Sau khi Gia Trân qua đời, gia đình chỉ còn hai bố con côi cút. Bấy giờ Phượng Hà mới biết em trai đã chết. Mấy ngày đầu, Phượng Hà bỏ việc, bỏ cả cơm, cứ đứng trơ trơ trước mộ mẹ và mộ em. Tôi kéo nó về nhà, được một lúc nó lại đi. Mãi đến lúc tôi đổ bệnh, Phượng Hà mới trở lại trạng thái cũ. Nó chạy ngược chạy xuôi trông nom bố. Vài hôm sau, thấy con vất vả quá chừng, tôi cố gượng dậy ra đồng làm việc. Dân làng nhìn thấy tôi, ai cũng phải ngạc nhiên kêu lên:
- Ôi Phú Quí, tóc anh đã bạc hết cả rồi.
Tôi cười đáp:
- Bạc từ trước rồi mà.
Họ bảo:
- Trước kia chỉ lốm đốm, bây giờ mới có mấy hôm mà tóc anh đã bạc trắng cả.
Chỉ mới có vài hôm, tôi đã già khọm đi, sức lực trước kia của tôi không bao giờ có lại nữa, lúc làm việc thì hông mỏi, lưng đau, làm cố lên một chút là tòan thân toát mồ hôi. Có lúc nghĩ mình cũng sắp ra đi. Tôi không hề buồn, con người ta đã đến bước ấy cứ phải đi, chẳng qua là chỉ sớm vài hôm muộn vài ngày. Nhưng hễ nhìn thấy Phượng Hà là quả thật tôi không sao yên tâm. Phượng Hà vừa điếc vừa câm, một mình sống trên đời nó sẽ làm sao đây?
Sau khi Gia Trân và Hữu Khánh chết, Xuân Sinh đến thăm tôi hai lần. Xuân Sinh không gọi là Xuân Sinh nữa, anh ta có tên là Lưu Giải Phóng. Người khác gặp Xuân Sinh, ai cũng gọi anh ta là Lưu huyện trưởng. Tôi vẫn gọi anh ta là Xuân Sinh. Lần đầu đến thăm tôi, anh ta còn đem theo con trai hai tuổi. Con trai Xuân Sinh trắng trẻo mũm mĩm. Xuân Sinh bảo con gọi tôi là bác. Thằng bé ấy nhìn tôi lâu lắm nhưng không chịu mở mồm. Tôi nói với Xuân Sinh:
- Thôi, đừng bắt nó gọi nữa.
Xuân Sinh kể lại, sau khi bị bắt làm tù binh liền tham gia quân Giải phóng, đánh cho đến tận Phúc Kiến, sau đó lại sang đánh nhau ở Triều Tiên. Mạng Xuân Sinh lớn, đánh đi đánh lại thế quái nào đều không bị chết. Đánh xong trận ở Triều Tiên, anh ta chuyển ngành về một huyện ở bên cạnh. Năm Hữu Khánh chết, anh ta mới chuyển đến huyện này. Khi ra về, tôi tiễn Xuân Sinh tới đầu làng, tôi nói với Xuân Sinh:
- Từ này giờ đi anh đừng đến nữa, đừng đưa con anh đến nữa, hễ nhìn thấy nó, tôi lại đau lòng, lại nghĩ đến Hữu Khánh con tôi.
Về sau Xuân Sinh còn đến một lần nữa, lúc đó ở tỉnh thành đang làm cuộc Cách mạng Văn hóa. Khi Xuân Sinh đến thì đã quá nửa đêm, tôi với Phượng Hà đã ngủ. Tiếng gõ cửa làm tôi tỉnh giấc. Tôi mở cửa, nhờ có ánh trăng, tôi nhận ra Xuân Sinh ngay. Mặt Xuân Sinh bị đánh sưng vù. Xuân Sinh nói:
- Phú Quí ơi, anh ra đây một lát.
Dáng vè của Xuân Sinh khiến tôi giật mình, vội vàng choàng áo vào đi ra. Xuân Sinh đi trước, tôi đi theo sau. Tôi hỏi:
- Rút cuộc có chuyện gì vậy?
Xuân Sinh không trả lời, anh ta đi thẳng đến cạnh bờ ao này, đứng tại chỗ rồi quay đầu lại nói:
- Phú Quí ơi, tôi đến chia tay với anh.
- Anh đi đâu hả Xuân Sinh?
Xuân Sinh nghiến răng giận dữ nói:
- Tôi không thiết sống nữa.
Tôi ngạc nhiên, vội vàng kéo cánh tay anh ta nói:
- Xuân Sinh ơi, anh đừng có lẩn thẩn. Anh còn có vợ và con trai cơ mà.
Vừa nghe nói vậy, Xuân Sinh đã khóc. Anh ta nói:
- Phú Quí ơi, ngày nào tôi cũng bị chúng nó treo lên đánh.- Nói rồi anh ta giơ tay ra- Anh sờ tay tôi đây này.
Tôi sờ vào, tay anh ta như bị luộc chín, nóng kinh khủng. Tôi hỏi:
- Đau lắm không?
Anh ta lắc lắc đầu:
- Không cảm thấy đau.
Tôi ấn vai anh ta bảo:
- Xuân Sinh ơi, ngồi xuống đã. – Tôi nói với anh ta – Anh đừng có lẩn thẩn, người chết ai cũng muốn sống lại, còn người sống sờ sờ như anh không thể chết được.- Tôi còn nói – Mạng sống của anh là của bố mẹ anh cho, anh không cần mạng sống nữa thì đi hỏi bố mẹ đã.
Xuân Sinh lau nước mắt nói:
- Bố mẹ tôi đã chết từ bao giở bao giờ.
