Chương 16: Thái độ nhiệt tình
PHẦN NĂM: THÁI ĐỘMỤC ĐÍCH
1/ Chứng minh tầm quan trọng của một thái độ tinh thần đúng.
2/ Nhận dạng một số đặc tính của thái độ.
3/ Bảo vệ thái độ của bạn trước lối suy nghĩ tồi tệ.
4/ Tặng bạn công thức 4 bước nhằm kiểm soát thái độ của bạn trong bất cứ tình huống nào. Đặt nền tảng vững chắc cho thái độ của bạn.
5/ Chỉ cho bạn thấy khi bạn chọn một thói quen, bạn cũng chọn hậu quả cuối cùng của thói quen đó.
6/ Dạy bạn cách tránh hay loại bỏ những thói quen xấu và tập những thói quen tốt.
Một thái độ tích cực sẽ đem lại những kết quả tích cực vì thái độ thưòng hay lây. Một trong những thái độ ấy là nhiệt tình. Elbert Hubbard nói: Nếu không có nhiệt tình thì đã chẳng có gì vĩ đại thành sự cả. Sự khác biệt giữa nhà giảng thuyết giỏi và nhà giảng thuyết vĩ đại, giữa người mẹ giỏi và người mẹ vĩ đại, giữa diễn giả giỏi và diển giả vĩ đại, giữa người bán hàng giỏi và người bán hàng vĩ đại thường là do nhiệt tình.
Nếu bạn tin tưởng hết mình vào chính nghĩa, vào công ty và sản phẩm của bạn, tất bạn sẽ có thứ nhiệt tình xuất phát tận đáy lòng chữ không chỉ miễn cưỡng bề ngoài.
Nhiệt tình đích thực không phải là thứ bạn “ cài vào” và “ tháo ra” tuỳ hoàn cảnh. Nó là một lối sống chứ không phải khí cụ để khuất phục người khác. Nó không liên hệ đến thái độ huênh hoang bên ngoài mà là cách biểu hiện một cảm giác bên trong. Có nhiều người đầy nhiệt tình song vẫn điềm tĩnh, dù mọi cơ bắp cũng như lời nói và hành động của họ đều toát lên vẻ yêu đời, cho rằng đời đáng sống. Tuy một số người nhiệt tình có ồn ào thật nhưng ồn ào không phải là điều kiện hoặc dấu chỉ của nhiệt tình.
THÁI ĐỘ “ CỐNG HIẾN”
Thế giới hôm nay nói nhiều đến “THỤ HƯỞNG” nên quên mất thái độ “CỐNG HIẾN”
Đúng, tôi tin là có thái độ “ THỤ HƯỞNG” và “ CỐNG HIẾN”, mặc dù tôi tin là bạn khó mà tách biệt hai thái độ đó được. Lịch sử nước Israel, một thiên truyện hay nhất thế kỷ là một dấu chứng hùng hồn.
Ra đời giữa nghịch cảnh vào năm 1948, những người Do Thái đã kiến tạo nền thịnh vượng và một ốc đảo thực sự giữa biển cát và sự đói nghèo của các lân quốc Á Rập (bạn đừng để bị lóa mắt trước các ông vua dầu hỏa giàu sụ trong khi đại đa số dân chúng phải sống trong cảnh lầm than và dốt nát không thể tưởng) mặc dù thiếu thốn tài nguyên trầm trọng song người Do Thái không vì thế mà chịu bó tay. Khi đã chờ đợi 2.000 năm ròng rã để trở về mái nhà xưa, đã chịu bách hại và kỳ thị khắp mặt đất đương nhiên lúc trở về quê cha đất tổ, dù là đàn ông, đàn bà hay trẻ em, họ đều có một bầu nhiệt huyết sục sôi và một quyết tâm sắt đá để không những gầy dựng cho mình một chỗ đứng trong thửa đất quê hương mà còn sẵn sàng và nôn nả cống hiến cho mảnh đất thân thương ấy nữa.
