Quyển 2 - Chương 4
Mọi việc coi như đã xong. Nhưng những người có mặt trên lễ đài có một phút bối rối. Một khoảng trống nhỏ. Còn thiếu một cái gì đó chăng? Một lời nói, một cử chỉ hữu nghị, cảm thông? Thấy vậy đại diện Tổng bộ Việt Minh Nguyễn Lương Bằng nhanh trí gài trên ngực ông chiếc huy hiệu màu đỏ tượng trưng cho quốc kỳ có ngôi sao vàng ở giữa, chắc hẳn là sát hình tượng con rồng thêu trên hoàng bào Vua đang mặc trên người.Một lần nữa quần chúng lại vỗ tay hoan hô sau khi nghe ông trưởng đoàn Trần Huy Liệu phát biểu: “Từ nay cựu Hoàng đế Bảo Đại được gọi là công dân Vĩnh Thuỵ”. Các quan khách trên lễ đài chắp tay nghiêng mình vái chào người công dân mới Vĩnh Thuỵ, có người ngượng nghịu nâng nắm tay phải lên ngang tai chào theo kiểu Việt Minh.
Buổi lễ thoái vị kết thúc. Mọi người hân hoan hồ hởi diễu qua lễ đài rồi mới giải tán vui vẻ ra về. Cựu hoàng lặng lẽ trở về điện Kiến Trung. Bà Nam Phương đang rầu rĩ, sụt sùi giọt lệ chờ đợi. Ngạc nhiên thấy chồng trở về yên lành, không bị cách mạng dẫn đi sau lễ thoái vị nhưng bà không che giấu nổi niềm chua xót thấy triều đại nhà Nguyễn thế là chấm dứt hẳn.
Nhưng cộng đồng quốc tế ngay cả ở khu vực châu Á có vẻ như dửng dưng trước sự kết thúc của triều đại phong kiến Việt Nam. Tin Nhật Bản đầu hàng Đồng minh, chiến tranh Thái Bình Dương chấm dứt, các chính quyền thân Nhật trong khu Thịnh vượng chung Đại Đông Á theo nhau sụp đổ không làm mấy ai bận tâm bằng trăm công nghìn việc trong những tuần lễ hoà bình đầu tiên ở chính nước họ.
Có phải Bảo Đại đã chấp nhận lý tưởng dân chủ cộng hoà của Việt Minh không? Tại sao không thể có giải pháp dung hoà, giữ lại ngôi báu làm tượng trưng nhưng vẫn giao thực quyền cai trị cho cụ Hồ? Ai cũng biết trong chương trình Việt Minh nhiệm vụ giải phóng dân tộc lật đổ chế độ thống trị thuộc địa được đặt lên hàng đầu. Nhưng cũng trong chương trình Việt Minh đã nêu lên khẩu hiệu thành lập chế độ dân chủ cộng hoà, vậy liệu có chấp nhận một chế độ quân chủ lập hiến không? Ông Hồ Chí Minh trong thâm tâm có tính đến một công thức thoả hiệp, ít ra là trong thời gian đầu khi nền độc lập chưa được củng cố từ bên trong và chưa được thế giới công nhận từ bên ngoài hay không? Đối với Đồng minh, Bảo Đại là kẻ hợp tác với quân phiệt Nhật, dù chỉ vẻn vẹn trên năm tháng, liệu họ có chấp nhận chính quyền mới do Bảo Đại đứng đầu không. Hoàn cảnh lịch sử Việt Nam thời kỳ này, không tìm đâu ra một nhân vật trong hoàng tộc có tinh thần chống Nhật nghĩa là đứng về phe Đồng Minh để có thể cùng với Việt Minh đứng ra nói chuyện với phe Đồng Minh, vận động họ công nhận chính quyền mới. Duy trì thêm một thời gian nữa chế độ quân chủ dù là dưới hình thức quân chủ lập hiến, hoãn lại sự thoái vị một thời gian có thể góp phần nâng cao uy thế của cách mạng, hạn chế sức phản kháng của các thế lực đối lập, nhưng không đủ để bào chữa cho một chế độ đã quá nhiều bê bối, đàn áp phong trào nông dân Tây Sơn và nhiều phong trào nông dân khác từ thế kỷ XVIII, đã để mất nước cho thực dân Pháp sau đó lại cam chịu làm tay sai ngoan ngoãn cho chế độ bảo hộ hết Pháp lại Nhật. Không nên quên rằng lý tưởng dân chủ cộng hoà không phải chỉ nảy nở trong nhân dân Việt Nam từ khi có phong trào Việt Minh, có Đảng Cộng sản mà rất lâu trước đó, từ khi phong trào Đông Du tan rã.
Cùng ngày 30 tháng 8, thông tấn xã Nhật Domei loan tin: “Nhà vua Việt Nam định lập một chính phủ mới. Ông mời đảng cách mạng vào Huế để lập chính phủ mới, lập nên đa số cánh tả trong chính quyền mới”.
