Không Có Ngày Mai

Chương 4

Chương 4
CHÚNG TÔI NHÌN THẲNG VÀO MẮT NHAU liên tục chừng mười giây. Đoạn tôi đứng dậy, gượng cưỡng lại sự di chuyển của con tàu rồi tiến một bước. Tôi có thể chết khi còn cách chín mét, chẳng cần phải bàn. Có tiến gần hơn tôi cũng chẳng thể chết hơn được. Tôi đi qua người phụ nữ gốc Tây Ban Nha phía bên trái. Tiến qua người đàn ông mặc sơ mi NBA phía bên phải. Qua người phụ nữ Tây Phi bên trái. Hai mắt cô ta vẫn nhắm. Tôi chuyển từ thanh nắm này tới thanh nắm kế tiếp, trái rồi phải, người lắc lư. Hành khách số 4 chằm chặp nhìn tôi suốt quãng đường ấy, sợ hãi, hổn hển, lầm bầm. Hai tay cô ta vẫn để trong chiếc túi.

Tôi dừng lại cách cô ta non hai mét.

Tôi nói, “Tôi thực sự muốn là mình nhầm về chuyện này.”

Cô ta không trả lời. Hai môi cô ta mấp máy. Đôi tay cô ta dịch chuyển dưới lớp vải bạt đen dày. Vật to lớn trong chiếc túi của cô ta dịch chuyển một chút.

Tôi nói, “Tôi cần trông thấy hai bàn tay cô.”

Cô ta không nói gì.

“Tôi là cảnh sát,” tôi nói dối. “Tôi có thể giúp cô.”

Cô ta không nói gì.

Tôi nói, “Chúng ta có thể nói chuyện.”

Cô ta không nói gì.

Tôi buông những thanh nắm và thả hai tay dọc theo thân người. Việc đó khiến tôi trông nhỏ bé hơn. Ít vẻ đe dọa hơn. Chỉ là một gã đàn ông. Tôi đứng yên trong mức con tàu cho phép. Tôi không làm gì. Tôi chẳng có lựa chọn nào. Cô ta chỉ cần một phần nhỏ giây. Tôi thì cần nhiều hơn thế. Trừ một điều là hoàn toàn không có gì tôi có thể làm. Lẽ ra tôi có thể túm lấy cái túi và cố giằng nó khỏi tay người phụ nữ. Nhưng nó quấn quanh người cô ta và cái quai là loại vải cô tông to bản dệt chắc. Cùng loại dệt như vòi cứu hỏa. Nó được giặt trước, làm cho cũ đi trước và làm cho nhàu sẵn, giống như người ta vẫn làm với các loại vải mới bây giờ, nhưng nó vẫn còn rất chắc. Hẳn rốt cuộc là tôi sẽ giật cô ta khỏi ghế mà quẳng xuống sàn toa.

Trừ một điều là tôi sẽ không thể đến được chỗ nào gần cô ta. Cô ta sẽ ấn cái nút trước khi tay tôi đi được nửa quãng đường tới đó.

Lẽ ra tôi có thể cố giật cái túi lên trên và dùng tay còn lại vơ vào phía sau nó để giật dây kích nổ khỏi các điểm tiếp xúc. Trừ một điều là, để cô ta di chuyển dễ dàng, dây kích nổ sẽ dài hơn mức cần thiết, khiến tôi phải kéo cho đủ một vòng cung rộng tới sáu mươi phân trước khi gặp phải bất kỳ sự kháng cự nào. Đến khi ấy thì cô ta đã bấm nút xong, trừ phi bị sốc bất ngờ.

Lẽ ra tôi có thể túm áo khoác cô ta và cố giật vài sợi dây khác ra. Nhưng giữa tôi và lớp dây có những túi dày nhồi lông ngỗng. Và lớp ngoài áo bằng nylon trơn tuột. Không chạm được, không nắm được.

Không hy vọng gì.

Lẽ ra tôi có thể cố gắng khống chế đối tượng. Đánh mạnh vào đầu cô ta, hạ gục cô ta, một cú đấm, chớp nhoáng. Nhưng dù có nhanh nhẹn như tôi bây giờ, một động tác di chuyển mau lẹ từ phạm vi dưới hai mét sẽ phải mất tới nửa giây. Còn cô ta phải di chuyển đầu ngón tay cái đi ba mi li mét.

Cô ta sẽ tới đích trước.

Tôi hỏi, “Tôi có thể ngồi xuống không? Cạnh cô ấy?”

Cô ta đáp, “Không, tránh xa tôi ra.”

Một chất giọng chung chung, không ngữ điệu. Không có âm sắc rõ ràng. Giọng Mỹ, nhưng cô ta có thể là người từ bất kỳ đâu. Nhìn gần thì cô ta không có vẻ thực sự hoang dại hay loạn trí, chỉ là cam chịu, u ám, sợ hãi, mệt mỏi. Cô ta nhìn lên tôi, cũng chằm chặp như nãy giờ nhìn ô cửa sổ trống phía đối diện. Cô ta trông hoàn toàn cảnh giác và tỉnh táo. Tôi cảm thấy mình bị soi tận chân tơ kẽ tóc. Tôi chẳng thể nhúc nhích. Tôi không thể làm gì cả.

“Muộn rồi,” tôi lên tiếng. “Cô nên đợi tới giờ cao điểm.”

Cô ta không nói gì.

“Sáu tiếng nữa,” tôi tiếp. “Khi ấy sẽ tốt hơn nhiều.”

Hai bàn tay cô ta nhúc nhích, bên trong chiếc túi.

Tôi nói, “Không phải lúc này.”

