Chương 13
Cách hai đứa nhóc Tống Tiểu Bảo và Ngụy Chi Viễn này sống chung còn khó hiểu hơn mốt quần áo của tụi con gái mỗi năm.Thông thường trong vòng năm phút là có thể dễ dàng đổi xoành xoạch giữa “cấu xé” và “hòa thuận”.
… Còn mau lẹ thất thường hơn cả chớp giật, lũ người phàm tục ngu xuẩn đâu thể nào theo kịp.
Tống Tiểu Bảo dốc hết thiên phú ngôn ngữ ít ỏi vào việc đặt biệt danh cho Ngụy Chi Viễn, mấy biệt danh nó thích nhất là “Chó Con”, “Bóng Đèn Pha”, “Cây Sậy Đầu Cứt Dê” (gọi tắt là “Cứt Dê”), “Tiểu Vương Bát”, “Vương Bát Đản”… Ngụy Chi Viễn thì khá ngắn gọn, thông thường bốn chữ “nhãi con xấu xí” chỉ chớp mắt đã đánh bẹp con bé.
Nhưng sau hôm ấy, cách xưng hô của Tống Tiểu Bảo với Ngụy Chi Viễn bỗng nhiên không còn biến hóa khôn lường như vậy, từ đó nó rút gọn thành “anh ba”.
Tống Tiểu Bảo chấm dứt kɧıêυ ҡɧí©ɧ đơn phương, ở trước mặt Ngụy Chi Viễn, rốt cuộc từ một con nhãi đáng ghét biến thành một cô bé dễ thương, Ngụy Chi Viễn có qua có lại, tự nhiên cũng rút gọn xưng hô thành “Tiểu Bảo”, mối quan hệ giữa hai tên nhãi từ thù địch biến thành anh em bình thường.
Song Ngụy Khiêm chẳng rỗi hơi đi nghe ngóng ba cái chuyện cãi cọ với hòa bình của tụi nhỏ, chỉ cần hai đứa không đánh nhau thì dù cãi lộn gã cũng chả nhận ra, hòa bình cũng không có cảm giác gì, Ngụy Khiêm trời sinh có thể nhắm mắt làm ngơ với việc bản thân không thấy hứng thú.
Bữa đó, Ngụy Khiêm bôi thuốc tiêu sưng cho khuôn mặt bé teo của Ngụy Chi Viễn, ngoài mặt không biến sắc, cũng không tỏ vẻ gì, trước tiên vỗ về Tiểu Bảo bị giận lây một cách mất tự nhiên.
Tiểu Bảo nhìn gã bằng đôi mắt nhòe lệ, cặp mắt nhỏ đầy tội nghiệp khiến người ta đau lòng: “Anh, anh còn giận em à?”
Ngụy Khiêm nhìn xuống, ngón tay vô thức vê lại bên hông, nét mặt rất nghiêm túc, trong lòng vừa xấu hổ vừa ảo não, đối mặt với cô em gái cưng, Ngụy Khiêm chẳng cách nào ưỡn ngực ngẩng đầu nói “Xin lỗi anh không nên đánh em” như người ta, cũng chẳng thể dứt khoát lắc đầu bảo “Không còn giận em nữa”.
Hai anh em đứng đờ ra đó cả chục giây, Ngụy Khiêm mới mở miệng: “Tao… Khụ, về sau một tuần tao sẽ cho tụi bay mười đồng, không phải mày thích ăn kem hả?”
Tam Béo dỏng tai nghe ké thiếu điều cười nôn ruột, phục lăn cái con lừa vuốt xuôi lông thì lim dim mắt, ngược lông tức khắc xù lên này.
Ngụy Khiêm dỗ dành lau nước mắt cho Tiểu Bảo, đuổi hai đứa trẻ đi ngủ, sau đó mới đi ra cửa nói với bọn Tam Béo: “Tìm được tên này, tôi nhất định phải cho hắn tàn phế.”