Kết quả là họ đã tạo nên một kỳ công của thế kỷ. Họ đã đem nước tưới tiêu cho vùng đất ngàn năm nóng cháy, đã vun trồng được những vườn nho trĩu trái giữa hoang mạc khô cằn. Đem trí tuệ vào lao động, đem quyết tâm, tự tin và thái độ cống hiến cho số dân dưới ba triệu người, đồng thời thu hút thương gia và du khách từ khắp thế giới đổ về, họ đã xây dựng được một mảnh đất tự do và trù phú, giúp họ đủ sức chống lại lực lượng phối hợp của 100 triệu người Á Rập xung quanh. Lịch sử nước Do Thái quả là một thiên truyện của thế kỷ. Họ trở về để “cống hiến” và “ thụ hưởng“. Nhân tiện cũng xin nói là Do Thái có tỉ lệ tội ác thấp nhất phương Tây và tính phá hoại thì hầu như không có.
Một nguyên tắc chung là khi xây dựng một công trình bằng nước mắt mồ hôi và máu thì không ai nỡ phá đổ nó. Người xây dựng không bao giờ phá đổ, còn người phá đổ thì không xây dựng bao giờ.
TRI QUYẾT ĐỊNH HÀNH
Bạn là người thế nào và ở đâu là tùy tâm trí bạn đã thu thập được những gì. Bạn có thể thay đổi con người và chỗ đứng bằng cách thay đổi sản phẩm của tâm trí. Cuối năm 1979, chúng tôi bỏ ra một số tiền lớn để sắm một máy vi tính. Tôi đã khoe với mọi người về khả năng kỳ diệu của máy, nào là kiểm kê, làm sổ lương, sổ thư, dán nhãn và mọi thứ phục vụ sinh hoạt khác kể cả pha cà phê sáng và quét dọn bếp núc nữa. Tôi hết sức hứng thú về chiếc máy vi tính đó, nhưng sáu tháng sau thì tôi mong bán tống bán tháo nó đi.
Ngày nay, nếu không có nó ắt tôi cũng chẳng thu lợi được gấp mười lần giá đã mua. Tại sao vậy? Rất đơn giản: những người đầu tiên chúng tôi mướn để lập trình cho máy đã làm hỏng nó (quả thật, họ đã làm thế đấy).
Rồi một hôm Marilyn và Dave Bauer xuất hiện, và bảo đảm với chúng tôi là họ có thể khiến máy cười cợt, nói năng, huýt sáo, ca hát và làm một số công việc khác nữa. Chúng tôi háo hức hối thúc họ bắt tay vào việc ngay và chỉ trong một thời gian ngắn, máy vi tính đã làm mọi sự chúng tôi mong đợi và cả những cái chúng tôi không ngờ nữa. Máy ấy lạ lùng thật nhưng công suất của nó tuỳ thuộc “nguồn cung cấp“.
Nó không giỏi, cũng không dốt hơn con người hoặc những người “lập trình” cho nó.
Đời sống bạn cũng tương tự thế đó. Nói rộng ra, bạn cũng sẽ hành động, suy nghĩ và xử sự tùy theo cách bạn “lập trình cho mình”.
Tuy nhiên, giữa bạn và máy có một khác biệt lớn là bạn có thể chọn chương trình và lập trình cho tâm trí mình. Nếu bạn chưa tiến xa trên đường đời như bạn muốn, có lẽ bạn đã lập trình sai, có thể - có thể thôi - chất liệu cung cấp cho tâm trí bạn có tính cách tiêu cực nên thay vì đẩy bạn tiến nó lại kéo bạn lùi. Một mục tiêu khác của cuốn sách này là giúp bạn một chương trình “cung cấp” để bạn làm được điều mình muốn, có được điều muốn có và trở thành người bạn muốn thành.
CÒN XANH CÒN LỚN
Hồi còn làm giảng viên cho viện Dale Carnegie tại Nữu Ước, tôi được vinh dự tiếp xúc với một doanh gia nổi tiếng tên là Ed Green trên sáu mươi tuổi, lợi tức hàng năm của ông là 75.000 $, tức khoảng 125.000 $ ngày nay. Một tối nọ, sau giờ học tôi bắt chuyện với ông và thẳng thắn hỏi ông làm gì trong một lớp học mà tổng số lợi tức của cả ba giảng viên gộp lại không bằng lợi tức của mình như vậy thì ông mỉm cười đáp “Anh Zig ạ, để tôi kể cho anh nghe câu chuyện này nhé! Hồi còn nhỏ, có một lần ba tôi dẫn tôi đi thăm vườn. Quên chưa nói với anh, ba tôi có lẽ là nhà làm vườn hàng đầu trong vùng chúng tôi đấy. Thăm vườn xong ông hỏi tôi học được những gì. Tôi mỉm cười đáp:
- Điều duy nhất con thấy là ba đã bỏ thật nhiều công sức cho các mảnh vườn này.
