Giải Ngải Ký

Chương 1-2: Nằm viện (2)

Tôi bất giác xoay người, dường như trí não biết rằng nếu còn tiếp tục nhìn vào mặt thằng Cường, tôi sẽ bị hai con mắt nó chọc chết mất, thế nên là não bộ phải tự chỉ huy cho cơ thể di chuyển. Tôi lao như điên ra khỏi phòng, việc đầu tiên tôi nghĩ tới là đi tìm y tá trực, bảo họ tới kiểm tra thằng bạn tội nghiệp của tôi.

Vừa chạy khỏi phòng đến hành lang, tôi thấy có tiếng bước chân của ai đó, như người chết trôi với được cọc, tôi lập tức gọi:

-Chị y tá, có phải chị y tá đấy không?

Tiếng bước chân tới gần hơn, là từ phía sau lưng tôi truyền tới, tôi quay người, phòng cuối hành lang vẫn sáng đèn, có một bóng người ẩn hiện trên dãy hành lang. Người đó bước tới cửa phòng tôi, ánh sáng từ trong phòng hắt ra đủ chiếu cho tôi thấy hình dáng của người đang đứng trước mặt mình. Kia là một cô gái trẻ, mặc đồ y tá, tay cầm một khay cốc uống thuốc.

Tôi mừng quá, chạy tới nói:

– May mà gặp được chị, bạn tôi tỉnh rồi, chị vào xem cậu ấy bị làm sao, tay cậu ấy chảy nhiều máu quá.

Sau đó tôi nhanh chóng mở cửa phòng, chị y tá cũng theo lời nói gấp gáp của tôi mà đi vào, bước tới trước giường bệnh, tôi đi sau và vẫn còn chưa hết sợ nên không dám nhòm theo.

– Không, bạn anh đã tỉnh đâu, anh nhìn lại xem.

Chị y tá kiểm tra một lát rồi vừa nói vừa đứng sang bên cạnh, lúc này tôi mới dám nhìn. Kỳ quái, vũng máu trên sàn đâu rồi, cánh tay tháo băng bó đặt ngoài mép giường đâu rồi, cả hai con mắt mở thao láo nhìn tôi chằm chằm nữa, những thứ kỳ quái ấy đâu hết rồi? Tôi mạnh dạn bước tới gần giường thằng Cường, thấy mắt nó vẫn nhắm chặt, mặt vẫn nhăn nhó, tay vẫn kín băng, và sàn nhà vẫn sạch bóng.

Gặp ma rồi, trời ơi, thực sự là gặp ma rồi! Tôi trân trân nhìn thằng Cường ngủ, hai mắt nhòe đi, giống như sắp khóc tới nơi, chuyện quái gì đang diễn ra vậy, âm hồn dã quỷ thấy tôi cô đơn nên đeo bám tôi sao, sớm không tới muộn không tới, sao tới vào lúc này chứ?

– Anh lần đầu tới trực người ốm ở bệnh viện phải không, chắc căng thẳng quá nên sinh ảo giác rồi.

Chị y tá nói bằng giọng thông cảm, tôi vẫn chưa thể rời mắt khỏi thằng Cường, lòng thầm rủa, thằng này mở mắt ra, mở ra dọa tao như vừa xong đi, mày cứ nằm đấy thì mất mặt tao quá, chị ấy cười tao rồi kìa. Lại nghĩ sao mình có thể hoảng sợ tới mức mất bình tĩnh như vậy chứ, từ khi cha sinh mẹ đẻ tới giờ ngoài lần bị chó cắn tới sợ không dám ăn thịt chó ra, tôi chưa từng sợ thêm cái gì, đúng hơn là chưa cái gì dọa được cho tôi sợ.

Tôi không mê tín, nhưng cũng từng đưa mẹ đi xem bói, mẹ tôi nói tiện thể xem luôn cho tôi một quẻ, tôi thuận theo ý muốn của mẹ mà ngồi đần người ra cho một bà đồng nắn bóp. Bà đồng bảo tôi có một nốt ruồi dưới ngón chân cái, người xưa gọi đấy là nốt ruồi đế vương, tức là sinh ra số hưởng. Bà ta còn nói rõ ra rằng sau này công danh sự nghiệp của tôi sẽ rất xán lạn, không làm giám đốc thì cũng sẽ là tổ trưởng tổ bảo vệ, bố mẹ về già có thể trông cậy được.