Tôi bảo:
- Vậy thì anh càng phải sống tử tế. Anh thử nghĩ mà xem, anh đánh bao nhiêu trận, đi Bắc về Nam như thế, mà vẫn sống có phải dễ đâu.
Hôm ấy, tôi và Xuân Sinh nói bao nhiêu chuyện. Trời sắp sáng rồi, Xuân Sinh như có phần xuôi xuôi. Anh ta đứng dậy đi, tôi tiễn anh ta ra đầu làng. Anh ta bảo:
- Phú Quí, anh đứng lại thôi.
Tôi đứng lại, nhìn Xuân Sinh bước đi. Xuân Sinh bị đánh thành què, anh ta cúi đầu đi tập tễnh, rất khó nhọc. Tôi lại không yên tâm, dặn với theo:
- Xuân Sinh ơi, nghe lời thôi đừng có chết đấy nhé!
Xuân Sinh đi mất bước, quay đầu lại trả lời:
- Đồng ý!
Vậy mà Xuân Sinh vẫn không nghe lời tôi. Một tháng sau, tôi nghe nói Lưu huyện trưởng đã nhảy xuống giếng tự tử ở trong thành phố. Một con người mạng có to đến mấy, nếu bản thân đã muốn chết, thì cũng không làm sao giữ nổi.
Xuân Sinh chết đã được mấy năm. Phượng Hà vẫn sống ở bên tôi, nhoáng một cái nó đã ba mươi nhăm tuổi. Tôi cảm thấy mình càng ngày càng yếu, một đời cũng coi như đã từng trải biết bao nhiêu sự việc, con người cũng chín được rồi, giống như quả lê đã chín nẫu thì phải rụng khỏi cành. Nhưng tôi cứ áy náy, không yên tâm về phần Phượng Hà. Nó không giống người khác, nó già rồi ai sẽ trông coi đây?
Kể ra thì Phượng Hà vừa câm vừa điếc, song nó cũng là đàn bà, không phải không biết chuyện lấy vợ gả chồng. Trong làng năm nào cũng có người gả đi lấy về, trống phách rôm rả một chầu. Những lúc ấy, Phượng Hà cứ chống quốc ngây người ra đứng nhìn. Mấy thanh niên trong làng chỉ chỉ trỏ trỏ trêu Phượng Hà.
Lúc con trai thứ ba nhà họ Vương trong làng cưới vợ, ai cũng khen cô dâu đẹp. Hôm ấy, cô dâu được dẫn về làng, mặc áo thêu hoa đỏ chói, miệng tươi cười. Tôi đứng ở ruộng nhìn theo, cả người cô dâu đỏ rực, khuôn mặt ửng hồng trông ưa mắt lắm; một đám thanh niên đi bên cạnh cười nói vang vang, chắc là nói những lời bậy bạ khó nghe, cô dâu chỉ cúi đầu cười. Con gái lúc đi lấy chồng, cái gì nhìn thấy cũng dễ chịu, cái gì nghe thấy cũng vui vẻ.
Phượng Hà làm việc ở ngoài đồng, vừa nhìn thấy cảnh tượng đó đã ngây ra, hai con mắt cứ chằm chằm nhìn không chớp, cuốc ôm trong lòng, người không nhúc nhích. Đứng ở một bên nhìn con, lòng tôi cay đắng vô cùng. Tôi nghĩ bụng, nó muốn xem cứ để cho nó xem thoải mái. Phượng Hà số khổ, nó chỉ có một chút hạnh phúc đứng xem người khác lấy chồng. Ai ngờ Phượng Hà nhìn mãi xem mãi liền bước đi luôn, nó đi đến bên cô dâu, cười ngây ngô, cùng đi với cô ta. Phượng Hà chân đất, mặc quần áo vá chằng vá đυ.p, đi cùng với cô dâu. Cô dâu mặc vừa gọn gàng vừa rực rỡ, người lại xinh, so với Phượng Hà nhà tôi, thì Phượng Hà quả thật lụt cụt xấu xí đáng thương quá. Mặt Phượng Hà không son phấn cũng đỏ ửng như cô dâu. Nó cứ quay sang nhìn cô dâu hoài.
Mấy thanh niên trong làng vừa cười vừa nói:
- Phượng Hà muốn lấy chồng đó mà.
Nói thế tôi còn nghe được, nào ngờ một lát sau, vọng đến những câu chối tai. Có ai đó nói với cô dâu:
- Phượng Hà đã nhìn trúng cái giường của em rồi đó.
Phượng Hà đi kề bên, cô dâu không tươi cười được nữa. Cô ta chê Phượng Hà. Lúc này có người nói với chú rể:
- Cậu trúng quả đậm, lấy một thành hai, một đệm ở dưới, một lợp ở trên.
Nghe xong, chú rể cười hì hì, cô dâu không nín nhịn được nữa, cũng chẳng thèm đếm xỉa đến chuyện mình mới đi làm dâu mà nên tỏ ra xấu hổ một chút, liền gân cổ vênh mặt mắng chú rể:
- Cười gì mà thối thế.
Tôi quả tình không thể đứng nhìn tiếp, liền đi lên bờ ruộng nói với bọn họ:
- Làm người không như thế được, có muốn ức hϊếp người thì cũng không được ức hϊếp Phượng Hà. Chúng mày có giỏi ức hϊếp tao đây này.
Nói rồi, tôi kéo tay Phượng Hà đi về nhà. Phượng Hà là con người thông minh, chỉ nhìn thấy sắc mặt của tôi liền biết vừa có chuyện gì xảy ra. Nó cúi đầu theo tôi đi về nhà, khi về đến cổng thì nó khóc.