Cậu nhỏ kể hồi mẹ sinh tôi ra, người lớn trong nhà đều đi gặt lúa chạy trời, còn mỗi cậu đang ngồi bệt ngoài thềm đất nướng châu chấu. Cậu nhỏ bị chị gái – tức là mẹ tôi gọi giật mấy hơi ngắt quãng, cậu sợ run người, vội vã chạy ra ruộng lúa kêu ông ngoại bà ngoại về. Bà ngoại quay về cùng cậu nhỏ để xem chừng, ông ngoại thì rẽ lối tắt đi tìm bà đỡ. Nhưng chưa đợi được bà đỡ thì tôi đã từ trong bụng mẹ chui ra rồi, lúc bà và cậu nhỏ quay trở về đã thấy tôi được bọc trong đống tã xám xịt.
Nghe nói tôi lúc ấy giống như một con mèo con yếu ớt, cậu nhỏ sợ, chạm cũng không dám chạm vì sợ tôi bị đau. Cậu cũng thường kể đi kể lại một chuyện – chuyện nhớ rõ ràng nhất đến bây giờ, đó là cảnh đứng bên khe cửa lén nhìn tôi nằm bên cạnh mẹ: tôi là đứa con nít mới chào đời thì không khóc, mẹ lại khóc rất lâu, gào lên những tiếng đau đớn xé lòng. Đó là lần đầu tiên cậu thấy mẹ tôi khóc nhiều như thế, khóc vô cùng đau lòng, khóc như cháy ruột cháy gan. Cậu nhỏ đứng bên ngoài nghe mà cũng nóng ruột thay.
Chẳng ai biết vì sao mẹ khóc, cho đến tận mãi sau này.
Tôi thường thường ngồi dưới bóng cây khế vừa đón gió vừa hóng chuyện, nài nỉ cậu nhỏ kể tiếp những chuyện xưa xa lắc xa lơ. Có lúc cậu kể tiếp (thậm chí bịa ra), có khi bí quá thì cậu lại lắc đầu, gãi đầu gãi tai bảo không nhớ rõ nữa. Cũng đúng thôi, cậu hơn tôi gần dăm tuổi, lúc đó còn nhỏ quá, làm sao mà nhớ được nhiều.
Cậu không nhớ thì thôi, tôi đi hỏi ông ngoại vậy, bởi ngoại dù lớn tuổi rồi nhưng vẫn khoẻ mạnh và minh mẫn lắm. Tôi thích nhất cái khoảnh khắc được gối đầu trên đùi ngoại tôi, nghe ông kể những câu chuyện xưa. Sau này tôi lớn, nhường thằng Nhậm ngồi trên đùi ông, tôi bế con Huyên ngồi bên cạnh, vừa bắt chấy cho hai đứa nhỏ vừa nghe ông kể chuyện. Chuyện xa chuyện gần, tất cả đều là những hồi ức mà tôi nghe mãi nghe hoài không chán.
Ông thường bảo tôi lạ lắm, hồi mới sinh ra không hề giống mấy đứa trẻ khác, không khóc, không náo, dù là sáng sớm hay đêm khuya đều ngoan ngoãn một cách lạ thường, làm cho người lớn trong nhà đều vui vẻ. Ông nói tôi từ bé đã có bộ dáng của một người trầm tĩnh đạm nhiên, đáng tiếc ngoại đoán sai rồi, tôi càng lớn càng quậy như giặc, chẳng còn dáng vẻ của hồi nhỏ.
Khi mà tôi chưa ra đời, nhà tôi vẫn chưa được phân đất ở, cha mẹ cưới nhau, tất cả sinh hoạt đời thường đều diễn ra trong túp lều lá lụp xụp trên khu đất hoang. Theo như lời kể, năm mẹ mang thai tôi, cha ở hẳn trên kho nông cụ để canh chừng vật tư nông sản, người ta không cho cha về; chị Thu thì đi học may trên huyện hiếm có lúc ở nhà; bên nội lại cậy nhờ không được. Vậy nên mấy tuần trước khi chuyển dạ, mẹ bụng mang dạ chửa ôm đồ đạc về nhà ngoại.