Thêm một cái nữa là về vận mạng của tôi, bà đồng nói bát tự của tôi rất nặng, sinh vào lúc 9h sáng ngày mùng 4, tháng 11, năm 1993 tính theo âm lịch. Bà đọc vanh vách bát tự tôi là giờ Kỷ Tỵ, ngày Quý Mão, tháng Bính Tuất, năm Quý Dậu, theo tứ trụ thì tôi rơi vào mệnh “Quý”. Cái gì gọi là “Quý”? Trong mệnh có quan tinh và được tài khí trợ sinh, trong tứ chi không có hình cung phá bại, đó gọi nghiêu vũ trong mệnh quý. Cổ nhân nói, mệnh không có sát, tức quý thì sống được vinh hoa, sinh vào thời loạn thì vận làm quan võ, sinh vào thời bình thì trí lớn trùng trùng. Thú thực tôi nghe chả hiểu gì nhưng cũng thấy bà ấy bảo số hưởng nên vui lắm.

Vì cái gọi là bát tự nặng nên tôi được bà đồng đảm bảo là vận mệnh sạch sẽ, cô hồn hay những yêu quái tiểu tinh đều không thể bám theo quấy nhiễu tôi được. Bà đồng còn bảo tôi là người vận mệnh sáng sủa nhất mà bà ta từng xem, tôi biết là những lời đó nói chỉ để cho mẹ tôi nghe và càng thêm tin tưởng mà dốc tiền trao cho bà ta, thành hay không cứ chờ xem sẽ biết.

Vậy giờ tôi đã gặp ma. Bao nhiêu lời đảm bảo về vận mạng tươi sáng của tôi vào giờ phút này đều bay biến hết. Thứ nhất là tôi không trở thành giám đốc được, giờ tôi đang làm một kỹ thuật viên trong xưởng sản xuất, có thể may mắn mà lên được chức tổ trưởng cũng là kỳ tích lắm rồi. Thứ hai là tôi không tin vào cái trò đoán mệnh đó, số tôi là do tôi tự quyết, bà đồng ấy dẫu sao cũng chỉ biết moi tiền của mẹ tôi mà thôi.

Tôi thở dài một hơi, ngẩng đầu lên cười lấy lòng chị y tá. Chị y tá lại đang đứng cúi xuống sắp xếp lại cốc trong khay thuốc, tôi không nhìn thấy mặt chị ấy, chỉ thấy cái dáng người nhỏ nhắn và đôi tay trắng hơi gầy. Tôi có quan sát kỹ một chút, thấy trên ngực áo chị y tá có gắn một tấm thẻ, “Giàng Thị Dương- Y tá trực phòng cấp cứu”. Chị này người dân tộc, thảo nào mà tôi thấy cái mùi cây cỏ tỏa ra từ người chị ấy.

– Vậy cảm ơn chị, vừa rồi làm phiền chị quá.

Tôi nói một câu khách sáo, chị y tá nghe xong mới khẽ động, nhưng vẫn không ngẩng đầu lên, người chị ấy cứ cúi cúi sắp xếp mấy hộp thuốc.

– Chị Dương phải không, chị chỉ trực ca đêm nay hay là còn trực hết tuần này nữa?

Tôi tiếp vài câu chữa thẹn, người ta là con gái, dẫu sao thì đi làm trong viện thế này cũng vất vả, nên tìm mấy lời vui vẻ để trò chuyện với người ta.

– Tôi trực cả tuần.

Chị y tá đáp rất khẽ, chợt tôi thấy chị ấy cầm một chiếc cốc rồi quay người ra sau rót nước, tiếng nước chảy róc rách, xong quay lại trao cốc vào tay tôi, nói:

– Anh uống ít nước đi rồi lại trông tiếp, bạn anh còn một lúc nữa mới tỉnh, anh cũng vất vả rồi.

Con gái miền núi ấy mà, nói chuyện đi vào lòng người quá luôn. Tôi hào hứng đón lấy cốc nước đưa lên miệng. Nhưng vừa chạm môi, một mùi gỉ sét tanh nồng xộc từ mũi lên tận óc, không chỉ tanh mà còn rất hôi, cảm giác như một bát tiết canh đánh dở để thiu cả tháng rồi vậy. Cổ họng tôi theo cái mùi ấy mà nghẹn cứng, có cái gì đó sắp trào ra khỏi miệng tôi, phải nhịn vào, không được ói ra đây.

