Ngày cuối cùng ở Vân Nam, tôi chủ động mời anh Phạm đi uống cà phê. Mấy ngày nay nghĩ thoáng rồi, công việc cũng thuận lợi nên tôi mới có thời gian để kiểm điểm lại hành vi của mình. Nói thật tôi có chút áy náy vì đã luôn từ chối lòng tốt của anh. Tôi mời cả Đào theo cùng, nhưng em không chịu, chối này chối nọ, tôi biết cái mạch não của em đang nghĩ lung tung điều gì, chỉ là không muốn vạch trần.
Anh Phạm thì bất ngờ lắm, anh dò hỏi tôi mấy lần:
- Thật hay giả đấy, đừng để anh trèo cây.
Đến lúc cùng ngồi trong quán cà phê rồi, anh Phạm vẫn thỉnh thoảng nhìn tôi bằng ánh mắt “ngạc nhiên xen lẫn dò xét”.
Làm ơn đừng hỏi những câu như kiểu có phải em thích anh không. Nếu không tôi sẽ cho anh được trải nghiệm cảm giác gội đầu bằng cà phê là như thế nào.
- Uống đi, cà phê của anh nhạt lắm rồi.
Cà phê Trung Quốc khá nhạt, để tan đá rồi thì thật sự nhạt tuếch - tôi nhận xét theo khẩu vị của mình.
Anh Phạm bừng tình, húp lấy húp để.
- Em không có thành kiến gì với anh cả.
- Đương nhiên anh biết... - Anh Phạm đắc ý nói - ... từ lúc sinh ra tới giờ chưa ai ghét anh cho được.
Đó là do anh lạc quan thôi. Vì để tình hữu nghị vốn luôn lay lắt của chúng tôi không bị đứt ngang luôn nên tôi không dám nói ra ý nghĩ này.
- Em nói tiếp đi. - Anh Phạm giục tôi.
- ? - Tôi ngơ ra nhìn anh. Tôi cũng chỉ muốn bày tỏ thế thôi. Cảm tình của chúng tôi đâu sâu nặng đến độ ngồi tâm sự này nọ chứ.
Anh Phạm bật chế độ tự hỏi tự trả lời, anh nói nhiều lắm, đại ý là bảo anh thích Việt Nam, muốn nói chuyện kết bạn với tôi để hiểu hơn về Việt Nam - một nửa quê hương anh mà lại bị tôi “phũ” suốt.
Tội lỗi của tôi lại tăng lên. Tôi muốn nói đôi ba câu giải thích, cuối cùng lại thôi.
Anh Phạm nói miết không thấy tôi hó hé gì thì cụt hứng. Cuối cùng anh đành nói:
- Em... thôi, em về Việt Nam làm việc tốt, giữ liên lạc nhé.
Tôi mỉm cười, giơ tay ra hiệu “ok”, còn làm được hay không thì tùy nhé vì tôi đâu có hứa hẹn gì.
Lúc ra về, anh Phạm muốn đưa tôi đi dạo đêm trước ngày về nước, thăm thú cảnh Vân Nam về đêm, nhưng tôi từ chối ngay.
- Sợ anh à?
- Không ạ.
Thật sự không sợ. Tuy nhiên, tôi đã hiểu đươc giữa một người đàn ông trưởng thành và một người phụ nữ trưởng thành cần phải giữ một khoảng cách nhất định. Bài học này với nhiều người thì dễ dàng, nhưng ai biết được tôi đã phải vượt qua những gì để rút ra bài học này từ mối quan hệ trước đó.
- Sợ gì, anh là người tốt mà. - Tôi chọc anh.
- Em cũng là người tốt.
Tôi tưởng anh nói hùa theo tôi, ai ngờ không phải, khi nói ra những lời này anh rất nghiêm túc. Ánh mắt anh chạm vào ánh mắt tôi, thốt ra câu nói dịu dàng:
- Tôi mong em mọi điều tốt lành.
Tôi vô thức bật thốt nên câu hỏi:
- Đây là lời chúc phúc à?
- Không thì sao? - Anh Phạm cười hỏi lại.
Tôi trầm ngâm một lúc rồi nói nhỏ:
- Cũng có thể là lời nguyền rủa.
- ...?
Lẩm bẩm vậy mà cũng bị anh Phạm nghe được.
- Lời nguyền cuối cùng... - Tôi nửa đùa nửa thật - ... tôi nhận được từ cố nhân (9) cặn bã.
Không phải là đồng nghiệp cũ, không phải là người bạn cũ, càng không phải là người yêu cũ, Ngô XX chẳng xứng với những danh xưng đó, hắn ta chỉ là “cố nhân”, theo hàm ý người đã chết.
Để lại anh Phạm ngơ ngác không hiểu gì. Tôi vẫy một chiếc ta-xi bên đường để quay về ký túc.
...
Lúc chúng tôi đến Vân Nam là anh Phạm đón chúng tôi, lúc tiễn chúng tôi rời Vân Nam cũng là anh.
Chuyến công tác kéo dài gần hai tuần lễ đã giúp anh Văn và anh Lộc biết thêm được mấy câu tiếng Trung đơn giản. Anh Văn để chứng minh sức học của mình, ngoài lặp đi lặp lại câu “tốt, tốt” ra đã biết dùng thêm câu “tạm biệt, tạm biệt” bằng tiếng Trung. Đào nhiệt tình dạy cho các anh thêm mấy chúc, các anh nhại lại không rõ khiến anh Phạm đang lái xe vội vàng xin tha vì cười đau bụng không lái xe nổi.
Không có bữa tiệc nào không tàn, bữa việc của chúng tôi tàn rồi mà bầu không khí vẫn rất vui vẻ. Mọi người nói nói cười cười trò chuyện đến tận ngoài cửa sân bay. Anh Phạm không đợi tận khi chúng tôi lên máy bay mà quay đầu xe để về công ty gấp. Anh còn rất nhiều việc.
Tạm biệt mọi người xong xuôi, anh Phạm quay sang nhìn tôi, anh nói:
- A Linh, tạm biệt. Nếu tôi đến Việt Nam em phải đưa tôi đi chơi nhé.
- Anh Phạm, tạm biệt.
Tôi cũng nhìn vào mắt anh, khẽ khàng đáp lại nhưng không nói bất cứ lời hứa hẹn nào, sau đó cùng mọi người kéo va-li vào sảnh chờ.
Tôi không quay đầu nhìn lại vì không lưu luyến gì với mảnh đất này cả. Nếu không có gì sai biệt, đây có lẽ là lần cuối tôi đến Vân Nam.
“Tạm biệt Vân Nam.”
Cũng là tạm biệt quá khứ của tôi. Từ nay về sau, tôi thật sự sẽ không nhắc về câu chuyện cũ thêm lần nào nữa.
(9) Từ Hán việt, được hiểu theo nhiều nghĩa: bạn cũ hoặc chỉ người đã chết.