Khi Người Đã Già

Chương 2

Chương 2. Giúp đỡ lẫn nhau trong lúc hoạn nạn.
Trong giây lát, hình như tôi đã hiểu vì sao bà Lưu không cởi tạp dề ra, dường như bà đã sớm biết sẽ có kết quả này.

Hình như giọng của bà Lý có chút ủ rũ nói: "Trường Quân chị... không phải chị cố ý," tiếng nói bỗng cất cao: "Sao em khóc? Xin lỗi chị xin lỗi, chị sẽ không bao giờ vào bếp nữa, em đừng khóc."

Hình như bà Lưu có chút buồn cười nói: "Em không khóc, chỉ chút kỹ năng đó của chị mà làm em tức khóc được à? Vừa nói chuyện với tiểu An nên khóc."

"Em, cái bà già này, sao tuổi càng lớn nước mắt càng nhiều vậy, lúc trẻ chịu đựng nhiều cay đắng cắn răng thế, chị làm cho em khóc cũng không thấy em khóc, bây giờ động chút là khóc, em, em muốn chị tức chết mà."

"Em vừa mới đọc trong tạp chí phụ nữ gì đó, nói là khóc nhiều có lợi cho việc trừ độc, có thể kéo dài tuổi thọ, đừng để đến lúc đó em đi trước, ai nấu cơm cho chị ăn? Cái bà kén chọn như chị đó."

"Xì xì xì, già rồi không nói quở, nói gì mà chết hay không, chị đi ra."

Vẫn là sườn xám màu tím ban đầu, màu sắc mờ hơn nhiều, con bướm trên đó cũng mất sức sống, chỉ là dáng vẻ vẫn nằm như ban đầu; bà cụ cao gầy trước kia, vào bếp một chuyến rồi đi ra, hình như viền mắt từ từ đỏ lên, ngậm nước mắt bên trong cố nén không cho nó rơi xuống.

Tôi nhìn một chút, có loại bi thương không rõ lan ra từ trong lòng ngực, lúc đó, tôi không hiểu được, nhưng tâm trạng vẫn tương thông, tôi học bà Lưu vừa rồi đối với bộ dáng của tôi, kéo tay bà Lý, để bà ngồi lên sô pha, dùng khăn giấy lau nước mắt của bà.

Lại bị bà Lý cầm lấy tay, bà giơ ngón tay lên "suỵt" một tiếng với tôi, khóe môi khẽ cong, lộ ra một nụ cười nhàn nhạt, tuy rằng bà đã già rồi, nhưng tôi vẫn cảm thấy bà là người già cười xinh đẹp nhất mà tôi từng thấy, độ cong nơi khóe mắt cũng hoàn mỹ vừa phải.

Bà ngửa đầu ra sau, tựa vào lưng sô pha, ép nước mắt trong mắt vào trong, rồi mới lên tiếng nói: "Tiểu An, đừng nói cho bà ấy biết là bà khóc."

"Nhớ kỹ, nếu sau này con khóc, lại không muốn để người khác thấy, đừng dùng khăn giấy lau, sượt qua sẽ đỏ, người khác rất dễ nhận ra, con nên ngửa đầu, ngước mặt lên, mãi đến khi ép nước mắt vào trong."

Tôi gật đầu vừa hiểu lại không hiểu.

Bà lại hỏi: "Ăn cơm tối chưa?"

Tôi lắc đầu.

"Muốn ăn ở đây không?"

Tôi nghiêng đầu một chút, lễ phép nói: "Nhưng mà, ba mẹ con làm cơm ở nhà ạ."

Bỗng bà lộ ra một nụ cười dỗ ngọt: "Vậy bà Lý đi nói với ba mẹ con, tối nay con ăn ở đây có được không?"

Tôi nghĩ rồi nghĩ, cảm thấy kem ở đây ăn ngon như vậy, nhất định cơm cũng ăn rất ngon, nên nói được.

Kết quả không cần nói cũng biết, buổi tối tôi ăn cơm ở nhà hai bà nội.

Hai hộp kem, một bữa cơm tối, hoàn toàn kéo gần khoảng cách của tôi với hai bà, từ ngày đó trở đi, tôi hầu như đã coi nhà đối diện là ngôi nhà thứ hai của mình, suốt ngày rảnh rỗi không có gì là sẽ chạy qua đó, thậm chí còn cầm bài vở sang đó làm, ba mẹ cũng không cản tôi, nói là con nít, ở chung với người già nhiều cũng có thể tăng thêm kiến thức, huống chi, ở cũng gần, chín giờ mỗi tối bọn họ sẽ gọi về ngủ.

Trước khi bà Lưu về hưu thì làm giáo viên ở một trường tiểu học, không biết bà Lý làm gì, nghe bà Lưu nói, là cầm bút, lúc đó tôi vắt hết óc cũng không nghĩ ra được cầm bút là làm gì, đi về hỏi ba mẹ, ba mẹ nói là viết văn, tôi nhớ thật kỹ, bà Lý là viết văn, cụ thể viết những gì thì tôi không biết, tôi quấn quít lấy bà để cho tôi xem, cho tôi xem, hơn phân nửa chữ trên đó tôi không biết là gì, sau này đành thôi.