Lúc nói câu này, nét mặt và giọng điệu của gã rất bình thản, như thể tùy tiện nói một câu “Tôi phải xuống dưới lầu mua gói thuốc” vậy.
Có lẽ chính từ khi đó, gã thiếu niên Ngụy Khiêm bắt đầu học được cách không để lộ cảm xúc ra mặt.
Tam Béo cảm thấy, xuất phát từ nghĩa khí anh em thì hắn nên phụ họa, nhưng không biết vì sao mà hắn luôn lờ mờ sợ hãi, trước mặt những người khác hắn không tiện mở miệng, vì có vẻ như mình rất hèn nhát. Ngụy Khiêm trước mắt đang được Nhạc ca cưng, đám Tiểu Hạ ít nhiều có ý nịnh bợ, thề thốt nói nhất định giúp gã tìm được tên này, Tam Béo ở bên cạnh vỗ bả vai gầy gò của gã thiếu niên mà không nói tiếng nào.
Ngoài mặt là người khác nói hết ra, Tam Béo hắn giữ tất cả trong lòng, thực tế thì trong thế giới nội tâm của Tam Béo, sự lo lắng bắt đầu xuất hiện.
Đánh nhau, gây chuyện, thậm chí trộm cắp, đều là việc thường ngày của đám lưu manh, dù không tốt đẹp gì nhưng cũng chẳng to tát mấy, Ngụy Khiêm chỉ nói một câu như vậy rồi thôi, đoạn quay đi khách sáo cảm ơn bọn Tiểu Hạ.
Tam Béo hiểu rõ gã, biết gã đang nung nấu việc lớn, hắn cảm nhận được sự hung hãn coi trời bằng vung, được ăn cả ngã về không, cảm thấy đây là khúc dạo đầu báo hiệu rằng Ngụy Khiêm sắp phát điên rồi.
Trong chớp mắt ấy, Tam Béo thật lòng hi vọng tên biếи ŧɦái kia trốn cho xa, vĩnh viễn đừng bị Ngụy Khiêm tìm được.
Ngụy Khiêm như muốn phát điên, ngay hôm sau liền tháo bột, chuyển sang ca đêm đầy yêu ma quỷ quái, vậy thì ban ngày gã có thể tiếp tục đưa đón tụi nhỏ.
Khi đó ma túy kiểu mới như thuốc lắc còn chưa phổ biến, quản lý cũng chưa nghiêm, trong hộp đêm chẳng thiếu cái gì, có kẻ bán thân xác, cũng có kẻ nghiện ngập ốm tong ốm teo, có sàn nhảy điên cuồng của tuổi trẻ, rồi cả cảnh thanh niên đêm khuya chè chén thả ga.
Thâu đêm suốt sáng, mùi rượu nồng nặc.
Hai chén rượu là nóng đầu, hầu như ngày nào cũng có kẻ gây sự.
Ngụy Khiêm phải đối phó những người này.
Tay vừa lành thì gã đã bắt đầu cuộc sống đánh nhau liên tục, hầu như ngày nào gã cũng phải đánh một trận, mỗi sớm đều quay về với mùi rượu nồng nặc và vết thương đầy mình, chỉ trong hai tháng, Ngụy Khiêm bằng tư thái như chó điên nổi bật lên, thành một đả thủ rất có danh vọng.
Nhạc ca không bạc đãi đàn em có bản lĩnh, khoảng thời gian ấy gã kiếm được khá nhiều, tin tức về tên biếи ŧɦái kia thì vẫn có anh em nghe ngóng giúp.
Nhưng chẳng biết có phải là cầu nguyện của gã thiếu niên Tam Béo đã làm trời xanh cảm động hay không mà thật sự mãi chưa tìm được.
