Bảo Đại, Hay Là Những Ngày Cuối Cùng Của Vương Quốc An Nam

Chương 7

Quyển 1 - Chương 7
"Chúng ta đã dạy dỗ đặc biệt chu đáo vị hoàng tử này từ tuổi ấu thơ tại Pháp [...]. Vị Hoàng đế trẻ tuổi này về bản chất trung thành với nước Pháp đã che chở ông ta, nhưng những suy nghĩ của ông ta vấp phải những thế lực trì trệ và phản động của một chế độ lỗi thời đang suy sụp từ từ, bởi lẽ chính là, trước hết trong triều đình và trong tập quán truyền thống của hoàng cung và tục lệ hoàng gia người ta nhận thấy có sự chia rẽ về quan niệm giữa chế độ quân chủ An Nam già nua và Nhà vua trẻ. Trong hoàng cung đầy rẫy dấu vết của cuộc sống xa hoa và khép kín của tổ tiên. Hoàng đế còn phải cưỡng lại quyền hạn của các bà Hoàng Thái hậu trước đây đã dành cho vua một hậu cung bao gồm những cô gái đẹp nhất trong nước và cố dập tắt trí tuệ mới mẻ của Hoàng đế [...]. Việc cấp thiết và có ý nghĩa chính trị là phải nhanh chóng chọn cho Hoàng đế người vợ nào có thể giúp Nhà vua vô hiệu hoá sức kháng cự và những sự chống đối đó. Còn tất cả các cô gái do các quan đại thần đề nghị đều không được giáo dục theo lối Tây phương và chắc chắn sẽ bị các bà hoàng thái hậu sai khiến. Trong số các cô gái học ở Pháp về chỉ có một người nổi bật lên, có thể sánh đôi với hoàng tử nhưng... cô ta lại là người công giáo". Tôi xin nói thêm là hoàng tử Vĩnh Thuỵ đã có dịp gặp gỡ cô gái nhiều lần ở Pháp và ở ngay tại đây và ông ta đã cho tôi biết ý muốn cưới cô gái làm vợ. Ngài đại sứ có thể thấy chính phủ sẽ rất có lợi nếu tạo thuận lợi cho việc thực hiện dự định hôn nhân này. Chính là qua các bà vương phi mà phe đảng thủ cựu trong triều có thể tin là sẽ khuất phục được Nhà vua và tách ông ta ra khỏi người Pháp. Chúng ta phải làm thất bại mọi tính toán đó và Hoàng hậu mà chúng ta mong muốn sẽ là một đồng minh quý giá để đảm bảo thành công vĩnh viễn cho chính sách của nước Pháp ở Huế"(5).

Giáo hoàng Pierre XII buông một tiếng... "không" cụt lủn sau đó thông báo cho sứ thần Toà thánh truyền đạt cho ngài đại sứ biết sự khước từ của mình.

Để có thể miễn giảm các điều kiện hôn nhân, luật giáo hội đòi phải có hai điều bảo đảm. Trước hết vợ hoặc chồng không theo công giáo phải tôn trọng tín ngưỡng của người bạn đời của mình. Sau đó, các con của họ phải được rửa tội và được dạy dỗ theo khuôn khổ cơ đốc giáo. Điều bảo đảm thứ hai này phải được thể hiện bằng một bức thư có chữ ký của cả hai bên vợ và chồng. Điều khoản này liên quan đến con của họ sẽ sinh ra và sau này kế nghiệp ngôi báu. Như vậy là không thể chấp nhận. Khó mà tưởng tượng rằng người đứng đầu một quốc gia theo Phật giáo lại được rửa tội và nhận tên thánh. Giáo hoàng không thể nhân nhượng gì về điều này. Luật giáo hội là rõ ràng, dứt khoát.

