Bố Ơi Lấy Vợ Đi

Chương 7: Chú Đi Họp Cho Cháu..

Tác Giả Trường Lê.

#Chap7 : Chú Đi Họp Cho Cháu..

— Chú Dương ơi, chú Dương có nhà không đấy..?

Tôi đang ở sân sau rửa cho mẹ ít nồi niêu cũ, nghe thấy đúng giọng anh Luân rồi. Mẹ tôi đi ra đáp :

— Luân đấy hả, nó đang ở đằng sau, vào nhà đi để bác gọi nó.

Mẹ tôi vừa đi ra sau thì tôi đã đi vào, bà bảo :

— Anh Luân gọi có việc gì kìa, để đấy mẹ rửa nốt cho.

Tôi vâng dạ đi lên nhà, anh Luân rót nước uống, tôi hỏi :

— Anh gọi em à..? Có chuyện gì vậy anh..?

Anh Luân đáp :

— Mai chú đi họp phụ huynh cho cái Còi được không..?

Tôi trả lời :

— Được chứ, nhưng sao anh không đi..?

Anh Luân gãi đầu gãi tai :

— Anh cũng muốn đi, cũng xin đổi ca rồi nhưng mà chị làm cùng chị ấy lại ốm đột xuất, không đổi được nên mai vẫn phải đi làm. Mà 8h đã họp anh sợ không kịp, chú đi thay anh có gì rồi về bảo anh nhé. Mẹ anh cũng già rồi, đi lại không tiện.

Tôi cười :

— Vậy để mai em đi cho, mà năm nay nó lên lớp 2 rồi anh nhỉ..? Nhanh thật đấy, người thì bé mà ăn nói như cụ non. Nhiều lúc nói chuyện với nó em còn không nghĩ nó mới 7 tuổi. Trẻ con bây giờ tinh quái hơn anh em mình ngày xưa nhiều.

Anh Luân thích thú đáp :

— Ừ, chắc từ bé phải tự lập nhiều đâm ra nó già trước tuổi ấy. Cũng khổ thân, bố đi làm cả ngày, ở nhà chỉ quanh quẩn chơi với bà rồi phụ bà làm việc nhà, trông vậy mà giỏi lắm, còn biết phụ bà nấu cơm nữa, chiều hôm trước anh về thấy khoe thịt con rang nè, chắc là bà nấu xong ngồi trông bếp ha ha ha.

Nói thế chứ tôi thấy cái Còi nhỏ tuổi mà người lớn lắm. Nó rất thông mình, dạy cái gì cũng hiểu mà làm theo được ngay. So với bọn trẻ con cùng trang lứa thì nó tháo vát, nhanh nhẹn hơn nhiều. Cũng vì hoàn cảnh nên Còi được liệt vào danh sách hộ nghèo, mỗi năm đi học đều được miễn giảm học phí, hàng tháng gia đình còn được mấy trăm phụ cấp của phường. Cũng đúng thôi, nhà anh Luân khó khăn ai cũng biết, hai anh em ngồi nói chuyện, nhắc đến cái Còi tôi lại nhớ đến cái đợt mẹ nó bỏ đi. Hôm anh Luân cùng bác Xoan về nhà cũng là lúc hộp sữa mà anh Cảnh cho cũng gần hết. Tiền nong có bao nhiêu thì đem đi chữa bệnh cho anh Luân hết rồi, anh Luân mới bệnh xong cũng chưa thể đi làm ngay được. Người lớn thì còn rau cháo qua ngày, trẻ con không có sữa chịu sao được.

Bác Xoan ngày ngày phải bế cháu đi xin sữa khắp nơi, nhìn hai bà cháu khổ hạnh quá chị Thu cuối xóm cũng rủ lòng cho con bé bú nhờ. được đâu dăm ngày thì chồng chị Thu không đồng ý cho cái Còi bú nhờ sữa vợ mình nữa. Lý do là vì anh ấy sợ vợ không đủ sữa nuôi con, bởi con anh ấy mới được 3 tháng, mà cái Còi 5 tháng rồi, cái Còi bú nhiều hơn. Nhìn cảnh con khát sữa lòng anh Luân quặn đau thắt cả lại. Người ta bệnh tật nghỉ ngơi phải 1-2 tháng, anh bị tai biến nhưng về nhà được 1 tuần đã phải đi làm.

