Âm Dương Phù

Chương 5: Đạo động (1)

Nhìn đôi tay của Mạc Liên Thành gầy như móng gà, Lý Du chỉ biết câm lặng thở dài. Đi theo một ông chủ giơ 4 ngón tay mà lại nói là 3, muốn phát tài chắc khó lắm đây.

Sau khi chính thức nhập bọn, Mạc Liên Thành lấy từ trong ngực ra một tờ giấy vàng nhăn nheo và đưa cho Lý Du. Anh nhìn qua, nhận thấy tờ giấy này có vẻ đã khá cổ, và trên đó vẽ địa hình của khu vực xung quanh. Anh nhìn kỹ hơn rồi bất giác thốt lên một tiếng.

Tờ giấy tưởng chừng như tầm thường này lại có nguồn gốc không nhỏ. Đây là báu vật do tổ tiên của Mạc Liên Thành để lại.

Tổ tiên của Mạc Liên Thành sống vào giai đoạn cuối triều Thanh và đầu Dân Quốc, tinh thông phong thủy và thuật kỳ môn độn giáp nên từng khai quật không ít những ngôi mộ lớn, thậm chí được coi là bậc thầy trong giới trộm mộ. Ngoài việc đổ đấu, sở thích lớn nhất của ông là thu thập vị trí mộ của các quan lại quý tộc thời cổ, vẽ lại thành một tập bản đồ để truyền cho con cháu.

Ông răn dạy hậu duệ rằng nếu chưa đến lúc đường cùng thì không được tùy tiện khai quật cổ mộ. Nếu thế gian loạn lạc, con cháu mất kế sinh nhai thì có thể lấy bản đồ ra, theo dấu mà trộm báu vật đổi lấy lương thực để qua cơn nguy khó.

Bản đồ này được vẽ một cách khoa học với dấu ấn của môi trường địa lý xung quanh. Dù qua cả trăm năm, địa thế của khu vực này không thay đổi nhiều. Thêm vào đó, Lý Du vốn học chuyên ngành kỹ thuật xây dựng nên việc tìm một ngôi mộ cổ trong địa hình giới hạn không phải là điều quá khó.

Quan trọng nhất là Lý Du đã từng đọc qua cuốn Bí Tàng Thập Pháp. Cuốn sách này giới thiệu về cách xây dựng và bố trí lăng mộ từ thời Tây Chu đến Bắc Tống, từ lăng đế vương đến mộ dân thường đều có những giải thích rất chi tiết. Hơn nữa, dù mỗi ngôi mộ có đặc điểm riêng nhưng cấu trúc tổng thể thường không vượt ra ngoài những đặc trưng chính của thời đại đó.

Vì vậy, với kiến thức chuyên môn, Lý Du chỉ mất chưa đầy một giờ để xác định được vị trí cụ thể. Thậm chí với vài lần thăm dò bằng dụng cụ, sau khi đào được bốn, năm mét, họ đã chạm vào lớp đất nện. Thấy vậy, Mạc Liên Thành và Thạch Quảng Sinh lập tức giơ ngón tay cái lên khen ngợi Lý Du.

"Quả nhiên là người có chuyên môn, nhanh chóng tìm ra được tầng đất nện rồi." Mạc Liên Thành vừa xoa lớp đất nện vừa gật gù. Lý Du chỉ cười gượng. Dù chuyên môn không phải là trộm mộ nhưng cầm cây xẻng trong tay, anh không hiểu sao lại cảm thấy quen thuộc. Lý Du không khỏi tự giễu bản thân: “Chẳng lẽ mình thực sự hợp với nghề trộm mộ?”

Theo hướng đi của lăng, Lý Du vẽ sơ đồ cấu trúc ngôi mộ bên dưới lên mặt đất. Sau đó, anh lùi ra một bên để cho Mạc Liên Thành và Thạch Quảng Sinh làm việc. Dù đã nhập hội, anh vẫn là cổ đông, và lại là cổ đông về kỹ thuật nên không thể làm hết mọi việc một mình.

Mạc Liên Thành và Thạch Quảng Sinh không để ý việc Lý Du nghỉ ngơi, hai người liền xắn tay áo chuẩn bị làm việc. Thạch Quảng Sinh còn lớn tiếng khoe rằng anh ta từng làm lính công binh, rất thành thạo việc đào hầm. Ngay lập tức, anh ta nhổ một bãi nước bọt vào lòng bàn tay, xoa mạnh rồi bắt đầu đào đạo động ở vị trí đã xác định. Mạc Liên Thành cũng ở bên cạnh hỗ trợ. Nhưng rõ ràng cả hai người đều không thành công, hai lần liên tiếp đều làm sập đường đào. Nếu đào thêm một lần nữa mà sập, chắc khỏi cần đạo động mà có thể lật ngược cả ngôi mộ lên mất. Thấy vậy, Lý Du vội vàng ngăn hai người lại.

"Mạc ca, Quảng Sinh, hầm không phải đào như thế..." Nhìn hai người đồng đội vụng về như lợn, Lý Du thở dài. Đạo động cũng không biết đào mà còn dám đi trộm mộ? Thật không biết họ không sợ chết hay là ngây ngô đến vô tri.

Không còn cách nào, anh đành bảo Thạch Quảng Sinh tránh ra rồi chọn một vị trí khác. Sau khi tính toán địa chất và điểm tựa bên dưới, anh cẩn thận đào tiếp. Dưới sự nỗ lực của Lý Du, chẳng bao lâu một đạo động đã dần hình thành.

Và đó chính là cảnh mà chúng ta đã thấy trước đây.