Chương 1-6: Quốc đảo xa xôi(6)
15.Sau khi từ chùa về, Lâm Phương Văn có viết vài ca khúc, nhưng công ty thu âm cho rằng mấy ca khúc này có phần cao siêu quá sẽ ít người hiểu được, muốn anh sửa lại đôi chút. Anh một chữ cũng không chịu sửa. Bọn họ nói: “Sao anh không tiếp tục viết mấy bài như trước đây? Tốt nhất không nên thay đổi.”
Lâm Phương Văn cố gắng đột phá bản thân, nhưng họ lại sợ anh quá đột phá.
Tối hôm đó, anh đã cãi nhau ầm ĩ với Diệp Hòa Điền trong phòng thu. Tôi đứng ở ngoài, cách lớp kính thủy tinh, không nghe họ đã nói những gì. Lâm Phương Văn lao ra ngoài, chạy đi không quay đầu lại, tôi đành phải vội vàng đuổi theo anh.
Anh lững thững đi trên đường, tôi ngóng nhìn theo bóng lưng suy sụp tinh thần biết bao kia. Anh đã từng viết ra vô số bài hát cảm động. Ngay lúc này, từng bài từng bài hiện lên trong lòng tôi. Tôi im lặng đi sau anh một quãng. Tôi không biết mình có thể làm được gì cho anh. Tôi vô dụng quá.
Không biết đi như vậy bao lâu, anh bỗng nhiên quay người lại, mỉm cười hỏi tôi:
“Sao em đi chậm vậy? Ở sau lưng anh làm gì?”
“Em không biết giúp anh thế nào.” Tôi nói.
Tôi thật mong muốn tôi là một người phụ nữ dịu dàng. Vào giây phút này, tôi có thể nói những lời an ủi anh. Đáng tiếc, tôi chưa bao giờ được như thế.
“Em ổn chứ?” Ngược lại, anh còn an ủi tôi.
“Anh tốt nhất.” Tôi nói với anh.
Anh nở nụ cười: “Mỗi người phụ nữ đều cho rằng người đàn ông họ yêu là tốt nhất.”
“Em không phải người mù quáng.” Tôi hùng hồn nói.
“Mù quáng có gì không tốt chứ? Chỉ cần là người mình yêu, mọi thứ của người đó đều tốt. Kiểu mù quáng này hạnh phúc bao nhiêu? Nếu con người có thể mù quáng cả đời, cũng chính là mãi mãi không thay đổi.”
“Nhưng thật sự anh là tốt nhất. Ở phương diện này, em không mù quáng.”
“Nhưng anh lại hi vọng mình có thể mù quáng một chút. Mù quáng tin rằng chính mình mãi mãi là tốt nhất. Như vậy, anh mới có thể vẫn viết tiếp, vẫn cứ lặp lại, sẽ không nghĩ nhiều.”
“Anh muốn như vậy sao?” Tôi hỏi.
“Vẫn là không muốn.” Anh đút hai tay vào túi quần, cúi đầu thấp xuống, nói với giọng đau thương: “Có lẽ anh không hợp viết ca từ.”
“Ai nói thế?”
“Không viết bài hát, cuộc sống còn rất nhiều chuyện có thể làm.” Anh ngẩng đầu lên, cười khổ nói.
Tôi cũng cười khổ: “Vì sao không phải em an ủi anh, mà là anh lại an ủi em chứ?”
“Bởi vì, em tương đối vô dụng.” Anh dùng tay vỗ vỗ đầu tôi.
Lâm Phương Văn thực sự trưởng thành. Nếu là trước đây, tối hôm nay anh sẽ một mình chạy thẳng về nhà, mà quên mất tôi ở phía sau. Anh lại càng không bao giờ bày khuôn mặt vui vẻ để an ủi tôi. Anh trưởng thành từ khi nào? Là khi mẹ anh mất sao? Đúng vậy, tôi bây giờ là người thân duy nhất của anh. Một Lâm Phương Văn trưởng thành, có nên vui hơn không?
Tôi biết anh không nỡ bỏ chuyện viết lời bài hát. Ở đó anh mới tìm được bản thân mình. Đó là điều đáng tự hào nhất của anh. Muốn anh bỏ nó, anh sẽ không cam tâm.
“Em đừng thế nữa. Em nhìn xem, ánh trăng đêm nay đẹp xiết bao.” Anh dùng ngón tay hất cằm tôi lên, muốn tôi nhìn vầng trăng treo lơ lửng trên trời cao.
Vầng trăng tròn vành vạnh, vào giây phút này, không khỏi có phần hờ hững.
“Tại sao từ cổ chí kim, hầu như tất cả những đôi tình nhân đều phải ngắm trăng, tất cả nhà văn nhà thơ đều ca tụng ánh trăng, dùng ánh trăng để nói về tình yêu?” Tôi có chút phản đối chuyện đó “Trên trời còn có mặt trời, sao và mây mà!”