Tôi vội bỏ cốc nước xuống, mắt chớp chớp, mím chặt môi nuốt hết những gì đang nghĩ vào. Cốc uống nước trong viện thường có mùi này sao? Bệnh nhân nào cũng phải dùng những cái cốc như vậy? Trước khi đem cho bệnh nhân mấy vị lương y này đựng cái gì trong đó vậy, mùi của cốc không khác gì mùi lòng bò ngâm trong một chậu tiết lợn, mẹ kiếp, tôi ghét tiết canh vô cùng. Đâu phải bệnh nhân nào cũng thích ăn tiết canh, nhỡ họ ngửi cái mùi đặc sản này rồi nôn thốc nôn tháo ra, bao nhiêu thuốc men uống vào cũng đổ đi hết sao? Người ở đây có biết cái gì là giữ vệ sinh không vậy, tới cái cốc còn bốc mùi thế này thì các thứ dụng cụ mổ xẻ khác liệu có được đảm bảo?

Mất vài giây tôi mới hít thở thông suốt được, tay vẫn giữ cốc nước, tính quay lại nói vài câu với chị y tá, nhưng vừa nhìn đã không thấy chị ấy đâu nữa. Trong phòng giờ chỉ còn mình tôi đứng ngây ngốc, cửa phòng khép hờ, có lẽ chị ấy đã rời đi khi tôi uống nước. Vội vã như vậy làm gì chứ, ít nhất cũng nên ở lại trò chuyện với tôi một lúc, giờ chỉ còn mỗi mình trong phòng, không có gì giải khuây thì chắc tôi sẽ chán chết mất.

Nghĩ lại thì mặt chị y tá ra sao tôi cũng chưa được rõ, chắc chị ấy là gái chưa chồng, đêm hôm ở cùng phòng với một thằng như tôi cũng có cái ngại. Để mai tôi sẽ thử hỏi thăm chị ấy, ít nhất thì cũng phải cảm ơn người ta một câu, trực đêm rất vất vả, một đêm gặp vài ca như của tôi thì thần kinh thép cũng phải điên đầu.

Khục.. khục…

Thằng Cường chợt ho vài tiếng, suy nghĩ mông lung trong đầu tôi lập tức bị đánh tan. Tất cả cũng là tại cái thằng trời đánh này, không dưng lại bị tai nạn, mai mày tỉnh, tao sẽ dạy mày một bài học. Tôi quả quyết như vậy, sau đó nhìn đồng hồ trên điện thoại, 12h35, bao giờ trời mới sáng để tôi ra khỏi cái nơi khủng khϊếp này.

4h, thằng Cường tỉnh. Tôi lúc đó đang mải ngồi đờ đẫn trên ghế, thằng kia tỉnh mà không bảo là tôi cũng chẳng biết. Sau bao nhiêu chuyện vừa rồi thần kinh tôi bị kích động mạnh, căng thẳng khiến tôi không thể chợp mắt. Nhỡ khi tôi ngủ, thằng Cường lại mở mắt trừng tôi tiếp thì sao, hoặc là tay cậu ta đột nhiên chảy máu, tôi ngủ mất rồi thì cậu ta sẽ cứ chảy máu như thế cho tới chết thì sao. Những điều đó tua đi tua lại như một đoạn băng trong đầu tôi, nhắc tôi không được ngủ quên, chỉ cần lơ là một cái, sẽ có biết bao nhiêu chuyện kinh khủng xảy ra.

Thực chất là tôi có gục hai lần, và lần nào cũng suýt ngã xuống đất. Ngồi không ở một nơi tĩnh lặng như này, cố gắng giữ cho đầu óc tỉnh táo quả giống như bị tra tấn. Tôi đã đứng lên vươn vai mười lần, đi quanh phòng sáu lần, đứng nhìn ra cửa bốn lần, đếm xe trên sân bệnh viện hai lần và vừa rồi khi tôi ngồi ngây trên ghế, tôi còn đếm được cả trên trần phòng có bao nhiêu con thạch sùng. Vì sao tôi lại nhìn kỹ trên trần như vậy? Từ sau khi chị y tá rời phòng tôi có cảm giác từ một ngóc ngách nào đấy, không hẳn là trong phòng này, có ai đó đang nhìn về phía tôi.

