Đại Ca

Chương 9

Chương 9
Lúc nhỏ Ngụy Khiêm cũng từng đọc rất nhiều câu chuyện vượt khó như thế, nhưng đều quên sạch hết, có lẽ do cảm xúc tuổi dậy thì không được như người ta nên khi ấy đọc chẳng hề có cảm giác chi, mãi tới bây giờ mới hơi xúc động.

Gã thuận miệng bảo: “Giáo viên của tụi bay có trình độ đó, chọn bài đọc thêm không tệ đâu.”

Tam Béo đang nấu cơm thò đầu khỏi bếp, giữa tiếng chiên xào xèo xèo nói: “Kể về cái gì vậy? Đọc to lên cho anh nghe coi.”

Ngụy Khiêm liền đằng hắng, tính khoe Tam Béo giọng phát biểu lúc chào cờ, kết quả là chưa kịp đọc tiếng nào, tên nhóc Ngụy Chi Viễn ở bên cạnh lại đột nhiên phá đám: “Anh, em không muốn đi học.”

Nó nhắc lại chuyện cũ, Ngụy Khiêm không thèm đếm xỉa, cũng chẳng coi ra gì, là một phụ huynh phong kiến xứng đáng, gã định tiến hành đến cùng truyền thống độc đoán vẻ vang, chuyện không đi học căn bản chẳng tới phiên một thằng ranh đưa ra ý kiến.

Ngụy Khiêm lớn giọng nói với Tam Béo trong bếp: “Cho ông học ké nè, để tôi xem nên bắt đầu từ đoạn nào… Ừm, trang này luôn đi… Lý tưởng…”

“Anh.” Ngụy Chi Viễn bước tới ngồi xổm xuống trước mặt Ngụy Khiêm, nhìn gã chằm chằm, lặp lại lần nữa, “Em không muốn đi học.”

Tiểu Bảo quen làm trò, vội vàng vui vẻ chạy tới, giọng giòn giã: “Anh hai, ảnh không chịu học, đánh ảnh đi.”

Ngụy Chi Viễn nhíu mày, lý do chính đáng nên lời nói nghiêm túc: “Tránh ra, chỗ nào cũng có mặt mày.”

“Mày mới là tránh ra cho tao,” Ngụy Khiêm tiện tay cầm cuốn đọc thêm đập đầu Ngụy Chi Viễn một phát, thuận miệng mắng, “Nói thêm câu nữa bố đánh gãy chân mày.”

Câu này là có xuất xứ hẳn hoi, hồi nhỏ trong lớp Ngụy Khiêm có một đứa bạn phá phách bị giáo viên mời phụ huynh, cha nó cũng đập đầu thằng nhỏ rồi mắng như vậy: “Trốn học lần nữa bố đánh gãy chân mày.”

Ngụy Khiêm nhỏ tuổi vẫn cảm thấy cách nói này rất có phong phạm của bậc phụ huynh, nít ranh thiếu kiến thức, liền viết câu này vào bài trích dẫn, kết quả là bị giáo viên đánh một dấu X to đùng…

Tóm lại, gã vẫn khát khao được sử dụng câu này để dạy dỗ người khác một lần.

Ngụy Chi Viễn nhìn cánh tay gã bị bó bột, vẻ mặt phức tạp.

Lần đầu tiên nó chống lại việc đi học, bởi vì chẳng biết đi học là làm gì, nhưng lần này thằng bé trải qua suy tính cặn kẽ, hơn nữa có lý do và căn cứ đàng hoàng, nói ra cách nghĩ của bản thân: “Em không muốn đi học, đi học rất tốt, nhưng phải học bao nhiêu năm, tốn nhiều tiền lắm, em đi kiếm tiền với anh, em biết làm việc, biết đánh nhau, có thể tự nuôi mình, cũng nuôi cả anh nữa.”

