Cây Sa Kê Ra Đi

Chương 3

Chương 1-3: Quốc đảo xa xôi(3)
6.

“Đi ăn đồ ăn Uy Uy nấu, được không anh?” Tôi hỏi Lâm Phương Văn.

“Món Fiji, sẽ ăn ngon được sao?” Anh nói.

“Họ đâu có nói là sẽ nấu món Fiji. Gia đình Uy Uy có mở nhà hàng Trung Quốc, có lẽ là nấu món Trung.”

“Món Trung của anh chàng bản xứ kia nhất định là rất dở.”

“Thật ra mà nói, cậu ta không được tính là dân bản xứ.” Tôi cãi lại.

“Anh nghĩ cậu ta sẽ nấu món Ý.” Anh lại nói.

“Sao anh biết?”

“Nếu không thích ăn món Ý, sao cậu ta có thể thích để cái đầu mỳ Ý kia?” Anh quả quyết.

“Cát Mễ Nhi rất muốn cảm ơn anh, dù sao cũng là do anh phát hiện ra em ấy.”

“Là chính cô ta có khả năng trời ban, không cần phải cảm ơn anh. Anh viết lời cũng không phải miễn phí.” Anh nhàn nhạt trả lời.

“Chúng ta đến xem nhà cửa của họ được không?”

“Em nói muốn đi, anh đi cùng em.”

Tôi mỉm cười.

“Em cười cái gì?” Anh hỏi.

“Không có gì.” Tôi vừa cười vừa chối.

Lâm Phương Văn thật sự đã thay đổi. Anh của ngày xưa, cái tôi, cô độc mà còn kỳ lạ. Anh của hiện tại, mặc dù cái tôi vẫn như vậy, nhưng đã ổn định hơn rất nhiều, cũng học cố gắng vì người khác rồi. Chỗ tôi muốn đi đến, cho dù anh không muốn đi thì anh cũng đi với tôi. Chuyện này nếu là trước đây thì sẽ thế nào? Anh trở nên trưởng thành hơn, cũng trở nên đáng yêu hơn. Nhưng mà sự thay đổi của anh là càng thích ứng với thế giới này hơn? Hay là càng bị hiện thực làm tổn thương?

7.

Cát Mễ Nhi và Uy Uy sống trong một căn nhà thôn quê hai tầng. Phía ngoài căn nhà có hồ bơi nho nhỏ, đi bộ năm phút sẽ đến bãi biển. Lúc chúng tôi đến hôm đó vừa đúng hoàng hôn. Uy Uy mặc tạp dề, đi ra từ phòng bếp, hứng khởi nói:

“Anh chị nhất định không đoán được đâu, hôm nay em nấu món Ý.”

Lâm Phương Văn quả thực lợi hại.

“Em không nấu, em chỉ ăn thôi.” Cát Mễ Nhi tuyên bố.

Một con vật lông xù bỗng nhiên đi qua bên cạnh mắt cá chân của tôi, làm tôi giật cả mình. Tôi cúi đầu nhìn một cái, đó là một con ngỗng màu nâu. Nó nghênh ngang đi lại trong nhà.

“Là để ăn thịt sao? Hình như còn quá nhỏ rồi.” Lâm Phương Văn nhìn con ngỗng kia rồi phán một câu.

“‘Mozart’ là thú cưng chúng em vừa mới nuôi, không phải để ăn thịt.” Cát Mễ Nhi vội vã giải thích.

“Cái con ngỗng này tên là Mozart?” Lâm Phương Văn kinh ngạc hỏi.

“Uy Uy thích nghe Mozart.” Cát Mễ Nhi đáp.

Bọn họ lại có thể nuôi một con ngỗng làm thú cưng.

Uy Uy ôm Mozart lên, nói với giọng trìu mến:

“Ngỗng giữ nhà rất lợi hại, gặp phải người lạ nó còn có thể cắn đối phương.” Cậu ta ngắm nhìn Mozart, sau đó lại nói: “Đương nhiên, phải đợi nó lớn đã.”

“Nó là ngỗng cái, sau này còn có thể đẻ trứng.” Cát Mễ Nhi vui vẻ nói.

“Thế trứng ngỗng, hai em có định ăn không?” Tôi lên tiếng hỏi.

“Nếu như không có thụ tinh thì có thể ăn. Nếu như được thụ tinh, thì đó chính là cốt nhục ruột của Mozart, đương nhiên không thể ăn được.” Cát Mễ Nhi hùng hồn nói.

Nhà của họ giống như chỗ vui chơi cho thiếu nhi. Đây là hai người sẽ không lớn lên. Mãi mãi không lớn có lẽ cũng là một hạnh phúc.

Món Ý mà Uy Uy nấu không giống món Ý, không giống món Pháp, cũng không giống món Trung. Đó có lẽ là món Ý được cậu ta thay đổi theo phong cách người Fiji. Để đạt đến mức độ ăn ngon thì còn cách rất xa rất xa.

“Em có nhớ nhà không?” Tôi hỏi Cát Mễ Nhi.

“Cuộc sống ở đây đa màu đa dạng hơn ở đảo Fiji. Chỉ là, lâu rồi không lặn, thật sự rất muốn đi lặn.” Cô ấy thổn thức.

