Dung Mạo Khó Đoán Lòng Người

Chương 17

Đoạn Lập Hiên được đẩy đi làm sạch vết thương, Trần Hi Nam đến phòng trực lau người. Đây là ca phẫu thuật thứ tư của cậu hôm nay. Không, có lẽ đã không phải là hôm nay nữa - kim đồng hồ đã chỉ ba giờ rưỡi sáng.

Phẫu thuật thần kinh ngoại khoa, động vào không phải não thì là tủy sống. Bốn năm tiếng là chuyện bình thường, mười mấy tiếng cũng không phải là hiếm. Mà đôi tay của bác sĩ thần kinh ngoại khoa, trong khoảng thời gian này là không ngừng nghỉ một khắc nào.

Tay phải thường cầm một cái kẹp nhọn đầu, kéo, hoặc các loại đầu dò có kích thước khác nhau. Cái kẹp có tên là "lưỡng cực" (dao điện), có thể làm đông các mạch máu nhỏ; cái kéo có tên là "kéo vi phẫu", có nhiệm vụ cắt mạch máu và mô; đầu dò có tên là "dụng cụ bóc tách thần kinh", dùng để bóc tách các mô xung quanh và làm lộ ra dây thần kinh.

Còn tay trái thì phải nắm một ống kim loại suốt cả quá trình, gọi là dụng cụ hút. Trên dụng cụ hút có một khe hở, có thể dùng ngón tay cái che đi độ dài ngắn của nó để điều chỉnh lực hút.

Tay phải còn có thời gian để thay đổi dụng cụ, còn tay trái thì giữ nguyên một tư thế suốt cả quá trình. Có khi một ca phẫu thuật xong, phải dùng sức mới có thể duỗi ra được. Tổ trưởng của Trần Hi Nam là Diêu Quang Bình, vì nhiều năm làm việc lâm sàng mà bị viêm quanh khớp vai, cánh tay trái đã không thể nâng lên cao được nữa.

Đây là một cuộc sống hoàn toàn không thể nói là có chất lượng. Nghiên cứu khoa học, phẫu thuật, khám bệnh, hành chính thay phiên nhau diễn ra, xen kẽ là xử lý các mối quan hệ y tế - bệnh nhân nhạy cảm, căn bản không có thời gian riêng tư. Nếu không có gen kháng áp lực bẩm sinh và sở thích mạo hiểm, người ta rất dễ bị cuộc sống kiểu này ép phát điên. May mà Trần Hi Nam bản tính có phần lập dị, lại có thành tựu học thuật, nên đảm bảo được địa vị và thu nhập nhất định.

Nhưng đa số các bác sĩ trẻ, cuộc sống sẽ bi thảm hơn nhiều.

Bác sĩ nội trú ăn ở tại bệnh viện, 24/24 giờ luôn trong trạng thái sẵn sàng. Toàn quyền phụ trách quản lý và xét nghiệm hàng ngày của bệnh nhân, mỗi ngày đều có vô số bệnh án phải viết;

Dưới bác sĩ nội trú, còn có một nhóm người càng khổ sở hơn, đó là các bác sĩ đang thực tập.

Thực tập phần lớn là sinh viên y khoa đã tốt nghiệp đại học. Tuy làm việc ở bệnh viện, nhưng không được tính là nhân viên, cũng không nhận được bao nhiêu tiền lương. Bác sĩ thực tập ở bệnh viện số 2, thu nhập một tháng chỉ có 1100 tệ. Công việc cũng chủ yếu là viết bệnh sử, sắp xếp bệnh án, đẩy giường, khử trùng, lấy mẫu bệnh phẩm, chạy việc vặt… Chỉ khi nào chịu đựng đủ ba năm, mới có thể nhận được chứng chỉ thực tập, chính thức trở thành một bác sĩ.

Còn trước đó, họ là những con trâu ngựa rẻ mạt, là đối tượng bị bệnh viện bóc lột chủ yếu.

Đúng vậy, trách nhiệm của bệnh viện là cứu người chữa bệnh. Nhưng nó không phải là một tổ chức từ thiện, nó gánh trên vai áp lực lợi nhuận. Nếu không cho phép bệnh viện công kiếm tiền, thì nó cũng sẽ giống như công ty mà phá sản. Nhưng khi lợi nhuận trở thành mục tiêu quan trọng của bệnh viện, rất nhiều thứ sẽ đi ngược lại với mục đích ban đầu là cứu người chữa bệnh. Lạm dụng điều trị, thu phí bất hợp pháp, bóc lột bác sĩ thực tập, nhận lại quả từ doanh nghiệp sau khi đấu thầu…