Đáng tiếc Ngụy Khiêm là người không cách nào thuyết phục nổi, những lời hùng hồn lý lẽ của Tiểu Viễn bị coi như gió thoảng qua tai.

Ngụy Khiêm cúi đầu nhìn Ngụy Chi Viễn, cảm thấy thằng nhãi này không biết trời cao đất dày, tay ngứa ngáy muốn đập nó một trận – Ngụy Khiêm nghĩ, mình mỗi ngày đi sớm về khuya, do áp lực cạnh tranh trong nghề tăng lên mà thường xuyên phải đổ mồ hôi xương máu sẵn sàng đấu trí tuệ lẫn dũng khí với những người chung ngành, kết quả thẳng lỏi con lại làm như việc đòi hỏi kỹ thuật như vậy ai cũng làm được, mẹ kiếp không lo việc nhà không biết củi gạo đắt đỏ, không hề biết người khác nuôi nó vất vả tới mức nào.

Nhưng nhìn dáng vẻ nghiêm túc thề thốt phải nuôi mình, Ngụy Khiêm không xuống tay nổi.

Thằng nhãi này… dù gì cũng có lương tâm.

Ngụy Khiêm liền nói lấy lệ: “Vậy mày phải học hành cho giỏi, mai mốt tốt nghiệp đại học chưa đủ, thạc sĩ tiến sĩ cũng chưa được, mày phải học trên tiến sĩ, trên trên trên tiến sĩ, người khác là đốc tờ Ngụy, riêng mày kiếm cho tao cái danh độc tờ, thế mới ngầu.”

Ngụy Chi Viễn cúi đầu, sau khi đi học nó đã hơi hiểu chuyện rồi, nó biết anh hai đang trêu mình, và việc này hiển nhiên không có đường cò kè mặc cả.

Con nhóc Tống Tiểu Bảo cười hì hì sán tới, lắc lư đầu muốn ăn đòn: “Độc tờ Ngụy hi hi hi hi.”

Ngụy Chi Viễn: “Tránh ra đồ ranh con lép kẹp.”

Tống Tiểu Bảo không chịu yếu thế: “Em không có ‘lép kẹp’, em ‘đầy đặn’! Anh là đồ cây sậy đội cục cứt dê!”

Ngụy Chi Viễn: “… Con nhãi lép kẹp.”

Tống Tiểu Bảo phẫn nộ thét lên: “Cục cứt dê!”

Ngụy Chi Viễn bình tĩnh đáp trả: “Tự gọi mày thôi.”

Thế là hai đứa lao vào cấu xé nhau, Ngụy Khiêm ở bên cạnh xem kịch, chẳng hề có ý định can ngăn, chỉ mong sao đánh to hơn, xem con nít choảng nhau cũng là một trong các mục giải trí của gã, dù sao thì cũng không tệ lắm.

Lúc mới tới, ánh mắt Ngụy Chi Viễn cực kỳ hoang dại khó thuần phục, tính cách cũng trầm lặng hơn bạn cùng tuổi, đối lập rõ rệt với Tiểu Bảo suốt ngày lải nhải phát biểu quan điểm không hề có tính xây dựng, khi đó Ngụy Chi Viễn trông y như một thằng nhóc choai choai đang tuổi dậy thì bị nhét vào cơ thể của một đứa nít ranh, luôn cảm thấy người và vóc dáng không đồng bộ.

Nhưng từ nửa năm gần đây, nó càng lúc càng “nhỏ”, ngôn ngữ, lời nói và cử chỉ cũng ấu trĩ theo.

Ngụy Chi Viễn vừa đánh nhau với Tiểu Bảo vừa liếc nhìn Ngụy Khiêm, thấy ông anh lủng lẳng một tay đang vui vẻ xem cuộc chiến của tụi nó, bấy giờ mới tiếp tục đánh nhau như đóng phim.