Tôi không phải người quá nhạy cảm, nhưng nếu như ai đó để ý tới mình, kiểu gì thì tôi cũng biết, vì chuyện đó càng ngày càng ít xảy ra nên trực giác của tôi cũng phát triển mạnh hơn, cô đơn lâu ngày có khi còn là một cách rất tốt để rèn luyện bản thân. Tìm kiếm câu trả lời để thỏa mãn cho trực giác là một việc khó khắn, tôi cố gắng để mình quên đi điều đó, bắt đầu óc mình chuyển hướng tới những thứ thú vị và thực tế hơn. Nhưng vô dụng, trực giác vẫn gào lên với tôi rằng, mày đang bị ai đó nhìn đấy.

– Minh à.

Ách! Tôi giật thót, tim nhảy lỗi một nhịp. Cái giọng khàn khàn, nghe như phát qua loa thùng của thằng Cường chưa bao giờ thân thiết tới như vậy. Sau giây phút xúc động, tôi vội quay lại nhìn thằng bạn tội nghiệp của mình. Cậu ta tỉnh rồi, mắt mở he hé, miệng hơi mấp máy, hai lỗ mũi trâu thi nhau hít thở, mặt vẫn nhăn dúm lại, chắc câu gọi vừa rồi lấy đi nhiều sức lực của cậu ta lắm. Tôi liền nói:

– Mày tỉnh rồi là tốt, không cần nói nhiều đâu, nhỡ động tới vết khâu thì khổ. Tao hiểu tình hình của mày, đi đứng lần sau phải cẩn thận hơn, may mà có người đưa mày tới viện.

Cường nghe tôi nói tới chuyện tai nạn thì chớp hai mắt, sau đó mới liếc sang tôi, nhìn tôi bằng ánh mắt khổ tâm. Còn khổ tâm cái gì nữa, chạy xe bất cẩn gây tai nạn lỗi là ở mình, nếu như là do người khác va vào mình thì chỉ có thể tự than số không được may mắn. Chân tay khâu vá như này quả thực rất bất tiện, chắc từ giờ thằng này cũng sợ tới già luôn không dám đi chơi đêm nữa, coi như là một lần đau.

– Tao gặp ma mày ạ.

Hả? Chị y tá bảo là đầu thằng này không bị thương, sao tự nhiên lại nói năng nhăng cuội như vậy, hay là đau quá nên phát sốt rồi, lúc thằng này còn ngủ thấy có hét cái gì tránh ra với dừng lại, chắc là vẫn chưa hết nóng đầu. Tôi làm ra vẻ thông cảm với thằng Cường, cố gắng kiếm lời nào dễ nghe để an ủi:

– Đi đêm thôi mà, chắc do mày quáng mắt, tao cũng vừa gặp ma đấy, còn gặp ở ngay trong phòng này luôn. Thôi đừng nghĩ nữa, mày cứ yên tâm nghỉ cho tới sáng mai đi, tao sẽ về xin với tổ trưởng cho mày nghỉ, yên tâm.

– Mày biết vì sao tao bị tai nạn không?

– Người ta bảo mày lao vào dải phân cách trên Đèo Cái.

– Tai nạn thế nào?

– Tao chịu, lúc tao tới thì mày đã nằm đây rồi.

– Tao tránh một người đi đường.

Nói xong câu đó thằng Cường im lặng. Tránh người đi đường, tránh kiểu gì mà đâm cả vào dải phân cách, đường đó rộng thênh thang, có ba xe máy với một xe con đi dàn hàng ngang vẫn vừa, mà tối thì ít người đi đường ấy, làm gì đông tới mức phải tấp vào lề để tránh như thế.

– Mày uống rượu à?

– Mày không tin thì tao cũng không biết nói sao nữa.

– Thế mày nghĩ sao tao tin được, đường Đèo Cái tao đi mòn chân rồi, có chật hẹp gì đâu mà mày phải đâm vào dải phân cách.

– Người ấy đi bộ, ngược chiều với tao, nhưng mà…

Thằng Cường chợt cau mày, giọng ngập ngừng, có vẻ như còn điều gì uẩn khúc trong suy nghĩ của cậu ta. Đi ngược chiều, vậy sẽ dễ tránh hơn, có thể thấy người đó tới từ hướng nào, người đó mà đánh võng quá thì cùng lắm là mình dừng xe cho họ qua rồi đi tiếp. Cần gì phải hổ báo tranh đường với nhau, nhiều một chuyện không bằng ít một chuyện, thằng Cường phải là người hiểu câu này hơn ai hết.