“Cát Mễ Nhi là huấn luyện viên lặn.” Uy Uy bổ sung.

“Anh chị có biết lặn không?” Cát Mễ Nhi hỏi tôi và Lâm Phương Văn.

Tôi lắc đầu thay cho trả lời.

“Có cơ hội em sẽ dạy hai người lặn.”

Vào thời điểm đó, tôi không định học lặn. Mà Lâm Phương Văn cũng không tỏ ra có hứng thú với chuyện đó.

“Anh chị không biết đáy biển Fiji đẹp thế nào đâu.” Vẻ mặt Cát Mễ Nhi có sự mê mẩn vô hạn.

“Em không sợ nguy hiểm à?” Tôi tò mò.

“Ở nơi đó, chị sẽ quên đi nguy hiểm, quên tất cả ưu phiền. Chị là một con cá trong đại dương, bơi lội vui vẻ. Vào lúc đó, chị thậm chí quên thế giới này, cũng quên cả bản thân mình.” Cát Mễ Nhi dùng giọng nói cuốn hút miêu tả cảm giác lặn xuống đáy biển.

“Quên bản thân? Cũng hay.” Lâm Phương Văn hình như có chút hứng thú.

Khi đó, có ai ngờ rằng một đảo quốc ở nam Thái Bình Dương kia lại là nơi cắt mất hồn tôi?

8.

Đêm đã khuya, Mozart đã ngủ. Nó nằm trong chuồng chó, bởi vì các cửa hàng vật nuôi không có làm ổ riêng cho ngỗng.

Vào lúc này, Cát Mễ Nhi nghiêm túc nói với Lâm Phương Văn: “Cảm ơn anh đã viết lời bài hát cho em.”

“Không có gì đâu.” Lâm Phương Văn hờ hững trả lời.

Rời khỏi nhà của Cát Mễ Nhi và Uy Uy, tôi nói với Lâm Phương Văn: “Chúng ta đến bãi biển nha? Không phải gần đây có bãi biển sao?”

Chúng tôi nằm trên bãi cát đen kịt cùng tĩnh mịch kia. Tôi lên tiếng: “Sống trong một ngôi nhà ở gần biển, cũng không tồi anh nhỉ?”

Lâm Phương Văn bỗng nhiên bật cười, tôi hỏi một đằng anh trả lời một nẻo: “Bọn họ gọi con ngỗng đó là Mozart!”

Đúng vậy, vừa rồi ở trước mặt Cát Mễ Nhi và Uy Uy, chúng tôi đều ngại, không nỡ cười được.

“Gọi Mozart cũng không phải điều hay, Mozart chỉ sống đến ba mươi lăm tuổi.” Tôi nói.

“Ba mươi lăm tuổi, đối với một con ngỗng mà nói là không thể nào. Ngỗng thông thường sống đến ba tháng rưỡi đã bị làm thịt rồi.” Anh vừa nói vừa cười.

“Cát Mễ Nhi thật lòng cảm ơn anh, sao anh lại giống như không quá cảm kích?” Tôi hỏi.

“Mấy lời ca đó, thật sự không là gì cả. Anh không nghĩ là anh đã viết hay.” Lâm Phương Văn nói.

“Em thấy rất hay mà! Em thích phần điệp khúc.”

Tôi lẩm nhẩm:

“Nụ cười hững hờ, lại lặng lẽ ra đi,

Cũng biết không hẹn mà gặp nhau,

Hẹn mà lại không gặp được,

Nghìn năm, vạn năm, nhân gian, bầu trời,

Rồi sẽ gặp nhau lần nữa.”

“Bài này so với trước đây, hoàn toàn không bằng. Là do cô ấy hát hay, không phải vì anh viết hay.” Anh nói.

“Yêu cầu của anh đối với bản thân quá cao rồi.” Tôi khuyên bảo anh.

“Viết thêm một ngày, thì thêm một ngày khô cạn.” Anh thở dài thổn thức.

“Sáng tác luôn có triều cường và triều kém.”

Anh ngắm nhìn tôi thật lâu, mới nói: “Cảm ơn em.”

“Giữa chúng ta còn cần hai chữ này sao?”

Anh mỉm cười.

Lúc đi dạo trên bãi biển, tôi hỏi anh:

“Anh có ước mơ gì không?”

“Có lẽ vẫn là viết bài hát giao thừa cho em.” Anh trả lời.

Tôi tưởng ước mơ của anh hẳn là rất nhiều rất lớn. Tôi không ngờ, ước mơ của anh lại nhỏ bé như vậy.

“Ước mơ này tuyệt đối không nhỏ chút nào nha! Là một thử thách rất lớn.” Anh cười nói.

“Còn em, có ước mơ gì?” Anh hỏi ngược lại tôi.

“Vẫn là nghe bài hát giao thừa của anh.” Tôi trịnh trọng nói, đôi mắt đã rơm rớm nước mắt. Không biết là bị anh làm cho cảm động, hay là bị chính mình làm cảm động nữa?

Đó là một buổi tối kỳ quái biết bao? Chúng tôi cười, lại khóc, sau đó lại cười. Năm tháng trôi qua, ước mơ không đổi, đó là có thể ôm người mình yêu, cũng ôm nụ cười và nước mắt của người đó.