Từ sau lần trước thay răng gây ra trò cười, Ngụy Chi Viễn vô tình tìm được một cách để lấy lòng anh hai – chính là hạ thấp IQ xuống ngang tầm với Tống Tiểu Bảo, thường xuyên cùng con nhỏ làm mấy việc ngu xuẩn khiến người ta dở khóc dở cười.

Tụi nó tỏ ra càng ấu trĩ, càng thiếu đầu óc, thì thái độ của anh hai sẽ càng hiền lành hơn, bớt làm bộ làm tịch hơn.

Vì thế Ngụy Chi Viễn càng đi theo con đường này.

Tư chất trời sinh vốn có thể giúp nó thành một người xuất sắc, nhưng nó lại bước vào con đường ngu xuẩn, đời người gặp gỡ quả thật khó lòng đoán nổi.

Tình cảm của Ngụy Chi Viễn đối với Ngụy Khiêm và gia đình này là cực kỳ nồng nhiệt. Ngụy Chi Viễn không như đám trẻ khác sinh ra đã có gia đình, thế nên nó coi “gia đình” thành một sự nghiệp.

Chỉ cần có thể ở lại nhà này, đừng nói chỉ giả ngu vờ ngốc, dù bảo nó liều mạng cũng được.

Tiểu Viễn vẫn nhớ rõ, bữa nọ do ban ngày ở trường bị lạnh mà thành cảm, luôn thấy lạnh cóng, lúc ngủ không tự chủ được chui vào lòng Ngụy Khiêm, rúc trong l*иg ngực ấm áp ấy, ngủ một giấc tới tận hôm sau.

Buổi sáng tỉnh giấc nhoài lên nơi không nỡ động đến kia, nó trợn tròn đôi mắt ngẩng đầu nhìn khuôn mặt gã thiếu niên ngủ say bên cạnh, đột nhiên gọi thầm một tiếng “anh”.

Anh hai đương nhiên không nghe thấy, nhưng Ngụy Chi Viễn từng gọi như vậy ở trong lòng.

Cuộc chiến ồn ào của Tiểu Viễn và Tiểu Bảo cuối cùng bị Tam Béo kết thúc, Tam Béo mỗi tay xách một đứa như chó con mà tách ra: “Ôi các tiểu tổ tông, muốn đại náo thiên cung hả? Hãy tạm đình chiến, cơm nước xong xuôi lại xách súng tái chiến, không phải gấp!”

Tam Béo bưng cơm chiên trứng từ bếp ra, đựng trong một cái chậu nhỏ, chỉ xách bốn cái thìa chứ không cầm chén, mỗi người một cái vây quanh chậu cơm bắt đầu ăn.

Tên Tam Béo này ưa lên mặt dạy đời, lắm điều hơn cả Đường Tăng, cơm cũng chẳng chặn nổi cái miệng như cái bô, hắn vừa ăn vừa dạy dỗ tụi nhỏ: “Các bạn nhỏ phải có lý tưởng, không thể đấu đá mãi từ sáng đến tối như dế, anh mấy đứa rõ là đồ ngốc, không chịu quản…”

Ngụy Khiêm vô tội bị liên lụy, tính cho tên mập này biết thế nào là lễ độ, nhưng còn chưa kịp mở miệng thì hai đứa nhóc đã cùng chung mối thù quát Tam Béo: “Không được nói xấu anh hai!”

Tam Béo: “…”

Ngụy Khiêm gắp cho mỗi đứa một miếng xúc xích: “Giỏi lắm, ăn thêm đi.”

Cái bản mặt mâm của Tam Béo biến dạng một lúc, cậy da mặt dày liền miễn cưỡng tiếp tục đề tài vừa rồi: “Được thôi, không nhắc đến anh tụi bay – tụi bay xem, ở trường học nhiều bài về lý tưởng như vậy, nói cho anh Tam nghe coi lý tưởng của tụi bay là gì?”

Tiểu Bảo nói: “Em muốn làm ca sĩ.”

