Về tới cửa phòng, Tịch Minh Nguyệt vội đưa khúc gỗ cho Chiêu Dao cầm và rút dây áo choàng, tháo ra, trả lại cho Lâm Thụy.
Nhớ đến lúc nãy, vì nàng bận tay mà chàng phải giúp khoác áo, bỗng nhiên cảm thấy hơi chút thẹn thùng. Suy cho cùng, cả hai nào có cùng máu mủ, chàng lại có cái mã anh tuấn thế kia, cũng khó trách.
Lúc ở thời hiện đại, sở thích của nàng là ngắm người đẹp, cả nam lẫn nữ.
- Cám ơn Lâm Thụy ca ca. Huynh ngủ ngon nhé.
Nàng cao hứng lên tiếng xong mới phát hiện mình bị lỡ miệng, hình như thời xưa chẳng có ai chúc nhau ngủ ngon cả.
- À, huynh về cẩn thận. Muội.. muội vào trong đây.
Nói rồi, Tịch Minh Nguyệt mau mắn chui tọt vô phòng, Chiêu Dao và Chiêu Dung cũng gấp gáp cúi chào vương gia rồi líu ríu chạy theo.
Cả hai tỳ nữ nhìn khúc gỗ có mấy cái nấm trắng bám vào một cách chăm chú. Thấy họ như vậy, nàng mỉm cười, bảo tắt bớt nến và đưa khúc gỗ vào góc tối.
- Ôi, quận chúa, nó phát sáng này. – Chiêu Dung réo rắt.
- Nó có phép thuật ạ? – Chiêu Dao tiếp lời.
- Không, nó là một loài nấm lân tinh, tự phát sáng khi không có ánh nến. Các muội chưa thấy bao giờ ư? – Nàng thích thú giải thích và hỏi.
- Chưa ạ. – Đôi tỷ muội đồng thanh đáp.
Ngắm no mắt và trò chuyện hồi lâu, cả ba tản ra đi ngủ vì trời cũng quá khuya. Tịch Minh Nguyệt đem khúc gỗ đặt cẩn thận trên bàn và nhảy lên giường, trùm chăn, nhắm mắt. Bây giờ, nàng mới biết Lâm Thụy ấy có một đoạn tình bi ai nhường bao.
Theo như lời của Chiêu Dao kể ban nãy thì hai tỷ muội nhà họ chưa bao giờ đặt chân vô rừng cả vì lúc trước người họ hầu hạ là quận chúa Lâm Nhu Nhi. Mà mỗi khi quận chúa vào rừng đều do Bình vương gia hộ tống, chẳng cần ai theo.
Lâm Nhu Nhi vốn cũng không có huyết thống gì với Lâm Thụy, nàng ấy là nữ nhi của một tướng sĩ dưới quyền đã tử chiến sa trường.
Hoàn cảnh người tướng sĩ ấy đơn chiếc vì vợ bệnh và qua đời sớm, vậy nên, khi hắn nhắm mắt xuôi tay, lão vương gia liền nhận đứa trẻ ấy làm nghĩa nữ, cho theo họ mình, đưa vào phủ nuôi nấng. Năm ấy, thái tử phi hiện tại chỉ vừa tròn mười tuổi.
Thường những đêm trăng sáng, Lâm Thụy hay đưa tiểu muội ra thành dạo gió, ngắm cảnh. Tình cảm huynh muội rất thân thiết cùng khắng khít.
Chàng thương Lâm Nhu Nhi đến độ đã uống say tận ba ngày ba đêm khi nàng ấy tiến cung làm thái tử phi.
Cả vương phủ dường như đều hiểu tình cảm mà Lâm Thụy dành cho tiểu quận chúa kia chẳng đơn thuần là tình thân mà là tình yêu.