Cô ta không nói gì.

“Chỉ một thôi,” tôi nói. “Cho tôi nhìn thấy một bàn tay. Cô không cần đặt cả hai tay trong đó.”

Tàu đột ngột giảm tốc độ. Tôi loạng choạng lùi rồi lại tiến lên một bước, với tay tới thanh nắm gần trần toa. Hai bàn tay tôi ẩm ướt. Thép có cảm giác nóng. Ga Trung tâm, tôi nghĩ. Nhưng không phải. Tôi liếc ra ngoài cửa sổ hy vọng trông thấy những bóng đèn và lớp gạch lát màu trắng nhưng chỉ thấy ánh sáng của một ngọn đèn xanh mờ. Chúng tôi đang dừng trong đường hầm. Để bảo trì, hoặc đánh tín hiệu xin đường.

Tôi quay lại.

“Cho tôi trông thấy một bàn tay,” tôi nói lần nữa.

Người phụ nữ không trả lời. Cô ta đang chằm chặp nhìn vào eo tôi. Khi hai tay giơ cao, áo phông của tôi bị kéo lên lộ rõ vết sẹo sâu ở bụng phía trên lưng quần. Lớp da trắng nổi lên, cứng và sần sùi. Những đường khâu lớn thô vụng, giống như một bức biếm họa. Sản phẩm của mảnh bom từ một vụ đánh bom bằng xe hơi ở Beirut cách đây đã lâu. Khi ấy tôi cách nơi xảy ra vụ nổ một trăm mét.

Giờ thì tôi cách người phụ nữ trên băng ghế gần hơn chín mươi tám mét so với hồi đó.

Cô ta vẫn chằm chằm nhìn. Hầu hết mọi người hỏi tôi đã dính vết sẹo đó như thế nào. Tôi không muốn cô ta hỏi. Tôi không muốn nói chuyện về bom. Không muốn nói với cô ta.

Tôi nói, “Cho tôi trông thấy một bàn tay.”

Cô ta hỏi, “Tại sao?”

“Cô không cần bỏ cả hai tay trong đó.”

“Vậy thì liên quan gì tới ông?”

“Tôi không biết,” tôi nói.

Tôi thực sự không biết mình đang làm gì. Tôi không phải một tay đàm phán giải cứu con tin. Tôi nói chỉ để nói. Đó không phải đặc điểm của tôi. Thường tôi là người rất ít lời.

Nếu tính xác suất thì rất ít khả năng tôi chết khi đang nói dở câu.

Có lẽ đó là lý do vì sao tôi đang nói.

Người phụ nữ cử động hai bàn tay. Tôi thấy cô ta siết chặt bàn tay phải vẫn để trong túi và từ từ rút tay trái ra. Bàn tay nhỏ, tái xanh, lờ mờ đường gân và mạch máu. Làn da của người trung tuổi. Những móng tay trơn, cắt ngắn. Không có chiếc nhẫn nào. Không chồng, không đính hôn để tiến tới lấy chồng. Cô ta lật bàn tay cho tôi xem phía bên kia. Lòng bàn tay trống trơn đỏ lên vì cô ta nóng.

“Cảm ơn,” tôi nói.

Người phụ nữ đặt úp bàn tay xuống ghế bên cạnh và cứ để ở đó, như thể nó chẳng liên quan gì tới những phần còn lại của cơ thể cô ta. Mà không liên quan thật, ngay tại thời điểm đó. Tàu dừng lại trong bóng tối. Tôi hạ hai bàn tay xuống. Gấu áo sơ mi của tôi tụt xuống vị trí cũ.

Tôi nói, “Giờ hãy cho tôi xem thứ trong túi.”

“Tại sao?”

“Tôi chỉ muốn trông thấy nó. Dù nó là gì.”

Cô ta không đáp lại.

Cô ta không cử động.

Tôi bảo, “Tôi sẽ không cố giành nó từ cô. Tôi hứa. Tôi chỉ muốn trông thấy nó. Tôi chắc là cô hiểu.”

Tàu lại tiếp tục chạy. Tăng tốc từ từ, không giật, tốc độ thấp. Chạy nhẹ nhàng vào ga. Lướt từ từ. Tôi nghĩ, có lẽ còn hai trăm mét.

Tôi nói, “Tôi nghĩ tôi có quyền ít ra là trông thấy nó. Cô không nhất trí à?”

Người phụ nữ nhăn mặt, như thể cô ta không hiểu.

Cô ta nói, “Tôi chẳng hiểu sao ông lại có quyền thấy nó.”

“Cô không hiểu à?”

“Không.”

“Vì ở đây tôi là người có liên quan. Và có lẽ tôi có thể kiểm tra xem nó được lắp đặt đúng cách hay chưa. Cho sau này thôi. Bởi cô cần thực hiện việc này sau. Chứ không phải lúc này.”

“Ông nói ông là cảnh sát.”

“Chúng ta có thể giải quyết vụ này,” tôi bảo. “Tôi có thể giúp cô.”

Tôi liếc qua vai mình. Con tàu đang bò đi. Ánh đèn sáng trắng phía trước. Tôi quay lại. Tay phải của người phụ nữ đang cử động. Cô ta xốc xốc, nắm lại chặt hơn và chầm chậm run rẩy rút ra khỏi túi, thật bất ngờ.

Tôi chú ý quan sát. Túi vướng vào cổ tay, cô ta dùng tay trái gỡ nó ra. Bàn tay phải cô ta thoát ra.

Không phải pin. Không phải dây nhợ. Không công tắc, không nút bấm, không pít tông.

Một thứ hoàn toàn khác.