Ngụy Chi Viễn thật thà đáp: “Kiếm tiền, nuôi anh hai.”

Tiểu Bảo nhìn nó rồi lại bổ sung câu nữa: “Em muốn làm ca sĩ, kiếm thật nhiều tiền để nuôi anh hai.”

Tam Béo y hệt một tên mẹ mìn dụ dỗ trẻ em… Không, y hệt một nhà giáo dục vĩ đại, ân cần nói với Ngụy Chi Viễn: “Nhóc xem, lý tưởng của Tiểu Bảo có mục tiêu, thế còn Tiểu Viễn, nhóc muốn nuôi anh hai, vậy nhóc phải kiếm tiền bằng cách nào?”

Ngụy Chi Viễn chẳng buồn ngước lên nói: “Em có thể đi làm bảo kê, bán băng đĩa, đánh nhau…”

Tam Béo lập tức đau đớn vô cùng, quay đầu bảo Ngụy Khiêm: “Nhóc Khiêm à, anh thấy thằng nhãi này hết thuốc chữa rồi.”

Ngụy Khiêm nhìn Ngụy Chi Viễn thái độ nghiêm túc, chăm chú vào phần má phồng lên, bỗng nhiên rất muốn cười, vì thế gã liền bật cười, tiện thể lời ít ý nhiều chỉ cho Tam Béo một con đường sáng: “Cút!”

Gã cười, Ngụy Chi Viễn liền cảm thấy tối nay mình la lối lăn lộn cũng đáng, vì thế không lên tiếng nữa, bớt sức lực cắm cúi ăn cơm.

Ngụy Chi Viễn ăn cơm trông cực kỳ hung dữ, giống như muốn biến mỗi một hạt cơm thành xương và thịt mình vậy.

Thật ra thì Ngụy Khiêm cũng có lý tưởng, lý tưởng ban đầu là làm một nhà khoa học, mặc blouse trắng đi lại trong phòng thí nghiệm, ghi chép các loại số liệu, viết luận văn, đánh tài liệu, nghiên cứu cái gì đó, mỗi ngày ăn cơm cũng nghiên cứu, ngủ cũng nghiên cứu, trừ nghiên cứu thì chẳng để tâm đến điều gì, khỏi phải lo cơm áo gạo tiền.

Đương nhiên, Ngụy Khiêm hiểu rõ, trước mắt lý tưởng này đã biến thành ảo tưởng, thế nên cũng chẳng nhắc với người khác, vờ như mình vừa sinh ra đã là một củ gừng cay trên xã hội, chưa bao giờ ngu ngốc vậy.

Tam Béo đã nấu cơm rồi còn phải rửa chén, hắn vừa rửa vừa càu nhàu: “Ôi, anh Tam đời trước nợ tiền mày, đời này phải làm con dâu nuôi từ bé…”

Câu này vừa vặn bị Ngụy Chi Viễn đi qua nghe thấy, Ngụy Chi Viễn không nói hai lời xắn tay áo: “Anh Tam để em rửa cho.”

Tam Béo dở khóc dở cười phất tay: “Lại còn có đứa tranh làm con dâu nuôi từ bé, nhóc mau đi xem hoạt hình với Tiểu Bảo đi.”

Ngụy Chi Viễn ngẩng đầu hỏi ý Ngụy Khiêm, Ngụy Khiêm gật nhẹ: “Đi đi, đừng ở đây quẩn chân.”

Đuổi thằng bé đi rồi, Tam Béo mới mở miệng nói với Ngụy Khiêm đang dựa cửa bếp: “Tay mày còn đau không?”

Ngụy Khiêm châm thuốc: “Cũng ổn, hơi đau thôi.”

Tam Béo không lắm lời, im lặng giây lát rồi hiếm khi đứng đắn hỏi: “Mày tính sao đây? Cứ tiếp tục thế này?”