Tin Giáo hoàng khước từ được giữ kín. Ít người được biết đến điều thầm kín này. Kiểm duyệt của chính quyền bảo hộ cũng như của chính phủ Nam triều cố gắng bịt kín tin này. Các cơ quan mật thám cũng góp phần. Họ biết được một tin do một phóng viên báoParis Soir(Paris buổi chiều) chuyển đi từ Huế: "Sự kiện quan trọng có thể có hậu quả chính trị. Dự định hôn nhân gây xôn xao dư luận cả một triệu tư tín đồ công giáo An Nam. Giáo hoàng từ chối. Các điều kiện miễn giảm khiến triều thần tôn trọng tập tục truyền thống phải lo lắng cho là xâm phạm phong tục tập quán tổ tiên. Ở đây chỉ có một mình tôi là nhà báo ở chính quốc, sẽ có thể gửi bản tường thuật đầy đủ về lễ cưới và vai trò đặc biệt nguy hiểm của các cố vấn đứng đằng sau...".

Các báo khác lại đưa tin trái ngược. Không biết do dối trá hay do không biết. Trên trang báo đăng tin Giáo hoàng đồng ý và xem thấy cuộc hôn nhân này như Clovis và Clotilde tái thế(6). Triều đình giữ thái độ im lặng. Mọi việc như đã an bài không thể khác. Toàn xứ An Nam và có thể cả Đông Dương đều tin là Giáo hoàng chấp nhận cuộc hôn nhân chồng lương vợ giáo này. Chỉ có một tờ báo tiếng Việt muốn khôi phục lại sự thật và kêu gọi độc giả hãy cầu nguyện cho cuộc kết hôn này dù sao cũng sẽ tốt đẹp cho đất nước(7).

Tại Rome, đại sứ Charles Roux vẫn kiên trì vận động nhằm vào giới thân cận với Giáo hoàng. Mọi giải pháp đều được tính đến, kể cả tổ chức cưới kín nghĩa là không để lộ ra ngoài nhưng như thế thì phải có sự giải thích về mặt ngoại giao và trong giáo hội. Ngài đại sứ Roux sau nhiều cuộc hội kiến với hồng y Quốc vụ khanh và hồng y phụ trách tuyên truyền, kể lại rằng "Hai vị ấy chỉ có thể xác nhận với tôi là Giáo hoàng không thể làm trái với những điều đã được luật giáo hội quy định rõ ràng, dứt khoát là con sinh ra trong các gia đình lương giáo hỗn hợp phải được dạy dỗ theo nguyên lý công giáo. Bản cam kết phải được hai bên cùng ký tên để biểu thị thái độ đồng tình của họ. Bản văn này không công bố nếu hai bên thoả thuận nhưng dĩ nhiên nếu làm trái đi cũng không được tuyên bố công khai. Vì như vậy khẳng định điều gì trái với chân lý tất nhiên dẫn đến chống lại chân lý(8).

Tất cả những điều này có nghiêm trọng lắm không? Hồng y Pacelli nói: "Chính vì chuyện rắc rối trong hôn nhân tôn giáo mà nhà thờ Cơ đốc đã mất đứt nước Anh vào thế kỷ XVI!".

Tháng Giêng năm 1934 tức là ba tháng sau khi đệ đơn lần thứ nhất xin phép Giáo hoàng không được, chính quyền bảo hộ có sáng kiến yêu cầu Nhà vua ban thưởng cho các hồng y. Thế là hồng y Fuamasoni Bioni được trao Nam Long bội tinh đệ nhất đẳng, còn các cộng sự thì được ban thưởng bội tinh đẳng cấp thấp hơn. Tất cả đều tỏ ra hài lòng. Họ lấy làm vui vẻ được đến nhận lễ gắn bội tinh có những tên gọi lạ tai.

Tại Huế trên toàn Đông Dương cũng như bên chính quốc, không còn ai bàn tán về điều kiện miễn giảm đối với các cuộc hôn nhân lương giáo hỗn hợp. Tình trạng đó kéo dài cho đến khi có một loạt bài báo nói giáo hoàng chấp nhận con trai của cặp chồng lương vợ giáo có thể miễn lễ rửa tội. Ngay lập tủc tờObservatore Romano(Người quan sát La Mã) liền đính chính ngay và nhắc lại lập trường của Toà thánh không thay đổi.

Vụ việc trở thành vấn đề chính trị. Bộ trưởng Thuộc địa Laval còn siết chặt thêm chế độ kiểm duyệt.

