghèo, nhà quê, tỉnh lẻ, lên Hà Nội học đại học rồi ra trường ở lại đó làm thuê lập nghiệp. Ấy vậy mà nàng vẫn yêu hắn, và muốn lấy hắn làm chồng. Có lần hắn hỏi nàng:
- Anh không mua được nhà ở Hà Nội thì sẽ phải về quê sống đấy! Em vẫn muốn làm vợ anh sao?
- Quê có nét đẹp riêng của quê chứ! Hồi phổ thông, em đã mê mẩn bởi vẻ đẹp thanh bình của vùng nông thôn Đồng Bằng Bắc Bộ khi được học chùm thơ thu của cụ Nguyễn Khuyến đấy!
- Vậy thì tốt rồi! Mà trong chùm thơ thu ấy, em thích nhất bài nào?
- “Thu Đéo” anh ạ!
- Anh nhớ cụ Nguyễn Khuyến chỉ có bài “Thu Điếu” thôi mà?!
- Điếu hay đéo gì cũng được! Miễn là đẹp! Em yêu sự bình yên của làng quê với con sông êm đềm soi bóng da trời xanh ngắt; yêu những buổi chiều hoàng hôn nhuộm vàng triền đê với lũ trẻ chăn trâu chân đất, mải mê với những cánh diều chao lượn, với tiếng sáo vi vu, mênh mang trên cánh đồng bát ngát, thênh thang…
Thấy nàng yêu phong cảnh nông thôn quá nên hắn quyết định mời nàng về quê hắn chơi, cũng coi như là giới thiệu nàng với gia đình hắn luôn. Nhà hắn khá đông người. Bố mẹ và các anh chị hắn thì hắn không ngại, vì họ rất thoải mái, dễ tính, nhưng hắn lo nhất là ông nội, bởi ông già rồi, cổ hủ, hay để ý, và khó tính, còn nàng thì lại tiểu thư, vô tư, quen được nuông chiều. Thế nên lúc tối, khi chỉ có hắn và nàng lúi húi dưới bếp dọn cơm, thấy nàng định đổ đĩa thịt thiu cho con chó ăn, hắn đã phải lập tức ngăn lại:
- Đừng em! Không được đổ!
- Nhưng thịt này chắc cũng phải để mấy ngày rồi, sắp hỏng rồi! Không cho chó ăn thì còn ai ăn được nữa?
- Ông nội ăn! Thịt để cả tuần ông vẫn ăn được! Ông mà biết em cho chó ăn thì ông sẽ chửi em, chửi cả con chó!
Suốt bữa cơm tối, ông nội hắn nhìn nàng với ánh mắt gườm gườm, soi mói, nhưng may sao cuối cùng cũng không có sự cố gì xảy ra. Ăn cơm xong, đang ngồi uống nước với cả nhà thì hắn thấy nàng thập thò sau cửa, tay vẫy vẫy ý muốn gọi hắn ra ngoài. Hắn lẳng lặng lẻn ra…
- Gì vậy em?
- Nhà vệ sinh đâu anh? Em đau bụng quá!
- Ở góc vườn ý! Em đi ra chỗ đống rơm, rồi cắt qua vườn mía, men dọc theo bờ ao, đi qua chuồng trâu, đến khóm dâu um tùm là tới!
- Trời tối quá! Em sợ ma! Anh đưa em đi!
Thấy nàng có vẻ sợ thật sự, hắn thương hại và đành tặc lưỡi chiều theo ý nàng. Nhưng vừa toan bước thì hắn và nàng bỗng giật nảy mình khi thấy ông nội hắn đã đứng bên cạnh từ lúc nào…
- Đàn bà về làm dâu nhà này thì phải tháo vát, đảm đang, biết làm mọi việc, chứ đến việc đi ỉa cũng phải người đưa đi thì vứt! Vứt luôn!
Đương nhiên là hắn không dám đưa nàng đi nữa mà lầm lũi theo ông vào nhà, còn nàng thì một mình lặng lẽ đi ra chỗ đống rơm, rồi âm thầm cắt qua vườn mía, theo đúng những gì hắn vừa chỉ dẫn…
Hôm sau, khi bữa sáng đã dọn ra sẵn sàng, đúng lúc cả nhà chuẩn bị đưa bát lên mồm thì ông nội hắn cất giọng đầy nghiêm trọng:
- Đứa nào ỉa bậy ở vườn mía vậy?
Cả nhà nhìn nhau ngơ ngác, còn nàng thì tái mặt cúi gằm. Hắn thấy vậy thì phải lên tiếng đỡ cho nàng:
- Chắc là con chó thôi ông ạ! Chứ có người nào lại vô ý vô tứ ỉa bậy ở vườn bao giờ!