Cơ thể Ngụy Khiêm qua từng cuộc xung đột dữ dội trở nên rắn chắc hẳn, cũng bắt đầu có người gọi gã là Tiểu Ngụy ca, gã nhuốm mùi nguy hiểm của đả thủ chân chính bằng tốc độ khó tin, so với thiếu niên năm đó giữa trưa lén chuồn khỏi trường chạy đến quán bi-a ăn ké, tưởng như là hai người vậy.
Bạo lực, là một hành vi cực kỳ nguy hiểm, trong loại hành vi này, nó có thể không ngừng tự mình khen thưởng, tự mình mạnh hơn, sau cùng thay đổi nhân cách của một người.
Người chưa từng tiếp xúc sẽ vĩnh viễn không hiểu nổi vì sao lại có kẻ say mê bạo lực. Nó như một liều thuốc phiện, có thể đốt bùng adrenalin toàn thân trong chớp mắt, có thể dùng cách thức sai lệch để tạo thành sự tự tôn và tự tin méo mó, cảm giác an toàn, lòng trung thành, thậm chí trong ánh mắt sợ hãi của các anh em, Ngụy Khiêm có thể tìm được “giá trị” của bản thân trên mức độ nào đó.
Nó có thể đem đến một loại trải nghiệm tương tự với “thành công”, mà chính cái sự như “thành công” sẽ ngấm ngầm biến một người thành “kẻ thành công” trong tư duy, và “bạo lực” cũng sẽ ngấm ngầm biến người ta thành “kẻ bạo lực” trong suy nghĩ.
Kẻ mê muội trong đó, sẽ không thể tự chủ bắt đầu đề cao bản thân, lẩn tránh sự đắn đo của người bình thường với “hậu quả”, lẩn tránh các phương thức tư duy giải quyết vấn đề khác.
Sự sợ hãi và cảm giác tội lỗi sẽ tan rã trước tiên trong tình huống tự mình phủ nhận, và rồi khả năng khống chế bản thân bắt đầu sụp đổ, sau cùng thì tất cả lương tâm, đạo đức và sự dịu dàng của người này, đều sẽ mất khỏi nội tâm, rốt cuộc rơi xuống nông nỗi “hết thuốc chữa”.
Có người nói “hạng liều mạng” phần lớn là những kẻ vì tiền mà bất cần tính mạng, thật ra thì không hề đúng, thứ họ liều mạng đổi lấy phức tạp hơn xa giá trị của “tiền tài” đơn thuần.
Mà Ngụy Khiêm, rõ ràng đang đi trên con đường thênh thang này.
Gã không hề hay biết, nhưng Tam Béo đứng ngoài quả thực phải kinh hồn bạt vía.
Tam Béo rốt cuộc không nhịn nổi, lần thứ hai lén nói với Ngụy Khiêm: “Mày đừng làm việc này nữa, đi bảo kê đi, việc đó thoải mái biết mấy, ban ngày còn có thể nghỉ ngơi một lúc, hai đứa em cứ để anh đưa đón giúp được không?”
Lúc ấy đã là cuối thu, Ngụy Khiêm cậy tuổi trẻ sức chịu lạnh khỏe, chẳng mảy may chú ý đưa đầu vào gội dưới vòi nước lạnh, nghe câu này vừa vặn ngẩng lên.
Gã cầm khăn lau qua tóc tai, sau đó ra sức lắc đầu, trả lời: “Không cần, ông đừng có nhiều chuyện.”
Tam Béo đành phải ngậm miệng lần nữa.
Tam Béo chứng kiến Ngụy Khiêm lớn lên, hiểu rõ cậu chàng này, nói một lần thì được, gã biết là có lòng tốt, cũng biết cảm kích, nhưng nói nhiều thì cái máu lừa lại nổi lên, khỏi nhận người thân luôn.
Tam Béo đành phải đổi chủ đề: “À, mày nói thằng Mặt Rỗ sao rồi? Đúng là xuất quỷ nhập thần mà. Làm hàng xóm láng giềng, anh còn vào viện thăm mẹ nó mỗi ngày, nhưng cả nửa tháng rồi chưa gặp nó, rốt cuộc là sao đây?”