– Nhưng mà người ấy không phải đi, không phải chạy, tao cũng không hiểu.

– Là sao?

– Đang chạy xe thì đột nhiên tao thấy có người đi bộ trên đường, người ấy đi ngược chiều với tao, lúc nhìn thấy thì tao nghĩ phải cách hơn trăm mét, nhưng chưa kịp giảm tốc thì tao đã thấy có người đứng chắn trước đèn xe máy.

– Rồi mày bảo người ta tránh phải không?

– Ừ, tao hét lên tránh ra, nhưng người ấy lờ đi, còn càng lao nhanh tới trước đầu xe tao, cuống quá tao mới hét dừng lại, chỉ chưa đến ba giây mà người ấy đã áp sát xe tao. Vì vẫn đang chạy ở mức 40km/h nên tao lập tức ngoặt tay lái, xe mới đâm vào dải phân cách như vậy.

– Sau đó mày vẫn tỉnh phải không?

– Tao …

Thằng Cường lại im lặng, mặt biến sắc, có phần tái đi trông thấy. Tôi cũng bị lời kể của thằng ấy làm cho lạnh hết người, ai lại đi lao vào đầu xe máy như vậy, chỉ có người điên, mà chạy cũng quá nhanh nữa.

– Tao không thấy người ấy đâu nữa.

– Ý mày là lúc mày nhìn lại thì người ấy biến mất?

– Ừ, chỉ có mình tao nằm trên đường.

Tới lượt tôi im lặng, chuyện quái gì thế, là ma thật hay là thằng này bị quáng gà? Tôi không tin, làm gì có ma trên đời này chứ, ma chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng thôi, ma chỉ dùng để dọa lũ trẻ không chịu đi ngủ sớm và hay khóc thầm lúc ban đêm. Nhưng còn tôi thì sao, chuyện tôi thấy lúc nãy đâu phải do tôi tự nghĩ ra.

– Mày tin được không?

Thằng Cường bất giác hỏi, cậu ta nhìn tôi bằng vẻ mặt thành khẩn, như ép tôi phải tin vào những điều cậu ta vừa nói. Tin được sao, tôi không có mặt lúc xảy ra tai nạn, tôi cũng không phải thằng Cường, càng không phải cái người đi ngược chiều đó, sao tôi tin được. Nhưng thằng Cường không phải dạng người thích đổ lỗi cho ngoại cảnh, chuyện cậu ta gây ra, xấu đẹp gì thì cậu ta cũng sẽ nhận trách nhiệm, không thể chỉ vì một lần ngã xe mà cậu ta bịa chuyện để chữa thẹn được.

– Tao không biết, mày dám chắc là có người đi ngược chiều với mày à?

– Tao chắc chắn, vì đoạn đường đó có một khúc ngoành nên tao quan sát rất kỹ, đi đêm trên đường đèo đâu phải dễ.

Cũng đúng, mà Đèo Cái không phải đường dân sinh, nó chạy qua một quả đồi, nối liền giữa khu công nghiệp với những bản làng trong trấn. Đường đó không ngoằn nghèo khó đi, chỉ có điều là nó vắng, càng về tối thì càng vắng, tôi chắc chắn từ lúc 8h tối tới 5h sáng sẽ chẳng có xe nào chạy qua đường đó. Vậy mà lại có người đi bộ vào lúc 9h, chuyện này kể cũng lạ thật.

Nhưng chuyện này xem như cũng qua rồi, dù là có ma quỷ thật đi chăng nữa, thằng Cường cũng không chết, người ta bảo gặp ma là vì nó muốn bắt mình thế mạng cho nó, gặp rồi mà không chết thì còn sợ gì nữa. Tôi thấy việc đã được giải quyết ổn thỏa rồi, giờ chỉ cần thằng bạn tôi nghỉ ngơi vài hôm, không cần phải suy nghĩ về chuyện này thêm, cái gì đã qua thì cho qua đi.

– Thôi, đừng nghĩ về nó nữa, mày không sao là tốt rồi, giờ thấy trong người thế nào, chân còn đau không, để tao đi gọi y tá tới khám cho mày nhé.

Thằng Cường chỉ gật gật đầu, chắc vẫn chưa dứt được suy nghĩ về vụ tai nạn. Tôi bảo nó nằm chờ để đi gọi y tá.