Thế rồi không một ai được báo trước, cuối cùng lễ cưới Bảo Đại với Nam Phương vẫn được cử hành. Chắc chắn là tháng 3 năm 1934. Sau đó không một tin tức nào được đưa ra. Nhưng không phải vì thế mà hết chuyện.

Không có kiến nghị hay khiếu nại nào khác. Cũng không có việc Nhà vua quy theo công giáo nhưng lễ cưới được cử hành kín đáo. Chỉ có người Việt Nam tham dự. Không một lời bình phẩm nào sau đó. Chỉ trừ đại sứ Pháp tại La Mã, Charles Roux mấy tháng sau đã gửi một bức điện cho Pierre Laval, mới về làm Bộ trưởng Ngoại giao báo tin lễ cưới đã được cử hành một cách âm thầm, lặng lẽ:"Tôi được biết gần đây Hoàng đế đã tổ chức lễ cưới một cách kín đáo nhưng vẫn có nhiều người biết. Theo nguồn thông tin riêng, đã có sự cam kết cần thiêt để lễ kết hôn có thể cử hành được đó là sự cam kết các con cả trai lẫn gái sau này sinh ra sẽ được dạy dỗ theo nguyên lý cơ đốc giáo, cả hai vợ chồng đều đã ký tên vào bản câm kết này!"

Đôi vợ chồng mới cưới không được ở trong Tử Cấm thành theo quyết định của Hội đồng hoàng tộc (Tôn nhơn phủ). Thoạt đầu họ ở một cung điện riêng, sau này gọi là điện Kiến Trung ở gần ngay đấy nhưng vẫn là ngoài khu vực Tử Cấm thành. Bảo Đại van nài Hoàng Thái hậu Từ Cung và bà này đã khẩn khoản xin với Tôn nhơn phủ để cuộc hôn nhân này được chấp nhận.

Toàn bộ nhân cách và trí thông minh sắc sảo của bà Nam Phương là những yếu tố cần thiết để xoá tan không khí ngờ vực xung quanh. Bà tham dự các buổi lễ Phật, đi thăm các lăng tẩm, luôn đứng thẳng người nhưng hai tay bao giờ cũng chắp lại ngang ngực với một thái độ kính cẩn, thấm thía để che giấu tín ngưỡng thật của mình. Nhưng bà cũng kiên quyết đòi thực hiện các biện pháp canh tân của mình. Chấm dứt sự có mặt của các cung phi trước đây vẫn quây quần xúm xít quanh Nhà vua, bà sẽ là Hoàng hậu duy nhất, cũng không còn hoạn quan, thái giám, không còn cung nữ để cai quản dẫn dắt nữa. Đạo lý Thiên chúa giáo của người vợ trẻ sẽ cho phép bà không phải chịu cảnh chồng chung với những người đàn bà khác. Vấn đề xem ra đã được giải quyết. Thực tế Bảo Đại đã cam kết với bà sẽ không sinh hoàng nam với ai khác để không xảy ra chuyện tranh giành ngôi báu sau này. Hình như, ông không bao giờ cam kết sẽ chung thuỷ với bà. Tuy nhiên Nam Phương được tấn phong Hoàng hậu ngay hôm cưới trong khi quy tắc hiện hành định rằng chỉ sau khi vua băng hà thì vợ vua mới được phong Hoàng hậu.

Còn về cậu con trai sau này sẽ là hoàng tử kế nghiệp, sinh ra hai năm sau khi cưới sẽ được dạy dỗ theo nguyên lý cơ đốc giáo.

Cậu bé Bảo Long chính thức theo đạo Phật, nói đúng ra là ban ngày học theo nguyên lý Phật giáo nhưng ban đêm cậu học vụиɠ ŧяộʍ các phép tắc công giáo, dự lễmisa, học giáo lý trong buồng riêng của mẹ. Tóm lại cậu ta làm tất cả mọi việc mà một đứa trẻ ngoan đạo phải thực hiện để bước vào vương quốc của Chúa Trời.

