Pháo Đài Số

Chương 6

Chương 6
Dù không sống trong thời gian của Thế chiến II, song Ensei Tankado vẫn nghiên cứu kỹ lưỡng về nó, nhất là sự kiện đỉnh điểm, quả bom nguyên tử được ném xuống khiến 100.000 người ở nước anh ta bị chết thiêu chỉ trong giây lát.

8h 15 phút sáng ngày 6 tháng 8 năm 1945 ở Hiroshima là thời điểm của một hành động tàn sát dã man. Một sự phô trương sức mạnh vô đạo lý của một đất nước trước đó đã giành thắng lợi trong cuộc chiến. Tankado chấp nhận tất cả những điều đó.

Nhưng điều anh ta không thể chịu đựng được là quả bom đã làm cho anh ta không bao giờ được nhìn thấy khuôn mặt thân mẫu của mình. Bà đã chết khi sinh hạ anh ta do những biến chứng của sự nhiễm xạ mà bà phải hứng chịu nhiều năm trước đó.

Năm 1945, trước khi Ensei được sinh ra, mẹ anh ta, cũng giống như nhiều người bạn khác, đã tình nguyện tới Hiroshima làm việc trong các trung tâm hạt nhân. Chính tại nơi đây bà đã trở thành một trong những hibakusha - những người bị nhiễm xạ.

19 năm sau đó, khi nằm trong phòng đẻ và bị băng huyết ở tuổi 36, bà biết rằng mình đã sắp tới lúc tận mạng. Nhưng có một điều bà không biết là cái chết còn gieo cho bà một nỗi thống khổ cuối cùng nữa - đứa con duy nhất của bà đã bị dị tật ngay từ khi sinh ra.

Cha anh ta thậm chí còn chưa bao giờ nhìn mặt Ensei. Suýt phát điên vì mất vợ và tủi thẹn khi được y tá thông báo rằng con trai mình bị dị tật, khó sống qua đêm đó, ông bỏ đi khỏi bệnh viện và không bao giờ quay lại. Ensei Tankado đã được nuôi dạy trong một gia đình đỡ đầu.

Hàng đêm, chú bé Tankado lại nhìn xuống những ngón tay bị xoắn vào nhau của mình đang nắm chặt con búp bê hình Bồ đề bạt ma và thề rằng sau này sẽ trả thù - trả thù lại đất nước đã cướp đi mẹ anh ta và làm bố anh ta phải tủi hổ đến mức bỏ rơi anh ta. Nhưng anh ta không biết rằng định mệnh đã can thiệp vào cuộc đời mình.

Tháng 2 năm Ensei được 12 tuổi, một công ty sản xuất máy tính ở Tokyo gọi điện cho gia đình đỡ đầu anh ta và hỏi xem liệu đứa bé què quặt của họ có thế tham gia chương trình thử nghiệm một loại bàn phím mà công ty đã phát triển dành cho trẻ em tàn tật hay không. Gia đình đỡ đầu anh ta đã đồng ý.

Dù chưa nhìn thấy máy tính bao giờ, song dường như bản năng đã mách bảo Ensei Tankado biết cách sử dụng nó. Chiếc máy tính đã mở ra một thế giới mới lạ mà anh ta chưa từng biết tới. Và nó đã gắn chặt cuộc đời anh ta. Khi lớn lên, anh ta đi dạy, kiếm tiền, và cuối cùng giành được học bổng của Đại học Doshisha. Không lâu sau Ensei Tankado đã trở nên nổi tiếng toàn Tokyo là một thiên tài trong bộ dạng tàn tật.

Sau này, Tankado được đọc các tài liệu về trận Trân Châu Cảng và những tội ác chiến tranh của Nhật Bản. Lòng căm hờn đối với nước Mỹ của anh dần phai mờ, anh ta trở thành một tín đồ Phật giáo sùng đạo. Anh ta quên đi lời thề trả thù thủa thơ ấu; tha thứ là cách duy nhất để được siêu thoát.

Năm 20 tuổi, Ensei Tankado trở thành một hình mẫu lý tưởng của các chuyên viên lập trình. Hãng IBM cấp cho anh ta một tấm visa và một vị trí làm việc ở Texas. Lập tức Tankado đã nắm lấy cơ hội. Ba năm sau anh ta đã rời bỏ IBM, đến sống ở New York và tự viết phần mềm. Anh đã vẽ ra một hướng đi mới cho việc mã hoá bằng khoá công khai. Cũng chính anh đưa ra các thuật toán giải mã và trở nên phát tài.

Giống như đối với nhiều bậc thầy về thuật toán mật mã khác, đối với Tankado, NSA là một nỗi khao khát không thể cưỡng lại.