Quả thật, sau ngày chính phủ Trần Trọng Kim từ chức mồng 5 tháng 8, Bảo Đại đã giao Trần Trọng Kim mời một số cựu chính trị phạm cũ tham gia chính phủ mới, nhưng không một ai hưởng ứng.
Người ta nhớ lại ngày 22 tháng 8 năm 1945 nghĩa là ba ngày sau Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, và một ngày trước khởi nghĩa ở Huế, Nhà Vua vẫn hi vọng có thể cứu vãn ngôi báu, mời thủ lĩnh Việt Minh vào Huế để lập nội các mới trong khi chờ nội các này triệu tập Quốc hội để quyết định chính thể.
Lễ thoái vị vừa kết thúc, Hoàng đế và Hoàng hậu họp tất cả những gia nhân, hầu cận, thị vệ thị nữ để thu dọn đồ đạc giao lại hoàng cung cùng tài sản công của Triều đình cho chính quyền cách mạng, đại bộ phận cho về gia đình quê hương bản quán. Những đồ dùng cá nhân, quà biếu có thể mang theo. Vua đã thoái vị, triều đình đã không còn, nền quân chủ đã bị thủ tiêu. Sự có mặt của họ ở những nơi nguy nga này không còn lý do tồn tại.
Cảnh ngộ nước đôi của cựu hoàng dần dần lộ rõ. Bảo Đại nay không còn đặc quyền của một Hoàng đế, được hưởng mọi quyền tự do của công dân, nhưng cũng có nghĩa vụ phải chấp nhận một số hạn chế: ông được lệnh phải chấm dứt mọi liên hệ với người nước ngoài nhất là với những người bạn cũ Pháp, Nhật. Sự cấm đoán này là cần thiết để đề phòng mọi tình huống phức tạp có thể xảy ra.
Sau lễ thoái vị, không khí đường phố vẫn náo nhiệt khí thế dường như muốn thay đổi nếp sống tĩnh lặng quen thuộc của người dân xứ Huế. Không mấy ngày là không có những đoàn quần chúng diễu hành trên hai bờ sông Hương. Những tiếng loa, những tiếng hô khẩu hiệu, những nhịp trống ếch của thiếu nhi, những tiếng hát đồng ca vang trên đường phố. Tưng bừng, hồ hởi nhưng không phải không có những tiếng thét căm hờn, những vụ bắt bớ, những tình cảnh cay đắng, những phiên toà cách mạng tuyên án tử hình và án quyết thi hành ngay lập tức. Nhưng nhìn chung chế độ thay đổi quá êm ả, cứ như là đã có sự dàn xếp đâu vào đấy từ trước. Với một số người, tưởng như Hồ Chí Minh và Bảo Đại đã hành động theo một kế hoạch chung được vạch ra một cách tỉ mỉ: Bảo Đại lợi dụng Nhật để tuyên bố độc lập, xoá bỏ các hiệp ước bảo hộ do các triều vua trước đã ký với Pháp, tuyên bố nền dộc lập của Việt Nam để một thời gian ngắn sau đó Nhật bại trận thì Nhà vua thoái vị, lặng lẽ trao chính quyền cho Việt Minh và Việt Minh đã chiến đấu bên cạnh Đồng minh nên có tư cách để giao dịch với Đồng minh yêu cầu họ công nhận độc lập.
Làm thế nào có thể tách bạch cái gì thuộc về nhà nước, cái gì thuộc về gia đình Nhà vua và Hoàng hậu?
Ông bộ trưởng Lao động Lê Văn Hiến một cựu chính trị phạm đã bị kết án năm năm khổ sai trong nhà ngục Kontum, trên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ, đã được Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ kiểm kê tài sản trong hoàng cung mà Phạm Khắc Hòe đã chuẩn bị bước đầu.
Công việc của ông tiến hành không mấy khó khăn. Hoàng gia không tham gia vào việc xác định xem từng đồ vật cái nào thuộc về họ. Người đại diện của chính phủ cách mạng cũng có thái độ rộng rãi. Máy bay, ôtô được coi là quà biếu của Pháp, vậy thì để lại cho cựu hoàng sử dụng. Nhưng cựu hoàng nhất định nhường lại cho cách mạng, nhất là hai chiếc máy bay để huấn luyện phi công(13). Sau cuộc trao đổi hữu nghị ấy, một bảng liệt kê dài được trình lên Bộ trưởng. Mẹ con bà Nam Phương không mang theo những gì thuộc tài sản nhà nước, tuy nhiên, cũng đến khoảng bốn chục hòm đồ đạc Việc thu dọn để ra ở bên ngoài hoàng thành tiến hành rất khẩn trương, chỉ nửa ngày là xong. Một đoàn người dài như trong một cuộc rút lui hay một cuộc di cư lũ lượt ra khỏi cửa thành. Một số mang theo đồ đạc nặng quá không đủ sức đem hết phải bỏ lại trên cầu Trường Tiền, cây cầu sắt đồ sộ và duyên dáng bắc qua sông Hương gần trước cổng thành.