Tất cả những việc đó đều tiến hành một cách lén lút giấu mọi người như thời các tín đồ đầu tiên của Thiên chúa giáo. Bảo Long có chịu lễ rửa tội không? Sau này được hỏi, ông ta khẳng định là không.

Việc đệ đơn Giáo hoàng làm như vậy chưa kết thúc. Phải được Giáo hoàng cho phép thì mới được đọc lễmisavào ban đêm và Hoàng hậu Nam Phương trong đơn thỉnh cầu Toà thánh đã nhắc đến chuyện thời xưa những tín đồ Thiên chúa giáo đầu tiên đã phải thờ Chúa trong các hầm mộ.

Mấy mẹ con bà Nam Phương lấy làm vui mừng nhất là chú bé Bảo Long còn thấy đôi chút tự hào khi thấy hành động thờ Chúa của mình chẳng khác nào như những bậc tiền bối của đạo giáo. Không khí những buổi cầu nguyện thầm lén làm anh em Bảo Long vui thích. Tụi trẻ đọc nhiều sách về các bậc tử vì đạo tự ví mình như họ, nghĩa là phải che giấu đức tin của mình.

Dĩ nhiên bà Nam Phương cũng cư xử rất khéo với mọi người tôn sùng đạo Phật trong hoàng tộc. Bà năng đi lễ chùa có khi cho cả các con cùng đi với bà nhưng bà cũng hạn chế đến mức tối thiểu chỉ cho dự những ngày lễ chính của đạo Phật, can ngăn không cho bà Hoàng Thái hậu đeo bùa ở cổ tay cháu nội của bà. Bà cũng khước từ đeo vào vai túi đựng những lá bùa. Hẳn bà nghĩ mẹ con bà đã có Chúa che chở, việc gì phải đeo bùa trừ tà cho con?

Còn Hoàng đế Bảo Đại thì không phải giấu diếm gì việc cho hoàng tử Bảo Long đi học trường bên đạo. Ông không phải đắn đo gì về việc này vì ông cho rằng đó là trường tốt nhất thực hành nền giáo dục phương Tây, trong lúc ở Trung Kỳ không có trường nào dạy dỗ trẻ em tốt hơn các trường học do nhà thờ tổ chức.

Rất lâu sau này khi sang cư trú ở Pháp, không còn chịu ràng buộc với triều đình An Nam, rất lạ là bà Nam Phương lại cho các con học ở trường Roches là một trường không phải của bên đạo để hoàn thiện việc giáo dục của các con bà. Không bên nào giành được phần thắng trong cuộc đọ sức tâm linh đó, cũng chẳng có ai được lợi lộc gì trong việc kéo dài việc lựa chọn nên thờ Phật hay thờ Chúa. Bây giờ thì ông Bảo Long cũng không còn tin gì ở Chúa nữa.

Cách sống không theo khuôn phép truyền thống như thế làm mọi người trước hết là bà Hơàng Thái hậu ngạc nhiên và phản đối. Tuổi thanh xuân của hoàng tử Bảo Long đã diễn ra trong bối cảnh luôn luôn đối nghịch nhau giữa một bên là mẹ đẻ là Hoàng hậu Nam Phương và bên kia là bà nội tức Hoàng Thái hậu Từ Cung. Hai người đàn bà, mẹ chồng - nàng dâu chẳng ưa gì nhau mà lại đối lập nhau về tôn giáo. Cuộc tranh giành đức tin lâu đời và dai dẳng đã để dấu ấn trong tâm trí Bảo Long từ tuổi ấu thơ cho đến sau này khi lớn lên. Tranh giành cá nhân nhưng cũng là tranh giành ảnh hưởng chính trị. Sự khước từ làn gió mới chống lại truyền thống. Cuộc xung đột không bao giờ chấm dứt bất chấp thời gian, bất chấp hoàn cảnh chiến tranh, bất chấp cả những giọt lệ và những biến đổi về quyền lực.

Ngoài những trắc trở về tín ngưỡng thì mọi chuyện đều tốt đẹp. Cặp uyên ương Bảo Đại - Nam Phương quả là đẹp đôi, không phải bàn cãi, được dư luận ngưỡng mộ trên phương diện quốc tế từ khi hai người lấy nhau.