Ba tôi liền xẳng giọng bảo:
- Này con, ba cứ tưởng con phải học được là bao lâu còn xanh, trái cây còn lớn, nhưng khi chín rồi thì chúng cũng bắt đầu thối kia chứ.”
Rồi Ed kết luận:
- Tôi không bao giờ quên được chuyện đó, anh Zig ạ Sở dĩ tôi đến đây học là vì tôi mong sẽ học hỏi được thêm. Thú thực là lớp học này đã giúp tôi thanh toán được một lô hàng lời nhiều ngàn đô la mà tôi đã xoay trở suốt hai năm nay. Nguyên tiền lời của vụ này cũng đủ trả học phí cho mọi khóa thương nghiệp trong đời mình rồi.
Dĩ nhiên có được lời chứng của một người như ông Ed Green, thì còn gì quí giá bằng. Chúng tôi tiếp tục trò chuyện, và bày tỏ sự hài lòng của mình về lời chứng đó. Tôi cũng nói với ông về trường hợp của một học viên trẻ đã phàn nàn rằng anh đã nghe cả rồi mà chẳng được lợi ích gì cả.
Ed mới nhận xét là anh chàng đó ắt phải có vấn đề về tư cách. Rồi ông đưa ra một lối so sánh ý vị, ông bảo:
- Anh Zig này, tôi lập gia đình có trên bốn mươi năm rồi, vậy mà mỗi khi vợ tôi nhăn nhó để tôi hôn bà, tôi biết rõ mùi vị nụ hôn sẽ ra sao, thế nhưng tôi vẫn không chán.
Trong cuộc sống, mong bạn cố giữ được lòng ham sống và học hỏi bằng cách thường xuyên bồi dưỡng tâm trí với những gì giúp bạn tăng trưởng. Peter Drucker đã nói: kiến thức cần được trau dồi, thử luyện và tăng thêm mãi, nếu không nó sẽ tan biến mất.
TÁC ĐỘNG - PHẢN ỨNG
Ông B, không bằng lòng với tình hình trong công ty nên triệu tập một buổi họp và bảo:
- Phải cải tổ mới được, các bạn ạ. Trong chúng ta, có một số đi trễ về sớm, một số khác thì lơ là với bổn phận. Vậy, nhân danh chủ tịch công ty, tôi đề nghị chúng ta cùng cải tổ. Từ nay, tôi sẽ đi sớm về trễ, chu toàn bổn phận để làm gương cho các bạn. Nếu tôi làm gương tốt, các bạn phải noi theo, nếu không tốt các bạn làm theo thì tôi sẽ bỏ qua. Nếu mỗi người đều nỗ lực và nghiêm chỉnh chu toàn bổn phận tất công ty sẽ phát đạt và tương lai sẽ rực rỡ.
Như phần đông mọi người, ông B đã đề nghị với tất cả thiện ý của mình. Nhưng sau đó ít ngày trong một bữa tiệc tại câu lạc bộ miền quê, mải vui chuyện, ông quên cả giờ giấc, đến khi nhìn đồng hồ mới giật nảy mình suýt nữa đánh rơi cả tách cà phê rồi vội vàng cáo lỗi: “Trời ơi 10 phút nữa tôi phải có mặt tại văn phòng rồi“. Thế là ông chồm dậy, vọt ra bãi đậu, nhảy vọt vào xe, sang số lia lịa và phóng bạt mạng. Ông đang phóng hết tốc lực thì cánh tay dài của luật pháp chộp được, mắng cho một trận và giơ ra tờ giấy phạt:
Giận tím người, ông B rủa thầm trong bụng:
- “Quỉ tha ma bắt mày, mẹ kiếp, mình là một công dân hiền lành, đóng thuế đầy đủ giữ đúng luật pháp, không xía vào chuyện của ai cả, thế mà cái gã này lại phạt mình mới tức chứ. Lẽ ra hắn lo đi bắt quân ăn trộm, ăn cướp mới phải: Mình chạy nhanh nhưng có gây tai nạn đâu mà hắn phạt kia chứ! Phi lý, thực là phi lý!”
