Chương 19: Lũ
Tình yêu bắt đầu như thế đó. Những ngày tháng hạnh phúc của đôi trẻ bắt đầu.Ông Bá là bố của chị Mẫn. Như lúc đầu tôi kể, ông là thầy cúng. Thực ra ông còn kiêm luôn cả thầy lang có tiếng trong vùng nữa. Thế nên ngoài thời gian làm nương rẫy, chị Mẫn hay vào rừng hay men theo suối để kiếm lá thuốc về cho ông Bá.
Ông Bá ra chừng cũng thích anh Hòa lắm. Chẳng gì anh cũng là kỹ sư địa chất. Duy chỉ có điều, ngày ấy ở miền xuôi, đi học đã là một điều khó khăn thì trên miền sơn cước như thế lại là 1 điều xa xỉ. Thế nên dù biết rất nhiều liên quan đến nghề lang y của ông Bá, nhưng 18 tuổi chị Mẫn lại không được đi học. Chị như đứa con trong sáng của đại ngàn Tây Bắc.
Trước đây, anh Hòa coi nghề địa chất như cả tuổi trẻ, đam mê và nhiệt huyết của mình. Nhưng dạo này, ngoài thời gian làm ngoài công trình, anh Hòa còn có thêm một công việc nữa, mà công việc này anh thấy còn cuốn hút hơn cả mấy mẫu đá ngoài công trình. Đó là tối đến nhà ông Bá dạy chữ cho chị Mẫn.
Chị Mẫn sáng dạ lắm, dạy chừng 1 tháng là chị có thể đánh vần, cầm bút viết được những từ đơn giản. Tuy nét chữ chưa được rõ ràng lắm nhưng đó cũng là cả một quá trình cố gắng của hai anh chị.
Mọi người, ai nấy cũng mừng cho đôi trẻ. Ông Bá, anh Hòa, chị Mẫn, mấy người trong đội địa chất của anh nữa. Ai cũng mong một lễ cưới được diễn ra cho trọn vẹn.
Duy chỉ có bác Năm, đội phó phụ trách đội địa chất của anh Hòa. Biết chuyện anh quen với chị Mẫn, bác Năm vừa mừng, vừa lo cho anh. Mừng là thế, nhưng cái điều bác lo, nói ra thì bảo dại mồm hay tà ý. Nhưng cũng không phải không có cơ sở.... Đó là món bùa ngải của người Mường. Nói thẳng ra là nếu anh Hòa và chị Mẫn đến được với nhau, chung sống với nhau êm đẹp thì chẳng sao. Còn lại, chẳng may không đến được với nhau hay chia tay, thì anh Hòa sẽ là người lãnh đủ.
Bùa yêu, thứ bùa tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết, trong những câu chuyện liêu trai người ta hay kể cho nhau. Thế nhưng bác Năm là người đã tận mắt chứng kiến sự đáng sợ của thứ bùa này. Thế nên mừng cho anh Hòa quen được chị Mẫn, nhưng bác cũng lo. Rồi cái sự lo ấy nó cũng đến....
Thời gian cứ thế trôi cùng với sự trưởng thành trong tình yêu của đôi trẻ. Nét chữ của chị Mẫn cũng mượt mà hơn.........
Tháng 10, mùa lũ, đội địa chất của anh Hòa tạm nghỉ. Đợt này thượng nguồn mưa nhiều nên nước về nhiều, đơn vị anh Hòa không khoan được ở lòng sông. Thời gian này anh hay đi cùng chị mẫn lang thang dọc các con sông suối nhỏ để đi tìm lá thuốc. Chính vì thế, thời gian anh chị bên nhau cũng nhiều hơn.
Trưa ấy, chị Mẫn rủ anh Hòa vào rừng lấy cây cỏ máu về cho ông Bá. Loại này ít người biết lắm, chỉ có những người làm nghề lang y như ông Bá mới biết được tác dụng quý của cây này. Chỗ này chị Mẫn đi với ông Bá mấy lần nên đã thuộc được vị trí chỗ đó.
Đi bộ dọc bờ sông mấy cây số cũng đến nơi. Đó là một thân cây sung cổ thụ lâu năm, phải đến bốn người ôm mới xuể. Nhưng cây cỏ máu không phải cây ấy, cỏ máu là cái cây gửi, bám ngoằn ngoèo trên thân cây sung cổ thụ. Để chặt hết mang về chỗ này không phải điều đơn giản.
Phải chặt phần gốc, sau đó phải trèo lên thân cây sung, chặt phần ngọn, rồi dỡ ra, mang phần thân về. Mỗi lần chặt, nhựa cây lại chảy ra, đỏ lòm. Sở dĩ vậy nên nó mới có tên là cỏ máu. Anh Hòa trèo lên thân cây sung để chặt phần ngọn. Trời chiều bắt đầu mưa lâm thâm. Trèo lên cây sung là cả một quá trình. Phần vì thân cây to, phần vì trời mưa nên thân cây nó trơn. Loay hoay mãi mới trèo lên được.
Trời bắt đầu tối dần. Mưa bắt đầu cũng nặng hạt hơn. Hai anh chị loay hoay một lúc cũng gần xong việc.
Chợt, bỗng có tiếng ầm ầm như thác đổ từ trên thượng nguồn vọng xuống. Tiếng thân cây đỏ rạp vào nhau, tiếng đá va chan chán...Chừng đó đủ để anh Hòa biết được. Lũ ống rồi.
– Chạy đi Mẫn, chạy đi...
Thế nhưng chẳng kịp nữa rồi, con nước như sự giận dữ của mẹ thiên nhiên, cuốn phăng tất cả những gì trên đường nó gặp phải. Ào ào và dữ dội. Chị Mẫn chẳng kịp chạy lên cao, chỉ kịp hét lên : Anh Hòa ơi......