- Tại sao trước giờ con chó nó vẫn ỉa đúng chỗ quy định mà đúng hôm nhà mình có khách thì nó lại ỉa bậy?
- Thôi ông ơi! Ai ỉa thì cũng đã ỉa rồi, cả nhà mình mau ăn nhanh cho nóng kẻo thức ăn nguội hết bây giờ!
Suốt cả bữa cơm nàng không nói câu gì, chỉ đến khi hắn và nàng rửa bát ở ngoài giếng, nàng mới cất giọng nửa thắc mắc, nửa phân bua:
- Ông nội anh ăn uống thì dễ dãi, thịt để vài ngày vẫn ăn, sao cái chuyện ỉa bậy ông lại khắt khe thế anh nhỉ?
- Cuộc đời mà, có ai hoàn hảo đâu em! Mà này, ông nội thích uống chè xanh lắm! Lát em ra vườn hái mấy nắm về nấu cho ông uống, có thể ông sẽ hết giận em vụ ỉa bậy đấy!
Nàng nghe lời hắn và ngoan ngoãn mang rổ ra vườn hái chè. Hái xong, nàng mang chè ra cầu ao để rửa. Đang rửa thì có một thằng con nít nhà hàng xóm khoảng ba bốn tuổi tự nhiên chạy lại, ngồi ngay cạnh nàng rồi tụt quần ra ỉa thẳng xuống ao. Nàng điên tiết quá túm tóc thằng ranh đó lôi lên rồi phát đen đét vào đít nó. Thằng cu khóc the thé rồi bỏ chạy vào nhà mách với ông. Thật đen đủi cho nàng, thằng bé đó không phải là con hàng xóm, mà là con của một bà, bà này là em út của ông nội hắn, tức là thằng con nít này dù mới ba bốn tuổi nhưng lại có vai vế ngang bằng với bố hắn, và hắn phải gọi thằng con nít đó là chú, nếu sau này nàng lấy hắn, nàng cũng sẽ phải gọi thằng bé đó là chú.
Bởi thế, chẳng có gì ngạc nhiên khi trong bữa cơm trưa, ông nội hắn lại bóng gió:
- Chưa về làm dâu nhà này mà nó đã dám tụt quần chú nó ra rồi vỗ mông ten tét! Đến khi nó về làm dâu thật thì rồi cũng đến lượt tôi bị nó làm nhục như vậy thôi! Loạn thật rồi!
Nàng chắc đã biết mình sai nên chỉ cúi đầu ăn lặng lẽ. Đến cuối bữa, như để làm lành, khi thấy ông nội ăn xong, nàng nhanh nhảu lấy tăm rồi lễ phép cúi đầu, đưa bằng hai tay ra trước mặt ông:
- Dạ! Con mời ông dùng tăm!
- Khỏi cần! Tôi thích để thức ăn giắt ở răng, lúc nào đói lại cho móng tay vào cạy ra ăn tiếp, chứ dùng tăm lãng phí lắm!
Mặt nàng sầm lại! Có vẻ như sự chịu đựng và nhẫn nhịn của nàng đã đến giới hạn. Hắn thấy nàng cầm cái ấm chè xanh, rót tồ tồ vào cái cốc thủy tinh rồi đẩy về phía ông nội hắn:
- Mời ông ạ!
Lần này, ông nội hắn không từ chối nữa mà cầm cái cốc nước chè xanh lên nhấp một ngụm, rồi gật gù:
- Ừm! Chè hôm nay thơm, vị rất đượm!
- Dạ vâng! Thơm và đượm là phải! Vì con rửa chè ở ngay cạnh chỗ mà chú gì con bà út ỉa xuống đấy, ông ạ!
Sau lần về thăm quê hắn thì nàng có vẻ lạnh nhạt hẳn, không muốn gặp hắn, và càng không muốn nhắc đến chuyện cưới xin. Rồi cái điều hắn tiên liệu trước đã tới: nàng đòi chia tay. Lý do là bởi nàng không hợp với cuộc sống ở quê hắn. Hắn nghe vậy thì thảng thốt lắm:
- Sao em bảo em yêu vẻ đẹp nông thôn vùng Đồng Bằng Bắc Bộ mà?
- Phải! Nhưng quê anh xấu hơn quê cụ Nguyễn Khuyến, em không thích!
Hắn nghe xong thì mỉm cười, bởi cái lý do này nghe quen lắm! Nếu hắn nhớ không nhầm thì ít ra cũng phải bảy tám cô nói với hắn như thế rồi!
Tác giả: Võ Tòng Đánh Mèo