“Bởi vì chỉ có mặt trăng mới có chu kỳ tròn khuyết.”
“Sao cũng có lúc sáng lúc tắt.”
“Nhưng mà sự biến hóa của chúng không nhiều bằng ánh trăng.”
“Cầu vồng còn hiếm thấy hơn!”
“Em có quyền không thích ánh trăng.” Anh hết cách với tôi.
“Anh có thích không?” Tôi hỏi anh.
“Thích.”
“Vậy em cũng thích.” Tôi nói.
Anh lắc đầu:
“Quả nhiên là mù quáng.”
“Không phải anh nói, mù quáng cả đời cũng là một loại hạnh phúc sao?”
“Không ngờ em mù quáng đến tình trạng này.”
“Không phải mù quáng hoàn toàn, nào có hạnh phúc hoàn toàn chứ?”
“Ồ, phải vậy không?”
“A, em biết vì sao tình yêu không tách rời khỏi ánh trăng rồi.” Tôi reo lên.
“Vì sao?”
“Vì tất cả mọi người đều thích màu vàng nha!”
“Anh nói không phải.”
“Vậy tại sao?”
“Vì ánh trăng là ngọn đèn mà mọi người không thể tắt đi. Nó là ngọn đèn mãi mãi.”
“Nghe nói, chẳng bao lâu nữa nhân loại có thể đem tro cốt của người chết dùng tên lửa phóng ra ngoài vũ trụ, rơi trên vỏ mặt trăng, sẽ chu du trong vũ trụ rộng lớn và quay quanh trái đất không ngừng nghỉ.”
“Đến lúc chết mới đặt chân lên mặt trăng? Có phải quá muộn rồi không?”
“Dù sao cũng được đến mặt trăng!”
“Nếu anh chết trước, em muốn bắn anh lên mặt trăng sao?” Anh bày ra bộ dạng sợ hãi, nói đùa với tôi.
“Bắn anh lên đó khá hay mà. Bắn anh lên đó rồi, như vậy sau đó ánh trăng cũng có thể hát. Chứ bắn em lên đó, không làm được gì cả, vẫn giống ánh trăng trước đó thôi.”
“Không giống đâu.” Anh nói.
“Sao lại không giống?”
“Bắn em lên đó, vậy thì ánh trăng mỗi đêm chính là ngọn đèn của một mình anh.”
“Anh có tắt nó không?”
“Là tắt không nổi.”
Từ tối hôm đó, tôi cũng giống như đa số mọi người, thích nhìn lên trời cao ngắm trăng. Ánh trăng mỗi người nhìn thấy được, phải chăng đều không giống nhau? Một mình ngắm nhìn, với ngắm nhìn cùng người yêu, cũng đã không giống nhau rồi. Ánh trăng của Lâm Phương Văn, ánh trăng của tôi có bao giờ chồng lên nhau không? Nếu có, vậy là toàn bộ ánh trăng trải dài hay chỉ là một chút ánh sáng nho nhỏ chồng lên nhau?
16.
Hơn nửa năm sau, Lâm Phương Văn không viết lời bài hát nữa. Không có anh, những bài hát vẫn được tiếp tục hát lên, chỉ là không hay như thế.
Có một dạo, mỗi ngày anh đều trốn ở nhà vẽ truyện tranh. Tôi còn tưởng rằng anh sẽ chuyển sang làm tác giả truyện tranh, thế nhưng anh không có làm. Mà nếu anh có làm thì những truyện đó cũng không thể xuất bản, bởi vì tất cả chúng đều không có hội thoại. Anh ghét viết chữ.
Rồi thêm một dạo nữa, anh thường hay một mình chạy đến nhà thờ vào buổi chiều. Tôi tưởng anh muốn làm linh mục, hóa ra anh chỉ thích nằm dài trên ghế dài, ngửa đầu ngắm những hoa văn bằng thủy tinh nhiều màu sắc trong giáo đường. Anh có thể ở đó ngắm cả buổi chiều.
Một quãng thời gian sau, anh lại thích xem phim. Thế nhưng, anh chỉ xem phim hoạt hình.
Vào một đêm trăng sáng, chúng tôi đi ra từ rạp chiếu phim. Anh nói với tôi:
“Lúc còn nhỏ, thần tượng của anh là Popeye[5].”
[5] Popeye hay Thủy thủ Popeye là một nhân vật hoạt hình hư cấu được tạo ra bởi
Elzie Segar. Popyey lần đầu xuất hiện trong bộ truyện tranh Thimble Theatre do nghiệp đoàn King Features phát hành vào ngày 17 tháng 1, 1929, các năm sau đó bộ truyện tranh đã lấy tên là Popeye. Bất cứ khi nào cần thêm sức mạnh, chàng thủy thủ Popeye lại chén sạch một hộp rau chân vịt và lập tức cơ bắp nổi cuồn cuộn.