Bà Lý hiểu biết rất nhiều thứ, thiên văn địa lý, khoa học xã hội, hầu như đều hiểu một ít, hiểu nhất là nói về một chút chuyện lịch sử, nhân vật lịch sử từ cổ chí kim, bà có thể nói một chút, hơn nữa nói liên tục, không hề khô khan chút nào. Sáu giờ mỗi đêm ăn tối xong, hai người bọn họ đi tản bộ về, an vị ngồi trên sô pha kể chuyện xưa, tôi ngồi một bên với bà Lưu, đều làm học sinh, nghe kể say sưa.

Con gái của các bà đúng là mỗi cuối tuần đều đến một lần, tôi gọi cô ấy là dì Viện, dì Viện lớn lên cũng rất đẹp, thật ra là tự tôi cảm thấy như vậy, bà Lý và bà Lưu lớn lên xinh đẹp, vậy con gái các bà cũng có thể đẹp, giống như tôi rất xinh đẹp, là vì ba mẹ tôi lớn lên đều rất đẹp.

Tôi hoàn toàn quên mất, mẹ từng nói với tôi, hai bà là một đôi góa phụ cô đơn, tôi lại nghĩ, coi hai bà là vợ chồng.

Cuộc sống tựa như hồ nước yên tĩnh, tuy rằng không hề dao động, nhưng chính nó đã có tiết tấu lưu động riêng sâu bên trong.

Bà Lưu và bà Lý sinh hoạt rất hài hòa, nhưng cũng không phải là yên lặng suốt ngày, phần lớn thời gian bà Lý đều ngồi bên bàn sáng tác, có đôi khi làm giúp chút việc nhà, còn bà Lưu, chỉ nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, ngồi ở cái ghế bên cạnh bà Lý đeo kính lão đọc sách, đến giờ cố định sẽ kéo bà cụ làm ổ trong phòng đi ra ngoài tản bộ, nhưng cũng có ngoại lệ.

Đó là một buổi tối mùa đông, hai người bọn họ gây gổ.

Lúc đó tôi nằm úp sấp ở trên bàn trong phòng khách làm toán, bà Lưu bưng ly sữa bò nóng vào phòng, chỉ chốc lát sau thì nghe thấy tiếng nói liên tiếp truyền ra từ trong phòng, tôi tưởng hai bà đang nói chuyện, tiếp tục làm bài tập, chưa tới một phút sau thì nghe thấy tiếng binh binh bang bang, như là cái gì đó rớt bể, sau đó là một tiếng đập cửa thật to.

Tôi ngẩng đầu, thấy bà Lý đi từ trong phòng ra, hầm hừ tức giận, thấy bà quay đầu lại nhìn chằm chằm cửa phòng, một phút sau, không có bất kỳ tiếng động gì, hình như bà càng tức giận hơn, gấp gáp đi lòng vòng trong phòng không mục đích. Bà đi vòng qua bàn ăn hai vòng, đứng lại, nhìn thoáng qua cửa phòng không có động tĩnh, lại đi ngược lại hai vòng, liếc nhìn cửa phòng đóng chặc, khóe mắt đỏ lên, sau đó vọt tới cửa, "rầm" một tiếng, cửa phòng khách bị đập, mang theo một trận gió, tựa như từ nay về sau đi không quay lại nữa.

Sau khi bà Lý đi ra ngoài, bà Lưu mới kéo cửa phòng ra, cũng đi ra với vẻ mặt tức giận, trong tay bà đang cầm một con búp bê bị bể.

Tức giận đến nỗi tay phát run, trong miệng không ngừng mắng: "Đồ tồi, đồ xấu xa. Không phải chỉ hư bản thảo thôi sao? Từ sáng đến tối chỉ biết bản thảo, bản thảo, rốt cuộc bản thảo hay người quan trọng hơn?"

"Có lòng tốt mang bữa tối cho chị ta, mình lỡ tay làm rớt ly làm ướt bản thảo còn trách lên đầu mình."

"Không phải mình chỉ nói thêm vài câu thôi sao? Cần gì cãi nhau với mình? Đồ xấu xa."

"Cãi thì cãi, sao phải đập đồ, cho dù mình làm rớt trước, nhưng mà mình chỉ rớt cái ly thôi, chị ta lại đập bể búp bê mình tặng cho chị ta năm đó," nói đến đây, tôi thấy trên nếp nhăn trong hốc mắt của bà Lưu chảy ra vài giọt nước mắt già nua, chảy xuống dọc theo kẽ bên gò má.

Tôi vội vàng lấy khăn giấy, nhưng mà tay lại không với tới gò má của bà Lưu, có chút sốt ruột.

Lúc này bà lại ngồi xổm xuống, ôm tôi khóc.

Vừa khóc vừa nói: "Tiểu An, con nói xem có phải bà ấy tồi lắm không."

Thật ra tôi không hiểu là từ "tồi" ấy có nghĩ gì, nhưng biết chắc hẳn không phải từ tốt gì, vì vậy thành thật nói: "Không phải đâu ạ."