Vẻ lịch sự quý phái của Hoàng hậu Nam Phương, khiến nhiều người mơ ước: có tình yêu, nhiều tiền bạc, phong cách cao quí và tao nhã. Cả hai vợ chồng là những con người tân tiến, luôn luôn muốn tỏ ra là tân tiến. Mọi người nhìn vào để quên đi thực tế là vị vua này có rất ít quyền hành và trách nhiệm với thần dân.

Sau khi cơn xúc động của triều đình dần dần tiêu tan, ông Chatel, Khâm sứ Trung Kỳ đã cho thực hiện dự định có từ lúc khi Bảo Đại từ Pháp trở về là hiện đại hoá cung điện riêng của Bảo Đại từ nay mang tên điện Kiến Trung. Bên ngoài nét kiến trúc cung điện truyền thống Á Đông vẫn được duy trì nhưng bên trong thay đổi để thoáng đãng rộng rãi, hợp vệ sinh và tiện dụng hơn, tờ Asie nouvelle (Châu Á mới) miêu tả: Một thoáng Paris giữa đế đô. Đó là cảm tưởng nhận ra khi đứng trước những đường nét hiện đại của toà nhà, trang trí sáng sủa, những màn trướng một màu, những phòng khách, phòng ngủ, theo kiểu đế vương ở Huế. Đồ gỗ do thợ đóng đồ có tiếng ở Paris, Leleu, vẽ kiểu và chế tác cho hợp với nội thất. Toà nhà như một hòn đảo nhỏ, một miếng đất đặc biệt phương Tây lọt thỏm giữa châu Á vĩnh cửu. Bảo Đại và những người thân thuộc của ông là những người duy nhất dám thực hiện điều đó trong một thành phố phương Đông trầm lặng nặng truyền thống xa xưa.

Báo chí Đông Dương đăng nhiều ảnh về Bảo Đại và Nam Phương và ra sức khai thác như một cặp vợ chồng ông hoàng xứ Monaco. Bảo Đại mặc áo vét ngắn, đi găng trắng hoặc trang phục chơi gôn (mũ lưỡi trai, quần chẽn túm gối...) hoặc quốc phục áo vóc vàng, khăn vàng (màu dành riêng cho vua). Nhà vua thích được chụp ảnh đăng báo để mọi người tự ý thêu dệt truyền thuyết về mình. Cuối cùng người ta nói con người Bảo Đại là sự kết hợp phương Đông và phương Tây kết hợp giữa đạo lý đông phương và khoa học tây phương.

Chú thích:

(1) Trường Les Oiseaux có nhiều chi nhánh ở Việt Nam nhất là ở Đà Lạt. Nơi đây Hoàng hậu Nam Phương sở hữu một ngôi biệt thự.

(2) Paul Bernard, Le problème économique indochinois (Vấn đề kinh tế Đông Dương).

(3) CAOM, Hồ sơ Lưu trữ bộ Pháp quốc Hải ngoại - Công văn của Sở Mật thám Trung Kỳ gửi các Sở Mật thám Bắc Kỳ và Nam Kỳ.

(4) Một người anh của một trong các cô gái đó ngày nay còn sống ở Huế, được giao trông nom ngôi nhà riêng của bà Hoàng Thái hậu Từ Cung, bên cạnh Cung An Định. Trong ngôi nhà này còn giữ được một số rất ít đồ gỗ, những bức tranh những tấm ảnh gia đình kể cả của Nam Phương được lưu giữ và treo trên tường.

(5) Lưu trữ bộ Ngoại giao. Vụ Á - Châu Đại Dương, tập E, những năm 1930 - 1940, hồ sơ 40.

(6) Clovis đệ nhất là vua của người Franc, cư dân cổ xưa trên đất Pháp ở thế kỷ V-VI sau công nguyên. Clotilde, vợ Clovis. Hai vợ chồng nổi tiếng đẹp đôi trong lịch sử.

(7) Báo Thuận Hoá, năm 1934.

(8) Hồ sơ bộ Ngoại giao vụ Á – Châu Đại Dương, tập E, những năm 1930-1940, hồ sơ 40.