"Nương." Cẩm Nương trực tiếp nhét vào túi áo của La Ngọc Nga, "Người cứ cầm đi, ba bữa một ngày trong nhà đều nhờ người lo liệu, giờ sắp vào thu rồi, đệ đệ vẫn chưa có áo bông quần bông gì cả. Hai lạng bông cũng đã bảy mươi sáu văn, chỉ lớp lót trong một chiếc áo bông thôi cũng cần đến bốn năm trăm văn, may xong cả bộ cũng mất đến năm trăm văn rồi."
Y phục thời Bắc Tống thật sự không rẻ. Bây giờ, bông chưa được trồng phổ biến, đa phần dân thường đều mặc áo độn rơm hỗn tạp, Trước kia Cẩm Nương cũng mặc áσ ɭóŧ và áo độn rơm chồng lên nhau. Phải đến năm kia, tiệm thêu Thục Tú Các mới phát cho một chiếc áo bông loại hạ đẳng, nàng mới có thứ để chống lạnh.
Thế nhưng đệ đệ lại chẳng có lấy một chiếc áo bông tử tế nào. Bây giờ, nó vẫn đang mặc chiếc áo của Tam cô nãi nãi bên nhà nội cho, đến cả bông bên trong cũng đã chuyển màu đen.
La Ngọc Nga chỉ đành xấu hổ nhận lấy, miệng lẩm bẩm: "Thật là lỗi của người làm cha nương như chúng ta."
Cẩm Nương liếc nhìn mẫu thân, trong ánh mắt đầy lưu luyến, nhưng lại như hạ quyết tâm, kéo La Ngọc Nga ngồi xuống: "Nương, con định cùng Trần nương tử đến Biện Lương."
"Biện Lương?" La Ngọc Nga lập tức phản đối, "Cô nương nhà lành đến nơi xa như thế làm gì?"
Cẩm Nương đáp: "Năm ngoái Trần nương tử của Thục Tú Các bọn con may áo cưới cho tiểu thư Công gia. Vị tiểu thư ấy gả tới Biện Kinh, người thân bên đó vừa thấy liền khen không ngớt. Thế là muội muội của phủ Công phu nhân, nhà cũng có vài vị tiểu thư sắp đến tuổi cài trâm, bèn mời Trần nương tử qua đó làm việc may vá. Trần nương tử cần chọn bốn người cùng đi, vừa hay chọn trúng con. Con vốn không muốn rời xa cha nương, nhưng nếu không đi, mai sau thêu đến mù mắt cũng chẳng kiếm được bao nhiêu tiền."
Nghề thêu rất coi trọng kinh nghiệm và lý lịch. Nếu từng làm việc cho gia đình quyền quý, sau này đến nhà khác sẽ dễ dàng xin được tiền lương cao.
La Ngọc Nga lại lo lắng: "Mấy nhà quyền quý đâu dễ đối phó như vậy, con lại sắp đến tuổi bàn chuyện hôn sự, đi xa như thế ngược lại làm trễ nải chính mình. Bây giờ con vẫn tự do, nương không nỡ để con đi làm tỳ nữ cho người ta, bị đánh mắng cũng không ai đứng ra bênh vực."
Cẩm Nương biết nhất định phải thuyết phục được mẫu thân, chuyện này mới có thể chốt được. Vì vậy, nàng nói: "Nương, hiện giờ quan phủ đều cấm mua bán nô tì rồi, chúng ta cũng đâu phải bị bán đứt vào đó, chẳng qua là ký khế ước làm thuê ba năm, hết ba năm, con lại được tự do. Đối với những người thuê ngoài như chúng con, họ cũng chẳng dám ra tay quá đáng đâu."
Thời Bắc Tống vừa tồn tại tỳ nữ, vừa có chế độ thuê ngoài. Nhưng phần lớn đều là thuê ngoài, triều Tống đã bãi bỏ chế độ thân phận tiện dân, không được gọi là "tiện dân" nữa, đều phải gọi là "nữ sử". Tỳ nữ thì không có hộ tịch và thân phận, còn người làm thuê đều là lương dân, là dân có tên trong hộ tịch của triều đình.