Anh xin đi bốc vác, xin làm ở bến như trước nhưng họ không dám nhận bởi một lần anh đã suýt chết. Xin lên công ty làm ca thì khi xem giấy khám sức khỏe họ cũng chẳng nhận bởi công ty giày da, may mặc ngày đó phải làm ngày mười mấy tiếng, có khi tăng ca cả đêm. Biết anh có tiền sử tai biến họ sợ nên mặc cho anh trình bày hoàn cảnh hết lời họ cũng lắc đầu.

Làm ở trong làng không được, anh đành phải đi sang làng khác xin phụ hồ, bả sơn cho người ta. Phúc anh lớn nên dù làm nặng nhưng bệnh cũ không tái phát. Hoặc có thể do nghị lực sống, trách nhiệm đối với mẹ già, con thơ quá lớn nên anh không dám đổ bệnh. Tính anh vốn chăm chỉ nên đi làm ở đâu người ta cũng quý, ứng tiền về mua sữa, nhìn con gái nằm trong lòng bà nội ăn sữa rồi ngủ ngon lành anh lại thấy mình cần phải cố gắng hơn. Con nhà người ta bú sữa mẹ 7-8 tháng là bình thường, con anh 5 tháng đã dứt sữa mẹ. Có lẽ vì thế mà ngày bé nó bụ bẫm, đáng yêu, mũm mĩm bao nhiêu thì lớn lên nó lại càng còi cọc bấy nhiêu.

Lang thang làng khác cũng phải gần 2 năm trời, cuối cùng bên hội phụ nữ có bà tổ trưởng thấy gia đình anh hoàn cảnh, anh lại bệnh tật nên mới ngỏ lời xin cho anh vào tổ đô thị môi trường, quét rác, gom rác vào mỗi sáng sớm cho đến gần trưa. Từ ngày quét rác anh lại có thêm cái nghề nhặt ve chai. Gom rác thấy chai nhựa, đồ nhựa mà người ta vứt đi là anh cho vào một cái bao, tích lại để bán đồng nát. Cần kiệm, dầm mưa dãi nắng sớm hôm, mưa cũng như không mưa anh vẫn đều đặn đẩy xe rác đi khắp đường làng, ngõ xóm. ́y vậy mà giờ đây cái Còi đã lên lớp 2 rồi đấy, có những buổi trưa tan học bà nội đón, hai bà cháu dắt nhau đi về nó thấy bố mình đang quét đường. Con bé chạy lại ôm chầm lấy bố như con chim non ríu rít. Ngày bà dắt đi học, trưa bà đón về cho ăn cơm vì khi mới đầu Còi chưa được miễn giảm học phí. Cũng lại nhờ bà tổ trưởng cật lực cầm giấy tờ đi khắp nơi xin xác nhận để Còi được ghi tên vào hộ chính sách. Sau đó con bé mới được ăn ngủ ở trường, chiều bà nội lại đến đón về.

Có lần tôi đi qua thấy anh Luân mặc bộ quần áo công nhân vệ sinh màu xanh da trời đã bạc phếch đứng bên ngoài cổng trường ngó ngó nhìn vào trong, bởi khi anh đi làm, con bé vẫn chưa ngủ dậy. Anh Luân kể :

— Mỗi sáng thức dậy trời còn tờ mờ, anh lại đến cạnh giường, khẽ vuốt vuốt mấy sợi tóc sang bên vành tai ngay ngắn cho con bé rồi mới đi làm được. Có hôm chắc ngủ mơ, nói mớ cứ gọi bố ơi, bố ơi……Nuôi con, nhìn con lớn lên từng ngày cũng là niềm hạnh phúc. Được cái chắc là nó biết nhà bố nó nghèo nên những khi hết sữa, pha nước đường, rồi mớm nước cơm, cháo loãng cho nó ăn nó cũng ăn.

Tôi khẽ cười ;

— Ngày bé em cũng uống nước cơm suốt này, nó nhanh nhẹn, hoạt bát vậy là tốt rồi anh. Chứ nói thật nhìn bọn trẻ con bây giờ được bố mẹ chăm quá béo phì, nút hết cả não….Sau này lớn lên lại cho con đi giảm béo càng chết. Ông bà mình ngày xưa nuôi bố mẹ mình toàn quăng ra sân, cởi chuồng lông nha lông nhông như thả gà mà rồi cũng lớn, cũng đẻ ra anh em mình nuôi to như trâu mộng đấy thôi.

