Tôi từ chối tham gia chuyến công tác tới đây đến... ba lần.
Quá tam ba bận, vẫn không suy chuyển được quyết định của Sếp tôi.
- Giờ nó là ý của Sếp lớn. - Sếp kiệm lời đáp.
Điều này đồng nghĩa với việc hoặc là tôi phải đi công tác và làm tốt chức trách nhiệm vụ của mình, hoặc là tôi nghỉ việc. Nhìn thấy tôi mặt mày bủng beo, sếp ít khi nhiều lời vậy mà nói nhiều hơn ngày thường đôi câu, ý răn đe:
- Tự mình hiểu mình (1). Chuyện của Đào Sếp lớn cũng phê duyệt rồi, đừng để chuyện tư xen vào chuyện công.
Sếp vốn tưởng tôi có ý kiến với chuyện này, thật ra không phải. Tôi không thể giải thích rõ ràng.
Mọi chuyện đã được sắp xếp, tôi im lặng tiếp nhận. Cuối ngày, mọi người đều đã hay tin, có người chưa gì đã “bóng gió” về vụ quà cáp đặc sản, cũng có người nhìn tôi với con mắt đầy ẩn ý. Tôi chả buồn lý giải điều họ muốn biểu đạt là gì, chỉ chìm vào suy tư. Sâu trong lòng tôi vẫn không chấp nhận được chuyện này. Tuy nhiên, câu nói của Sếp đúng là đã nhắc nhở tôi: là một nhân viên, tôi không có quyền phản bác quyết định của Sếp lớn; và là một nhân viên, tôi không nên để cảm xúc lấn lướt, tôi không còn là nhân viên bốc đồng dễ xốc nổi trước quyết định một phía từ Sếp nữa.
Chuyến công tác lần này của tôi là ở trụ sở chính của Công ty mẹ, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Chưa lên đường mà tôi đã mất ăn mất ngủ mấy ngày rồi. Không phải do bị ép đi, càng không phải vì lo lắng bất an gì sất, dẫu sao đây cũng chẳng phải là lần đầu tiên tôi đi công tác. Nhưng nó lại đúng với cô bé nhân viên mới đến. Để làm dịu trái tim tràn ngập nỗi lo của em, mỗi ngày tôi phải mất thêm một khoảng thời gian quý báu của mình chỉ để lắng nghe em hàn huyên tâm sự.
Em còn quá non nớt để đối mặt với áp lực, huống hồ thời gian thử việc của em còn chưa kết thúc, chưa phải nhân viên chính thức đã được xem xét cử đi công tác thì đúng là rước “bàn tán” vào thân. Không phán xét Đào, có lẽ em ấy muốn mượn cơ hội này để nâng cao tiếng Trung mảng công xưởng, nhưng người đã ở công ty mấy chục năm trời và được tính vào hàng “bô lão” như chị Hạnh Trưởng phòng Chất lượng lại có lúc có những quyết định rất hồ đồ nhỉ? Xem chừng chị đang đi đúng phương châm của công ty, xem công ty là nhà của mình, nên muốn đưa ai đến “nhà” thì đưa vào, muốn chèn ép đẩy ai ra khỏi “nhà” thì chèn ép - Tôi châm chọc trong yên lặng.
Vì đang trong giờ làm việc nên Đào chỉ dám lí nhí bên tai tôi:
- Chị ơi, ngày mai chúng ta xuất phát rồi...
Em cắn môi đầy căng thẳng, tay bấu vào đầu gối, giống như học sinh làm sai sợ giáo viên khiển trách mình. Em đang cần tôi an ủi động viên. Tôi cố kìm nén lại nụ cười giễu cợt bằng cách cầm tách cà phê lên vờ như muốn uống. Ai thấy lại tưởng ngày mai chúng tôi không phải đi công tác mà là đi tham gia hội nghị cấp cao các quốc gia cơ đấy.
- Thực ra nó không khó khăn như em nghĩ. - Tôi đặt cốc cà phê xuống bàn, tiếp tục công việc gõ máy tính cành cạch. Tôi vừa viết báo cáo vừa nói chuyện với em.
Khó khăn này sao đến lượt em. Tôi là người chịu trách nhiệm chính trong chuyến công tác này. Nếu xảy ra sai sót gì, tôi mới là người phải giải quyết chứ không phải em - một nhân viên thử việc không có chút kinh nghiệm nào.
- Đừng tạo áp lực cho bản thân.
Và đừng tạo gánh nặng cho tôi. Mấy ngày nay tôi đã phải đi sớm về muộn để xử lý đống công việc tồn đọng do một phần thời gian bị Đào chiếm dụng. Rõ ràng tôi không phải người hướng dẫn công việc cho Đào, mà nhiều khi tôi thấy điều mình dạy và kinh nghiệm truyền lại cho em còn nhiều hơn bất kỳ ai trong bộ phận.
- Đừng lo lắng - Tôi nghiêng đầu nhìn sang em, mỉm cười, cốt ra vẻ dịu dàng.
Lo lắng chẳng giúp ta tiến xa hơn đâu.