ÔI CHAO, ÔNG GIẬN ĐIÊN NGƯỜI
Về đến văn phòng, để đánh trống lảng việc mình đến trễ, ông cho gọi trợ lý thương vụ lên làm việc, nạt nộ hỏi xem vụ buôn bán với Amstrong đã kết thúc được chưa. Viên trợ lý đáp:
- Thưa ông, kẹt rồi ạ. Họ không mua của ta nữa, tôi cũng không biết ra sao cả.
Đang nóng sẵn, ông B giận dữ phang luôn:
- Tôi mướn anh mười tám năm nay là để mong có ngày này, mà anh lại làm hỏng mất thì còn non nước gì nữa. Tôi nói cho anh hay, anh phải kiếm cho được một vụ khác không thì alê, mời anh đi chỗ khác. Anh đừng tưởng ngồi được mười tám năm là ngồi suốt đời đâu nhé! “Chao ôi, ông điên thật rồi”
ANH TA CŨNG VẬY
Ông B, thì giận điên người, còn anh trợ lý thì sao? Anh lao ra khỏi phòng, rủa thầm trong bụng:
- Đừng có đùa. Mười tám năm nay, mình cật lực làm cho công ty này. Mọi sinh hoạt trên dưới, mọi thành công lớn nhỏ đều do một tay mình điều hành. Ông ta chỉ là bung xung. Không có mình, công ty đố mà trụ nổi. Ấy thế mà chỉ mất một vụ buôn bán xoàng là ông ta đã tru tréo, đã hạ nhục, xài xể mình! Tức ơi là tức!
Nghĩ chưa dứt câu, anh hầm hầm gọi cô thư ký lên hỏi:
- Năm lá thư tôi đưa sáng nay, cô đánh máy xong chưa hả?
Cô thư ký đáp:
- Thưa chưa ạ, tại ông bảo phải lo thanh toán sổ sách của Hillard trước nên tôi chưa đánh.
Anh trợ lý nổ ngay:
- Đừng nói vớ nói vẩn. Tôi đã bảo đó là thư gấp, cần gửi đi ngay, cô hiểu không? Nếu không làm được thì bảo, để tôi kiếm người khác. Xin cô nhớ kĩ cho không phải hễ cứ làm bảy năm là được làm suốt đời đâu nhé! Cô gửi ngay đi cho tôi nhờ!
Chao ôi anh ta điên mất rồi.
CÔ ẤY CŨNG VẬY
Anh trợ lý giận điên lên thật, nhưng còn cô thư ký thì sao? Cô cũng nổi xung thiên, vùng vằng bước ra khỏi phòng, càu nhàu:
- Thế là thế nào? Mình đã làm đầu tắt mặt tối suốt bảy năm trời nay. Hằng trăm giờ phụ trợ mà không được thêm một cắc bạc. Mình làm việc gấp ba, gấp bốn người khác. Không có mình công ty đã phải dẹp sớm. Giờ chỉ vì mình không có được ba đầu sáu tay nên ông ấy dọa đuổi mình mới tức chứ! Ông ta tưởng mình để yên cho ông ta chơi khăm mình chắc! Rồi cô bước thẳng lại chỗ cô nhân viên tổng đài bảo: “Tôi có mấy cái thư cần nhờ cô đánh máy giùm. Tôi biết đây không phải việc của cô, nhưng cô rảnh rang, lâu lâu mới nhắc ống điện thoại một lần. Vả lại, việc này cần gấp vì thư phải gửi đi ngay. Nếu cô không làm được thì cho tôi biết để tôi tìm người khác.” Ôi chao! Cô giận điên lên rồi và muốn mọi người đều phải biết vậy.