Bỗng nhiên bà ngừng khóc, ngồi trên mặt đất trong phòng khách yên tĩnh một lúc, tâm trạng vừa mới dấy lên sóng lớn dần dần bình thường trở lại, biến thành vằn nước nhàn nhạt, nhẹ nhàng nói: "Đúng thật chị ta không phải đồ tồi, nếu không làm sao năm đó mình lại coi trọng chị ta được. Lẽ nào mình mù rồi?"

Tôi trợn mắt nhìn, phát hiện mình ngày càng không hiểu, nhưng mà tôi nghĩ lại chắc bà Lưu đang nói một mình, bà không cần tôi hiểu.

Quả nhiên nghe bà ấy hỏi tôi: "Tiểu An con còn nhớ rõ bà ấy đi ra lúc nào không?"

Tôi nhìn đồng hồ trên tay một chút, suy nghĩ lại một chút, nói: "Chắc là bảy giờ hai mươi ạ. Bây giờ là bảy giờ năm mươi."

Bà gật đầu, lẩm bẩm: "Bảy giờ hai mươi, bảy giờ hai mươi, không sao, tám giờ hai mươi sẽ quay về thôi." Nói xong làm như không có việc gì ngồi vào ghế sô pha cầm một quyển sách lên xem.

Chỉ là đồng hồ treo tường trên tường chạy "tít tắc tít tắc". Hai mươi phút trôi qua, sách trong tay bà cũng không có lật trang khác, tôi tiến tới nhìn, rất kinh ngạc hỏi: "Bà Lưu, bình thường bà đọc sách đều nhìn ngược sao ạ?"

"Hả? À", bà Lưu mở sách ra, mắt nhìn chằm chằm chữ màu đen bên trên, nhìn không bao lâu thì không kiên nhẫn ném qua một bên, nhìn lướt qua đồng hồ treo tường, vỗ nhẹ l*иg ngực mình, thở phào một cái, lẩm bẩm: "Tám giờ mười hai, còn tám phút, tám phút, đừng lo lắng, còn tám phút nữa là chị ấy về."

Ngay sau đó đứng lên, đi tới đi lui trong phòng, đi từ phía đông sang phía tây, từ phía tây đi về phía đông, tới tới lui lui.

Rốt cuộc, đến tám giờ hai mươi.

Cửa vẫn không có chút động tĩnh nào.

Tôi nghe bà Lưu lại tức giận mắng: "Cái bà già chết bầm này, đi ra ngoài không đội mũ, không choàng khăn cổ, bên ngoài có tuyết rơi, đông lạnh té thì làm sao đây?", dùng tay xoa xoa nước mắt sau đó nhăn mí mắt, nhưng không ngừng lấy một giây nào, mặc áo khoác lên người, lấy khăn quàng cổ, mũ bông của bà Lý treo sau mắc cửa xuống, mở cửa phòng ra.

Tôi mặc quần áo xong theo sau, nói: "Con cũng đi."

Bà liếc nhìn tôi, không có từ chối, chỉ giúp tôi đội mũ cho tốt, trùm khăn quàng lên, nắm tay tôi xuống lầu, tay bà Lưu vốn cực kỳ khô ráo, nhưng bây giờ lại có chút trơn nhẵn.

Tuyết rơi xuống là dính vào ngay. Bóng đêm cũng không quá tối, có thể thấy một mảnh trắng xóa mênh mông mịt mù trước mắt, giáp với trời, trên nhánh cây cũng được bao phủ bởi tuyết tuyết trắng, có vẻ như có ai đó dùng một chiếc cọ lớn để sơn màu trắng lên, lặp đi lặp lại trên tất cả cành cây, làm cho bóng cây đung đưa trong màn đêm trắng mềm mại, gần gần xa xa, hiện ra chồng chất.

Tuyết đóng cũng sâu, lúc trước xuống lầu là bà Lưu cầm tay tôi, vậy mà bây giờ mỗi bước đi trong đống tuyết giẫm xuống lại run lẩy bẩy, đột nhiên tôi cảm thấy bản thân có loại ý thức mạnh mẽ về sứ mệnh, mình muốn làm chỗ dựa cho bà Lưu, chống đỡ bà tìm được bà ấy trong mảnh tuyết trắng này.

Hoa viên, trạm nghỉ chân, sân bóng rổ, tôi nhìn đồng hồ đeo tay một chút, chúng tôi đã đi trong tuyết gần một giờ, tay của bà Lưu gần như là chống đỡ trên vai tôi, chân run kịch liệt.

Tuyết rơi xuống thưa thớt, có một bông tuyết rơi trên vai xanh đen của bà, tôn lên mái tóc hoa râm của bà, đèn đường mờ nhạt, bà dừng bước.

Bỗng nói: "Tới chín giờ chưa?"

Tôi nói: "Chín giờ mười một rồi ạ."

"Vậy mau trở về đi, ba mẹ con không tìm được con sẽ lo lắng đó. Chắc là... bà ấy về rồi."