Đáng lẽ như dự tính, mẹ định đợi tôi quá tuần tuổi thì về lại nhà nhưng ở mãi thành quen, mẹ chẳng muốn về lều tranh nữa. Thành ra mẹ và tôi ở lì bên ngoại cho đến tận khi chị Thu học việc xong, lúc tôi vừa học lật thành công thì liền chuyển về lều tranh ở hẳn. Tôi tròn ba tháng tuổi lẻ mấy ngày mới quay về nhà, cả quãng đường cậu nhỏ bế tôi đều sụt sùi nước mắt nước mũi. Cậu nhỏ thương tôi nhất, thương đến mức không muốn để mẹ và tôi về ở với cha. Nhưng mà tôi vẫn phải về thôi, vì cha trở về rồi, cha về rồi thì cha sẽ chăm sóc mẹ con tôi. Tôi về với lều tranh, ở với cả cha, cả mẹ, tầm non nửa tháng thì được gặp mặt chị gái một lần.
Cậu nhỏ bảo từ lúc về nhà tôi thường hay nhớ cậu, nhớ hơi cậu, cũng bắt đầu quấy người, mồm miệng cứ phun bong bóng vòi cậu nhỏ ôm ôm ấp ấp. Cậu nói, cậu thấy tôi không có ai chơi cùng, thương nên chơi với chứ chẳng ham hố gì đứa trẻ con. Tôi biết ngay là cậu nhỏ nói láo, cậu thương yêu chiều chuộng tôi vô điều kiện, từ bé đã như vậy rồi.
Về nhà vắng tôi rồi, cậu nhỏ ôm chiếc khăn thơm mùi sữa của tôi khóc mấy đêm liền, không ôm nó là không ngủ được, giống như là cậu nhớ hơi tôi chứ không phải tôi nhớ hơi cậu nhỏ vậy. Cậu nhỏ nhớ tôi, ngày thường thường xuyên bỏ nhà không ai trông chừng để đến chơi với tôi, chọt má tôi; mỗi lần trốn được đều sẽ hí hửng đem mấy đồ thú vị gom nhặt được theo cùng, ngược lại làm ngoại tôi nhiều lần tức giận cầm roi đuổi chạy khắp sân. Mà giận nhất vẫn là mấy lần cậu trộm bế tôi về mà không nói, làm cả hai nhà đều sợ mất mật. Thế mà cậu nhỏ bị chửi, bị đánh vẫn cứ trơ trơ cái mặt ra, còn vui vẻ bẹo má tôi nữa.
Nghe ông kể lại những câu chuyện này, tôi thường không kìm lòng được mà cười phá lên. Cậu nhỏ ở bên đỏ mặt tía tai, không thể trút giận lên ông ngoại đành quay sang chỉ tôi trách móc:
- Ai bảo cậu số khổ, có thằng cháu dính như cao chó!
Tôi cười không ngừng, chọc cậu nhỏ giận. Cậu vơ lấy cái quạt mo, lao vào đánh tôi tới tấp. Tôi không thấy đau, chỉ thấy gió mát quạt bên người từng cơn từng cơn, bất giác cười ra tiếng. Cậu nhỏ đột nhiên dừng lại, như là hỏi bâng quơ:
- Cười chi?
- Điên! – Cậu khẽ chửi bậy, ném quạt mo lên bàn, mặt mũi méo mó vì giận.
Tôi nghe thế lại cười to hơn. Vì tôi hiểu tính cậu như thế nào, cũng hiểu cậu đối xử với tôi tốt đến nhường nào. Người ta thì do cha mẹ nuôi lớn, tôi lại giống như được cậu nhỏ nuôi lớn.
Năm đó, tôi sinh ra ở nhà ông bà ngoại. Sinh ra vào ngày mùa, sinh ra đúng vào tháng no đủ nhất trong năm. Thế mà người ta thường hay tiếc thay tôi, bảo rằng sinh vào ngày tháng đẹp mà gặp phong thuỷ chẳng tốt. Bởi chỗ nhà ông bà ngoại tôi vốn lọt thõm trong mảnh đất ruộng chưa khai khẩn, năm nạn đói từng là nơi mà nhiều người dân chết đói ra đây. Khi tôi được cậu nhỏ bế về, người lớn trong xóm qua nhòm tôi một cái đều nhận định là cả đời này tôi không thể nào thoát khỏi nương lúa ruộng đồng, cũng không thoát nổi cái đói cái khổ.