CÔ KIA CŨNG GIẬN ĐIÊN LÊN
Còn cô tổng đài thì sao. Cô cũng nổi sùng trong bụng:
- Quá lắm rồi, mình là người mệt nhất trong công ty này mà lương lại thấp nhất. Mình làm không hết việc còn họ thì chỉ uống cà phê tán gẫu và gọi điện thoại chơi, họa hoằn mới mó tay vào việc mà hễ cứ việc gấp là lại trút lên đầu mình. Bất công quá sức lại còn dọa đuổi mình nữa chứ, cứ làm như con nít không bằng. Thử cho mình nghỉ coi, công ty chẳng rối tung rối mù lên thì chớ kể! Vả lại có trả lương gấp đôi cũng chẳng ai thèm làm việc này.
Cuối cùng cô cũng đánh máy và gửi thư đi nhưng trong bụng còn ấm ức lắm.
Về đến nhà vẫn chưa hả giận, cô hầm hầm vào nhà, đóng sập cửa lại rồi bước vào phòng.
Người đầu tiên cô thấy là cậu quí tử mười hai tuổi đang nằm bò dưới sàn coi vô tuyến, quần áo rách bươm. Tức ứa gan, cô túm gáy cậu bé: “Mẹ đã bảo con cả ngàn lần là về đến nhà phải thay đồ mát ngay cơ mà. Nguyên việc kiếm đủ tiền nuôi con ăn học, coi sóc cửa nhà cũng đủ đứt hơi rồi. Khổ ơi là khổ. Dậy lên lầu ngay, từ nay không có tuyến téo gì nữa!” Ôi chao! Ôi giận điên lên mất rồi.
ĐÁ MÈO
Còn cậu bé thì sao? Cậu chạy ra khỏi phòng, làu bàu:
- Bất công quá đi mất, mình đang làm việc giúp mẹ mà bà ấy cứ mắng té tát vào mặt mình, xui thật là xui!
Vừa lúc đó chú mèo cưng đi ngang. Rõ thật là dại. Cậu bé vung chân cho nó một cú đá nên thân: “Xéo ngay đồ trộm cướp“.
Trong số những nhân vật dính dáng đến loại biến cố trên thì chỉ có Mèo chịu thiệt vì chẳng đổ trút được cho ai. Tôi tự hỏi: Giá ông B, đi thẳng từ câu lạc bộ miền quê đến nhà cô tổng đài tặng cho con mèo một cú đá có phải hay hơn nhiều không?
Hỏi thật bạn: Bạn mới đá mèo của ai? Trước khi trả lời, bạn hãy kiểm qua một loạt phản ứng của mình trước một lời châm chọc, một nụ cười, một lời khen, trước những người dễ mến, khi bán được một món hàng, trước một người đối xử tử tế, vui vẻ và lịch thiệp với mình, phản ứng ra sao trước một ngày đẹp trời, với cô tiếp viên tiếp đãi bạn một cách chu đáo và lịch sự. Tôi tin chắc bạn sẽ vui vẻ, lịch sự và mỉm cười đáp lễ. Tôi cam đoan bạn sẽ tận hưởng mọi điều đó mà chúng sẽ giúp bạn trở thành người dễ thương, dễ mến. Nhưng như vậy có đáng khen đâu. Ai chả phản ứng thuận lợi trước những tình huống như vậy!
BẠN VÀ TÊN BỤI ĐỜI Ở BOWERY
Bạn phản ứng ra sao trước sự khiếm nhã, chọc giận mỉa mai, từ khước hoặc trước một cô tiếp viên chậm chạp, bất lịch sự? Bạn phản ứng ra sao khi bị kẹt xe, khi gặp ngày mưa gió, ảm đạm, khi vô cớ bị thóa mạ? Bạn để người ta kéo mình xuống ngang tầm với họ hay nhận thức chuyện rắc rối đó không liên hệ gì tới mình. Có lẽ chỉ vì họ muốn “Đá mèo” để trút giận và vô tình mình có mặt lúc đó mà thôi. Khi người lái xe sau lưng bạn nhận còi inh ỏi dù xe bị kẹt cứng cả cây số trước mặt, bạn sẽ làm gì? Bạn có thò đầu ra, tay dứ dứ nắm đấm, mắt long lên sòng sọc không? Bạn để họ kéo mình xuống ngang tầm họ hay bạn sẽ mỉm cười tự nhủ: Chắc có ai “đá mèo” của hắn rồi! Tôi dại gì để hắn “đá mèo” của mình. Khi vợ hoặc chồng họ đổ trút lên đầu bạn nỗi tấm tức dồn nén trong lòng, bạn phản ứng ra sao? Khi bị bỏ sót trong sổ thăng thưởng, khi bị hạng “C” thay vì được hạng “A”, khi bị hỏng một vụ buôn bán lớn, khi bị ông B khinh bỉ, khi không được mời dự buổi khiêu vũ của đám thượng lưu, khi không thành lập một đội hoặc không được bầu làm chủ tịch một câu lạc bộ bạn phản ứng thế nào? Cách bạn ứng phó trước những hoàn cảnh tiêu cực đó sẽ định đoạt phần lớn sự thành công và hạnh phúc của bạn trong đời.