Thật trớ trêu đây lại chính là cơ quan đầu não của chính đất nước anh đã từng một thời căm ghét đến tận xương tuỷ. Anh ta quyết định đến phỏng vấn và mọi nỗi nghi ngờ đều tan biến ngay khi anh gặp chỉ huy Strathmore. Họ bộc bạch với nhau về thân thế của Tankado, về sự dị ứng của anh ta với chính phủ Mỹ, về những dự tính cho tương lai của anh.

Tankado phải tham dự một bài thi về đồ thị đơn và trải qua năm tuần trắc nghiệm tâm lý hết sức căng thẳng và đã vượt qua tất cả. Lòng căm thù Mỹ trong anh từ lâu đã trở thành sự tận tâm đối với Đức Phật. Bốn tháng sau đó, Ensei Tankado bắt đầu làm việc tại phòng mật mã Cơ quan An ninh Quốc gia.

Dù đồng lương cũng ra tấm ra món, nhưng ngày ngày Tankado vẫn đi làm trên chiếc xe đạp cà tàng, và một mình ngốn cho hết hộp cơm mang theo, thay vì ăn sườn và súp khoai tây tại nhà ăn với mọi người. Những nhân viên mật mã khác tôn sùng anh ta. Trong con mắt họ, Tankado là lập trình viên xuất sắc nhất trên đời. Tử tế, chân thành trầm tĩnh,Tankado là một chuẩn mực đạo đức. Đối với Tankado sự toàn vẹn về tinh thần luôn là một điều rất quan trọng.

Cũng chính vì thế, việc anh bị sa thải và sau đó bị trục xuất khỏi NSA đã từng là một cú sốc đối với mọi người.

Giống như tất cả những nhân viên khác của phòng mật mã, Tankado hiểu rằng nếu dự án TRANSLTR thành công thì nó sẽ chỉ được sử dụng để giải mã thư điện tử nếu Bộ Tư pháp phê duyệt.

Điều này cũng giống như FBI cần giấy phép của toà án liên bang để lắp đặt hệ thống nghe trộm điện thoại. TRANSLTR sẽ được cài đặt một phần mềm yêu cầu sử dụng các mật mã, được qui định theo thoả thuận giữa Cục Dự trữ Liên bang và Bộ Tư pháp, để giải mã các tệp tin. Chương trình này sẽ ngăn chặn việc NSA nghe lén các cuộc nói chuyện riêng tư của những công dân luôn sống và làm việc theo pháp luật trên toàn cầu.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào lập trình, các nhân viên lập trình TRANSLTR đã được thông báo rằng có một sự thay đối trong kế hoạch. Do sức ép thời gian của công việc chống khủng bố của NSA, TRANSLTR trở thành một thiết bị mã hoá nội bộ và chỉ duy nhất NSA điều tiết hoạt động của nó.

Việc này làm Ensei Tankado tức đến phát điên lên. Như thế, có nghĩa là NSA có thể mở bất kì một lá thư nào và sau đó đóng lại mà không ai phát hiện được. Như thế cũng giống như việc gắn một thiết bị nghe trộm vào mọi chiếc máy điện thoại trên thế giới.

Strathmore cố gắng hết sức thuyết phục Tankado tin rằng TRANSLTR là một thiết bị không vi phạm pháp luật, nhưng điều này chẳng ích gì, Tankado vẫn kiên quyết rằng đó là một sự vi phạm nhân quyền trắng trợn. Tankado bỏ việc ngay lập tức. Anh ta đã vi phạm qui tắc bảo mật của NSA khi cố gắng liên lạc với EFF trong vòng vài giờ sau khi bỏ việc. Tankado dự định gây sốc cả thế giới bằng thông tin về sự tồn tại của một hành động vi phạm nhân quyền trắng trợn của một chính. NSA không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải ngăn chặn anh ta.

Việc Tankado bị bắt giữ và trục xuất được thông báo liên tục trên các phương tiện trực tuyến, thực sự là một sự lăng mạ công khai. Trái với mong muốn của Strathmore, các chuyên gia xử lý tình huống của NSA vì lo ngại Tankado sẽ làm lộ bí mật về sự tồn tại của TRANSLTR đã tung nhiều tin đồn xấu nhằm phá huỷ uy tín và danh tiếng của Tankado.

Ensei Tankado bị cô lập với giới lập trình trên toàn cầu - không ai tin một lập trình viên quèn đang bị buộc tội làm gián điệp, nhất là khi anh ta đang ra sức mua lại sự tự do cho mình bằng cách rêu rao về một chiếc máy bẻ khoá mật mã bí mật của chính phủ Mỹ.

Điều kì quặc nhất là dường như Tankado hiểu rằng đó là một phần trong trò chơi tình báo này. Anh không hề tỏ ra giận dữ, mà đầy quyết tâm. Khi bị nhân viên an ninh giải đi, Tankado nói những lời cuối cùng với Strathmore với sự bình ớnh đến ớn lạnh.

- Tất cả chúng ta đều có quyền giữ bí mật. Một ngày nào đó tôi sẽ khiến chúng ta có thể có quyền đó.