Mỗi ngày đối mặt với khối lượng công việc đồ sộ yêu cầu hiệu suất cao: làm báo cáo gửi Sếp, chỉnh sửa file dữ liệu và lưu trữ hàng mẫu, gửi tư liệu và hàng mẫu cho bên khách hàng, xử lý vấn đề sản xuất báo lỗi do bản vẽ kỹ thuật NG (2), dịch thuật tiêu chuẩn kiểm tra kỹ thuật máy móc, chưa kể báo cơm, viết tăng ca... ti tỉ thứ to chuyện nhỏ khiến tôi muốn bùng nổ. Đặc biệt hai hôm nay bên Chất lượng chỗ chị Hạnh cứ liên tục nhận email khiếu nại hàng NG của khách hàng, họ cứ phản hồi về vụ hàng mẫu và hàng đại trà không khớp nhau. Kỹ thuật thì đổ lỗi Sản xuất không theo bản vẽ, Sản xuất lại đổ lên đầu Chất lượng rút kiểm (3) không nghiêm túc, Chất lượng lại nằng nặc cho là Kỹ thuật quá lơ là không theo sát Sản xuất. Các phòng đổ tội nhau, không ai muốn nhận lỗi về mình, mà Sếp lớn thì cứ đòi phải một hai truy suất cho bằng được nguyên nhân để xử lý thích đáng. Tôi bị kẹp ở đống người này khó chịu chết đi được. Nhưng khi nói chuyện với Đào, tôi vẫn rất nhẫn nại, dùng giọng điệu dịu dàng hết mức có thể để không ai trong văn phòng này có cơ hội bắt bẻ tôi là một người nghiêm khắc với người mới.
Chị Mai ngồi bên cạnh quả nhiên nghe được, tán thưởng tôi quan tâm đến Đào, Đào may mắn có tôi dìu dắt blabla. Phản ứng của tôi không phải vui mừng hay kiêu căng tự cho mình giỏi giang mà là... chẳng có cảm xúc gì cả. Tôi cười giả lả, nói đôi ba câu tỏ vẻ khiêm tốn, trong đầu lại nghĩ giờ ngồi trước mặt thì thế chứ sau lưng nói gì ai biết đâu...
Cuối cùng tôi cũng đuổi khéo được Đào, tôi bảo em đi sắp xếp lại tài liệu chuẩn bị cho những ngày kế tiếp cần sử dụng. Công việc không khó nhằn gì nhưng phải đến từng bộ phận để xin tư liệu, đợi em tìm được và sắp xếp xong thì tôi - người không bị em làm phiền cũng sẽ xử lý được đống công việc này rồi.
Đến giữa trưa, mọi người trong văn phòng ăn uống no nê hết lại ầm ĩ í ới đặt trà sữa. Em Bích Nhân sự và chị Hoa Kế toán trưởng luôn là hai người tiên phong cho việc kêu gọi đồng minh. Tôi ngán ngẩm chuyện này ghê gớm. Không phải bởi tôi là Fan cứng lâu năm của cà phê mà ghẻ lạnh trà sữa, mà vì đơn thuần không thích “văn hóa trà chiều” trong văn phòng. Xì, là muốn xây dựng tình cảm anh chị em thắm thiết hay đặt chung mới có mã ưu đãi đây...? Gần như ngày nào cũng vậy, lúc sáng, lúc trưa, có lúc lại chiều tối, bộ uống một mình uống không ngon hay sao mà cứ phải rủ hết cả bầy để uống chung. Phải biết tâm lý đám đông có sức mạnh ra sao, thành thử với nhiều người từ chối thì ngại với đồng nghiệp mà không từ chối thì chút lương chả mấy cạn đáy.
Chị Hoa bất lình thình quay đầu hỏi tôi:
- A Linh uống gì em?
Tôi giật thót, lấy lại bình tĩnh trong giây lát, rồi chỉ vào ly cà phê uống dở.
Chị thấy vậy lại quay sang người khác hỏi han, tôi cũng chả buồn nói thêm mấy câu giải thích. Giải thích càng nhiều càng chứng tỏ mình đang bất an, đuối lý, sợ hãi bị người ta đánh giá. Tôi đã đi qua những năm tháng ngây ngô đó rồi.
Từ chối chạy theo “văn hóa trà chiều”, tôi lựa chọn nghỉ ngơi. Tôi chợp mắt ngay trên bàn làm việc nhưng âm thanh xôn xao bàn tán cứ như bị khuếch đại rồi đập vào tai tôi. “Lối sống bầy đàn” - Tôi nghiến răng mắng thầm. Được mấy mươi phút nghỉ ngơi cũng không yên nữa, tôi bật dậy khỏi bàn, vác cái mặt cáu bẳn dứt khoát mở máy tính viết báo cáo cho xong chuyện. Chỉnh được số liệu của hai bản báo cáo rồi, nhóm người bên kia vẫn chưa chốt xong vụ đặt trà sữa, thấy chưa, thật lãng phí thì giờ.
Tôi nghe thấy họ hỏi đáp với nhau:
- Vị gì gái ơi?
- À... em cái nào cũng được.
- Thôi em cũng lấy vị như chị. - Ai đó nói vậy.
Buồn cười. Cái nào cũng được tức là nhu nhược không có chính kiến, đến việc mình thích gì cũng không biết. Thậm chí đến việc đơn giản như từ chối sắp đặt của người khác lên mình cũng không làm được.
Trách là trách thế. Nhưng đứng trước đám đông hung hãn, ai có đủ can đảm để bày tỏ ý kiến của riêng mình chứ. Tôi nhớ đến rất nhiều chuyện trước kia mình từng trải và kể cả bây giờ, bất giác nở một nụ cười tự giễu.
(1) 自知之明: Thành ngữ tiếng Trung, ngụ ý phải tự hiểu lấy mình.
(2) NG: Not Good (Tiếng Anh) để chỉ “sai sót”, “lỗi”.
(3) Rút kiểm: Kiểm tra ngẫu nhiên sản phẩm.