Tên bụi đời ở Bowery, vì chủ tịch cộng đồng, chàng sinh viên ưu tú, người triệu phú tự tạo, và người mẹ giỏi trong năm có nhiều điểm giống nhau. Ai cũng từng trải qua những lần vỡ mộng, những nỗi buồn đau, những cảnh chán ngán và những khi thất bại thành quả của họ khác nhau trước những hoàn cảnh tiêu cực của cuộc đời. Tên bụi đời than vãn: “Khổ thân tôi quá” và để lãng quên, y nhận chìm chúng và chính bản thân mình trong chén rượu nồng. Người thành công thì phản ứng tích cực trước những cảnh tương tự hoặc còn rắc rối hơn nữa. Người ấy tìm thấy mặt lợi trong hoàn cảnh khó khăn, rồi thoát được, đồng thời trở nên mạnh mẽ và thành công hơn. TA KHÔNG THỂ TẠO NÊN HOÀN CẢNH THÍCH HỢP VỚI TA, SONG TA CÓ THỂ TẠO NÊN THÁI ĐỘ THÍCH HỢP VỚI HOÀN CẢNH ẤY TRƯỚC KHI NÓ XẢY ĐẾN. Đó là việc làm chủ thái độ mà bạn sẽ học trong sách này. Bạn sẽ nghiệm thấy khi ai đó “vặc” bạn một cách vô cớ, phần lớn vì đã có người “đá mèo” của y, và bạn sẽ thấy điều đó chẳng quan hệ gì đến mình cả, quan trọng hơn nữa, bạn sẽ học được cách phản ứng tích cực trước đủ loại hoàn cảnh tiêu cực.
Để thực hành, tôi mạn phép đề nghị với bạn là: Từ nay hễ ai giáng chổi lên cái đầu vô tội của bạn (với điều kiện chắc chắn là bạn vô can). Bạn hãy mỉm cưòi bảo: “Cưng ơi, hôm nay, ai “đá mèo” của cưng vậy?“. Nếu bạn thành công được lần này (mà tôi tin chắc bạn sẽ thành công) bạn có thể ứng dụng rộng rãi với hết mọi người. Nghe bạn hỏi vậy, người ta sẽ trả lời đủ kiểu, nhưng nhớ là bạn phải vô can đấy. Làm như vậy, chứng tỏ bạn đang phản ứng tích cực và không bực bội. Tự nhiên, ta sẽ cho là người đó không đáng xử đẹp như vậy. Nghĩ thế cũng đúng. Nhưng đối xử đẹp lạiù là cách hay nhất và bạn sẽ xứng đáng được hưởng cách đối xử tốt đẹp nhất.
KHI NGÃ GỤC - NHỚ ĐỨNG DẬY
Từ nay, ta hãy đem cái nhìn tích cực vào lối nghĩ tiêu cực. Cavett Robert, người bạn đồng nghiệp của tôi có lối nhìn đầy triết lý, khoáng đạt và lương tri vào hoàn cảnh tiêu cực. Ông bảo: “Không ai thất bại vì ngã gục hay cảm thấy thất vọng cả. Chỉ kẻ cứ nằm lì hay tiêu cực mới thất bại“. Cavett nhấn mạnh: Bạn phải như săm xe bị lủng mới được. Mỗi thất bại chính là dịp khiến bạn tiêu hao và xì hơi một chút, song nếu không thể, không những bạn sẽ coi thường thất bại mà cả đến thắng lợi bạn cũng chẳng màng nữa.