Chỉ vì đêm ấy thái tử điện hạ đến phủ, uống say quá chén, phải ở lại rồi chẳng hiểu vì sao mà sáng tinh mơ ngày hôm sau, thái tử lẫn quận chúa lại chung một căn phòng, trên một chiếc giường.
Ấy vậy là thanh danh Lâm Nhu Nhi mất hết. Tuy nhiên, thái tử gia này cũng đàng hoàng, tử tế, chẳng phải kẻ phong lưu vô tình. Vừa hay, ngài ấy tiết lộ trước giờ cũng có tình cảm và để ý Lâm Nhu Nhi, thành thử đã xin hoàng thượng ban hôn ngay lập tức.
Thế rồi, nàng quận chúa một bước từ chim loan hóa thành chim phụng, đậu tuốt cành vàng cao chót vót, còn chàng tiểu vương gia thì đắm mình trong men đắng, gặm nhấm uất hận đớn đau.
Thảo nào, lúc đưa nàng đến bờ hồ, Lâm Thụy lại bày ra cái bộ mặt u sầu thiểu não, như hờn như dỗi ấy. Hẳn là bị quá khứ ám ảnh đây mà.
Suy đi nghĩ lại hồi lâu, nàng dần chìm sâu giấc ngủ. Tận đáy lòng vẫn nuôi hy vọng, khi ánh dương lên thì mọi thứ sẽ tan biến như mơ.
Đêm dần trôi, trăng tàn, trời tang tảng sáng, Tịch Minh Nguyệt mở mắt nhìn lên trần nhà, nàng hiểu rõ bản thân đã chẳng còn đường về ngoài cách chui ra từ tập bản thảo ấy. Đã qua một ngày, một đêm, có lý nào Lục Lam không phát hiện rằng nàng đã biến mất ư?
- Nô tỳ đến hầu quận chúa rửa mặt ạ. – Chiêu Dao nhỏ giọng bên ngoài bức màn mỏng.
- Được. – Nàng khẽ đáp.
Tiếp đó, hai tỷ muội họ Chiêu nhẹ nhàng vén màn, cẩn thận giúp quận chúa rửa mặt.
Tịch Minh Nguyệt từ nhỏ đã tự thân vận động, nay đột nhiên được kẻ khác chăm chút tỉ mỉ đâm ra hơi khó chịu, nhưng nghĩ đây vốn là công việc của tỳ nữ, họ cũng nào muốn đâu, thôi đành ăn theo thuở, ở theo thời cho hợp hoàn cảnh vậy.
Chải đầu và thay xiêm áo xong xuôi thì người bên chỗ Lâm Thụy cũng sang mời Tịch Minh Nguyệt đến phòng chàng dùng bữa sáng.
- Chiêu Dao, vương gia trước đây có hay ăn cơm cùng thái tử phi không? – Nàng đưa tay chỉnh lại chiếc trâm cài đầu, cất tiếng hỏi.
- Bẩm quận chúa, có ạ, những lúc không ở sa trường, lão vương gia và vương gia cùng thái tử phi vẫn thường ăn uống cùng nhau. – Chiêu Dao đáp.
- Nói vậy, hẳn là phụ thân cùng huynh trưởng ta thường phải đi đánh trận nhỉ?
- Vâng ạ. Lúc Bình Vương gia cùng tiểu quận chúa còn nhỏ, lão vương gia thường đem họ gởi sang phủ La tướng quân cho họ có bạn, đỡ tủi thân. Sau này Bình vương gia trưởng thành, theo lão vương gia dẹp yên bờ cõi, trị quân phản loạn, còn quận chúa thì ở trong phủ, ngày ngày ngóng tin, chờ họ về.
Tịch Minh Nguyệt nghe Chiêu Dao nói xong bỗng nhiên thấy xót xa thay cho nàng thái tử phi Lâm Nhu Nhi. Cha nàng ấy chết trên chiến trường, khó trách thấp thỏm lo âu khi nghĩa phụ, nghĩa huynh đều xông pha miền biên viễn.