Cho đến chiều ngày 31 tháng 8 bà hoàng thái hậu Từ Cung cùng mẹ con bà Nam Phương và gia nhân đã dọn hết đồ đạc tài sản riêng về An Cựu ở trong cung An Định trước đây là nơi nghỉ hè của hoàng gia. Trong lúc Bảo Đại còn đang hoàn thành việc bàn giao thì ông Tôn Quang Phiệt, chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế chuyển đến cho cựu hoàng một bức điện khẩn: “Chính phủ lâm thời mời công dân Vĩnh Thuỵ ra Hà Nội làm cốvấn tối cao cho chính phủ. Nếu nhận lời, sẽ có những chỉ dẫn cần thiết đế ông cố vấn có thể ra Hà Nội sớm nhất. Ký tên: Hồ Chí Minh”. Ông cựu hoàng đọc đi đọc lại bức điện, mặt tái đi, nghĩ đây có phải là một cuộc đi đày trá hình chăng. Một lần nữa Vĩnh Thuỵ lại nhún vai, đưa bàn tay trái lên ngang cổ, lẩm bẩm nói một câu tiếng Pháp: “Đã đến cổ rồi có lên thêm một chút nữa cũng chẳng can chi”(14). Nhưng ông trấn tĩnh được ngay, lập tức nghĩ đến việc cử ai đi tháp tùng. Ông Hòe hay Hoàng thân Vĩnh Cẩn? Ông cựu Tổng lý Ngự tiền văn phòng hối thúc cựu hoàng nên nhận lời và khuyên “Về người đi theo, nên hỏi ý kiến Hà Nội”.
Vậy là ông sẽ ra sống và làm việc tại Hà Nội, thủ đô mới của chế độ Cộng hoà. Một thành phố ông hình như cả đời làm vua chỉ đến một lần từ khi ở Paris về, vào thời mà người Pháp cho ông đi thăm đất nước trước khi nắm quyền bính.
____ ____
Chú thích:
(1) Xem toàn văn tờ Chiếu ngày 17 tháng 8.
(2) Hai thanh niên Việt Minh được giao hạ lá cờ vàng của Nhà Vua, kéo cờ đỏ sao vàng của Việt Minh là Đặng Văn Việt và Nguyễn Thế Lương, cả hai đều là thanh niên trí thức ở Huế. Sau này trong kháng chiến chống Pháp, Đặng Văn Việt là Trung đoàn trưởng, nổi tiếng trong các trận đánh trên Đường số 4, mặt trận Cao Bắc Lạng và Nguyễn Thế Lương là Cục phó Cục Quân Báo Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Viên lãnh binh chỉ huy lính khố vàng bảo vệ kỳ đài đã kể lại rằng ông đã dàn quân chuẩn bị chống lại, nhưng Bảo Đại sau khi được tin báo, đã can ngăn: “Chớ, chớ! Việt Minh đấy! Các ngươi mà nổ súng thì Trẫm là người chết trước đó” – xem Hồi ký Đặng Văn Việt, Người lính già Đặng Văn Việt, chiến sĩ Đường số 4 anh hùng, Nhà xuất bản Trẻ, T.P. Hồ Chí Minh, 2004 (B.T).
(3) Có tài liệu viết là Castella (B.T).
(4) Báo Đông Phát xuất bản tại Hà Nội ngày 25 tháng 8 năm 1945. Đáng chú ý là tờ chiếu này không được Phạm Khắc Hòe nhắc đến trong hồi ký “Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”, Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1987. Nguyên văn tờ chiếu ngày 22 tháng 8 năm 1945.
(5) Phạm Khắc Hòe, “Từ Triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc”, Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1987. Xem thêm: Tố Hữu: “Nhớ lại một thời”, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, 2004 (N.D).
(6) Tố Hữu, “Nhớ lại một thời”, Nhà xuất bản Văn hoá Thông tin, 2004 (ND).
(7) Bốn nhà trí thức đã ký tên vào kiến nghị là Nguyễn Xiển, Nguỵ Như Kontum, Nguyễn Văn Huyên, Hồ Hữu Tường. Cuộc họp của trí thức và sinh viên Hà Nội ở Việt Nam học xá ngày 21 tháng 8 cũng như bức điện có bốn nhà trí thức ký tên là hoạt động tự phát. Không có gì chứng tỏ là do Việt Minh giật dây (N.D).
(8) Báo Cứu quốc sốngày 27 tháng 8 năm 1945, và Phạm Khắc Hòe, Từ triều đình Huế đến chiến khu Việt Bắc, Nhà xuất bản Thuận Hoá, 1987.
(9) Báo Đông Phát, xuất bản tại Hà Nội ngày 29 tháng 8 năm 1945.
(10) Phạm Khắc Hòe, sách đã dẫn.
(11) Trần Huy Liệu, Tước ấn kiếm của Hoàng đế Bảo Đại, Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số 18, tháng 9 năm 1960.