“Em còn tưởng anh thích nhân vật phản diện Brutus trong đó chứ.” Tôi nói.
“Tại sao?”
“Anh cũng kỳ lạ như thế.”
“Anh không thích anh ta, bởi vì anh ta không có hộp rau chân vịt. Popeye chỉ cần ăn một hộp rau chân vịt, thì sẽ trở nên rất lợi hại. Anh vốn không thích ăn rau chân vịt, nhưng khi thấy Popeye ăn, anh đã ăn rất nhiều rau chân vịt.”
“Khi ấy, sao chúng ta lại thích Popeye nhỉ? Anh ta không đẹp chút nào, gần như không có tóc, tỉ lệ cơ thể cũng rất khó coi, cánh tay quá thô.” Tôi nói.
“Có lẽ vì hộp rau chân vịt kia. Có mấy ai không muốn bất cứ lúc nào bên cạnh mình cũng có một hộp rau chân vịt thần kỳ chứ, ăn vào liền đánh đâu thắng đó, không gì cản nổi, không gì làm không được.”
Có đứa trẻ nào chưa từng tin rằng trên đời này thật sự có pháp thuật kì diệu đó, nó sẽ cứu vớt chúng ta khi chúng ta mềm yếu bất lực? Song, khi chúng ta trưởng thành, chúng ta mới đau lòng nhận ra, trên đời này không có pháp thuật thần bí.
Có ma pháp nào có thể khiến Lâm Phương Văn viết bài hát lại được sao?
Lúc chúng tôi đang đi dạo, pháp thuật của anh đã xuất hiện.
Một chiếc xe đột nhiên dừng trước mặt chúng tôi. Hai người trên xe nhảy xuống, là một nhà ba người Cát Mễ Nhi, Uy Uy và Mozart. Mozart đã lớn hơn nhiều, nó không còn là một con vật nhỏ lông lá xồm xoàm nữa. Nó bây giờ đã nặng hơn ba kg rưỡi. Tối nay, trên chiếc cổ dài ngoằng của nó có cột sợi ruy băng màu vàng. Nó nằm trong lòng Uy Uy, hiếu kỳ hết nhìn đông sang nhìn tây.
“Đã lâu không gặp!” Cát Mễ Nhi hứng khởi lôi kéo tôi và Lâm Phương Văn.
Cô ấy bây giờ đã nổi tiếng hơn rất nhiều. Người nổi tiếng, ngay cả mái tóc xù như mì Spaghetti đã từng nhận vô số lời chỉ trích dè bỉu của mọi người cũng nổi tiếng theo, bây giờ có rất nhiều cô gái bắt chước theo kiểu tóc của cô ấy.
“Hai em đi đâu? Sao lại mang theo Mozart?” Tôi lên tiếng hỏi.
“Bây giờ em đi quay một video âm nhạc, Mozart cũng tham gia.” Cô ấy dịu dàng vuốt ve lông của Mozart.
“Thế thì, chẳng phải nó thành ‘ngôi sao ngỗng’ sao?” Tôi trêu đùa.
“Đúng vậy! Đúng vậy! Nó còn có thể hát đó!” Uy Uy hưng phấn nói.
“Không phải nói “giọng ngỗng đực” sao? Ngỗng cũng hát được sao?” Tôi nói
“Nó không phải ngỗng đực, nó là ngỗng cái.” Uy Uy nói với Mozart: “Nào, chúng ta hát cho anh anh chị nghe nào.”
Mozart rướn chiếc cổ lên kêu: “Quát quát… quát quát quát quát quát… quát quạt…”
“Quả nhiên rất có khiếu âm nhạc, không hổ danh là Mozart.” Tôi vuốt ve đầu nó, khen ngợi. Đầu nó hơi rụt lại, dáng vẻ hạnh phúc.
Đó là lần cuối cùng tôi thấy Mozart.
Trước khi đi, Cát Mễ Nhi nói với Lâm Phương Văn:
“Anh vẫn còn viết lời chứ?”
Anh cười lớn: “Viết bài hát cho Mozart sao? Cái đó quá dễ, chỉ cần viết quàn quạt…”
“Là viết bài hát cho em.” Cát Mễ Nhi chân thành nói: “Rất nhớ lời ca của anh.”
Lâm Phương Văn chỉ mỉm cười, không trả lời.
Họ đi rồi, chúng tôi cũng trở nên trầm mặc.
Từ tối hôm đó, ánh trăng tôi và Lâm Phương Văn thấy đã có chút không giống nhau nữa. Tôi không phải hộp rau chân vịt của thủy thủ Popeye kia, tôi không có năng lực cứu vớt anh. Pháp thuật đó ở trong tay Cát Mễ Nhi.