Mẹ Mặt Rỗ ở trong phòng theo dõi đặc biệt đã một thời gian dài, phí nằm viện đắt đỏ khiến cả ba thiếu điều phải đập nồi bán sắt vụn, cuối cùng Mặt Rỗ cầm nhà lấy một khoản tiền, dù gì cũng phải giữ lại mạng cho mẹ, nhưng bà ấy bỏng không còn ra hình người, một tay và một chân cắt cụt hẳn, chẳng đứng lên nổi nữa, chắc sau này cũng phải dở người dở quỷ đến hết đời.
Về sau họ không còn chỗ để ăn bánh quẩy và sữa đậu nành do bà nấu nữa.
Ngụy Khiêm sửng sốt, ban ngày lúc rỗi gã cũng đến bệnh viện xem còn tiền không, cố hết sức mình góp thêm một ít – nhưng gã cũng hơn nửa tháng rồi chưa gặp Mặt Rỗ – đấy là cả hai còn làm chung một hộp đêm.
Tam Béo nhíu mày: “Mày nói thằng lỏi ngu ngốc đó sẽ không xảy ra chuyện gì chứ?”
Bị hắn nhắc, Ngụy Khiêm liền để tâm, hôm ấy vừa vặn trực từ nửa đêm về sáng, Ngụy Khiêm cố ý lề mề một lúc, chờ trong phòng quan sát tới hơn ba giờ muốn ngủ gục luôn, gã thấy Mặt Rỗ quét dọn xong căn phòng trả đầu tiên, nhìn không được rõ lắm, Ngụy Khiêm thấy không xa gã ta còn một người khác vẫn giữ nguyên khoảng cách, mặt mũi thế nào thì không rõ.
Giống như cố hết sức không để người khác phát hiện hắn và Mặt Rỗ là một bọn.
Ngụy Khiêm giật mình, ra khỏi phòng quan sát, chú ý cẩn thận, tránh các camera, dè dặt bám theo Mặt Rỗ.
Gã không dám bám đuôi quá gần, tay đi cùng Mặt Rỗ rất cảnh giác, năm lần bảy lượt nhìn đằng sau.
Mặt Rỗ và tay đó đi vào một ngõ nhỏ kín gió, trời còn chưa sáng, Ngụy Khiêm lại đứng quá xa, nên chỉ có thể miễn cưỡng nhìn thấy Mặt Rỗ lấy một xấp tiền đưa cho hắn, hắn nhận lấy kiểm qua, sau đó rút mấy tờ đưa Mặt Rỗ, lại cho thêm một gói đồ nữa.
Hai người vội vã chia tay, Ngụy Khiêm bị gió lạnh buổi sáng cuối thu thổi đau cả đầu.
Xác định tay kia đi rồi, Ngụy Khiêm lại cẩn thận bám theo Mặt Rỗ một đoạn, cho đến khi cảm thấy an toàn mới gọi: “Mặt Rỗ!”
Gã chuẩn bị tra hỏi Mặt Rỗ chuyện ban nãy, ai ngờ Mặt Rỗ quay đầu nhìn lại rồi co giò chạy luôn y như chim sợ cành cong.
Ngụy Khiêm lập tức đuổi theo.
Mặt Rỗ chạy nhanh như thỏ, rẽ lung tung các con hẻm, chẳng bao lâu Ngụy Khiêm đã mất dấu.
Ngụy Khiêm sút bay một hòn đá, chửi nhỏ: “Chó chết!”
Sau đó gã quay về, chờ ngay cửa nhà Mặt Rỗ.
Mãi đến khi trời sắp sáng, đèn nhà mình cũng bật rồi, Tiểu Viễn và Tiểu Bảo thức dậy chuẩn bị đi học, gã vẫn chưa thể bắt được Mặt Rỗ.