Mẹ tôi bê đĩa ổi lên nói thêm vào :

— Thằng này á, ngày bé bố mẹ đi làm, ông ấy ở nhà chơi nghịch chui cả vào nhà than, cả nhà về không thấy đâu tưởng rơi xuống ao, các cậu, rồi hàng xóm, cả bác Xoan với tao phải chạy ra mương, ra lạch hỏi người ta xem nó có đi lạc đến đấy không..? Tiên sư bố nhà nó, mò mẫm dưới ao hai tiếng không thấy nó đâu, tự nhiên nghe trong nhà than tiếng trẻ con cười khanh khách, mở cửa ra thì nó đen thui, đen thùi lùi đang bẻ than ra nghịch. Đúng là tiểu yêu, lôi nó ra đánh mà nhìn cái mặt nó nhem nhuốc, thò mỗi hai cái mắt lại buồn cười không đánh nó nữa. Sau vụ đấy là phải đem đi gửi đấy….

Anh Luân với tôi ngồi cười ha hả khi mà mẹ tôi kể chuyện ngày xưa, nhưng đúng là ngày bé tôi nghịch thật, bắt tôm, bắt ốc, câu cá đủ các kiểu……Anh Luân đứng dậy chào mẹ tôi rồi nói :

— Thôi, cháu về đây….Về lát còn chở cho nhà ông Nghĩa 20 bao xi măng sang làng bên. À quên, giấy họp phụ huynh đây, chú Dương mai đi cho cháu nó nhé, đến lớp nếu cô giáo mà có phản ánh gì chú cứ về bảo anh.

Tôi nhận lấy tờ giấy mời họp phụ huynh rồi cũng chào anh, anh Luân ra về, mẹ tôi chép miệng :

— Cảnh gà trống nuôi con là khổ sở lắm, đúng là mấy năm trước quá khó khăn. Giờ con bé cũng lớn rồi nhưng về sau cũng nhiều cái mà không có bàn tay phụ nữ sợ thằng Luân không biết xoay sở thế nào.

Tôi đáp :

— Thì có mẹ với bác Xoan rồi đây…Chết dở, chưa có con mà đã đi họp phụ huynh thế này có khi ra đường gái nó lại chạy hết. ha ha .

Sáng hôm sau, tôi dậy tính 7h sẽ dậy, cơ mà đồng hồ báo thức chưa kêu mà sao lại có người đang lay người tôi, kèm theo đó là cái giọng the thé quen thuộc :

— Chú Dương, dậy đi….Dậy đi chú ơi….

Tôi còn đang mơ màng thì lại nghe tiếp :

— Bà ơi….Chú Dương không chịu dậy.

Tiếng mẹ tôi xen vào :

— Cháu cứ gọi đi là chú dậy.

Trời đất ơi, cái Còi, sao mày sang sớm thể hả giời. Tôi ngồi bật dậy, đầu tóc bù xù, mắt còn đỏ lừ, tôi ngáp dài rồi quay sang phà hơi vào nó, nó bịt mũi lùi lại :

— Úi úi……chưa đánh răng kìa……hôi quá.

Tôi nhìn đồng hồ mới có 6h15, tôi nói như mếu :

— Dậy sớm thế, 8h mới họp cơ mà….Từ nhà mình đến trường có mỗi đoạn tầm 1 cây. Để chú ngủ tí nữa đi….

Nó nhất quyết không chịu, tôi cứ nằm xuống là nó lạy lay người. Chịu thua, tôi đành phải dậy trong tiếng cười của hai bà cháu. Đánh răng xong lên nhà là mẹ tôi đã mua đồ ăn sáng cho cả hai chú cháu, vừa ăn nó vừa kể về cô giáo của nó, không biết là mẹ tôi mớm lời hay dạy nó mà nó kể nào là cô xinh đẹp, cô hiền dịu….bla….bla….Xong nó phán câu xanh rờn :

— Chú Dương mà lấy cô giáo cháu thì hay biết mấy….bà nhỉ..?

Tôi đang nhai miếng chả thịt mà phải dừng luôn, tôi nhìn không biết có phải nó mới 7 tuổi hay không…? Đồ con nít ranh ma mãnh…..!

———