Dù sao, tôi không nghĩ là bạn sẽ trề môi, nổi sùng hay hờn dỗi trước thất bại như con nít. Tôi tin bạn lịch sự, đúng đắn và mong bạn nhớ rằng KHI RÚT ĐƯỢC BÀI TỪ SỰ THẤT BẠI THÌ BẠN CHƯA THẬT SỰ THẤT BẠI. Với thái độ này, chắc chắn bạn sẽ thành công vào lần tới.
Bạn phải biết nung sôi bầu nhiệt huyết để có thể tận dụng hết tài năng. Thú thật, tôi vẫn không hiểu tại sao có những người hơi cảm thấy chán nản là vội buộc tội mình ngay rồi. Thật ra, điều đó hết sức tự nhiên và hoàn toàn bình thường. Nhưng tôi xin phép nhắc lại rằng: “Ngã” là điều tự nhiên, bình thường, nhưng nếu cứ nằm lì mãi thì chẳng bình thường và tự nhiên chút nào.
Vậy mỗi khi ngã, phải làm gì để đứng dậy. Thưa, phải làm bốn việc này:
- Một là phải nhận mình ngã.
- Hai là phải hiểu rằng RẤT ÍT KHI, NẾU KHÔNG MUỐN NÓI LÀ KHÔNG BAO GIỜ CÓ NHỮNG TÌNH HUỐNG 'TUYỆT VỌNG“.
- Ba là phải biết rằng tình cảnh mau qua lắm.
- Bốn là gia hạn cho thời gian bạn muốn nằm lì.
Đối với những vấn đề bình thường, thì có lẽ chỉ cần hai tiếng “nằm gục” là đủ rồi. Phần lớn những cuộc tiếp xúc của bạn với người khác thường diễn tiến như sau;
- Thế nào, lúc này ra sao?
- Sau 11g 30 sẽ tuyệt diệu,
- Sao lại sau 11g30.
- Tôi vừa bị một vố nặng, nên sẽ tiêu cực cho tới 11g30.
- Vậy là sau đó anh sẽ tích cực.
- Phải.
- Đừng khùng vậy, sao không tích cực ngay bây giờ có phải hơn không?
- Thôi cũng được, nghe anh một lần vậy,
Không thật, phải không bạn và còn lố bịch nữa, nhưng rất có kết quả vì bạn đã cười đùa trước vấn đề thay vì khóc lóc. Và cười đùa trước thất bại, khó đấy nhưng có lẽ là điều bạn nên cố gắng làm, vì không có tình huống nào là tuyệt vọng cả. Ngày xưa, có nhà danh họa đã vẽ hình một thằng quỷ ngồi đấu cờ với một thanh niên. Quỷ vừa đi xong một bước chiếu bí. Chàng thanh niên lộ vẻ tuyệt vọng hoàn toàn. Về sau, Paul Mercer kiện tướng cờ vua, có dịp đứng nhìn bức hoạ, ông nghiên cứu thật kĩ các nước trên bàn cờ và mặt mày vụt sáng lên. Ông hét vào tai chàng thanh niên trong bức họa ; “Đừng chịu thua vội, anh còn một nước nữa đấy!”
Cả bạn cũng vậy, bao giờ bạn cũng còn một nước nữa đấy!
Tôi xin nhấn mạnh một điều. Thái độ hệt như bệnh cúm vậy, rất hay lây. Bạn muốn cúm ư? Cứ đến ngồi bên người cúm, bạn sẽ cúm ngay, khi nào bạn muốn “lây” một điều gì đó, cứ đến chỗ nó đang hoành hành. Nếu muốn lây thái độ đúng đắn, bạn hãy đến nơi có thái độ đúng đắn, bắt đầu chơi với những người đúng đắn. Nếu không có người thì hãy đọc những sách đúng đắn, nghe những băng của một diễn giả đầy nghị lực. Hầu như mọi người hôm nay, từ thầy giáo đến bác sĩ, huấn luyện viên, giám đốc thương vụ, người mẹ... đều công nhận thái độ đúng đắn là điều hết sức quan trọng.
Hai chương kế tiếp sẽ là lời giải đáp cho câu hỏi của một huấn luyện viên - Làm sao có được và giữ được thái độ tinh thần đúng dắn trước mọi hoàn cảnh “ngoại tại” của cuộc đời?