Ngụy Khiêm sớm nhận ra hắn có chuyện muốn nói, im lặng chờ nghe.

Tam Béo lớn hơn gã và Mặt Rỗ, sắp sửa hai mươi rồi, suy nghĩ cũng chín chắn hơn hai thằng em: “Anh nói thật mày đừng thấy chối tai, Nhạc ca – Nhạc Hiểu Đông không tốt lành gì đâu, mày đi theo ổng, kết cục liệu có tốt đẹp? Dù mày đi làm ở công trường cũng là bán sức lao động, nhưng mấy đồng của Nhạc Hiểu Đông là muốn mày bán mạng.”

Một lúc lâu Ngụy Khiêm mới hỏi ngược: “Tôi có thể làm gì?”

“Làm gì chẳng có cơm ăn?”

Ngụy Khiêm dựa khung cửa, mù mờ suy nghĩ giây lát, cúi đầu nhìn cánh tay bị băng kín như đòn bánh, cảm nhận đau đớn nhói tim từ bên trong len lỏi ra, nói nhỏ: “Tôi chẳng biết gì hết.”

“Mày đi làm thuê hay buôn bán nhỏ cũng được,” Tam Béo hơi dừng rồi tiếp tục, “Cùng lắm thì mày đi theo anh Tam, hai ta lái xe chở thức ăn, không phải là nghề sao?”

Ngụy Khiêm chỉ mỉm cười không đáp.

“Chỉ cần mày gật đầu thì anh sẽ về nói với ba anh…” Nói đến đây Tam Béo đột nhiên ngoảnh lại theo linh cảm, thấy Ngụy Khiêm không còn ở đó, cứ thế không bạo lực cũng chẳng hợp tác chạy mất tăm.

Tam Béo ngậm miệng, tức tối vẩy nước trên tay, nổi giận đùng đùng mắng: “Thằng lỏi con, sớm muộn cũng có ngày mày phải hối hận!”

Tam Béo là bạn bè từ nhỏ, dẫu sao cũng sẽ không hại gã, Ngụy Khiêm biết hắn nói đều rất có lý.

Gã ở trung tâm giải trí đã hơn một năm, dần thôi sùng bái Nhạc ca một cách mù quáng, anh ta làm nghề gì, Ngụy Khiêm ít nhiều cũng biết.

Nhiều khi Ngụy Khiêm cũng nghĩ, vì sao người khác dẫu gian khổ hơn thì vẫn có thể đi đường ngay, chỉ có bản thân mình hèn nhát như vậy?

Gã muốn làm một thằng lưu manh sao?

Gã tuy là du côn nhưng cũng biết tốt xấu, ở trường làm học sinh giỏi ngần ấy năm, đâu phải để bỏ học đi làm lưu manh.

Là vì tiền sao?

Phải, Ngụy Khiêm thừa nhận, Nhạc ca cho gã nhiều tiền, nhưng Tam Béo nói đúng, thứ gã bán chính là mạng, tiền nhiều gấp đôi cũng chẳng đáng.

Thế là sợ chịu khổ sao?

Có lẽ cũng không hẳn, không dễ so sánh giữa đau đớn do phồng rộp vì vác gạch và bị người ta đập gãy tay.

Thế thì vì điều gì đây?

Vô số lần Ngụy Khiêm tự hỏi mình như vậy, sau đó gã phát hiện, có lẽ vẫn do chút lòng tự tôn chết người kia gây chuyện.

Bắt đầu từ lúc gã sinh ra trên thế giới này, cất tiếng khóc đầu tiên, thì đã định trước là phải kém người ta một bậc, cho nên khi gã hơi trưởng thành, có vài đường lựa chọn, gã thà chết chứ không cúi đầu nữa – cho dù là hung ác như bây giờ, khiến mọi người sợ hãi và căm hận cũng được.

Khiến người khác sợ gã, dù sao vẫn tốt hơn là bị coi thường.