“Con hơn cha là nhà có phúc” – Vậy mà đứa trẻ như tôi vừa mới chào đời đã được phán số mệnh chẳng khác gì cha mẹ. Mãi đến khi nhà tôi được phân đất ở, chuyển sang ở cạnh nhà con Trân, chỉ mấy năm sau đó: thằng Nhậm, thằng Cần, con Huyên cũng lần lượt ra đời trên mảnh đất mới rộng rãi hơn, trước kia lại còn là khu dạy học, người ta đều trông chờ anh em chúng tôi thành đạt nên người. Nhưng người ta cũng nói sau này số tôi khổ hơn số bọn em tôi nhiều.
Những chuyện này tất nhiên phải lớn rồi tôi mới nghe hiểu được. Giờ nghĩ lại mà buồn cười, tôi còn chưa than khổ thì thôi, thời buổi khó khăn cơm chỉ đủ ăn thế mà người ta cứ thích nhiều chuyện… đến khổ! Với cả, nhà nông không sinh ra nhà nông thì sinh ra người trên tỉnh chắc! Tôi cũng chẳng ham hố gì với cái chuyện tự dưng ở giữa một vùng quê nghèo lòi ra một con phượng hoàng, chuyện này quả thật đến mơ chỉ sợ cũng không mơ nổi. Tôi cứ thế, từng ngày từng ngày qua, an ổn với cuộc sống đồng quê yên bình mà lớn.
Cuộc sống ở vùng quê nghèo dạy cho những đứa trẻ con như tôi biết cách làm quen với việc nhà nông từ rất sớm. Từ lúc hãy còn là đứa nhóc mang quả đầu sọ dừa thích chạy loăng quăng khắp nơi, tôi đã biết chăn trâu như thế nào để trâu nhanh no bụng nhất; bãi cỏ nào là bãi cỏ ngon nhất, chỗ nào cỏ đắng không thể ăn và chỗ nào là vườn nhà người ta không thể phá.
Nhà tôi vỗ béo trâu rồi bán đi, thu ít tiền công chăm bẵm, bán đi rồi thì mua con nhỏ hơn thay thế, cứ lần lượt bán rồi mua không ngắt. Trâu cứ thế lớn lên, tôi cũng cứ thế lớn lên. Trâu lớn lên rồi thì bị bán đi còn tôi lớn lên rồi thì vẫn là tôi thôi, vẫn là đứa trẻ nhà nông không có mộng ước cao sang. Người ta thì mơ này mơ nọ, tôi chỉ mong không bao giờ thiếu cơm ăn là được.
Dưới thân là da trâu nham nhám hôi rình, phía trên là bầu trời xanh ngắt một màu, tôi thường hay gác tay lên đầu nằm thưởng thức phong cảnh như thế, giả bộ học cách “nghiền ngẫm sự đời” theo các cụ. À thì dẫu tôi biết được rằng sự thật thì mình cũng chỉ là một thằng cu chăn trâu thôi, cũng giống như bao đứa trẻ con khác ở nông thôn, sinh ra đã sống với ruộng đồng nương cày và con trâu, con bò. Mỗi ngày ngồi trên lưng trâu, nhìn thấy mấy đứa nhỏ cũng hoạt bát nghịch ngợm như mình, lòng tôi lúc ấy nhiều lúc chẳng còn thiết tha nghĩ ngợi về chuyện ngày mai như thế nào.
- Ngày mai mi kêu thằng Lương đi!
- Hả? Sao kêu? Nó đã vào hội đâu? – Tôi giãy nãy như đỉa phải vôi, vội lội qua mương nước, lớn giọng dò hỏi.
Thằng Hùng nhảy lên lưng trâu rất điệu nghệ, dùng roi quất vào mông con trâu lì lợm đang cố gặm thêm vài miếng cỏ của nhà nó, không thèm quay đầu lại, trả lời cộc lốc:
- Mới có.
Ra thế, nhà thằng Lương mua trâu, người ta mừng thay nhà nó, còn tôi rầu. Tôi đã mong nhà nó mãi mãi không mua trâu, một mặt vì không muốn nó vào hội chăn trâu, một mặt khác lớn hơn là tôi ghét nó, ghét không lí do.
“Hội chăn trâu” tụ tập một đống đứa trẻ trong xóm, điều kiện vào hội tất yếu đầu tiên phải là nhà có con trâu. Giờ nhà thằng Lương có trâu rồi, rầu nhưng rầu mấy thì tôi vẫn dắt trâu ra khỏi chuồng mà nhập cuộc với hội, bởi vì niềm vui mà hội anh em đem đến chắc chắn sẽ lấn át cái bản mặt đáng ghét kia.