Xuyên Đến Những Năm Đói Kém, Một Nách Năm Con

Chương 49: Báo Bình An

Trường học của bộ đội ban đầu khá đơn sơ, nhưng vì đa phần là con cái quân nhân trên đảo học ở đây, lo ngại thiên tai hoặc sự cố bất ngờ, nên cấp trên đã cấp phép cho các quân nhân nghỉ phép góp công xây dựng, từng chút một, biến nơi đây thành ngôi trường khang trang như hiện tại.

Đó là một dãy nhà xây bằng gạch ngói, nhìn còn bề thế hơn cả khu nhà tập thể của gia đình quân nhân.

Kiều Ngọc tìm gặp hiệu trưởng.

Hiệu trưởng là một người đứng tuổi, đeo kính, khi nghe tiếng động, ông hà hơi lên kính rồi lau kính bằng cổ tay áo và nói: “Vào đi.”

“Chào thầy hiệu trưởng, em là vợ mới theo quân của đoàn trưởng Chu, đây là con trai em, Đại Vỹ, tuổi đã đủ để đi học rồi. Em mang theo cả hộ khẩu và giấy đăng ký kết hôn, thầy xem có thể giúp em làm thủ tục nhập học được không?” Kiều Ngọc nói một mạch.

Hiệu trưởng rót cho cô một cốc nước, thấy cô vẫn hơi thở dốc, liền hỏi: “Có vẻ gấp lắm sao?”

“Em vừa mới đến, việc thì nhiều, chưa kịp báo bình an cho gia đình, muốn lo xong việc nhập học cho con rồi mới đi.”

“Vậy à… Thế thành tích học tập của cháu thế nào?”

“Thông minh như bố nó vậy. À, bố nó từng học hết cấp ba, lớn lên nhờ công lao của cả xã, vì vậy khi trưởng thành cũng luôn cố gắng làm việc cho hợp tác xã để đền đáp công ơn.”

Hiệu trưởng nghe vậy, cảm thán: “Đúng là một người tốt.”

Vì là kết hôn theo diện quân nhân, lý lịch của Kiều Ngọc đã được xác minh kỹ lưỡng, trừ bố mẹ nuôi kỳ quặc kia, ngay cả người chồng quá cố của cô cũng được kiểm tra. Cấp trên cũng ngầm chấp thuận việc cô đưa Đại Vỹ và Tiểu Dũng theo quân vì cả hai đều là những người có phẩm hạnh tốt.

“Cô nộp học phí trước đi, ngày mai để cháu đến kiểm tra sơ khảo rồi mới quyết định xếp lớp cho cháu.”

“Vậy hôm nay chưa thể nhập học sao ạ?”

“Hôm nay thì chưa được.”

Kiều Ngọc suy nghĩ, cũng thấy hợp lý, vậy lát nữa cô gọi điện sẽ bảo Đại Vỹ trông Tiểu Dũng, cô sẽ tiện bề hơn.

“Vâng, cảm ơn thầy hiệu trưởng.”

Ra khỏi trường, Kiều Ngọc dẫn hai đứa nhỏ đến bưu điện. Nơi này không chỉ nhận thư và điện báo mà còn có dịch vụ gọi điện thoại. Một thím trong khu gia đình quân nhân được phân công canh giữ tại đây.

Kiều Ngọc nói: “Chào chị, tôi muốn gọi một cuộc điện thoại về Bắc Kinh, đây là số điện thoại.”

Cô đưa mảnh giấy ghi số điện thoại cho chị ấy.

Chị ấy nhìn Kiều Ngọc từ đầu đến chân, rồi nói: “Chờ chút.”

Chị bưu điện quay số điện thoại giúp cô.

Khi đầu dây bên kia đổ chuông, chị ấy sang một bên ngồi đan áo len. Còn Đại Vỹ và Tiểu Dũng thì chơi dưới bóng cây gần đó.

Chuông kêu hai lần thì bên kia bắt máy.

“A lô?”

“Ông nội ơi! Cháu đã đến đảo rồi, an toàn cả!”

“Ồ, Kiều Ngọc đó à. Cuộc sống trên đảo thế nào? Ăn uống có hợp không? Tiền và tem phiếu có đủ dùng không?”

Kiều Ngọc nghi hoặc hỏi: “Ông nội vẫn còn tiền và tem phiếu sao?”

“Ông thì không, nhưng ông có thể đòi từ bố mẹ cháu... cái lũ bất hiếu đó!”

Kiều Ngọc không vui: “Ông nội, cháu không muốn dính dáng gì đến họ nữa.”

“Không phải để cháu dính dáng gì đâu. Là ông đã đến tuổi rồi, nên để chúng phụng dưỡng, đưa ít tiền dưỡng lão cũng là điều phải thôi.”

“...Ừm, cũng có lý, vậy thì cứ đòi thêm một ít. Nhà cháu, Tiểu Dũng thích uống sữa bột lắm, mấy đứa kia thì mê mạch nha nữa. Lương thực thì thiếu thốn, nhà có sáu người mà mỗi hai tháng chỉ được sáu mươi cân lương thực, chủ yếu là khoai tây, ăn nhiều quá cũng khó tiêu.”

Ông nội Trương im lặng một lúc rồi nói: “Đợi đấy, ông sẽ nghĩ cách!”